Những người giữ hồn di sản
Nghệ nhân (NN) nói chung là người nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật về di sản văn hóa phi vật thể. Chính họ, bằng tình yêu, tài năng, tâm huyết của mình đã và đang kể thừa, phát huy, góp phần thắp sáng ngọn lửa di sản trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Với vùng đất “địa linh nhân kiệt”, lắng đọng trầm tích văn hóa ngàn năm như mảnh đất xứ Thanh, c ác NN chính là “báu vật nhân văn sống”, “hạt nhân trung tâm” trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Hòng (thôn Khang Bình, xã Quảng Yên, Quảng Xương).
1. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Thiên Linh, tuổi nhỏ đã từng được xem biểu diễn trò Tú Huần, Quân Thuyền, lại là người yêu văn hóa - văn nghệ nên Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Ngô Thị Hòng (thôn Khang Bình, xã Quảng Yên) luôn sống với niềm đau đáu, trăn trở trước sự mai một của những giá trị văn hóa truyền thống mà bao đời cha ông tâm huyết xây dựng, gìn giữ và trao truyền. Bà Hòng giãi bày: “Đất Thiên Linh xưa, nay là xã Quảng Yên, Quảng Xương có ngũ trò Thiên Linh (trò Tú Huần, Quân Thuyền, Văn Vương, Trống Mõ và Tiên Cuội) gắn với ngôi đền Thiên Linh (đền Riềng, đền Thượng) mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, suốt một thời gian dài, các trò diễn bị mai một. Mong mỏi của tôi và rất nhiều người dân trong làng, xã là các trò diễn được khôi phục, các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông được bảo tồn và phát huy”.
Bà Hòng mang nỗi niềm trăn trở ấy chia sẻ với người chồng của mình và được ông hết lòng ủng hộ. Chẳng đợi ai giao việc, chẳng gắn với trách nhiệm nào, đôi vợ chồng ấy miệt mài, say sưa tìm kiếm, nghiên cứu tư liệu trong sách vở, cất công sưu tầm, ghi chép theo lời của các cụ cao niên trong làng kể lại và mạnh dạn “gõ cửa”, gặp gỡ một số nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian xứ Thanh ngỏ ý muốn mượn tư liệu và giải đáp nhiều điều hay, chuyên sâu hơn về các trò diễn này.
Từ các tư liệu ấy, bà Hòng đối chiếu với nhau, tìm ra những điểm chung nhất, gần gũi nhất với nguyên gốc. Khi tìm được điều gì tâm đắc, bà lại háo hức trò chuyện, khoe ngay với chồng rồi hai ông bà cùng thảo luận thêm. Những lời ca, điệu múa Tú Huần, Quân Thuyền được khôi phục, có một phần từ tình yêu thương, sự thấu hiểu, động viên lẫn nhau cả vợ chồng bà Hòng, ông Mậu. Điều đó càng làm gia tăng giá trị, vẻ đẹp, ý nghĩa của di sản trong đời sống hôm nay và mai sau.
Những năm sau đó, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành trong tỉnh, huyện, xã Quảng Yên có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy trò diễn Tú Huần, Quân Thuyền. Bà Hòng cũng là một trong những người hăng hái, quyết tâm, đóng góp nhiều nhất đối với việc thành lập tổ dân ca, dân vũ truyền thống xã Quảng Yên. Bà Hòng tâm sự: “Ban đầu, nhiều người cũng không hào hứng tham gia. Phần vì bận bịu công việc, phần vì chưa thực sự hiểu về cái hay, cái đẹp ở các trò diễn dân gian, truyền thống của quê hương”. Bà Hòng kiên trì kêu gọi, mang những kiến thức mình trau dồi được trò chuyện với mọi người để cùng hiểu hơn về nét đẹp của trò diễn cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia tổ dân ca, dân vũ. Bà Hòng tỉ mỉ dàn dựng, uốn nắn từng động tác múa, lời ca; các thành viên tham gia tổ dân ca, dân vũ ngày càng thêm đông; mỗi buổi tập luyện luôn diễn ra trong không khí vui vẻ, rộn ràng.
Năm 2008, lần đầu tiên, tổ dân ca, dân vũ xã Quảng Yên tham dự Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XII tại Lang Chánh và đạt giải nhất cho trò diễn Tú Huần. Từ cái buổi ban đầu ấy, tổ dân ca, dân vũ tiếp tục tham dự nhiều sự kiện lớn của huyện, tỉnh, đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận. Từ một di sản bị mai một, nét đẹp, độc đáo của trò diễn Tú Huần, Quân Thuyền nói riêng, ngũ trò Thiên Linh nói chung được khôi phục, quảng bá rộng rãi, nhiều người biết đến.
Sau mấy chục năm gắn bó với trò diễn, dẫu đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, NNƯT Ngô Thị Hòng vẫn nhiệt huyết, say mê với các hoạt động văn hóa - văn nghệ. Bà Hòng chia sẻ: “Điều mong mỏi lớn nhất là có thể truyền được cảm hứng, động lực đến các bạn trẻ, để các bạn trẻ nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống quê hương”.
2. Ông Nguyễn Văn Đợi (66 tuổi, thôn Hưng Phú, xã Hưng Lộc) đã có khoảng 30 năm gắn bó với công việc đóng Long Châu phục vụ Lễ hội Cầu Ngư (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc) - Di sản Văn hóa phi vật thế quốc gia. Là người con vùng đất biển Ngư Lộc thấm đẫm nét đẹp, giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, ngay từ nhỏ, ông Đợi đã được sống trong không khí lễ hội Cầu Ngư. Không phải là con “nhà nòi”, ông Đợi khiêm tốn tự nhận mình là người sẵn lòng yêu thích, đam mê, lại thêm chút năng khiếu, khéo tay nên mày mò tìm hiểu, học hỏi cách thức làm Long Châu từ những người thợ giỏi có tiếng của làng. “Trăm bó đũa, chọn cột cờ”, được sự tín nhiệm của chính quyền địa phương, các vị cao niên và Nhân dân trong làng, xã, từ khoảng năm 1987 đến nay, ông Đợi đã đảm nhận vai trò thợ chính, trực tiếp hướng dẫn tổ thợ đóng Long Châu phục vụ lễ hội Cầu Ngư.
Lễ hội Cầu Ngư, diễn ra từ ngày 22/2 đến 24/2 âm lịch hằng năm, là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lớn nhất và có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân làng Diêm Phố xưa, Ngư Lộc ngày nay. Cũng như phần lớn các lễ hội khác, lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc diễn ra với 2 phần chính: phần lễ và phần hội. Trong đó, nghi thức rước Long Châu được xem là biểu tượng, linh hồn của lễ hôi. Cũng giống như những con thuyền là biểu tượng của nghề biển, Long Châu phản ánh chức năng và quyền lực của các thần vùng sông, biển, đồng thời chuyên chở lễ vật cùng những mong cầu, ước nguyện của người dân gửi tới thần linh. Thông qua hoạt động rước Long Châu, người dân làng Diêm Phố cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, hướng về nguồn cội, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ.
Bởi sự kì công, đòi hỏi tính thẩm mỹ cao cùng với những ý nghĩa lớn lao về tâm linh nên quá trình đóng Long Châu được chính quyền, người dân làng Diêm Phố chuẩn bị kĩ lưỡng. Theo đó, cao niên trong làng chọn ngày, giờ hoàng đạo theo năm, theo tháng để tiến hành công việc. Trước khi vào việc, chủ tế của làng cùng đại diện chính quyền địa phương, thợ cả dâng hương báo cáo với thành hoàng bản thổ tại địa điểm tổ chức đóng Long Châu ở thôn Bắc Thọ. Ông Đợi là tổ trưởng, chịu trách nhiệm chính; cùng chung tay với ông là đội thợ khoảng 5 - 7 người. Ông Đợi cho biết: “Các thành viên của đội thợ đều là những người có tay nghề, tham gia vào công việc của làng, xã chủ yếu bằng cái tâm, bằng tình cảm với giá trị văn hóa truyền thống cha ông trao truyền”. Tuy nhiên, việc lựa chọn thành viên tổ thợ cũng có những “kiêng kị” riêng; gia đình trong năm “có tang, có cớ” sẽ không được tham gia.
