(Baothanhhoa.vn) - Thằng cháu chạy ùa ra trước cổng rồi lật đật leo lên yên sau thúc ông về lẹ. Ông hơi ngơ ngác trước cái vẻ là lạ của thằng cháu nhưng vẫn làm theo. Tựu trường cách thời điểm khai giảng khoảng gần nửa tháng. Thành phố nóng như đổ lửa. Trời trưa hừng hực táp cái nắng, cái gió phả vào ông khiến chiếc áo ướt đẫm. Thằng cháu nay im re, khác mọi lần sẽ kể ông nghe những chuyện trong lớp hoặc giữa đường gặp điều gì lạ lẫm cũng gọi ông cho bằng được để có câu trả lời tận tường. Hai năm qua, ông vẫn lóc cóc trên chiếc xe đạp đưa đón thằng cháu ngày hai buổi. Kể từ ngày ông rời quê đến thành phố này...

Lớn lên từ những mảnh vườn

Thằng cháu chạy ùa ra trước cổng rồi lật đật leo lên yên sau thúc ông về lẹ. Ông hơi ngơ ngác trước cái vẻ là lạ của thằng cháu nhưng vẫn làm theo. Tựu trường cách thời điểm khai giảng khoảng gần nửa tháng. Thành phố nóng như đổ lửa. Trời trưa hừng hực táp cái nắng, cái gió phả vào ông khiến chiếc áo ướt đẫm. Thằng cháu nay im re, khác mọi lần sẽ kể ông nghe những chuyện trong lớp hoặc giữa đường gặp điều gì lạ lẫm cũng gọi ông cho bằng được để có câu trả lời tận tường. Hai năm qua, ông vẫn lóc cóc trên chiếc xe đạp đưa đón thằng cháu ngày hai buổi. Kể từ ngày ông rời quê đến thành phố này...

Lớn lên từ những mảnh vườnMinh họa của Đặng Mậu Triết (CTV)

Cô con dâu bảo để sắm cho ông chiếc xe đạp điện, chạy nhanh hơn lại không mỏi chân. Anh con trai bảo thôi cứ đặt xe đưa đón của trường. Nhưng, ông vẫn quả quyết, ông ở không, rảnh đến chẳng biết làm gì, đạp tí cho khỏe người, trường cũng xa mấy đâu, quãng mười phút là đã về đến nhà. Chỉ tại ông hay la cà với thằng cháu thành ra hôm nào cũng ngót nửa tiếng mới thấy hai ông cháu về đến.

Mặc bố mẹ dỗ ngon nói ngọt nhưng thằng cháu vẫn quyết ông đưa đón thích hơn. Cái gì ông cũng biết tuốt. Chứ có phải như bố lên mạng mà tìm câu trả lời. Hay như mẹ cứ ngúng nguẩy bảo đi mà hỏi cô giáo. Ông rước là được cà kê quán này, món kia nên dù ông đưa đi học sáng nào cũng rất sớm, nhưng thằng cháu lại tự mình thức dậy một cách sảng khoái. Chẳng bù hồi bố mẹ đưa đi học thì vội vội vàng vàng, chạy đến cổng trường là nháo nhào tìm lối vào lớp học.

Thằng cháu chốt hạ vẫn cứ là đi học với ông thích nhất. Ông nghe thế chừng như mãn nguyện. Chí ít với ông, tuổi già bớt đơn điệu. Nhất là, ông rời quê lên thành phố này, bạn bè chẳng có, lối xóm xa lạ. Tất cả như bắt đầu một cuộc sống mới với ông già gần bảy mươi tuổi là điều không dễ.

***

Ông bảo thằng con để cho mình khoảnh sân trống sau nhà chuyên chứa đồ cũ để ông làm vườn. Bữa cơm tối hôm đó, ông thẽ thọt đề nghị cải tạo khoảnh sân này thành cái vườn cho mát, trồng mấy thứ cây cho đỡ buồn tay. Ông xin chiếc xe đạp cũ bỏ không ở đó để đi lại loanh quanh cho nhớ đường sá. Cô con dâu ngập ngừng chút rồi gật đầu ra chiều thôi bố muốn làm gì làm miễn bố vui nhưng đừng đi xa kẻo lạc. Thị thành này chục triệu con người chạy linh tinh khéo bố không đâm vào người ta, thì mấy đứa chạy ẩu nó cũng lủi vào bố. Đường sá nơi này chằng chịt. Không phải ở quê cứ nhắm hướng mà đi. Bố lạc một hai cái ngã ba, qua bốn năm cái ngã tư nó đã là phường khác, quận khác. Thậm chí một khu vực mà giáp ranh ba bốn quận. Như nhà mình nè, bên này là quận 8, bên kia là Bình Chánh, đổ dốc cầu chạy tí xíu là thấy chữ Cần Giuộc của Long An. Hay bố chỉ cần băng qua cái ngã tư chạy thẳng tự khắc khỏi biết đường về vì lọt vào khu trung tâm Sài Gòn. Đường đan chéo, người ta cũng đan nhau mà mưu sinh, chẳng ai ngó đến mình.

- Bất quá bị lạc bố điện thoại cho tụi con, không thì bố hỏi đường về. Ngày đó, bố cũng từng dọc ngang nơi này rồi mà. Ông trả lời cô con dâu chắc nịch. Con trai cũng không ý kiến gì. Chỉ mỗi thằng cháu có vẻ sẵn sàng phụ ông làm vườn.

Sáng cuối tuần, khi hai vợ chồng cậu con còn đang cố gắng ngủ bù sau một tuần hối hả với cơm áo gạo tiền xứ này thì ông và thằng cháu đã hì hụi bày bàn pha cà phê ngồi ngó mảnh đất hươm nắng, nhỏ nhắn phía sau nhà dự định sẽ trồng cây gì. Tiếng thằng cháu vừa chấm bánh mì với miếng sữa đặc vừa hú hét. Từ nay con có sân đá bóng rồi ông nhỉ. Hay ông trồng cây xoài đi, cây sầu riêng càng tốt. À thế ông trồng hoa hồng nhé. Mẹ thích hoa hồng. Tiếng cười nói luyên thuyên khiến cô con dâu đứng từ cửa sổ nhìn xuống phía sau nhà thoáng giật mình. Chỉ một tuần mà bố làm khoảnh đất phía sau thành một không gian khác, nhìn hay phết anh à!

Nhưng ông không bắt đầu từ xoài hay sầu riêng, càng không phải hoa hồng. Ông xới đất và gieo xuống những hạt mầm của riêng ông.

***

Thằng cháu nhất quyết từ nay không đem bình nước mát của ông pha. Nó mới nhận lớp và làm quen bạn chưa được tuần lễ. Ông gặng hỏi mãi, thằng cháu cứ dùng dằng chẳng trả lời. Ngay cả cô con dâu cũng thấy lạ. Thường ngày ông cháu cứ quấn quýt cùng nhau. Từ ngày ông đưa đón cháu đi học, cô con dâu cũng yên tâm phần nào. Lại thấy ông chăm cháu kỹ càng từ ăn sáng đến nước uống rồi tối đến còn tranh thủ dò bài cho cháu. Thậm chí mảnh sân vườn của ông, thằng cháu cũng chạy tới chạy lui phụ ông mấy việc lặt vặt.

Chiều nay cô con dâu thấy lạ quá. Trên bàn ăn, anh con trai dỗ ngon ngọt cách mấy thì thằng con vẫn im re, cắm cúi lùa cơm trong chén chứ không hề hé răng lý do sẽ không bao giờ uống nước mát của ông làm nữa.

Tối trời, ông bắt dãy đèn sáng, châm bình trà ra ngồi sân sau. Mảnh vườn xanh um lá rau. Ngót chừng hai năm rồi ông cũng làm cho cái sân sau nhà trở thành nơi cả nhà hay quây quần trò chuyện. Cái khoảnh vườn nhỏ nhưng bày biện chỗ này trồng rau, ngay gần chỗ ngồi dành để trồng hoa hồng cổ. Giàn bông hồng cổ được ông gây dựng. Ông chạy qua bốn cái ngã tư mới tìm được chỗ bán giống. Hỏi kỹ càng người ta cách chăm cây. Ông mua hai ba loại rồi bắt đầu gieo. Canh nắng, ngó mưa, rồi thêm đất sạch. Ông lụm cây làm trụ, đan mấy cọng kẽm làm giàn. Đám hồng cổ vươn lá quấn quanh, bắt giàn tua tủa ngọn, mùa thu năm đầu tiên ông ở thành phố, giàn hoa hồng trổ bông. Từ những búp bắt đầu nở rộ và bung cánh xòe ra đỏ rực. Cô con dâu tròn mắt ngạc nhiên. Anh con trai bảo ngày ấy bố cứ xong việc của đơn vị là lại về chăm vườn cho mẹ. Bố khéo tay, chăm gì cũng tốt cành sum trái. Từ bầu, bí hay mướp đắng thậm chí tới củ lang củ sắn cũng to tròn úc núc. Bố có tay làm vườn nhất làng. Vườn nhà ngoài quê bốn mùa chẳng thiếu hoa trái.

