(Baothanhhoa.vn) - 70 năm sau khi Tô Hoài viết “Vợ chồng A Phủ” vẫn có những cô gái vùng cao bị bắt làm vợ ở tuổi thiếu niên. Để rồi từ đó những hủ tục, áp lực gia đình, miếng cơm manh áo hay nuôi dạy con nhỏ nhùng nhằng đeo bám mãi.

Nạn tảo hôn - “cuộc chiến” chưa hồi kết

70 năm sau khi Tô Hoài viết “Vợ chồng A Phủ” vẫn có những cô gái vùng cao bị bắt làm vợ ở tuổi thiếu niên. Để rồi từ đó những hủ tục, áp lực gia đình, miếng cơm manh áo hay nuôi dạy con nhỏ nhùng nhằng đeo bám mãi.

Một vòng luẩn quẩn

Một sáng đầu xuân năm 2020 mưa phùn và lạnh, trong căn nhà lọt thỏm giữa màu hồng rực của vườn đào đang mùa bung hoa ở xã Mường Lý (Mường Lát), cô nữ sinh 14 tuổi Giàng Thị Dúa, soi gương chải lại mái tóc dài, tô son rồi nhảy chân sáo ra cổng. Hôm ấy, Dúa có hẹn với cô bạn hàng xóm đi chợ Chiềng Nưa. Xe vừa lăn bánh được vài phút, 2 xe máy chở 5 thanh niên rồ ga vượt qua rồi đi chậm lại. Cậu trai có mái tóc vàng hoe áp sát xe Dúa, tán tỉnh: “Đi đâu mà xinh thế? Về Pù Nhi chơi với bọn anh không?”. Cô bạn ngồi sau sợ hãi, bám chặt áo Dúa, cả hai cùng im lặng. Toán thanh niên vụt đi, Dúa và bạn tưởng êm nên yên tâm dừng xe bên vệ đường để chỉnh trang quần áo, đầu tóc. Bất ngờ, 2 chiếc xe máy quay trở lại, 2 thanh niên giằng lấy cô bạn, 2 người khác cầm tay, chân, lôi Dúa lên chiếc xe đang nổ máy. Thiếu nữ Mông hốt hoảng, chưa kịp nhận ra chuyện gì, vừa khóc, vừa hét, chiếc xe vẫn lao nhanh trong màn mưa bay. Thao Cá Dính, người xã Pù Nhi - gã trêu ghẹo Dúa khi nãy ôm ghì không cho cô cựa quậy, nói: “Về nhà anh làm vợ anh”.

Hai hàng nước mắt rơi dài trong đôi tay thô bạo của người khác giới xa lạ, Dúa không ngờ có ngày, chính mình lại là nạn nhân của câu chuyện thế này. Trước đây, Dúa từng gặp Dính đôi lần nhưng chưa từng trò chuyện. Xe dừng, kệ tiếng Dính giục giã, Dúa vẫn bám chiếc xe máy, không xuống. Bởi Dúa biết, chỉ cần bước một chân vào nhà cô sẽ trở thành vợ Dính. Dúa cố kéo dài thời gian, hy vọng bạn đi báo tin để bố mẹ đến cứu mình. Nhưng điều đó đã không xảy ra, Dính gạt tay, kéo tuột Dúa vào buồng, cài cửa rồi đi ra nhà ngoài. Lúc sau, sân nhà Dính bỗng ồn ào. Qua cửa sổ, Dúa thấy bố mẹ và người nhà mình đứng đầy, nên càng khóc lớn: “Bố mẹ cứu con, con không muốn làm vợ người này”. Dính gầy nhẳng đứng chống tay, chắn trước cổng, đẩy bố Dúa ra ngoài giọng dõng dạc: “Nó ở trong đất nhà tôi, giờ nó là vợ tôi”.

Nạn tảo hôn - “cuộc chiến” chưa hồi kếtSung Thị Kính, sinh năm 2005, bản Lốc Há, xã Nhi Sơn, lấy chồng năm 14 tuổi.

Tối đó, nhà Dính đông nghịt người. Họ đến hỏi thăm, ăn mừng Dính bắt được vợ đẹp. Dúa ở trong bếp, làm tất cả những việc “mẹ chồng” sai, nhưng không nói nửa lời. Đôi mắt chưa ráo lệ nhìn quanh căn nhà, Dúa tự nhủ, khi họ không để ý, mình sẽ trốn đi bằng đằng nào. Xong việc, Dúa lại vào buồng đóng cửa nằm khóc, không ăn uống gì dù bụng rỗng không. Nửa đêm, Dính lảo đảo bước vào phòng, người sặc mùi rượu rồi đổ gục xuống giường. Dúa ngồi bất động dưới nền nhà lạnh ngắt cho đến sáng. Cả đêm, Dúa nghĩ về tương lai và sợ hãi, cô liên tưởng cuộc đời mình như nhân vật Mị trong truyện “Vợ chồng A Phủ”. Có lẽ, Dúa sẽ bị ám ảnh bởi đêm đó đến tận lúc chết. Nhưng, Dúa “may mắn hơn Mị nhiều”, vì ngay chiều hôm sau, cơ hội thoát thân của Dúa bất ngờ đến. Mẹ Dính nghe người báo tin đàn lợn chăn trong bản vừa đi lạc, giục cả gia đình đi tìm. Dúa nhân lúc cả nhà không để ý, mở cửa cắm cổ chạy. Cô chạy mãi, chạy mãi, không biết bàn chân bé nhỏ đã vượt qua bao con đồi để về nhà. Nhìn thấy mẹ đang địu em, ngồi thêu khăn ngoài cửa, Dúa đến bên mẹ, ôm chặt, hai mẹ con cùng khóc. Dúa chưa kịp tỏ hết những ấm ức trong lòng với mẹ, Dính đã đuổi đến nhà, một hai đòi kéo vợ về. Người nhà của Dúa quanh đó cũng kịp chạy sang ngăn lại, bắt Dính gọi người nhà đến nói chuyện.

Chiều muộn hôm ấy, căn nhà của Dúa ken đặc người, đôi bên ngồi đối mặt, quyết định “số phận” cuộc hôn nhân của cặp trai gái 19 và 14 tuổi. “Nó không yêu mày mà mày kéo nó về là mày sai. Nhưng chỗ họ hàng xa, nhà tao sẽ không thưa mày ra pháp luật”, bác Dúa mắng Dính. Người nhà Dúa cãi: “Phong tục của đồng bào Mông ta bao đời nay, con gái kéo về nhà ai thì nó là con cháu nhà đó, giờ nó chạy về các ông phải mang sang trả”. Lời qua tiếng lại, bên “phép vua”, bên “lệ làng” không ai nhường ai. Cuối cùng, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng phải can thiệp. Dính và người thân tức giận ra về, nhưng Dúa và bố mẹ cũng không vui vẻ hơn là mấy. Theo tục của người Mông, giờ Dúa đã là gái một đời chồng.

Gần 1 tháng sau, Dúa thông báo sắp cưới. Chồng Dúa là bạn trai cùng tuổi, sống cách nhà Dúa không xa. Đôi trẻ quen nhau qua mạng xã hội và đã chính thức yêu nhau gần 1 năm. Biết Dúa bị người khác bắt, chàng thiếu niên quyết tâm cưới ngay. Dúa giải thích cho những thắc mắc của thầy cô và bạn bè về quyết định đột ngột của mình, đây là người Dúa yêu thật lòng, nên đã tự nguyện lên xe cậu trai này để cùng về nhà, tức là “bắt vợ tự nguyện”. "Em đã một đời chồng rồi, giờ không lấy thì sau này cũng chẳng ai muốn lấy em”, Dúa tâm sự.

Cũng như Dúa, chồng sắp cưới của cô nói không hối hận về quyết định này, vì đó là người anh yêu, “hơn nữa, ông em, bố em, cả anh trai em, cũng lấy vợ năm 14, 15 tuổi”. Anh bảo nhà mình có mấy chục thửa ngô, nhiều bò, lợn, cần nhiều người lao động. Cưới chồng đồng nghĩa với việc Dúa sẽ nghỉ học, những ngày trước đám cưới có lẽ là những buổi học cuối cùng của Dúa trước khi thực hiện nghĩa vụ làm mẹ “hôm rồi lên nhà nói chuyện, nhà người ta nhắc nhiều đến chuyện chưa có cháu bế”...

Gắn bó với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Mường Lý, thầy giáo Hoàng Trọng An năm nào cũng nhận được đôi ba chiếc thiệp mời của học sinh cả nam lẫn nữ. Có đứa cưới xong thì nghỉ học luôn, đứa nào “tiến bộ lắm” thì cố học nốt năm đó, rồi cũng ở nhà. Thầy An bảo mình không bao giờ đi những “đám cưới trẻ con ấy, vì nghĩ vừa thương, vừa giận chúng nó”. Trường của thầy nằm dưới xã, nhưng hầu hết học sinh của thầy đều ở bên kia dãy đồi, dựng đứng sau trường, rải rác ở các bản Sài Khao, Trung Thắng, Suối Ún, Xì Lồ, những địa danh chỉ mới nghe qua đủ thấy sự khó khăn, cách trở và đói nghèo. Nhưng ngay cả khi phải trèo đèo, lội suối hàng chục cây số, thầy An cùng đồng nghiệp vẫn quyết đưa bằng được học trò đến trường để đi học. Lần nào vào bản vận động học trò, thầy cô trường này cũng phải nhờ dăm bảy đứa học sinh đi cùng chỉ để bước vào nhà. Nhiều lần họ gặp những phụ huynh đang say rượu, thuốc phiện, đành thất vọng ra về. Và còn rất nhiều lần khác, các thầy cô bị phụ huynh làm cho thất vọng.

Còn nhớ cái hôm nhận tin Dúa sắp cưới, thầy An gọi điện ngay cho phụ huynh hỏi thăm. Người bố lí nhí trong điện thoại: “Chắc để cháu nó tự quyết thôi ạ...”. Thầy giáo cố thuyết phục bằng những lời thầy nói đã thuộc cả chục năm nay. “Con bé ít tuổi quá, giờ đang tuổi ăn học. Tôi biết hủ tục là như thế. Nhưng anh đừng vì cái quan niệm đấy mà để lãng phí cuộc đời con gái mình”. Người bố chỉ ngắc ngứ “dạ”, “vâng” lấy lệ, rồi tắt máy. Thầy bất lực thở hắt vì biết chắc chắn, phụ huynh này sẽ không vì đôi lời của mình mà đứng dậy chống lại cả một hủ tục.

Cương quyết với nạn tảo hôn

Tục bắt vợ của người Mông là một nét văn hóa độc đáo nhưng kéo theo nhiều hệ lụy, mà điển hình nhất là nạn tảo hôn. Vấn nạn này khiến tương lai của các em gặp không ít khó khăn, đói nghèo, thất học... Từ đó, để lại nhiều hệ lụy không chỉ cho gia đình mà toàn xã hội. Vài năm trở lại đây ở Mường Lát, tục bắt vợ đã được kiểm soát. Tuy nhiên, một vài vấn đề khách quan vẫn khiến nạn tảo hôn diễn biến phức tạp. Cụ thể, hầu hết trẻ em người Mông đều được đến trường nhưng bị ảnh hưởng rất lớn từ công nghệ. Các em dùng điện thoại kết bạn, yêu đương, trong khi bản thân chưa đủ kiến thức và bố mẹ cũng không kiểm soát được...

Trước thực trạng đó, ngày 25-9-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3715 về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” (do Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện đề án) với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực địa phương. Kết thúc đề án, ngày 22-4-2021, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch số 99/KH-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu tương tự. Tuy nhiên, vẫn có những cô gái như Dúa, lấy chồng ở tuổi thiếu niên, thì mục tiêu trên vẫn là một bài toán khó.

Nạn tảo hôn - “cuộc chiến” chưa hồi kếtThầy giáo Hoàng Trọng An, Trường Phổ thông Dân tộc bán - THCS Mường Lý (người ngồi trong bên trái) vận động học sinh trở lại lớp.

Huyện Mường Lát có 6 dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 95%. Riêng đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 40%, tập trung chủ yếu ở các xã Pù Nhi, Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung... Bà Trương Thị Huyên, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát, chia sẻ: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới nạn tảo hôn nhưng gốc rễ là do đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, giao thông chia cắt nên thông tin bên ngoài ít được tiếp cận, dẫn tới tư tưởng, suy nghĩ của đồng bào còn bị bó hẹp. Chưa kể, nhiều phong tục lạc hậu vẫn tồn tại và ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào, khó có thể xóa bỏ ngay được. Vì vậy, đẩy lùi nạn tảo hôn là cuộc chiến không phải ngày một ngày hai. Điều quan trọng nhất là phải làm thế nào để thay đổi được tư duy, nhận thức của bà con, để họ có cái nhìn đúng đắn hơn về hôn nhân gia đình. Đó mới là bài toán làm thay đổi được cách nghĩ, cách làm vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào”.

Thành công bước đầu trong “cuộc chiến” xóa bỏ hủ tục, đó là nhận thức của phần lớn người dân đã được nâng lên, đặc biệt nhiều chị em đã ý thức được mặt trái của các hủ tục. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã được loại bỏ, song nạn tảo hôn vẫn còn. Cụ thể, giai đoạn 2011-2016 toàn huyện Mường Lát có 14 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Giai đoạn 2016-2022, huyện có 153 trường hợp tảo hôn; không còn hôn nhân cận huyết thống. Trên thực tế, con số này còn cao hơn nhiều, do những cặp vợ chồng tảo hôn thường giấu, không báo với chính quyền. “Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh cũng như huyện đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền ở các xã, bản, trường học, thậm chí từng đối tượng có nguy cơ tảo hôn. Một số địa phương đã xử phạt hành chính những trường hợp vi phạm nhưng chưa đủ tính răn đe, thêm tâm lý ngại va chạm, cả nể nên tình trạng tảo hôn vẫn còn tái diễn”, bà Huyên thẳng thắn.

Về giải pháp lâu dài, theo bà Trương Thị Huyên, ngoài công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục tảo hôn thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Bà Huyên cho biết: “Tới đây, ngoài các giải pháp lâu nay đang thực hiện, huyện sẽ tiến hành một số biện pháp có tính răn đe như xử phạt hành chính, thậm chí sẽ truy tố nếu có yếu tố vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình nhằm từng bước kéo lùi, tiến tới chấm dứt hoàn toàn nạn tảo hôn ở Mường Lát".

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]