Đi qua chiến tranh
Đi qua chiến tranh là đi qua gian khổ, khốc liệt, qua bao dấn thân, dâng hiến để mình và đồng đội trở về dựng xây cuộc sống. Họ - những cựu chiến binh (CCB) đi qua mưa bom, bão đạn nay sống trong thời bình, bên cạnh chống chọi với những cơn đau của những ngày trái gió trở trời, họ còn phải đối diện với đời sống kinh tế hàng ngày.
Nhiều hoạt động của các cấp hội CCB không chỉ giúp đỡ những CCB có hoàn cảnh khó khăn, mà còn góp phần phát triển kinh tế của gia đình và địa phương.
Hội CCB huyện Nông Cống hiện có 13 doanh nghiệp, 324 trang trai, gia trại, 14 HTX, tổ hợp tác... tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định và 5.300 lao động thời vụ. Hội còn phối hợp tạo điều kiện để hội viên nghèo vay vốn tăng gia sản xuất, giải quyết việc làm. Trong toàn huyện hiện có 7 mô hình “CCB giúp nhau phát triển kinh tế”, ông Hà Công Trường, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết.
Đến thăm mô hình phát triển trang trại tổng hợp của CCB Nguyễn Đình Tiếp, thôn Thái Sơn, xã Tân Phúc (Nông Cống) chúng tôi thực sự ngưỡng mộ. Ông kể cho chúng tôi về những ngày tham gia chiến đấu tại Đoàn 775, Quân khu 7, đóng quân tại Biên Hòa (Đồng Nai) từ năm 1974. Đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia và bị thương 4 lần. Năm 1983, xuất ngũ trở về địa phương ông là thương binh 41% và bệnh binh 61%.
Những tưởng với hoàn cảnh ấy ông chỉ quanh quẩn ở nhà, nhưng với quyết tâm “phải sống không nghèo khổ”, ông đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình khác nhau, tự nghiên cứu, tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới, mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
“Cách đây gần 10 năm (2015), khi xã có chủ trương khuyến khích Nhân dân dồn điền, đổi thửa để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tôi đã vay mượn ngân hàng, người thân, mạnh dạn xin thầu hết diện tích các hộ đã bỏ hoang để đầu tư, cải tạo, quy hoạch lại làm trang trại tổng hợp cá - lúa, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả”, ông Tiếp kể lại.
Tinh thần CCB, đã khiến một người thương tật như ông, lại thêm gia đình khó khăn nay đã có cuộc sống sung túc, lợi nhuận hằng năm đạt trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra ông thường xuyên tạo việc làm cho 6 lao động, thu nhập bình quân từ 6 đến 10 triệu đồng/người/tháng, trong đó chủ yếu là con, em của CCB trên địa bàn xã và huyện.
Không chỉ có ông Tiếp, nhiều CCB ở Nông Cống đã tự vươn lên thoát nghèo, thậm chí là có điều kiện kinh tế khá. Hiện tỷ lệ hộ CCB khá, giàu toàn huyện chiếm 61,8%; hộ nghèo giảm còn 0,3%; hộ cận nghèo 0,77%. Tất cả là nhờ ý chí tự lực, từ cường, nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
“Trồng hoa trên đá, nuôi cá trên đồi” là suy nghĩ và là mệnh lệnh mà CCB Hà Văn Ứng, ở thôn Tân Quang, xã Thanh Tân (Như Thanh) đặt ra cho bản thân. Bởi ông nghĩ: Tôi nhận thấy con người muốn phát triển và thành công trước hết phải tự nghiêm với bản thân, đặt ra những mục tiêu đúng đắn, để từ đó từng bước rèn luyện và làm theo”. Đó cũng là phẩm chất mà ông có được từ môi trường quân đội.
Bằng ý chí vươn lên, không khuất phục trước khó khăn của người lính, sau nhiều lần thất bại với mô hình trồng mía, nghệ... năm 2004 ông Ứng chuyển sang trồng đào phai. Ngoài ra, tận dụng những thửa ruộng kém hiệu quả, ông cải tạo làm ao nuôi ốc nhồi. Đến nay, gia đình ông có khoảng 1.000 gốc đào phai, hơn 200 gốc đào đá. Ông còn có 2 ao nuôi ốc nhồi rộng khoảng 4 sào, 40 bọng ong... mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm kinh tế để nuôi sống bản thân và gia đình, nhiều CCB còn luôn gương mẫu trong mọi phong trào của địa phương. Ở huyện Đông Sơn, nhiều người biết đến CCB Thiều Canh Thê, thôn Thiệu Xá 2, xã Đông Tiến với việc hiến trên 570m2 đất nông nghiệp làm đường giao thông nông thôn. Nhìn ông, nhiều hộ dân trong xóm đã nhanh chóng hưởng ứng, tháo dỡ tường rào, bàn giao mặt bằng để mở rộng tuyến đường liên xã trước đây chỉ hơn 4m lên tới 9m. Cũng vì thế mà chỉ trong 2 năm, 335 hội viên CCB xã đã hiến hơn 5.200m2 đất cùng nhiều công trình, tài sản trên đất để mở rộng đường. “Nhờ những tấm gương của các CCB trong hiến đất mở đường giao thông mà bà con Nhân dân đã đồng thuận và làm theo. Tính chung, Nhân dân xã Đông Tiến đã hiến 18.000m2 đất để XDNTM nâng cao”, ông Thiều Sỹ Cẩn, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Đông Tiến cho biết.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, hội CCB các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xác định mục tiêu “nhận một việc” do cấp ủy giao hoặc đăng ký với chính quyền địa phương thực hiện một tiêu chí NTM cụ thể và tổ chức thực hiện với nhiều cách làm riêng.
Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng chục nghìn gia đình CCB tham gia hiến đất với diện tích trên 892.000m2, đóng góp hơn 10 tỷ đồng và hàng vạn ngày công để mở rộng, nâng cấp đường giao thông, hè phố, làm nhà văn hóa, khu thể thao. Các cấp hội đã thành lập được 220 Câu lạc bộ “bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm” với 2.227 hội viên tham gia. Nhiều phần việc do CCB đảm nhận như “Đoạn đường CCB tự quản” về an ninh trật tự, an toàn giao thông; trồng và chăm sóc “Hàng cây CCB”; “Xây dựng cột cờ, tủ sách pháp luật nhà văn hóa thôn, tổ dân phố”... đã góp phần cùng các địa phương hoàn thành các tiêu chí XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đặc biệt gia đình các CCB đã phát triển 17 sản phẩm OCOP.
Hội CCB xã Vạn Hòa (Nông Cống) luôn đi đầu về mô hình tuyến đường kiểu mẫu. Ngoài việc quản lý tuyến đường lịch sử kiểu mẫu của xã với 230 cây hoa ban, các CCB còn đảm nhiệm trồng và chăm sóc gần 300 cây cau ở thôn Đồng Thanh. Đồng thời, mỗi chi hội đảm nhận chăm sóc tuyến đường của thôn. Hội chỉ đạo mỗi chi hội 1 ngày/quý cắt cỏ, dọn vệ sinh các tuyến đường CCB tự quản. Đặc biệt là vào những ngày lễ lớn của đất nước, hội đều phát động phong trào CCB bảo vệ môi trường.
Ông Hoàng Văn Trân, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Nông Cống khẳng định: “Hơn hết, CCB phải luôn là người gương mẫu, phát huy tính gương mẫu trong tuyên truyền, vận động Nhân dân. Tuổi cao gương sáng là động lực lớn để mọi người làm theo”.
Bên cạnh việc giúp nhau phát triển kinh tế, các CCB còn chia sẻ với nhau nỗi buồn, động viên nhau có một nơi ở ấm áp.
Gặp CCB Nguyễn Đức Binh, thôn Vạn Thành, xã Thăng Long (Nông Cống) trong căn nhà mới, chúng tôi vẫn còn nhận rõ cảm giác vui sướng và bồi hồi của ông. Bởi, bao năm nay gia đình ông thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, con cái lập gia đình nhưng cũng vá víu bữa cơm qua ngày. 2 vợ chồng ông tuổi đã cao, sống chủ yếu nhờ nông nghiệp nên cũng không có cơ hội sửa chữa ngôi nhà xuống cấp. Nắm bắt được điều đó, Hội CCB huyện Nông Cống đã tiến hành khảo sát và hỗ trợ gia đình ông Binh xây dựng nhà ở.
Ngôi nhà có diện tích gần 30m2 vợ chồng ông đang sống có một phần từ quỹ “Nghĩa tình CCB”, còn lại là vốn tự có của gia đình và anh em dòng họ giúp đỡ. “Nếu không có Hội CCB huyện có lẽ tôi cũng không cố gắng, nỗ lực để có căn nhà này đâu. May mắn là cuối đời tôi còn có nhà kiên cố sạch đẹp để ở”, ông Nguyễn Đức Binh chia sẻ.
Bà Thiều Thị Hương, thôn Thái Lai, xã Thái Hòa (Triệu Sơn) rất xúc động khi nói về sự sẻ chia của những CCB: Ngôi nhà này có diện tích 60m2 với tổng kinh phí 250 triệu đồng, trong đó, Hội CCB tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, chi hội CCB thôn cũng đã trao tặng gia đình một phần quà để mua sắm vật dụng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày.
Chọn “Xóa nhà dột nát cho gia đình hội viên CCB khó khăn về nhà ở” là khâu đột phá, Hội CCB tỉnh đã có những hành động thiết thực giúp các hội viên không còn phải ở trong những căn nhà tạm bợ và dột nát. Theo đó, mỗi cán bộ, hội viên CCB đóng góp 2.000 đồng/tháng (tổng là 24.000 đồng/năm), người có điều kiện thì ủng hộ nhiều hơn để xây dựng quỹ. Vì thế trong giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh đã làm mới 452 nhà, sửa chữa 216 nhà với tổng số tiền hỗ trợ 23,5 tỷ đồng. Trong đó, quỹ do cán bộ, hội viên đóng góp là 18,3 tỷ đồng, còn lại là sự hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp. Tính trong năm 2023, Hội CCB toàn tỉnh đã làm mới 90 nhà, sửa chữa 15 nhà với tổng số tiền hỗ trợ 4,7 tỷ đồng.
Đi qua cái sống cái chết, chúng tôi càng trân quý cuộc sống hơn, đó cũng là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Tiếp, thôn Thái Sơn, xã Tân Phúc (Nông Cống). Bởi thanh xuân của ông và các đồng đội là ở chiến trường, “Chúng tôi mong muốn được hòa bình, sẵn sàng dấn thân, chấp nhận hy sinh để đổi lấy độc lập tự do cho đất nước. Và ngày hôm nay, những CCB như chúng tôi không thể chùn chân mà dừng bước, không thể thấy đồng đội vất vả mà không chia sẻ”.
Người Thanh Hóa dũng cảm, kiên cường trong chiến tranh; chăm chỉ và linh hoạt để thực hiện khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa, sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Đúng như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nói: “Ước mơ đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững, tỉnh “kiểu mẫu” luôn luôn là khát vọng xuyên thế kỷ. Đó không chỉ là quyết tâm chính trị của các thế hệ lãnh đạo mà là mong ước của mọi người dân xứ Thanh trong tỉnh và hàng triệu người dân xứ Thanh ở trên khắp mọi miền của Tổ quốc và ở nước ngoài đang chung nhau một hành trình đồng tâm nhất, thiết tha, đẹp đẽ và bất biến nhất, hành trình đó mang tên “Khát vọng xứ Thanh”.
Trên hành trình ấy luôn có sự động viên, tiếp sức và hành động của các CCB.
CHI ANH
{name} - {time}
-
2024-11-21 12:16:00
Xây dựng những tuyến đường mở hướng tương lai
-
2024-11-21 12:11:00
Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái
-
2024-04-21 15:04:00
Lạch Trường: Từ lịch sử hào hùng đến điểm du lịch hấp dẫn
Phát huy tinh thần đại thắng, Thanh Hóa phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản hùng ca bất diệt
Đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra thành công
Văn hóa ẩm thực: Mỹ tục đặc sắc trên quê hương vua Lê Đại Hành
Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vùng biển xứ Thanh
Những bông hồng nở hoa
Chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh
Du lịch Yên Định những điểm đến hấp dẫn
Khát vọng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo