(Baothanhhoa.vn) - Xã Trung Chính (Nông Cống) là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu. Từ những năm 1989, nơi đây đã nỗ lực, phấn đấu cùng với các cấp, các ngành xây dựng thành công làng văn hóa đầu tiên của tỉnh cũng là một trong những làng văn hóa đầu tiên trên cả nước - làng Đông Cao. Với niềm tự hào ấy, những năm qua, các thế hệ cháu con xã Trung Chính vẫn chung sức đồng lòng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng, xã gắn với nhiệm vụ cụ thể trong bối cảnh, tình hình mới.

Văn hóa làng và làng văn hóa trên vùng đất Trung Chính

Xã Trung Chính (Nông Cống) là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu. Từ những năm 1989, nơi đây đã nỗ lực, phấn đấu cùng với các cấp, các ngành xây dựng thành công làng văn hóa đầu tiên của tỉnh cũng là một trong những làng văn hóa đầu tiên trên cả nước - làng Đông Cao. Với niềm tự hào ấy, những năm qua, các thế hệ cháu con xã Trung Chính vẫn chung sức đồng lòng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng, xã gắn với nhiệm vụ cụ thể trong bối cảnh, tình hình mới.

Văn hóa làng và làng văn hóa trên vùng đất Trung ChínhĐình làng Đông Cao thờ Tam quốc công họ Đinh (Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt). Ảnh: T.L

Từ TP Thanh Hóa theo Quốc lộ 45 về phía Tây Nam khoảng 18km, qua địa phận Cầu Quan không xa là đến với làng Đông Cao - vùng quê vẫn còn lưu giữ được cảnh quan nông thôn Bắc bộ, Bắc Trung bộ xưa. Lịch sử truyền thống làng Đông Cao ghi chép lại: Đây là ngôi làng cổ, vùng đất lộc điền của vua ban cho công thần khai quốc triều Lê – Thái sư lân quốc công Đinh Liệt. Lịch sử làng Đông Cao đã trải qua hơn 500 năm xây dựng và phát triển. Trên hành trình ấy, bằng bàn tay, khối óc, bản tính chịu thương chịu khó, yêu chuộng văn hóa, lớp lớp thế hệ cháu con làng Đông Cao đã cùng nhau xây dựng và phát triển làng, đắp bồi nên những vỉa tầng văn hóa, truyền thống cách mạng...

Làng có các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu như: Đình làng Đông Cao thờ Tam quốc công họ Đinh (Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt); đền thờ Chiêu từ phu nhân (bà chúa) Đinh Thị Ngọc Ban, khu lăng mộ cụ Đinh Công Đột - cụ tổ họ Đinh. Gắn với các di tích, hoạt động lễ hội, tâm linh của làng Đông Cao có nhiều nét đặc sắc. Ông Đinh Văn Thông (82 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi hạnh phúc thôn cho biết: “Làng Đông Cao có bề dày lịch sử - văn hóa, được xây dựng từ thuở lập làng và truyền lại cho các thế hệ cháu con. Điều đó thể hiện ở việc các khu di tích được trùng tu, tôn tạo rất uy nghiêm, khang trang để thờ cúng các vị tiên tổ đã có công lập ấp lập làng, che chở cho cuộc sống người dân cho đến sự phong phú, đa dạng về phong tục tập quán, lễ hội, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao. Từ rất lâu về trước, trong những dịp lễ, tết, làng Đông Cao còn tổ chức được đội hát tuồng rồi thành lập cả đội bóng đá có rất đông thanh niên tham gia”.

Chính những nét nổi bật về văn hóa, xã hội ấy là căn cứ quan trọng để tỉnh Thanh Hóa lựa chọn làng Đông Cao làm đơn vị thí điểm xây dựng làng văn hóa. Đây là nội dung khá mới mẻ trong bối cảnh đất nước vừa bước sang giai đoạn đổi mới nên việc xây dựng làng văn hóa Đông Cao lúc bấy giờ nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Từ 1991-1993, nhiều hội thảo được tổ chức tập trung vào các vấn đề như: Văn hóa làng và làng văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, hai năm xây dựng làng văn hóa Thanh Hóa... Năm 1991, làng Đông Cao xây dựng bản quy ước gồm 4 chương 21 điều. Nội dung bản quy ước quy định cụ thể những điều phù hợp với nếp sống của làng, đặc biệt chú trọng xây dựng đạo đức nếp sống, xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, giữ vững tôn ti gia đình, kỷ cương xã hội, chăm lo giáo dục, phấn đấu xây dựng làng Đông Cao ngày càng giàu đẹp, văn minh... Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, năm 1997, làng Đông Cao được công nhận là làng văn hóa, trở thành làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Sự thành công của làng văn hóa Đông Cao có ý nghĩa rất lớn, như “luồng gió mới” thổi bừng lên phong trào sôi nổi xây dựng làng văn hóa trên địa bàn xã Trung Chính nói riêng, cả tỉnh và miền Bắc nước ta nói chung.