Vậy nên, anh con trai bắt đầu kêu bán dần những thứ không dùng trong nhà kho. Dỡ mái tôn lấy đất cho bố trồng thêm nhiều thứ. Nhà lại có thêm khoảnh đất nhỏ cho bầu bí leo dây. Đất ít nhưng ông khéo vun vén và chia cụm thành ra khoảnh sân sau nhà sum suê rõ rệt. Cô con dâu thích thú cứ cuối tuần lại ra vườn cắt hoa, lấy trái vào, chụp choẹt các kiểu đăng lên mạng xã hội. Bạn bè vào hỏi han, chẳng mấy ai tin khoảnh đất ngày trước hoang phế giờ là một khu vườn rộn ràng hoa trái. Anh con trai mắc dây đèn quanh khu vườn nhỏ. Thoảng khi cuối tuần cả nhà lại bày biện đồ ra nấu ăn hay những ngày mệt mỏi bắt cái ghế ngồi hóng gió ngó hoa trái cũng làm dịu lòng người.

Ông buồn. Chẳng biết thằng cháu sao lại lạ lùng đến thế. Nhấp ngụm trà, rồi cho miếng bánh đậu xanh cô con dâu vừa đi công tác ngoài Bắc đem về. Ông ít khi nhớ quê thao thiết như bây giờ. Mỗi ngày có thằng cháu xoắn chân là đủ thứ chuyện để ông quên đi quê xứ. Giờ tự dưng lòng ông man mác buồn. Ông trồng mớ rau, ông hái những lá non mới nhú, ông xay nhuyễn rồi chắt nước lại pha thêm nước dừa tươi vào. Thấy trời nắng nóng, ông làm cho thằng cháu mang theo đỡ khát. Tuổi thơ ông chảy dài theo lá rau này mà lớn lên. Nhưng không dưng thằng cháu từ chối khiến lòng ông như có điều gì vỡ vụn ra. Hay là đúng như lời người quê ông nói, trước khi ông vào thành phố này sống, họ bảo xứ này không ưa người mình. Họ chế giễu rồi ghét ra mặt. Họ ghét luôn thứ rau mà nhờ nó người quê mình đi qua mùa đói những năm kháng chiến. Gió xào xạc. Lá rì rào. Lòng ông cứ lao xao những gợn buồn.

Cô con dâu kéo ghế ngồi xuống, nhìn đám hồng bị nắng làm héo cánh khẽ thở dài tiêng tiếc. Từ ngày có bố, mảnh đất trống trở nên đẹp hơn. Nhà mình cũng vui lắm bố à! Con lấy chồng mà chưa ngày nào làm dâu. Ở chung với bố cũng toàn là bố chăm sóc con cái cho, bố dòm ngó nhà cửa. Tụi con nhiều khi sáng đi chiều về cũng mỏi mệt đủ thứ. May mà có bố chịu từ quê vào đây đỡ đần chứ không thì cũng lộn xộn, lu bu, hối hả đủ điều. Hồi chiều chạy về vừa tới đầu xóm đã thấy hàng xóm hỏi bố sao nay không thấy ra tán dóc như mọi hôm. Họ chờ rau của bố đấy. Dân thị thành đôi khi bộc trực nhưng mà kỳ thực sống càng gần nhau, hiểu nhau thì quý nhau như người trong nhà vậy đó bố.

Cô con dâu ông cũng thích uống trà nóng. Từ ngày ông dựng mảnh vườn này. Ban đầu ra ngồi hóng gió, từ từ lại nhấp thử trà. Rồi cứ vậy mà ghiền luôn hồi nào không hay. Trà Bắc thơm lừng. Hít vào thấy lòng mình nhẹ nhàng. Ngồi một chút ngó cây, coi hoa vậy đó mà mấy cái muộn phiền công việc nó cũng tự dưng biến đi đâu mất tiêu. Có lần cô con dâu nói thế.

Cô con dâu người gốc thị thành. Ngày đó ông lo con trai ông khó sống vì sợ đất này hổng ưng người quê. Chừng ngày thằng con bảo cưới, ông đắn đo liệu có bền. Nhưng, phải phước nhà ông, cô con dâu lại là người thẳng đuột, thích hay không là nói ra hết. Nói xong lại hề hà, chẳng để bụng dạ. Tính lại thảo thơm cứ bình đạm sống mà không dòm ngó xét nét ai bao giờ. Hai năm ở chung, ông ngộ ra người đất này có thói sống không để ý chuyện của ai. Cứ mạnh ai nấy làm, dù cả trong gia đình. Nhưng khi cần thiết, chỉ nói vài câu là mọi chuyện giải quyết êm đẹp. Miễn cứ hợp tình, hợp lý là làm thôi bố. Lo lắng chi cho xa xôi rồi mệt óc mình. Mình sống mỗi ngày là phải vui. Vui mới sống nổi. Chứ mà đất này đã hối hả xoay vòng chuyện cơm áo gạo tiền đến mệt mỏi lòng mình. Mà còn không chịu sống nhẹ nhàng thì uổng kiếp người lắm. Cô con dâu vẫn cứ hay nói vậy, mỗi khi ông hỏi ý kiến và muốn làm gì đó. Mà đâu chỉ cô con dâu ông, khi ông lót tót ra làm quen hàng xóm, cũng thấy người ta sống nhẹ bâng, nghĩ nhanh gọn và nói thẳng tuột lòng mình. Hai năm ông về cái xóm ven đô như vậy cứ trôi qua khiến lòng không còn vướng bận.

