“Máy bay thua đôi bồ”
Trong cuốn Mắt thấy tại Việt Nam, tác giả Ivon Panhiel ghi lại lời than vãn của một sĩ quan cao cấp quân đội Pháp: “Than ôi! Máy bay của chúng ta lại thua đôi bồ dân công của Việt Minh”. Còn Đại tá J.Roay thừa nhận: “Chúng ta bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh, mà bởi trí thông minh đầy tính sáng tạo và lòng quyết tâm chiến thắng của đối phương”.
Sự đóng góp của những chàng trai, cô gái dân công hỏa tuyến với những chiếc xe đạp thồ chở hàng ngàn tấn lương thực vào chiến trường đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, qua các thời kỳ lịch sử, đã có nhiều trận quyết chiến chiến lược với quân địch, như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... nhưng đến Điện Biên Phủ chúng ta đã phát huy được truyền thống yêu nước, tập hợp sức mạnh của cả dân tộc với một quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Điện Biên Phủ từ chỗ không nằm trong kế hoạch tác chiến ban đầu của kế hoạch Na-va, đã trở thành khâu chính, trọng điểm, được Na-va lựa chọn và coi đây là căn cứ lục quân, không quân lợi hại để xâm lược Đông Dương.
Sáng ngày 20/11/1953, Na-va cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, lực lượng của địch ở đây tăng lên tới 16.200 tên gồm những binh chủng tinh nhuệ nhất ở Đông Dương: bộ binh, pháo binh, công binh, xe tăng, không quân. Chúng cho xây dựng thành một hệ thống phòng ngự mạnh với 49 cứ điểm, Sân bay Mường Thanh và sân bay dự bị Hồng Cúm có thể hạ cánh gần 100 lượt máy bay mỗi ngày và chuyên chở khoảng 200 - 300 tấn quân dụng, thả dù từ 100 - 150 binh sĩ, và các công sự kiên cố khác. Na-va còn dành 80% số máy bay của Pháp ở Đông Dương xuất phát từ Sân bay Cát Bi, Gia Lâm và có sự chi viện của máy bay Mỹ từ tàu sân bay ở Vịnh Hạ Long thường xuyên bắn phá ác liệt vào đội hình chiến đấu và các tuyến đường vận tải tiếp tế của Việt Nam. Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ là các sĩ quan được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm chiến trường.
Từ những điều kiện ấy, Pháp - Mỹ luôn coi Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, “con nhím khổng lồ” giữa núi rừng Tây Bắc. Chúng tuyên bố sẽ giữ căn cứ này với bất cứ giá nào, sẵn sàng nghiền nát bộ đội chủ lực của Việt Nam.
Căn cứ vào tương quan lực lượng giữa ta và địch trên các chiến trường, Đảng đã xác định phương hướng chiến lược của cuộc tiến công Đông Xuân 1953-1954 là hướng Tây Bắc. Một lực lượng quân sự lớn chưa từng có được huy động cho chiến dịch: 55.000 quân thuộc 5 đại đoàn, nhiều trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh chủ lực và các binh chủng kỹ thuật, cấp tập hành quân, tập kết siết chặt vòng vây, chuẩn bị giáng đòn sấm sét vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Bên cạnh sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc, Liên Xô chi viện pháo mặt đất, pháo phòng không, xe vận tải, phương tiện vật chất kỹ thuật, quân trang, quân dụng và chia sẻ kinh nghiệm, để bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, hơn 260.000 dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong đã ngày đêm vừa làm đường, vừa vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm dưới làn bom đạn địch.
Không có ưu thế về binh lực trước kẻ địch. Thêm vào đó, hầu hết các đơn vị chủ lực của ta còn thiếu kinh nghiệm đánh công kiên, khả năng tác chiến còn nhiều hạn chế. Song với thế chủ động tiến công, trong khi địch bị động phòng ngự; ta là lực lượng bao vây, địch là đối tượng bị bao vây... điều này cho phép ta có thể lựa chọn thời điểm và huy động lực lượng tùy ý để mở các cuộc tiến công.
Trong muôn vàn khó khăn về mặt lực lượng, Đảng và Nhân dân ta luôn có nhiều sáng tạo, từ cách đánh đến sử dụng phương tiện thô sơ để chống lại các phương tiện hiện đại nhất lúc bấy giờ.
Sau khi thay đổi kế hoạch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm tác chiến và kế hoạch mới “đánh chắc, tiến chắc”, quân dân cả nước tích cực hưởng ứng sôi nổi, đồng lòng, dốc sức cho chiến dịch. Bên cạnh 55.000 quân chủ lực, hơn 10 vạn người gồm: lực lượng dân công, thanh niên xung phong và các lực lượng khác đã tham gia chiến dịch, trên tinh thần tất cả tập trung cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong đó, một sáng tạo độc đáo, biểu hiện trí thông minh của Nhân dân ta, làm cho thực dân Pháp hết sức bất ngờ và thán phục, đó là việc sử dụng các phương tiện thô sơ và xe đạp thồ làm phương tiện chính. Quân và dân các địa phương đã huy động 22.000 lượt xe đạp thồ, 11.800 thuyền bè, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ, xe trâu, một đội ô tô 628 chiếc... đã vận chuyển 30.759 tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân dụng... phục vụ chiến dịch.
Tuy nhiên, kể cả hội đủ phương tiện chiến tranh lẫn trí thông minh mà không có lòng quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng thì ta cũng chẳng thể có chiến thắng Điện Biên Phủ. Có được điều này là nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết, “cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức”, “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Hậu phương đã huy động cho mặt trận 261.500 dân công hỏa tuyến (quy ra trên 18 triệu ngày công), 29.991 xe đạp thồ, 500 ngựa thồ; cung cấp 27.400 tấn gạo, 268 tấn muối, 907 tấn thịt, 469 tấn thực phẩm khác, 55 tấn thuốc men và dụng cụ quân y, 71 tấn quân trang, 1.783 tấn xăng và 51 tấn vật phẩm khác.
Chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa nằm trong vùng tự do đã đóng góp cho chiến dịch 80% số dân công, 80% số xe đạp và 50% số gạo, đóng góp hơn 2,3 triệu ngày công sửa chữa 114km đường giao thông phục vụ tiền tuyến. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa huy động hàng vạn xe thồ, hàng ngàn chiếc thuyền, hàng trăm con ngựa thồ, 120.254 dân công dài hạn, 76.670 dân công ngắn hạn, vận chuyển 50% khối lượng lương thực, 40% khối lượng thực phẩm phục vụ chiến dịch và có 5,6 vạn thanh niên đã lên đường nhập ngũ. Lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã bổ sung một tiểu đoàn, hai đại đội, hai trung đội và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu.
Nhớ lại không khí rầm rập đi chiến dịch vào thời điểm đó, ở tuổi 98, ông Thiều Quang Mộc, nguyên Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) vẫn chưa quên: "Những ngày chỉ đạo đội dân công bộ (gánh bộ, gánh bồ) gồm 2 trung đội nữ và 1 trung đội nam, tổng cộng trên 100 người. Mỗi chuyến đi, một người gánh hai bồ, mỗi bồ 25kg, nếu đi xa thì mỗi bồ 15kg, tôi cùng đại đội đi từ thị xã Thanh Hóa lên Hồi Xuân rồi theo hướng Sơn La sang bên Lào... Thời gian đầu chúng tôi vừa đi vừa phát cây rừng để mở đường”.
Sinh ra ở vùng quê cách mạng, ông Lê Văn Minh, người làng Toán Tỵ, xã Thiệu Toán (Thiệu Hóa) hiện 94 tuổi kể lại: “Đầu năm 1954, tôi nhập ngũ vào Đội 40, C415, thuộc Đoàn thanh niên xung phong tình nguyện. Công việc của đội tôi là mở một con đường mới, đoạn đường 81km. Những ngày tháng ở trong rừng, sợ nhất là vắt cắn, những đêm sốt rét, rồi nhịn đói hành quân; chứng kiến và dừng lại chôn cất đồng đội hy sinh dọc đường đi”.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu tại đèo Lũng Lô, phà Tạ Khoa, Cò Nòi, Sơn La, đèo Pha Đin... anh em dân công trực tiếp ngày đêm bảo đảm giao thông thông suốt, trên các tuyến đường khác, chị em phụ nữ cũng đã dũng cảm làm việc ngay cạnh những hố bom nổ chậm, phá bom, bắc cầu, đắp đường sạt lở... Trong dòng nhật ký còn để lại, bà Đỗ Thị Biêng, dân công gánh bộ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, người xã Yên Phú, Yên Định ghi: "Năm 1954, tôi 20 tuổi, nhưng đã đi dân công được 3 chuyến, mỗi chuyến hơn 1 tháng. Đoàn của tôi đi có 30 người, chuyển gánh gạo từ Yên Định, Thanh Hóa đến chiến trường Điện Biên Phủ. Tôi thường gánh được khoảng hơn 20kg/1 chuyến. Chuyến đầu chưa có bồ, gạo được đùm vào nylon, bên ngoài bọc rơm. Để tránh máy bay địch, cả đoàn phải nghỉ ngày, đi đêm".
Không phải ai cũng may mắn như ông Lê Văn Minh (xã Thiệu Toán, Thiệu Hóa) là còn được trở lại Điện Biên. Lần gần đây nhất, 10 năm trước, nhân dịp kỷ niệm 60 chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã quay lại với mảnh đất Điện Biên lịch sử. “Trước kia chúng tôi chỉ thấy xung quanh là rừng, lá cây, đất và đá... Thế mà nay, tỉnh Điện Biên, TP Điện Biên Phủ đã rất phát triển. Mừng thật nhưng cũng buồn thật, đồng đội tôi quá nhiều người không được nhìn thấy ngày hôm nay”. Suốt 70 năm qua, trở về từ chiến thắng Điện Biên Phủ, không còn kỷ vật gì nhưng ông vẫn luôn nỗ lực xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra cách đây vừa tròn 70 năm, nhưng với các cựu chiến binh, những thanh niên xung phong mở đường, tải lương năm nào, chuyện đôi bồ, xe thồ thắng được máy bay địch vẫn là một giấc mơ - giấc mơ đẹp. Thời gian tham gia kháng chiến không nhiều, nhưng những câu chuyện về đồng đội, nỗi gian khó vẫn mãi mãi không bao giờ quên. Chỉ cần nhắc đến là họ bật khóc. Khóc vì mình may mắn, khóc vì thương những người bạn đã không còn được trở về với gia đình và xây dựng quê hương.
CHI ANH
{name} - {time}
-
2024-06-28 13:15:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đồng bộ các mặt công tác biên phòng
-
2024-05-23 05:56:00
Hôm nay, Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện ngân sách và phát triển kinh tế
-
2024-04-11 07:51:00
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 11/4/1954, hai bên ra sức củng cố trận địa
Từ những “hoa văn” trên bánh xe cút kít...
Bên dòng sông Mã
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 10/4/1954, ta tiếp tục củng cố và phát triển trận địa tiến công
Ký ức Điện Biên
Những người con Thanh Hóa ở Điện Biên
Khúc tráng ca hang Co Phương
Tô Vĩnh Diện - Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 9/4/1954, ta bắn rơi chiếc máy bay C119
Lần theo con đường tải lương lên Điện Biên Phủ