Chúng tôi tìm về làng Bi Kiều để được lắng nghe nhiều hơn câu chuyện xây dựng và phát triển làng văn hóa trên mảnh đất Trung Chính. Ông Lê Đức Long (67 tuổi), nguyên trưởng làng Bi Kiều nhiều năm nhiệt tình chia sẻ: “Làng Bi Kiều xưa có tên là làng Chợ, cũng có chung một nguồn gốc với làng Đông Cao. Gia phả họ Đinh còn ghi chép lại, cụ Đinh Công Đột và đoàn tùy tùng trên đường đi tìm đất lập ấp đã đến làng Chợ, thấy nơi đây khá sầm uất trên bến dưới thuyền, thuận lợi cho việc thông thương buôn bán. Tuy nhiên, vì địa thế đất hẹp nên cụ đã để cho người con nuôi là Đào Khắc Thành ở lại, còn mình tiếp tục đi về phía Đống Cải (làng Đông Cao) lập ấp”. Những dấu mốc trong lịch sử hình thành và phát triển làng Bi Kiều cứ thế hiển hiện chân thực qua lời kể của ông Long: Chúa Trịnh Tùng đã từng đến làng chúng tôi, thấy nơi này vị trí đắc địa nên cho xây dựng cây cầu bằng gỗ nối hai bờ phía Bắc và phía Nam sông Nhà Lê, dựng bia ngay đầu cầu để ghi nhớ sự kiện này. Khi có cầu, có bia thì đổi tên làng thành làng Bi Kiều. Qua những biến động lịch sử, cây cầu bằng gỗ không còn nhưng dưới lòng sông vẫn còn những cọc gỗ lim lưu lại như chứng tích. Vị trí cầu cũ nằm ngay vị trí ngôi đình thờ thành hoàng làng Bi Kiều hiện nay. Đình đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa; trong đình vẫn còn lưu giữ tấm bia cổ và nhiều đạo sắc phong.

Với những điểm tựa lịch sử - văn hóa cùng những thuận lợi về giao thông, giao thương ấy, Bi Kiều đã thành công xây dựng làng văn hóa từ hơn 20 năm trước. Từ đó đến nay, làng vẫn không ngừng nỗ lực phát huy truyền thống, tiếp tục giữ vững và phát huy danh hiệu làng văn hóa. Làng hiện có hơn 300 hộ, khoảng 1.200 nhân khẩu, cơ cấu kinh tế “bán nông - bán thương”, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,01%. Xét ở góc độ kinh tế - xã hội (KT-XH), làng Bi Kiều có xuất phát điểm cao hơn so với mặt bằng chung toàn xã. Những năm qua, cùng với sự quan tâm, đầu tư của huyện, xã, Nhân dân làng Bi Kiều tích cực đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, thiết chế văn hóa, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm... Huy động hiệu quả, tối đa nguồn lực, làng Bi Kiều đã xây dựng được khu nhà văn hóa với khuôn viên rộng hơn 10 nghìn m2, đủ diện tích tổ chức 4 sân chơi bóng chuyền cùng lúc, 1 sân khấu ngoài trời, 1 sân bóng đá, 1 hồ bơi đang trong quá trình cải tạo. Song song với việc phát triển KT-XH, làng Bi Kiều đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Phong trào văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao trong làng diễn ra sôi nổi; 95% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa...

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đã được cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể xã Trung Chính xác định là “hạt nhân”, nòng cốt, xuyên suốt trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ông Bùi Xuân Hiểu, Bí thư Đảng ủy xã Trung Chính cho biết: “Xã đã quan tâm, tập trung chỉ đạo bằng cả định hướng và tư duy thực tiễn, cụ thể hóa bằng nhiệm vụ cụ thể trong kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Xã xây dựng kế hoạch, mục tiêu và phương hướng cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế, lồng ghép xây dựng vào các phong trào thi đua như: “Phong trào xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến”, “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”, “toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào thi đua “học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh”, “toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”...

Do đó, phong trào xây dựng làng văn hóa đã thực sự lan tỏa rộng khắp, làm cho nếp sống văn hóa thấm sâu, lôi cuốn được đông đảo các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ, hăng hái tham gia, trở thành động lực, nguồn sức mạnh nội sinh thúc đẩy KT-XH của xã Trung Chính. 27 năm đã trôi qua kể từ ngày làng Đông Cao được công nhận là làng văn hóa, đến nay toàn xã Trung Chính đã có 6/9 thôn được công nhận làng văn hóa. Các câu lạc bộ, mô hình như: câu lạc bộ người cao tuổi không vi phạm pháp luật; câu lạc bộ không sinh con thứ 3; câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; chi hội người cao tuổi hạnh phúc; gia đình học tập, dòng họ học tập,... được nhân rộng. Các thôn, tổ dân phố xây dựng, thực hiện tốt hương ước, quy ước, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, gắn chặt với các nhiệm vụ phát triển KT-XH; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được đẩy mạnh. Bằng việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa hiện đại, những ngôi làng văn hóa đã chủ động, tự tin hội nhập, bắt nhịp thời cuộc, không ngừng phát triển.

*Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách "Lịch sử truyền thống làng Đông Cao" do Chi ủy, Chi bộ Đông Cao sưu tầm, biên soạn.

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]