Cô con dâu nhấp ngụm trà, lại thẽ thọt kể chuyện ngày đầu quen chồng cũng bị bạn bè nói nhiều về gốc tích chồng mình. Nhưng mà ở đâu lại không có người tốt, kẻ xấu bố ơi! Đôi khi người ta chưa hiểu thế thôi. Cứ để năm rộng tháng dài rồi tất cả mọi câu hỏi sẽ trả lời. Chừng bây giờ nè, họ hàng nội ngoại bên con đều khen. Đó bố thấy không, ngay cả bà con lối xóm còn mong ngóng bố từng ngày mà. Chuyện con nít đôi khi mình phải nói cho hiểu. Vậy nên, chuyện thằng nhỏ nó mới vào lớp bị bạn bè trêu bình nước rau má bố đừng buồn lòng. Càng như vậy con càng muốn thằng nhỏ chứng tỏ mình với bạn bè. Xứ này hễ chơi đẹp là không bao giờ thiếu bạn bè đâu bố.

Đêm phả hương hoa hồng nồng nàn khoảnh sân nhỏ...

***

Sáng cuối tuần, ông rủ thằng cháu ra vườn cắt hoa cho mẹ nó, sẵn tiện ông hái mớ rau má cho bà con hàng xóm.

Rau má chịu nắng, chịu mưa, dẫu khô cằn cách mấy vẫn xanh lá. Hồi đó, thời ông còn nhỏ dưới quê, thời đất nước vẫn còn chiến tranh, rau má nuôi sống cả làng, cả xứ Thanh đó con. Ông ngồi cạnh những vạt rau má, tỉ mẩn hái từng cọng rau. Cạnh bên là thằng cháu kê sẵn cái rổ. Hồi đó chiến đấu ác liệt, đâu có cơm gạo, thịt thà như thời giờ con đang sống. Dân xứ Thanh của nội góp gạo cho tiền tuyến. Bởi không có đợt tòng quân nào mà không có con em xứ Thanh xung phong lên đường. Ngay cả ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cũng xếp hàng dọc dài bia mộ của những người xứ Thanh ra đi không trở về. Gạo quê mình đứng đầu chiến dịch “hũ gạo cứu đói” những năm đó. Hồi bố mẹ của ông có khi ăn rau má độn cơm. Tuổi thơ ông ăn uống gì cũng từ cây rau má mà ra. Người ta còn lấy rau má làm thuốc chữa bệnh nữa con à! Vậy nên, người xứ Thanh tự hào về cây rau má lắm! Nên ai không biết thì mình nói cho biết. Ai không hiểu thì mình giải thích cho hiểu. Bạn bè con cũng vậy. Không cần giận hờn gì hết. Cứ nói và sống thật tử tế tự khắc mọi người lại chơi cùng nhau.

Ông không biết thằng cháu mới vào lớp 5 có hiểu hết những lời mình nói hay không. Nhưng chừng như có vẻ trong tâm trí nó đã bắt đầu hiểu cây rau mà ông trồng đầu tiên ở mảnh vườn nhỏ này như cả một trời quê hương ông mang theo vào đây. Nó im lặng nhưng bắt đầu nhón tay hái những lá rau xanh mướt cho vào rổ. Rồi phụ ông bỏ vào túi, chạy lót tót sang nhà hàng xóm dõng dạc nói to “ông cháu biếu ạ!”.

Ông nhìn thằng cháu nhảy chân sáo theo từng mớ rau. Lòng cũng vui rộn ràng. Có lẽ bây giờ thằng cháu chưa hiểu nhiều, nhưng ai rồi cũng phải lớn lên từ những câu chuyện quê hương gốc tích mà thôi. Như chính ông cũng lớn lên từ mảnh vườn của bố mình. Những tiếng cảm ơn lại rộn ràng trong xóm nhỏ Sài thành. Thằng cháu nắm tay ông đi về lại cửa nhà. Nụ cười nó trong veo như nắng thu.

Truyện ngắn của Tống Phước Bảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]