(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, huyện Quan Hóa đã vận dụng linh hoạt các giải pháp để thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT), HTX phát triển bền vững. Theo đó, nhiều mô hình HTX đã mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển các sản phẩm gắn với thế mạnh địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động.

Nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Quan Hóa

Những năm qua, huyện Quan Hóa đã vận dụng linh hoạt các giải pháp để thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT), HTX phát triển bền vững. Theo đó, nhiều mô hình HTX đã mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển các sản phẩm gắn với thế mạnh địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động.

Nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Quan Hóa

Tham gia vào các HTX chế biến lâm sản giúp các hộ dân xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) nâng cao thu nhập.

Huyện đã vận dụng nhiều chính sách của Trung ương, tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, hầu hết các HTX trên địa bàn huyện Quan Hóa được thành lập và hoạt động đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương.

HTX chế biến lâm sản Sông Mã, xã Phú Nghiêm được thành lập năm 2007, chuyên sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, luồng. Sau gần 20 năm thành lập, HTX đã trở thành đơn vị chế biến lâm sản lớn nhất của huyện Quan Hóa. Ông Lê Văn Bình, Giám đốc HTX chế biến lâm sản Sông Mã cho biết: “Cây luồng, tre, nứa, vầu phủ khắp huyện Quan Hóa. Toàn huyện hiện có gần 28.000ha rừng luồng và khoảng 7.000ha rừng luồng và tre, nứa, vầu hỗn giao thuộc đất của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông quản lý. Tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương, HTX được thành lập nhằm liên kết các hộ thành viên có diện tích rừng luồng, nứa lớn tham gia chế biến lâm sản. Đến nay, HTX đã có 140 thành viên chính thức và hàng trăm thành viên liên kết. Với kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, doanh thu hàng năm của HTX đạt hàng chục tỷ đồng, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ thành viên và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương”. Để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, HTX chế biến lâm sản Sông Mã đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, máy móc hiện đại. Ngoài ra, đầu năm 2023, HTX đầu tư kinh phí hơn 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống máy phát điện, hệ thống chữa cháy tự động, trang bị biển báo tại nhiều vị trí của các phân xưởng.

HTX phát triển dịch vụ nông lâm ngư nghiệp Quan Hóa, thị trấn Hồi Xuân, được thành lập năm 2022 với 13 thành viên, số vốn điều lệ đạt 3,9 tỷ đồng. HTX đã xây dựng được bộ máy quản lý theo hướng gọn nhẹ, cán bộ năng động. Cùng với đó, HTX hoàn thiện mô hình theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, chế biến, phát triển ngành nghề. Hầu hết các thành viên của HTX chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Sau 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã phát triển thành công sản phẩm OCOP 3 sao khâu nhục Vũ Nghị có sức tiêu thụ tốt trên thị trường, doanh thu hằng năm đạt từ 4 - 5 tỷ đồng.

Huyện Quan Hóa hiện có 22 HTX, với 491 thành viên. Trong đó, có 5 HTX chế biến lâm sản, 1 HTX nuôi trồng thủy sản, 16 HTX dịch vụ nông nghiệp làm nhiệm vụ tổng hợp tưới và tiêu nước thủy lợi cho ruộng. Sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đa số HTX tại địa phương đã hoạt động theo hình thức tổ chức sản xuất quy mô hộ thành viên. Theo đánh giá của UBND huyện Quan Hóa, nhìn chung các HTX trên địa bàn đều phát triển ổn định, với 10 HTX hoạt động tốt, 8 HTX hoạt động khá, 4 HTX hoạt động trung bình, không có HTX hoạt động yếu kém. Trong đó, các HTX tổng hợp, chế biến nông lâm sản thu hút được số đông thành viên và đạt doanh thu lợi nhuận cao hơn. Với các HTX dịch vụ thủy nông, ngoài việc được thụ hưởng chính sách hỗ trợ dịch vụ công ích thủy lợi, các HTX còn năng động phát triển thêm một số dịch vụ cạnh tranh, như cung ứng vật tư sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tìm kiếm liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Tiêu biểu, như: HTX dịch vụ thủy nông xã Nam Tiến; HTX dịch vụ thủy nông xã Phú Nghiêm.

Trên cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động hằng năm của các HTX, huyện Quan Hóa đã lựa chọn một số mô hình HTX tiêu biểu, có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát huy được những thế mạnh của địa phương để nhân rộng và phát triển. Điều này không chỉ khuyến khích, biểu dương những đơn vị hoạt động hiệu quả, mà còn giúp các HTX khắc phục được những tồn tại, bất cập, phát huy những điểm mạnh mở ra hướng đi mới phù hợp với xu thế thị trường.

Để nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả, thời gian tới, huyện Quan Hóa tập trung phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý các HTX, nhằm nâng cao năng lực về quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường. Đồng thời, tiếp tục vận dụng các chính sách ưu đãi, đặc biệt chính sách về tín dụng của Trung ương, tỉnh để hỗ trợ các HTX mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Bài và ảnh: Thụy Châu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]