"Tiếng gọi của khoảng trống" – viết như nội tâm hóa sự tham dự văn hóa
“Tiếng gọi của khoảng trống” (Viện Nhân học Văn hóa và NXB Hội Nhà văn, 2022), là công trình nối tiếp cuốn sách “Tròng trành và lệch chuẩn - viết như nội tâm hóa sự tham dự văn chương” (2020). Thông qua 27 tiểu luận/ tùy bút chân dung các nhà văn hóa, tư tưởng Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến nay, Đỗ Lai Thúy đã giúp độc giả nhìn thấy những “khoảng trống” trên hành trình phát triển của lịch sử văn hóa, lịch sử tư tưởng nước ta . Và rồi, chính những “khoảng trống” ấy “tự thân phát ra lời kêu gọi được lấp đầy”. Ai là người thực hiện sứ mệnh ấy nếu không phải là thế hệ hôm nay và mai sau?
Cuốn sách được viết như “nội tâm hóa sự tham dự văn hóa” của PGS.TS Đỗ Lai Thúy ra mắt bạn đọc năm 2022 với nhan đề rất gợi, tưởng nghịch lý mà thống nhất, sâu sắc: “Tiếng gọi của khoảng trống”. Cuốn sách có dung lượng gần 400 trang, được cấu trúc thành hai phần. Nếu phần 1 - “Đầy và rỗng, con đường của tri thức Việt” là một tiểu luận trình bày sự phát triển của trí thức Việt Nam từ khi hình thành tầng lớp trí thức Tây học như “mẫu người văn hóa” thì phần 2 - “Phía bên kia của mặt trăng” đi sâu vào từng chân dung nhân vật đã góp phần làm nên diện mạo, đời sống của con đường ấy.
Cuối thế kỷ XIX, đầu XX là một bước ngoặt lớn trong lịch sử Việt Nam trên tất cả các phương diện. Dù muốn hay không, sự hiện diện của thực dân Pháp như “một công cụ vô ý thức của lịch sử”, đã thúc đẩy Việt Nam đi về phía hiện đại. Tuy nhiên, hành trình này ở/ của Việt Nam diễn tiến dài lâu, lắm quanh co, nhiều khúc khuỷu. Đi liền với những thay đổi trong chính trị, nhận thức xã hội, văn hóa, giáo dục là sự hình thành của một lớp trí thức Tây học bản địa vừa có lòng yêu nước, vừa có tham vọng xây dựng một nền văn hóa mới, khác với văn hóa cổ truyền. Đó là (1) các trí thức Kito giáo cuối thế kỷ XIX đầu XX; (2) các nhà nho duy tân; (3) các nhà Tây học duy nho; (4) các nhà Tây học thuần thành và (5) các nhà Tây học mác-xít.
Theo PGS.TS Đỗ Lai Thúy, “lớp trí thức mới này vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa đô thị Việt Nam hiện đại”. Những đổi mới trong tư duy, khát vọng xây dựng một nền văn hóa mới của họ đã vấp phải nghịch lý của lịch sử, xã hội khiến họ như những “con người ở phía sau mặt trăng”. Hành trình của người trí thức Tây học Việt Nam, thuộc loại hình mẫu người văn hóa cá nhân. Trên hành trình ấy, nhiều khoảng trống, khoảng rỗng cần được lấp đầy.
Lần giở phần 2 của cuốn sách, đối diện với mỗi chân dung văn hóa, bằng kiến thức kim - cổ uyên bác, thâm sâu, Đỗ Lai Thúy cần mẫn mở từng lớp cửa, dẫn bạn đọc đi xuyên qua từng lớp lang tư liệu, sự kiện để thấu hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp cùng những đóng góp của “mẫu người văn hóa” ấy. Ở đó, độc giả sẽ bắt gặp nhiều chân dung quen thuộc; cũng sẽ có những háo hức, mong chờ khi lần đầu tiên “chạm mặt” những con người mới hoặc sẽ thú vị, ngạc nhiên trước điểm nhìn, cách tiếp cận mới mẻ, sâu sắc về một chân dung ngỡ quen mà hóa lạ. Đọc “Tiếng gọi của khoảng trống”, độc giả có cảm giác như đang được trải nghiệm hành trình văn hóa, thông qua từng lát cắt riêng. Hành trình ấy không mong cầu đón tiếp cho thật đông đảo du khách, lướt trên mặt chữ như “cưỡi ngựa xem hoa” rồi ngó nghiêng, bình phẩm với những ý hệ, nhận thức hời hợt. Những người nghiêm túc bước lên hành trình ấy sẽ thu nhận cho mình đầy đủ hành trang tri thức để cùng tác giả trở thành những “thám mã văn hóa”.
27 chân dung văn hóa xuất hiện trong tập sách của PGS.TS Đỗ Lai Thúy, mỗi người là một cá tính riêng, mang câu chuyện của riêng mình. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ đều có chung một nỗi buồn. PGS.TS Đỗ Lai Thúy đã giải mã và gọi tên nỗi buồn của cả một thế hệ trí thức Tây học cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: “Với mọi trí thức Việt Nam, kể từ khi người Tây đầu tiên đặt chân lên xứ này, đều thấy có một xung đột văn hóa. Trước đây, người ta không trải nghiệm cảm giác này, bởi ta với Tàu, dẫu sao, cũng là những nước đồng chủng, đồng văn, thậm chí, còn đồng ý thức hệ nữa! Còn Tây thì khác, khác cả nòi giống lẫn văn hóa. Sự xung đột văn hóa Đông Tây là không tránh khỏi”. Chính những xung đột này đã làm nên số phận đặc biệt của họ.
