Nhân rộng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng
Hằng năm, diện tích cây trồng của Thanh Hóa đạt khoảng 391.000 ha. Việc quản lý hiệu quả dịch hại tổng hợp trên cây trồng là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế cho sản xuất và bảo vệ môi trường.
Người dân trên địa bàn huyện Nông Cống áp dụng kiến thức quản lý dịch hại trên cây trồng vào sản xuất.
Thời gian gần đây, nông dân xã Trung Chính (Nông Cống) đã tích cực triển khai mô hình quản lý dịch hại trên cây lúa. Đây là thành quả nhân rộng từ mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa chất lượng cao được một số đơn vị chuyên môn phối hợp triển khai năm 2022. Tại thời điểm triển khai mô hình, người dân địa phương đã quen với lối sản xuất truyền thống, chưa chú trọng trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng thời điểm, đúng liều lượng nên chất lượng, năng suất cây lúa chưa cao. Ông Nguyễn Văn Hòa, người dân xã Trung Chính, cho biết: "Khi tham gia mô hình, người dân được tham gia 2 lớp tập huấn theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa. Nhờ đó, chúng tôi thăm đồng thường xuyên, trở thành “chuyên gia” đồng ruộng, khi phát hiện sâu bệnh, kịp thời sử dụng những biện pháp khắc chế hiệu quả và chủ động bảo vệ thiên địch... để tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng, an toàn với người sử dụng và giảm thiểu tác động của thuốc BVTV với môi trường".
Sau khi nông dân địa phương áp dụng chương trình đã hạn chế được sâu bệnh gây hại và số lần phun thuốc BVTV trên cùng đơn vị diện tích. Các loài sâu bệnh gây hại ở mức độ nhẹ hơn, lại tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư... Hiệu quả kinh tế của mô hình so với sản xuất truyền thống tăng 2,84 triệu đồng/ha. Từ những ưu điểm ban đầu, đến nay, người dân xã Trung Chính nói riêng và trên địa bàn huyện Nông Cống nói chung đã nhân rộng mô hình với tổng diện tích đạt 10 ha lúa ST25. Đồng thời, từng bước áp dụng trên các đối tượng cây rau màu, cây ngô... và duy trì các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp đến thời điểm hiện tại.
Thực hiện Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh về Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên một số cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa, mía, ngô và rau màu. Mục tiêu là giảm bớt việc sử dụng thuốc BVTV và phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng nông sản, xây dựng và duy trì sự cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp. Hằng năm, chi cục đã mở các lớp tập huấn về chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất để người dân nắm vững các nguyên tắc, phương pháp và áp dụng có hiệu quả việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV và thu gom bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng. Nhờ đó, nông dân được trang bị thêm kiến thức, kịp thời phát hiện và khống chế các loại dịch hại khi mới phát sinh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
Ông Phạm Khắc Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Triệu Sơn, cho biết: “Hằng năm, trung tâm đã phối hợp với một số đơn vị có liên quan, tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân những kiến thức về sử dụng phân bón, thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”. Công tác điều tra, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên các loại cây trồng chính được triển khai hiệu quả. Đồng thời, nâng cao khả năng nhận diện, phòng trừ sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng cho người dân. Theo đó, trên địa bàn huyện không để dịch hại phát sinh thành dịch, các cây trồng chính như lúa, rau màu, cây cảnh sinh trưởng, phát triển tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao".
Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sau thời gian triển khai chương trình hướng dẫn quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng, nông dân trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt được các thành phần sinh vật gây hại trên cây lúa, cây ăn quả, rau màu và các loại thiên địch trên đồng ruộng. Người dân có thể chủ động nhận diện sâu bệnh gây hại và đưa ra những giải pháp xử lý khoa học, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn.
Để nâng cao hiệu quả quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng, hằng năm, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ những mô hình đã áp dụng hiệu quả để làm cơ sở nhân rộng trong Nhân dân. Toàn tỉnh hướng tới mục tiêu đến năm 2025, có 100% xã, phường sản xuất các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu được đào tạo về quản lý dịch hại; có 80% số hộ sản xuất nông nghiệp hiểu biết và áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng; diện tích cây trồng được ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp từ 75% đến 85%...
Bài và ảnh: Lê Thanh
{name} - {time}
-
2024-12-14 21:04:00
Khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh (Bài cuối): Đô thị thông minh - động lực cho phát triển bền vững
-
2024-12-14 16:56:00
Chuyên gia quốc tế hiến kế cho Cát Bà quy hoạch không gian biển để phát triển bền vững
-
2024-03-20 12:30:00
Khánh thành Nhà máy công nghiệp SAB Việt Nam
Bản tin tài chính 20/3/2024: Giá vàng trong nước neo cao, thế giới sụt giảm
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trên sàn thương mại điện tử
Vì mục tiêu gỡ “thẻ vàng” IUU (Bài 1): Thẻ vàng - cảnh báo... đỏ
Ngọc Lặc khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN: Bá Thước phát huy tiềm năng, thế mạnh để xây dựng các sản phẩm đặc sản địa phương
Tín hiệu tích cực và biện pháp nuôi dưỡng
Thêm đường bay mới từ Hà Nội đến Sydney, Melbourne, bay Australia dễ dàng cùng Vietjet
VPI dự báo giá xăng tăng trên 2% trong kỳ điều hành ngày 21/3
Mở rộng triển khai thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền