Ký ức thời hoa lửa
Trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng là một trong những chiến công chói lọi nhất, huy hoàng nhất, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất và tiến lên CNXH. Trong thắng lợi vẻ vang ấy, biết bao người con của dân tộc Việt Nam, của quê hương Thanh Hóa đã hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu.
Cựu chiến binh Nguyễn Trường Bách đang lần giở những kỷ niệm trong thời chiến.
Trai anh hùng xung phong nơi trận tuyến
49 năm đã trôi qua, giờ ngồi ngắm những kỷ vật, lật giở những bức ảnh chụp cùng đồng đội năm xưa, ký ức về cuộc chiến hào hùng như những thước phim quay chậm hiện ra trước mắt người cựu chiến binh lính thông tin tín hiệu Nguyễn Trường Bách ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa). Ông nhớ, ngày ấy mình giữ chức đài trưởng 15W, thuộc Trung đoàn 28, Sư đoàn 10.
...Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất, khát khao được ra chiến trường chiến đấu, chàng thanh niên Nguyễn Trường Bách đã trốn bố mẹ đi khám nghĩa vụ và lên đường nhập ngũ khi mới 17 tuổi. Ông Bách nhớ lại: “Lớp thanh niên chúng tôi thời kỳ đó ai cũng mong muốn ra chiến trường để cống hiến và chiến đấu cùng các đồng đội. Chúng tôi xem đó là trách nhiệm và niềm vinh hạnh của tuổi trẻ”.
Sau thời gian được đào tạo, học báo vụ trở thành lính thông tin tín hiệu, năm 1968 ông được cử vào chiến trường Tây Nguyên thuộc Trung đoàn 28, Sư đoàn 10. “Cuộc hành quân vào Tây Nguyên vô cùng gian khổ, mỗi chúng tôi đều phải mang theo ba lô nặng 35kg - 40kg, ngày hành quân, đêm đến thì làm nhiệm vụ nhận gửi thông tin đảm bảo cuộc hành quân an toàn. Gian khổ là vậy nhưng không ai kêu than một tiếng, bước chân người lính đều mang theo sự quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước, để nhà nhà được sum vầy”, ông Bách bộc bạch.
Trên chiến trường, nhiệm vụ của người lính thông tin cũng không kém phần nguy hiểm, gian nan. Trong một lần đang làm nhiệm vụ thì ông Bách lên cơn sốt rét, khiến cơ thể run lên bần bật. Tuy nhiên lúc này Bộ Tư lệnh phát nhiều bức điện cùng một lúc với tốc độ cao, các chiến sĩ thông tin khác không có khả năng nhận điện. Quên đi cơn bạo bệnh, ông Bách gắng sức không để đứt những thông tin quý giá nên gắng gượng làm tiếp. Mãi đến khi có sự trợ giúp từ cấp trên thì ông mới yên tâm nghỉ bệnh.
Kể về những giây phút lịch sử của ngày 30/4, ông Bách nói với giọng hào sảng: “Ngày 29/4/1975, đồng chí chủ nhiệm thông báo ngày mai trung đoàn chúng ta đánh vào Bộ Tổng tham mưu. Riêng về khối điện báo vô tuyến 15W do đồng chí Nguyễn Trường Bách thực hiện nhiệm vụ. Tôi vui sướng vô cùng khi được giao một nhiệm vụ quan trọng trong trận đánh lịch sử. Thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, khoảng 3 giờ sáng ngày 30/4, đơn vị tôi từ Củ Chi bắt đầu xuất phát tham gia chiến dịch. Khi tiến đến gần Bộ Tổng tham mưu, giặc chống trả rất quyết liệt. Trung đoàn có 5 xe tăng thì 4 chiếc bị địch phá hủy, nhiều người hy sinh. Chiếc xe ô tô tôi ngồi cũng bị bắn cháy. Tôi và mọi người nhanh chóng rời khỏi xe. Nguy hiểm là vậy, nhưng tôi và các đồng đội vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc giữa chỉ huy Trung đoàn 28 và Sư đoàn 10 trong suốt trận đánh, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc”.
Ông Bách là 1 trong hàng nghìn thanh niên ưu tú mà hậu phương lớn Thanh Hóa chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 21 năm trường kỳ kháng chiến, Thanh Hóa có khoảng 250.000 thanh niên ưu tú và hàng vạn cán bộ, đảng viên, nam, nữ tham gia bộ đội và thanh niên xung phong trên các mặt trận, các chiến trường phía Nam. Đi qua cuộc chiến, trong số đó đã có gần 57 nghìn người con Thanh Hóa hy sinh, hơn 32 nghìn người đã mất đi một phần thân thể...
Gái đảm đang giữ chắc hậu phương
Cùng với các chiến sĩ xông pha dưới mưa bom bão đạn nơi tiền tuyến, tại quê nhà, hàng vạn chiến sĩ, dân quân và Nhân dân đã dũng cảm chiến đấu và chiến thắng, bảo vệ các trọng điểm giao thông huyết mạch chi viện sức người, sức của từ Bắc vào Nam. Mà ở đó, giặc càng khiếp sợ khi cả nước sục sôi ý chí giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Đó là câu chuyện về tinh thần quả cảm trong chiến đấu Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc, đơn vị nữ dân quân đầu tiên trên miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Đó còn là những chiến công của Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải, Hoằng Trường (Hoằng Hóa); Trung đội nữ dân quân xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn); Đại đội pháo cao xạ Triệu Thị Trinh...
Cụ Nhõi và cụ Chuông vẫn nhớ rất nhiều kỷ niệm của Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải.
Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải được thành lập năm 1967 gồm 16 đội viên, do đồng chí Hồ Thị Chuông làm Trung đội trưởng. Khi ấy, hầu hết các chị còn mười tám, đôi mươi, chỉ có ba chị em đã lập gia đình, nhận nhiệm vụ bảo vệ bầu trời, kho thóc và tuyến đường huyết mạch từ Bắc vào Nam.
Trung đội trưởng Hồ Thị Chuông lúc đó chỉ mới 25 tuổi, là một cô gái thông minh, nhanh nhạy, có trình độ học vấn, năng lực sử dụng vũ khí. Không phụ sự tín nhiệm của cấp trên, cô lãnh đạo trung đội nữ vượt qua mọi gian nan vất vả, tập luyện và sử dụng thành thạo vũ khí như khẩu 12 ly 7, khẩu trung liên... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuần tra canh gác ven biển, 2 lần bắn hạ máy bay Mỹ, cả 2 lần đều được Bác Hồ gửi thư khen.
Giờ đây, ở tuổi 86 cụ Chuông vẫn giữ được dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát. Giọng hào hứng, bà kể: “Ngày 16/11/1967, một tốp máy bay gồm 2 chiếc AD6 của địch bay thẳng tới Hàm Rồng. Phát hiện máy bay, tôi ra hiệu lệnh cho đồng đội lập tức chiến đấu. Hai chiếc máy bay bị trung đội chúng tôi phối hợp với Trung đội dân quân nữ Hoằng Trường bắn hạ. Đây là lần thứ 2 chúng tôi bắn rơi máy bay Mỹ”. Ngay sau đó, hai trung đội nhận được thư khen của Bác Hồ: “Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu ngày 16/11/1967 đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu hết sức dũng cảm, mưu trí, bắn rơi cả tốp hai máy bay Mỹ. Bác đặc biệt khen ngợi các cháu xã H trong 6 ngày đã bắn rơi hai máy bay Mỹ...” (Lịch sử Đảng bộ huyện Hoằng Hóa).
Nhận được thư khen và Huy hiệu Bác Hồ, cảm xúc vinh dự ấy vẫn còn lan tỏa đến tận bây giờ với cụ Lê Thị Nhõi, Trung đội phó Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải. Cụ nói: “Khi máy bay địch bị bắn rơi, chúng tôi vui mừng ôm nhau khóc. Niềm vui khiến những giọt nước mắt cứ lăn dài. Chúng tôi hiểu rõ, dù kẻ thù có mạnh đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể thắng một dân tộc với lòng quyết tâm và tinh thần đoàn kết một lòng”.
Cũng trong thư khen 2 trung đội nữ dân quân Hoằng Trường, Hoằng Hải bắn rơi máy bay, Bác Hồ có viết “...Thanh Hóa là tỉnh có nhiều đội dân quân gái bắn rơi máy bay Mỹ. Đó là vinh dự chung của tỉnh nhà và phụ nữ cả nước ta”. Trong đó, Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc, đơn vị nữ dân quân đầu tiên trên miền Bắc đã bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Liên tiếp sau đó các đơn vị nữ ở Thanh Hóa cũng bắn hạ nhiều máy bay Mỹ. Chiến công của họ đã góp vào rừng chiến công của các nữ dân quân miền Bắc trong những năm chiến đấu ác liệt, chống giặc Mỹ bắn phá miền Bắc.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về thời hoa lửa hào hùng còn đọng lại mãi, nhắc nhớ lớp lớp cháu con thêm trân quý quê hương, Tổ quốc, yêu giá trị của hòa bình và độc lập, tự do.
Bài viết có sử dụng tư liệu Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Hải, Lịch sử Đảng bộ huyện Hoằng Hóa.
Phong Vân
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-04-22 08:49:00
Đại thắng mùa xuân 1975 - Khát vọng thống nhất đất nước
“Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”
Đi qua chiến tranh
Lạch Trường: Từ lịch sử hào hùng đến điểm du lịch hấp dẫn
Phát huy tinh thần đại thắng, Thanh Hóa phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản hùng ca bất diệt
Đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra thành công
Văn hóa ẩm thực: Mỹ tục đặc sắc trên quê hương vua Lê Đại Hành
Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vùng biển xứ Thanh
Những bông hồng nở hoa