Những lợi thế của Trung Quốc ở châu Phi
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) diễn ra từ ngày 4-6/9/2024 là sự kiện ngoại giao lớn nhất do Trung Quốc tổ chức trong nhiều năm. Việc hơn 50 nhà lãnh đạo các nước châu Phi tham dự hội nghị cho thấy sức hút, cũng như vai trò ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc ở khu vực này.
Ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi
Thời gian gần đây, Trung Quốc thực hiện chính sách khá toàn diện nhằm mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi. Về chính trị - ngoại giao, hợp tác giữa Trung Quốc và các nước châu Phi ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, nhờ vào việc duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, có nhiều cơ chế hợp tác song phương, đa phương. Giới chuyên gia cho rằng, quy mô tổ chức, thành phần tham gia và chương trình nghị sự tại FOCAC năm 2024 cho thấy mức độ hợp tác ngày càng được chú trọng giữa Trung Quốc và các nước châu Phi. Hội nghị lần này đánh dấu một chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Hợp tác thương mại - đầu tư là trụ cột chính trong quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước châu Phi. Hiện Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Theo Tổng cục hải quan Trung Quốc, từ năm 2000 – 2023, quy mô thương mại Trung Quốc - châu Phi đã tăng từ dưới 100 tỷ nhân dân tệ lên 1.980 tỷ nhân dân tệ, tăng trung bình 17,2% mỗi năm. Năm 2023 tổng kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc - châu Phi đạt mức kỷ lục 282 tỷ USD.
Hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là trong khuôn khổ chiến lược “Vành đai và Con đường/OBOR”, là điển hình trong quan hệ hợp tác Trung Quốc - châu Phi. Theo công ty tư vấn Deloitte, Trung Quốc chiếm 31% tổng số dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi vào năm 2022. Còn theo số liệu của China Global Investment Tracker, giai đoạn 2021 - 2023, Trung Quốc đã ký kết 66 hợp đồng dự án với các chính phủ châu Phi. Trong số 66 hợp đồng, chỉ có 2 hợp đồng được ký kết là nằm ngoài khuôn khổ chiến lược OBOR.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, giới quan sát đang ngày càng chú ý đến nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn thông qua quan hệ hợp tác quân sự và an ninh trên khắp khu vực. Bắt đầu từ ngày 29/7 đến giữa tháng 8, cuộc tập trận chung “Hòa bình thống nhất 2024” được Trung Quốc tiến hành với Tanzania và Mozambique. Trung Quốc cũng đang nỗ lực áp dụng chiến lược xuất khẩu vũ khí chuyên biệt và dịch vụ an ninh để tạo ảnh hưởng ở châu Phi, cạnh tranh thị phần với Mỹ, Nga và các nước châu Âu. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), một số thương vụ đáng chú ý như việc Trung Quốc cung cấp tàu chiến cho Djibouti và Mauritania, máy bay không người lái cho Nigeria và Congo. Trong vài năm qua, ít nhất 21 quốc gia ở châu Phi cận Sahara đã nhận được nguồn cung cấp vũ khí đáng kể từ Bắc Kinh. Vũ khí của Trung Quốc có lợi thế về giá cả, cũng như nước này thường xuyên đưa ra các điều kiện linh hoạt về tài chính, hợp tác và huấn luyện quân sự.
Trung Quốc có lợi thế gì so với các đối thủ cạnh tranh chiến lược ở châu Phi?
Hiện nay, châu Phi đang trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, nhất là Nga, Mỹ và Trung Quốc. So với 2 đối thủ cạnh tranh hàng đầu, Trung Quốc có nhiều lợi thế để giúp nước này đạt được những thành công nhất được ở châu Phi.
Thời gian gần đây, vai trò, vị thế quốc tế của Trung Quốc không ngừng lớn mạnh, nhất là khi nước này đã thành công khi sắm vai trung gian hòa giải các mâu thuẫn, xung đột, từ đó cải thiện hình ảnh trong mắt các nước châu Phi vốn nhiều năm chìm trong bạo lực, bất ổn. Bắc Kinh đã gia tăng đáng kể ảnh hưởng chính trị của mình trong thế giới Ả Rập, bao gồm cả các nước Ả Rập ở Bắc Phi. Đặc biệt, với sự hòa giải của Trung Quốc vào tháng 3/2023, Saudi Arabia và Iran đã đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao. Với những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc, ngày 30/4/2024, Phong trào Giải phóng Dân tộc Palestine (Fatah) và Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (HAMAS) đã tổ chức đàm phán tại Trung Quốc về một khu định cư nội bộ của người Palestine.
Bên cạnh đó, Trung Quốc xây dựng mối quan hệ với các nước châu Phi dựa trên chính sách chính thức không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Đặc biệt, Bắc Kinh thận trọng về những vấn đề nhạy cảm, như xung đột, tôn giáo, sắc tộc... Theo Ilya Vinogradov, Viện Trung Quốc và châu Á hiện đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, quan hệ giữa Algeria và Maroc căng thẳng từ nhiều năm nay liên quan đến vấn đề về Tây Sahara, và việc duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với cả Algeria và Maroc là minh chứng rõ nhất cho chính sách đối ngoại khôn khéo, linh hoạt của Bắc Kinh ở châu Phi. Với Algeria, các công ty Trung Quốc chiếm vị trí dẫn đầu trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược ở nước này. Năm 2016, Tập đoàn các cơ quan cảng quốc gia Algeria và 2 công ty của Trung Quốc (Công ty xây dựng nhà nước Trung Quốc - CSCEC và Công ty xây dựng cảng Trung Quốc - CHEC) đã ký một hiệp định hợp tác liên doanh nhằm xây dựng cảng thương mại mới trị giá 3,3 tỷ USD. Cảng này có trung tâm đặt tại khu vực El Hamdania, Cherchell, thuộc tỉnh Tipaza. Với Maroc, mặc dù có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với châu Âu, song nước này đang tìm cách phát triển hợp tác với TQ, và chuyến thăm Trung Quốc của Vua Mohammed VI vào tháng 5/2016 chính là nền tảng quan trọng. Năm 2022, Maroc trở thành quốc gia Bắc Phi đầu tiên ký thỏa thuận gia nhập chiến lược OBOR của Trung Quốc.
Ngoài ra, các nước châu Phi phát triển hợp tác với Trung Quốc, bằng cách này hay cách khác, do nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững phù hợp với kế hoạch hiện đại hóa nền kinh tế quốc gia của họ. Họ cũng coi sự hợp tác này là cơ hội để giảm bớt ảnh hưởng và sự phụ thuộc vào Mỹ và các nước châu Âu. Trong khi đó, về phía Trung Quốc, khả năng cạnh tranh về giá và kinh nghiệm hợp tác cho phép các công ty xây dựng Trung Quốc thắng thầu để thực hiện nhiều dự án xây dựng khác nhau. Bên cạnh đó, chuyên gia Ilya Vinogradov chỉ ra rằng, các công ty Trung Quốc thường có chính sách đầu tư mạo hiểm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn những nhà đầu tư phương Tây tại châu Phi.
Xu hướng hợp tác giữa Trung Quốc và các nước châu Phi thời gian tới
Theo Alexandra Yankova, Giảng viên Trường Kinh tế Cao cấp Moscow, chuyên gia của RIAC nhận định, xu hướng cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, nhất là Nga, Mỹ và Trung Quốc, sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt ở châu Phi thời gian tới. Để chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh này, chính sách đối ngoại với châu Phi của Trung Quốc sẽ tập trung vào một số định hướng chính sau:
Thứ nhất, Trung Quốc sẽ nỗ lực cân bằng đối tác và cơ cấu ngành trong các hoạt động hợp tác ở châu Phi. Đánh giá quan hệ hợp tác thương mại - đầu tư giữa Trung Quốc và các nước châu Phi thời gian qua có thể thấy, nước này đang giành sự quan tâm khá lớn cho khu vực Bắc Phi. Từ năm 2017 đến năm 2022, đầu tư của Trung Quốc vào Ai Cập tăng 317%; để so sánh, đầu tư của Mỹ vào Ai Cập đã giảm 31% so với cùng kỳ. Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ai Cập vào năm 2014 và quan hệ đối tác chiến lược với Maroc vào năm 2016. Cường độ quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với Ai Cập và Algeria cũng được chứng minh bằng thực tế là số lượng hợp đồng xây dựng của 2 quốc gia này với Trung Quốc vượt quá các chỉ số tương tự trong hợp tác giữa Trung Quốc với các nước khác trong khu vực. Về cơ cấu ngành, trong giai đoạn 2021 - 2023, TQ chủ yếu tập trung đầu tư vào ngành năng lượng (21 hợp đồng) và cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải (18 hợp đồng).
Thứ hai, Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào các sáng kiến địa phương. Tuy nhiên, giới phân tích chính trị cho rằng, quy mô đầu tư của Trung Quốc vào các nước châu Phi sẽ đối mặt với nhiều khó khăn vì nước này cần thời gian để đáp ứng nhu cầu tài chính trong nước, đánh giá tính thanh khoản của các nước tiếp nhận và tính khả thi của các dự án. Có khả năng số lượng hợp đồng quy mô lớn sẽ tạm thời giảm đi nhưng các nước châu Phi sẽ có cơ hội nhận được khoản vay cho những sáng kiến có tác động xã hội và môi trường tốt hơn. Và mặc dù ngày nay, phạm vi dự án trong các lĩnh vực mới mà châu Phi quan tâm là tương đối nhỏ, nhưng những bước đầu tiên để mở rộng tương tác đã được thực hiện thông qua các hình thức hợp tác chuyên sâu và phương thức thanh toán mới đang được phát triển.
Thứ ba, mở rộng tìm kiếm và phát triển các mô hình hợp tác mới dựa trên ngành sản xuất. Theo “Tầm nhìn hợp tác Trung Quốc - châu Phi 2035”, các quốc gia được giao nhiệm vụ xây dựng “mô hình chuyển đổi và tăng trưởng mới”, với các lĩnh vực ưu tiên bao gồm nông nghiệp, phát triển thương hiệu “Made in Africa”, đổi mới khoa học và công nghệ, hiệu quả và sử dụng bền vững tài nguyên biển, chuyển đổi kỹ thuật số. Phát triển “xanh” và chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon được xác định là một nội dung quan trọng trong quan hệ hợp tác Trung Quốc - châu Phi thời gian tới. Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi năm 2021, các bên đã ký tuyên bố chung đầu tiên về khí hậu và cam kết thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược” về chống biến đổi khí hậu.
HÙNG ANH (Tổng hợp/phân tích)
{name} - {time}
-
2025-01-14 09:05:00
Ukraine mất thế trận trên chiến trường, thoả thuận ngừng bắn còn mơ hồ
-
2025-01-13 07:00:00
Điều gì chờ đợi Trung Đông sau một năm đẫm máu?
-
2024-09-06 09:12:00
Chuyến thăm lịch sử tới Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Ai Cập
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định sức mạnh của nền kinh tế Nga
“Yếu tố Trump” và quan hệ Mỹ - Nga
Lực lượng nào bắn hạ máy bay chiến đấu F-16?
Thủ tướng Anh Keir Starmer nỗ lực “đảo ngược” Brexit
Tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza đối mặt nhiều thách thức
Tại sao Israel và Hezbollah quyết định tránh một cuộc chiến lớn?
Các nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang Đông Nam Á
Ứng viên độc lập Robert Kennedy Jr. rút lui, tạo bước ngoặt cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?
Thách thức không nhỏ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu