Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương những mảnh đời bất hạnh
Với phương châm “ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu”, trong quá trình thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ tháng 10 năm 2021 nhằm giúp đỡ trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19, Hội LHPN tỉnh đã mở rộng đối tượng giúp trẻ mồ côi do nhiều nguyên nhân khác, như: mồ côi do dịch bệnh, tai nạn giao thông, bệnh hiểm nghèo... Đến nay, bằng nhiều việc làm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chương trình đã thực sự lan tỏa, mang dấu ấn riêng của hội.
Đại diện Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN huyện Nga Sơn trao học bổng cho cháu Mai Thị Ngọc, học sinh Trường THPT Mai Anh Tuấn (Nga Sơn).
Tại Thanh Hóa, từ kết nối đỡ đầu 30 trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo rà soát và có 5.328 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 2.058 trẻ đã được tổ chức hội kết nối, nhận đỡ đầu hằng năm khoảng 6 tỷ đồng. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã thành lập 2.500 nhóm “Mẹ đỡ đầu” trực tiếp và gián tiếp là tổ chức hội, các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ, nhận đỡ đầu trẻ mồ côi bằng các hình thức: nhận trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồi côi hoặc nhận đỡ đầu gián tiếp thông qua các cấp hội với mức hỗ trợ từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/1 cháu, khuyến khích nhận đỡ đầu cho đến khi các con đủ 18 tuổi.
Cháu Mai Thị Ngọc, xã Nga Phú (Nga Sơn), học sinh lớp 10, Trường THPT Mai Anh Tuấn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cháu mồ côi mẹ, bố nuôi 3 anh em ăn học, gia đình thuộc hộ cận nghèo. Được “mẹ đỡ đầu” ở xã quan tâm, giúp đỡ, kết nối tặng quà vào các dịp lễ, tết, năm học mới, Ngọc cảm thấy ấm lòng, có động lực vượt khó. Ngọc chia sẻ: "Cháu rất biết ơn sự quan tâm của tổ chức hội, các mẹ đỡ đầu. Vừa qua, cháu được Hội LHPN tỉnh trao học bổng Mottainai 3 triệu đồng của Báo Phụ nữ Việt Nam. Món quà này rất có ý nghĩa với cháu và gia đình, là động lực để cháu tiếp tục phấn đấu học tập".
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025, các cấp hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà là sách vở, đồ dùng học tập... cho gần 2.200 trẻ mồ côi đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh, tổng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng. Trong đó, Hội LHPN tỉnh trao 10 suất học bổng Mottainai cho 10 cháu mồ côi bố/mẹ do tai nạn giao thông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập ở các huyện. Hội LHPN huyện Thọ Xuân trao quà cho 92 cháu; Hội LHPN thị xã Bỉm Sơn trao kinh phí đỡ đầu 11 cháu, đồng thời kết nối Câu lạc bộ Doanh nhân thị xã nhận đỡ đầu 10 cháu. Hội LHPN huyện Lang Chánh phối hợp với doanh nghiệp, trao quà cho 150 cháu, mỗi suất quà trị giá 1,3 triệu đồng...
Đây là những phần quà động viên các cháu mồ côi vào các dịp trong năm. Về lâu dài, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội vận động, kết nối với các mẹ đỡ đầu, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu, hỗ trợ các cháu hàng tháng, hỗ trợ theo giai đoạn và đến năm 18 tuổi nhằm duy trì ổn định, lâu dài nguồn hỗ trợ để các con có thêm điều kiện vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống. Chính sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần đối với trẻ mồ côi đã lan tỏa giá trị nhân văn cao đẹp, khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức hội. Hội đã kết nối với nhiều công ty nhận đỡ đầu trẻ mồ côi trong thời gian dài, tiêu biểu, như: Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đỡ đầu 50 cháu, Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng đỡ đầu 304 cháu, Công ty TNHH Long Sơn đỡ đầu 63 cháu, Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát đỡ đầu 65 cháu... Để đảm bảo chương trình được theo dõi đầy đủ cũng như khẳng định sự cam kết của “mẹ đỡ đầu” với các con, hội phụ nữ các cấp đã thiết lập hồ sơ kết nối cho mỗi cặp mẹ con để giữ kết nối, thông tin giữa mẹ và con trong quá trình hỗ trợ, đảm bảo khách quan, minh bạch, tạo điều kiện cho trẻ được tiếp cận các nguồn lực tốt nhất.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp hội đã sáng tạo trong việc huy động nguồn lực hỗ trợ trẻ mồ côi thông qua chương trình “Biến rác thành tiền”; kết nối với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu trẻ mồ côi. Điển hình như: TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Hội Phụ nữ Công an tỉnh... Nhiều cháu được quan tâm, giúp đỡ đã có thành tích tốt vươn lên trong học tập, như: Nguyễn Hà My, thôn Đông Thanh, xã Vạn Hòa (Nông Cống); Vũ Thanh Thúy, thôn Vỹ Liệt, xã Hà Tân (Hà Trung); Bùi Thị Kim Yến, thôn Đông Xuân, xã Thượng Ninh (Như Xuân); Hà Văn Tưởng, bản Cổi Khiêu, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa)...
Bà Bùi Thị Mai Hoan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: "Mỗi một cuộc đời bất hạnh được nhận đỡ đầu là một tương lai tươi sáng được rộng mở. Với tinh thần đó, hội đã nỗ lực làm tốt vai trò kết nối để chương trình lan tỏa, phấn đấu 100% trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được đỡ đầu".
Với những kết quả đạt được, chương trình “Mẹ đỡ đầu, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi” đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các cấp hội và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, xã hội. Một trong những nét đặc biệt của chương trình là đề cao tính tự nguyện, hành động bằng trái tim yêu thương của những mẹ đỡ đầu. Các mẹ đã trở thành những điểm tựa cho trẻ mồ côi trên địa bàn toàn tỉnh.
Bài và ảnh: Minh Trang
{name} - {time}
-
2025-01-14 21:06:00
Bịt “kẽ hở” trong công tác quản lý người nước ngoài (Bài 2): Núp bóng đầu tư “chui”
-
2025-01-14 20:05:00
“Còn thông tin về mộ liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm, quy tập”
-
2024-10-19 16:17:00
Hiện thực hóa giấc mơ an cư
“Ngôi nhà” an toàn của động vật hoang dã
Giá hoa tăng cao gấp 3 lần trong dịp 20/10
Lòng tốt!
Như Thanh tuyên truyền về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
Dệt yêu thương - Truyền cảm hứng
Sôi nổi các hoạt động ý nghĩa chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Ký ức Hủa Phăn: Máu và hoa
Công khai cả nguồn ủng hộ lẫn việc phân bổ hỗ trợ thiệt hại do cơn bão số 3