Một trong những điểm chung nhất, đặc biệt nhất trong cuộc đời của họ, đó là khao khát đổi mới, cách tân, chấp nhận làm kẻ độc hành, đi “ngược chiều gió thổi”, đối mặt với bao nghiệt ngã, định kiến, hiểu lầm để kiên định lý tưởng. Những con đường họ đi, những điều họ theo đuổi, hết thảy đều bắt đầu từ văn hóa. Như câu chuyện của “Trương Vĩnh Ký, người mở đầu đối thoại Đông Tây”, “Phan Châu Trinh, nhà tư tưởng”: “Nguyễn Văn Vĩnh người Nam mới đầu tiên”, “Phạm Quỳnh ngọn gió Nam”; “Phan Khôi bước chuyển từ chính trị sang văn hóa”; “Hồ Hữu Tường nhà tư tưởng “thân Việt”...
Người “thám mã” ấy nhìn sâu vào bản chất nội tại của xã hội Việt Nam đương thời để cắt nghĩa “nghịch lý canh tân” đã làm nên bi kịch cuộc đời Nguyễn Trường Tộ. Đó là “bi kịch của người viễn kiến, người thấy trước những vấn đề tương lai để giải quyết vấn đề hiện tại”. Khi xã hội còn đang mải tranh cãi, chia phe nên hòa hay nên đánh - tư duy truyền thống thì Nguyễn Trường Tộ đã chủ trương “trong hòa có đánh”, hòa để mà đánh. Đỗ Lai Thúy sắc sảo nhận định: “Chữ đánh đây cũng không chỉ đơn thuần bằng sức mạnh quân sự, mà bằng cả sức mạnh kinh tế lẫn đường lối đối ngoại, biết lợi dụng quốc tế, tức biết quốc tế hóa vấn đề Việt Nam, tự cường nhờ khoa học - kỹ thuật phương Tây. Đây là đường lối cứu nước bằng văn hóa chứ không chỉ đơn thuần bằng bạo lực quân sự. Có thể nói, đây là một cuộc cách mạng tư duy”, “thay đổi hệ hình tư duy”.
Đọc “Nguyễn Khắc Dương tìm mình qua xung đột văn hóa”, độc giả cảm nhận được sự tri âm, trân trọng, đồng cảm sâu sắc giữa hai người bạn, hai con người học thuật: “Con người Nguyễn Khắc Dương, dù phát triển cao như vậy, mà vẫn không phải là con người thuần nhất. Đằng sau người trí thức Tây học là một tu/ cư sĩ công giáo; đằng sau con người tu/ cư sĩ công giáo là một anh “đồ Nho”, mà lại là “đồ Nghệ”, gàn đến ba đời. Những con người trong con người này khập khiễng nhau, tranh chấp nhau, ảnh xạ những khác biệt, những xung đột về văn hóa, triết học, tôn giáo và kiểu tư duy”. Nếu chỉ bằng sự quan sát đơn thuần, Đỗ Lai Thúy sẽ không thể đi đến tỏ tường những xung đột suốt một đời đan cài, vây chặt bước đi của người trí thức: “Cuối đời Nguyễn Khắc Dương là một hành trình tìm kiếm bản thân. Ông là người đa văn hóa. Trong ông, các văn hóa khác nhau xung đột nhau. Và cứ mỗi lần xung đột này được hóa giải, thì xung đột khác lại nổi lên như mây mưa tụ ở chân trời. Cứ như thế sau mỗi lần xung đột được hóa giải, phác thảo chân dung con người ông dần dần hiện rõ hơn. Nhưng hình như không bao giờ có bức tranh cuối cùng”. Và Nguyễn Khắc Dương tựa hồ như “một trường lữ đi trên con đường không có đường”.
Động lực thôi thúc, mục tiêu hướng tới khi thực hiện cuốn sách “Tiếng gọi của khoảng trống” được PGS.TS Đỗ Lai Thúy chân thành chia sẻ: “Trước đây, do thiếu tư liệu, do quan niệm chưa đầy đủ về yêu nước, do sự thống ngự của cái nhìn ý hệ, nên nhiều vấn đề về văn hóa, kể cả những nhân vật thay đổi hệ hình, còn bị khuất lấp. Như những con người ở phía sau của mặt trăng. Cuốn sách hy vọng góp phần chỉ ra được những khoảng trống đó trên con đường phát triển liên tục của lịch sử văn hóa và lịch sử tư tưởng. Những khoảng trống đó tự thân phát ra lời kêu gọi được lấp đầy”, “một tiếng gọi cần được đáp trả”, “một rỗng cần phải lấp đầy”...
Nguyên Linh
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-11-20 09:54:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 1): Cần “cởi bỏ” tấm áo “phòng, chống”
“Trăm năm còn gió heo may” và giai điệu cuộc đời
“Bản chất XDNTM nói chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, để nông thôn thật sự trở thành những làng quê đáng sống”
Điều còn mãi
Chuyện thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Đường Hồ Chí Minh trên biển: Không chỉ là huyền thoại!
“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 1): Hoa trong bão, lũ
“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 2): Những chuyến đi nghĩa tình
Những người phụ nữ tôi kính trọng
Phát huy nội lực, xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Quan Sơn