Long Châu thực chất là chiếc thuyền rồng được làm bằng các nguyên liệu chủ yếu là luồng, nứa, giấy màu, xốp... Kích thước của Long Châu tùy thuộc vào quy mô tổ chức lễ hội. Ông Đợi bộc bạch: “Trong quá trình làm Long Châu, tôi và các thành viên trong tổ thợ luôn nỗ lực, cố gắng hết mình để làm sao hoàn thiện vật tế đẹp nhất, ấn tượng nhất dâng lên thần linh. Là người chịu trách nhiệm thiết kế, lên ý tưởng, một mặt, tôi kế thừa những nét hay, nét đẹp từ các mẫu Long Châu đã được cha ông sử dụng trong các dịp lễ hội xưa, mặt khác tôi tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo thêm nhằm nâng cao tính thẩm mỹ, sống động, để Long Châu hoàn thiện ở mức cao nhất”.
Như đã bắt “trúng mạch”, câu chuyện của ông Đợi về những trăn trở, sáng tạo của ông trong cách thức làm Long Châu càng lúc càng sôi nổi. Ông Đợi nói chuyện về chiếc đầu rồng được thiết kế ra sao, làm chiếc đuôi rồng kì công như thế nào, cách thổi hồn vào những hình nộm bằng xốp để ông tổng lái có cái nét từng trải, kiên định, quyết đoán không giống với thần thái ông tổng mũi; ông phong thì nho nhã, thoát tục còn ông vũ thì mạnh mẽ... Điều đó đã phần nào cho thấy tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm mà ông Đợi gửi gắm trên từng đường nét, hình khối, sắc màu của Long Châu. Do tay nghề cao cùng với cái tâm dành cho công việc nên ông Đợi được mời đóng Long Châu tại các địa phương vùng ven biển khác như Nga Sơn, Hoằng Hóa...
Quãng thời gian khoảng 30 năm gắn bó với công việc đóng Long Châu, ông Đợi vẫn luôn đặt chữ tâm, chữ tình lên trên hết. Lễ hội là tài sản tinh thần vô giá của Nhân dân và ông Đợi là một trong những người vinh dự được góp phần nhỏ bé trong việc bảo tồn và phát huy ngọn lửa di sản. Hỏi về việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân, ông Đợi cười hiền. Ông bảo: “Mọi việc trên đời hãy cứ xem như cơ duyên. Khi chưa đạt được điều gì nghĩa là duyên chưa tới”. Thiết nghĩ, đời người liệu có mấy lần 30 năm? Quan tâm đúng mực và cư xử xứng tầm với nỗ lực, đóng góp của những người như ông Đợi cũng là cách chúng ta bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thiết thực, hiệu quả nhất.
Thảo Linh
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-11-21 12:16:00
Xây dựng những tuyến đường mở hướng tương lai
Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, xu thế tất yếu, giải pháp hiện đại để khơi thông tiềm năng trên tất cả các lĩnh vực”
Dưới chân núi Chiếu Bạch
“Tiếng gọi của khoảng trống” – viết như nội tâm hóa sự tham dự văn hóa
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 1): Cần “cởi bỏ” tấm áo “phòng, chống”
“Trăm năm còn gió heo may” và giai điệu cuộc đời
“Bản chất XDNTM nói chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, để nông thôn thật sự trở thành những làng quê đáng sống”
Điều còn mãi
Chuyện thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa