(Baothanhhoa.vn) - Cho đến tận ngày hôm nay, khi thời gian cùng biến ảo thời cuộc đã làm mất đi nhiều giá trị thì sự hiện diện của những ngôi chùa, đình, đền, bia đá cổ... trên nền bức tranh sơn thủy hữu tình vẫn đủ sức vẽ nên một vùng danh lam thắng cảnh, lịch sử - văn hóa tiêu biểu, độc đáo dưới chân núi Chiếu Bạch (nay thuộc xã Yến Sơn, Hà Trung).

Dưới chân núi Chiếu Bạch

Cho đến tận ngày hôm nay, khi thời gian cùng biến ảo thời cuộc đã làm mất đi nhiều giá trị thì sự hiện diện của những ngôi chùa, đình, đền, bia đá cổ... trên nền bức tranh sơn thủy hữu tình vẫn đủ sức vẽ nên một vùng danh lam thắng cảnh, lịch sử - văn hóa tiêu biểu, độc đáo dưới chân núi Chiếu Bạch (nay thuộc xã Yến Sơn, Hà Trung).

Dưới chân núi Chiếu BạchĐền thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu được trùng tu, tôn tạo năm 2006.

Núi Chiếu Bạch, từ xa nhìn lại, tựa hồ như con chim Yến nên còn có tên gọi khác là Yến Sơn, thuộc làng Bình Lâm (tên cổ là Hoa Lâm), xã Yến Sơn. Ngôi làng ở vào vị trí khá đặc biệt khi có sông Lèn, sông Chiếu Bạch đi qua soi bóng những ngọn núi có độ cao vừa phải, rợp xanh bóng lá. Được biết, vùng đất Hoa Lâm xưa có đến 20 ngọn núi đất và đá. Trong đó, “chủ sơn” trên đất Hoa Lâm là núi Chiếu Bạch với ngàn cây tươi tốt, non nước thanh u... Hiện diện trên nền cảnh sắc thiên nhiên hữu tình ấy là một vùng di tích độc đáo, đa dạng như: Đền thờ Lê Phụng Hiểu, đền thờ thần Cao Sơn, đền thờ quận công Nguyễn Thất Lý, đền thờ bà Chúa, đình Phúc, chùa cổ, các tấm bia đá... Núi - sông tự tình, làng mạc thanh bình, đời sống văn hóa - tâm linh phong phú, Bình Lâm thực là chốn phong tình, gọi mời bậc tao nhân mặc khách.

Tìm về với Bình Lâm, về dưới chân núi Chiếu Bạch thăm thú những di tích tiêu biểu và cốt để hiểu hơn về mạch nguồn lịch sử - văn hóa của làng, xã nơi đây. Dòng sông xưa chảy sát chân núi đã không còn; một số di tích cũng chỉ là quá vãng. Dưới chân núi Chiếu Bạch hôm nay, những di tích còn hiện hữu như: đình Phúc, chùa Bình Lâm (Chiếu Bạch), đền thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu, bia đá đề thơ... là chứng nhân của lịch sử, thầm thì kể chuyện đất và người Bình Lâm với du khách thập phương.

Lần trong bóng núi, những tấm bia đá cổ kể chuyện các vị vua Lê đã từng đặt chân đến mảnh đất này, vì cảm mến với một vùng danh thắng mà ngự bút đề thơ. Đó là năm Tân Dậu (1501), niên hiệu Cảnh Thống thứ tư, vua Lê Hiến Tông từ kinh đô Thăng Long trở về thăm đất tổ, sau khi bái yết sơn lăng đã đi qua và dừng chân thăm thú cảnh sắc núi sông Chiếu Bạch. Sau đó 13 năm, cũng trong một ngày xuân, vua Lê Tương Dực đậu thuyền rồng, ghé Chiếu Bạch vãn cảnh đề thơ. Những con chữ ghi tạc vào đá, lưu giữ hàng trăm năm cái danh giá, tự hào: “...Ánh xuân di chuyển lộng xanh trời/ Đá vắng cao vờn nước cuộn trôi/ Đất nước quỳnh soi vời ngóng trước/ Ngọc hồ yểu điệu giọng ngâm người/ Núi như gấm vóc thơ vui mãi/ Đạo cách trần ai, lẽ đạo vời...”.

Khi bia đá kể chuyện người xưa vãn cảnh đề thơ thì ngôi đình Phúc bao đời vẫn khiêm nhường, lặng lẽ dõi theo những chuyển động của dòng sông Lèn ở phía trước mặt. Các cụ cao niên trong làng cho biết: Ngôi đình được xây dựng từ thời Nguyễn, cấu trúc theo hình chữ Đinh gồm 1 nhà tiền đường 5 gian 2 chái và nhà hậu cung 3 gian. Ngôi đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống. Đình bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu quãng thời gian song hành cùng lịch sử hình thành và phát triển của làng Bình Lâm nói riêng, huyện Hà Trung nói chung. Đình Phúc là nơi lưu dấu nhiều sự kiện cách mạng tiêu biểu của làng, xã và huyện Hà Trung. Năm 1945, trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, đình Phúc chính là nơi chứng kiến sự kiện tri phủ Hà Trung - Tạ Quang Đệ đã giao toàn bộ ấn tín và giấy tờ cho chính quyền cách mạng lâm thời. Đến nay, ngôi đình vẫn làm tốt chức năng là nơi Nhân dân trong làng hội họp, bàn bạc việc chung, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ và thờ Thành hoàng làng... Bởi thế mà qua bao dâu bể, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình vẫn luôn là những mảnh ghép quan trọng, không thể thiếu để họa nên bức tranh làng cùng hoài niệm, ký ức đậm sâu.

Dưới chân núi Chiếu BạchCảnh sắc thiên nhiên núi Chiếu Bạch.

Vòng xoay thời gian, biến động thời cuộc làm mất đi nhiều giá trị. Nhưng cũng chính thời gian là câu trả lời rõ ràng nhất về sức sống của di sản, của các giá trị lịch sử - văn hóa trong đời sống tinh thần. Ví như câu chuyện trùng tu, tôn tạo lại chùa Chiếu Bạch, đền thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu trên mảnh đất Bình Lâm này.

Núi Chiếu Bạch, địa danh gắn liền với giai thoại về Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu thuở thiếu thời. Chuyện kể rằng: Ngọn núi Chiếu Bạch vốn là nơi trú ngụ của năm mẹ con hổ dữ, chuyên quấy phá cuộc sống của dân lành. Vì cuộc sống mưu sinh, cậu bé Lê Phụng Hiểu ngày ngày vẫn qua sông sang vùng rừng núi Hoa Lâm thâm u để kiếm củi. Với vóc dáng to khỏe, cao lớn dị thường, cậu bé Lê Phụng Hiểu đã giúp dân làng diệt trừ hổ dữ. Mỗi lần đả hổ, mang xác hổ xuống núi, Lê Phụng Hiểu chẳng đòi hòi điều gì ngoài một bữa cơm no. Là một nhân vật hiển hách trong lịch sử nước ta, cả cuộc đời và sự nghiệp của Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu luôn hết mình vì nước, vì dân, lập nhiều công trạng. Vì lẽ đó, khi ông mất, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thờ tự để tưởng nhớ, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, thành kính, tri ân sâu sắc.

Tại núi Chiếu Bạch, đền thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu (đền Chiếu Bạch sơn thần, nghè thánh Bưng) được xây dựng từ thời Lý, ngay sau khi ông mất. Đến triều Hoàng Định, thời vua Lê Kính Tông, triều đình đốc thúc việc tu sửa lại đền và giao cho chính quyền, Nhân dân địa phương trông coi, phụng thờ. Trước kia, đền có 5 gian tiền đường và 2 gian hậu cung, hướng về phía sông Chiếu Bạch. Tương truyền, ở trước đền có tảng đá in rõ dấu chân khổng lồ dài gần 2 thước, rộng 7 tấc. Đến nay, ngôi đền cũ đã không còn. Năm 2006, một không gian thờ phụng nhỏ được phục dựng lại dưới chân núi Chiếu Bạch, ngay trong khuôn viên chùa Chiếu Bạch. Dẫu chẳng quy mô, bề thế được như xưa nhưng sự hiện diện của không gian ấy là kết nối linh thiêng giữa quá khứ và hiện tại, là lòng thành của các thế hệ hôm nay hướng về nguồn cội, tri ân công đức tiền nhân.

Nét tĩnh lặng, thanh nhã mà cảnh sắc thiên nhiên núi Chiếu Bạch mang lại khiến lòng du khách như dịu nhẹ. Trong sự tiếc nuối, bâng khuâng bởi những điều đã vĩnh viễn mất đi thì sự “hồi sinh” của những di tích như: chùa Chiếu Bạch, nơi thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu và cách các thế hệ người dân nơi đây chung sức đồng lòng bảo tồn, phát huy giá trị di tích, yếu tố lịch sử - văn hóa truyền thống đã viết lên khúc ca đẹp.

Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]