Khát vọng từ mùa thu cách mạng
Độc lập tự do là khát vọng cháy bỏng ngàn đời của dân tộc ta, Nhân dân ta. Cuộc Cách mạng Tháng Tám từ mùa thu lịch sử 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Nhân dân ta đã nhất tề đứng dậy làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất rũ bỏ mọi gông xiềng nô lệ vươn lên làm chủ vận mệnh của mình. Và ngày mùng 2 tháng 9 giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Quảng trường Ba Đình hôm nay. Ảnh: Bảo Thoa
Từ đây đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là khát vọng, là ý chí kiên cường của một dân tộc có cả một bề dày truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa, truyền thống đoàn kết như Bác Hồ đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Đó là khát vọng lớn lao đúc kết bao xương máu, trải qua bao cuộc đấu tranh mà sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định thành một chân lý của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và khát vọng đó được Bác luôn mang trong mình: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. “Ham muốn tột bậc” của Bác Hồ chính là khát vọng của Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh suốt 80 năm chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và phong kiến để giành độc lập tự do và xây dựng cuộc sống mới. Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là lý tưởng chiến đấu, là lẽ sống, là hệ giá trị vô giá mà Bác Hồ đã đề ra.
Độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Tư tưởng ấy đã được cha ông ta khẳng định rõ nhất là trong “Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt và “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Chẳng phải ngẫu nhiên khi mở đầu bản Tuyên ngôn lịch sử và bất hủ mùa thu 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn tuyên ngôn của hai cường quốc là Mỹ và Pháp. Dân tộc Việt Nam xứng đáng được bình đẳng với mọi dân tộc trên toàn thế giới; người dân Việt Nam được sống hạnh phúc như mọi người khác trên hành tinh. Độc lập tự do cho đất nước gắn với no ấm hạnh phúc của Nhân dân. Yêu nước, thương dân luôn canh cánh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Đó là khi: “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” trong ngục tối lao tù; hay: “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ - Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” ở chiến khu Việt Bắc. Đó cũng chính là những dòng tâm huyết trong Di chúc của Bác để lại như một di sản vô giá: “Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”. Di chúc của Bác cũng thể hiện tâm nguyện: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân”.
Quảng trường Ba Đình là một địa danh lịch sử như một đài hoa tươi thắm giữa mùa thu Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã viết những câu thơ khá xúc động trong bài thơ “Mây trắng Ba Đình”: “Trong đoàn người quê kiểng Bắc - Trung - Nam/ Về bên Bác, lòng ta thanh thản quá/ Cái giản dị thiêng liêng, cái bình thường lịch sử.../ Mây vẫn bay như thế, tháng năm này!".
Ta vẫn còn như nghe âm vang vọng lại không khí náo nức của cả một biển người, cờ hoa rực rỡ lấp lánh ánh sao vàng đổ về kỳ đài được dựng lên đơn giản. Và Bác Hồ vị lãnh tụ kính yêu trong bộ kaki với giọng nói trầm ấm với câu hỏi bất ngờ không có trong văn bản: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” đã rút ngắn lại khoảng cách giữa lãnh tụ với Nhân dân. Ôi hai tiếng “đồng bào” sao mà thân thiết gần gũi đến thế; Một cội nguồn từ “Bọc trứng Âu Cơ”; Một rạng danh “Con Lạc cháu Hồng”; Một ý chí thống nhất non sông; Một khát vọng độc lập đất nước. Tất cả cộng hưởng cùng vang lên trong nhịp bước hành khúc quốc ca: “Đoàn quân Việt Nam đi - Chung lòng cứu quốc”. Trong nắng ấm Ba Đình lòng tôi dạt dào xao xuyến khi nhìn sắc cỏ xanh mượt xanh non. Ngước lên vòm trời xanh vời vợi như nâng bổng tâm hồn gợi mở những mùa hy vọng mới. Và trong tôi bỗng ngân vang giai điệu da diết thành kính thiêng liêng của bài hát “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của nhạc sĩ Văn Cao - tác giả bản Quốc ca bất hủ: “Người về đem tới ngày vui - Mùa thu nắng tỏa Ba Đình - Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời - Người về đem tới xuân đời từ đất nước cằn - Từ bùn lầy cả cuộc đời bừng lên”. Và sau này nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong bài thơ “Đất nước” nổi tiếng đã khái quát: “Nước Việt Nam từ máu lửa - Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Thưa Bác! Từ Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, dân tộc Việt Nam đã kiên cường lập nên bao chiến công đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, xây dựng Tổ quốc ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Dải đất hình chữ S mềm mại như dải lụa nhưng cũng biến thành ngọn lửa lúc cuồng phong; Dải đất hình chữ S như con đê trên bán đảo không chỉ chống bão thiên nhiên khắc nghiệt mà còn chống bão quân thù xâm lược; Dải đất hình chữ S mang dáng mẹ thắt đáy lưng ong gánh hai đầu hai vựa lúa: Đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Dải đất ấy mà khi nhìn lên hình thế địa lý phía Bắc tôi đã viết những câu thơ: “Tổ quốc tôi hình cái nắm tay – Khi xòe ra chảy thành những dòng sông – Khi nắm lại thành chiến hào căm giận”. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đã đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua, những thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi sẽ được ghi vào lịch sử thế giới như một chiến công của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Và trong tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại quá trình 35 năm thực hiện đổi mới, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta...”.
Khi nghiên cứu về Tuyên ngôn độc lập, Giáo sư người Nhật Singô Slibata đã nhận xét: “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định vận mệnh của mình”. Cả cuộc đời của Bác đã hy sinh hạnh phúc riêng, lo cho hạnh phúc của đất nước, ở bên kia “thế giới người hiền” Bác sẽ rất vui và hạnh phúc trước những thành quả lớn lao mà đất nước ta đã đạt được.
Mùa thu đang tỏa nắng Ba Đình và từ Ba Đình tỏa nắng mùa thu lịch sử, mùa thu sắc thắm nắng vàng với bao khát vọng như tình cảm dào dạt mà nhạc sĩ Vũ Thanh đã gửi gắm trong bài ca “Hà Nội mùa thu” đi cùng năm tháng: “Như bâng khuâng, nghe gió đưa/ Vang vọng giữa Ba Đình/ Lời Người thu năm ấy, màu cờ thu năm ấy, vẫn đây xanh trời mây”...
Tùy bút của Nguyễn Ngọc Phú
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-09-19 15:17:00
Phát huy giá trị văn hóa phục vụ yêu cầu đổi mới và phát triển quê hương, đất nước
Dấu xưa kinh thành Vạn Lại - Yên Trường
Chàng Mo Ậu
Trên mảnh đất huyền thoại, tâm linh
Giải ngân nguồn vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội
Cuộn băng ký ức về thời sinh viên
Ông Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa: “Huyện Hoằng Hóa bước vào hành trình xây dựng và phát triển thành thị xã, đô thị loại IV trước năm 2030 với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”
Ký ức xứ Thanh qua các ngôi làng cổ
Để tình đồng chí là động lực trong “cuộc chiến” giữa thời bình
Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi