Lạch Trường: Từ lịch sử hào hùng đến điểm du lịch hấp dẫn
Trên “bản đồ” du lịch biển xứ Thanh, Lạch Trường (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) những năm gần đây “nổi” lên là một điểm tham quan, chiêm bái và nghỉ dưỡng hấp dẫn. Nơi đây có biển cả mênh mông, cửa sông êm đềm, có núi Linh Trường nhoài ra nơi sóng nước và cả những dấu ấn, sự kiện lịch sử một thuở hào hùng... Tất cả, tạo nên sức hút của Lạch Trường.
Quần thể văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường thu hút đông du khách về tham quan, chiêm bái (ảnh chụp dịp Tết Giáp Thìn).
Nằm ở phía Đông Bắc huyện Hoằng Hóa, xã ven biển Hoằng Trường “sở hữu” đường bờ biển dài gần 5km và 2,1km đường sông. Nơi đây có cửa sông Lạch Trường - bên này là Hoằng Trường (Hoằng Hóa), bên kia là huyện Hậu Lộc. Với sự “hội tụ” cả núi, sông, biển... đã tạo nên cho Hoằng Trường - Lạch Trường không gian cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Nhờ quá trình bồi tụ cát phù sa sông kết hợp với thủy triều vùng cửa sông bồi đắp qua hàng nghìn, vạn năm đã hình thành nên vùng đất Hoằng Trường “đầu sóng ngọn gió” vất vả gian lao và rất đỗi hào hùng.
Sông Lạch Trường - một nhánh của sông Mã chảy qua đất Hoằng Trường, trước khi đổ ra biển đã tạo nên một vùng cửa sông (Lạch Trường) mênh mang mà phẳng lặng - chốn tìm về neo đậu của tàu thuyền sau những ngày dài vươn khơi bám biển. Xưa kia, khi giao thông đường thủy còn giữ vai trò trọng yếu thì cửa sông Lạch Trường (phía Hậu Lộc gọi là sông Y Bích) từng là thương cảng sầm uất, tấp nập tàu thuyền neo đậu, buôn bán. Đầu thế kỷ XX, tại Lạch Trường, một nhà khảo cổ học người nước ngoài - cộng sự của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp trong một lần khai quật đã bất ngờ phát hiện thấy bảo vật quý giá “Cây đèn đồng hình người quỳ” - cổ vật văn hóa Đông Sơn. Bảo vật quốc gia “Cây đèn đồng hình người quỳ” hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Và trong lịch sử, tương truyền, một vị vua nhà Lê trong lần tuần du qua cửa Lạch Trường, trước cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của biển khơi, sông núi Lạch Trường đã “tức cảnh” đề thơ Linh Trường hải khẩu (cửa biển Lạch Trường) với lời tựa, đại ý: Bên cạnh núi là biển, núi xanh cao vút, hình núi dị kỳ đứng sững ở cửa biển. Chân núi có động sâu thẳm không cùng, tương truyền đấy là miệng rồng; ngoài cửa động có viên đá như hình cái mũi, tương truyền đấy là mũi rồng; dưới núi mọc lên viên đá tròn nhẵn, tương truyền đấy là hạt ngọc; đá lớn lô nhô rất nhiều hình thái, chỗ thưa, chỗ dày không thể đếm được, tương truyền đấy là râu rồng...
Và đấy chính là núi Linh Trường - tiếp nối núi Kim Chuế (Ngọc Chuế) xã Hoằng Yến. Núi Linh Trường “... kéo dài đến mũi Hòn Bò (trên bản đồ gọi là Gò Ba Quan) nhấp nhô trong sóng bạc. Một ngọn lớn nổi lên giống như một mũi giày mà bản đồ địa lý Việt Nam gọi là Mũi Hài (Hài Tỵ Phong), nhìn xa có thể thấy Hòn Nẹ thuộc huyện Hậu Lộc đang án ngữ ngay giữa vùng cửa sông như một tiền đồn quan trọng” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Trường).
Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, với lợi thế đường bờ biển dài, cửa sông rộng, núi nhô cao ra tận biển, đường giao thông thủy - bộ thuận tiện, dễ hiểu vì sao Hoằng Trường - Lạch Trường luôn có vai trò trọng yếu về quân sự.
Khu Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường - điểm nhấn trong “bức tranh” du lịch ở Hoằng Trường.
Theo sử liệu, trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên của quốc gia Đại Việt, tại cửa Lạch Trường đã diễn ra những trận chiến quyết liệt. Người dân trong vùng đã dùng bè mảng, vót chông nhọn cùng với quan quân nhà Trần đánh giặc. Vào cuối thời Trần, sông Ngu (Ngu Giang - một nhánh của sông Mã - tức sông Lạch Trường) cũng “chứng kiến” trận chiến của quân dân ta với giặc Chiêm Thành. Sang thời nhà Lê, tại sông núi Linh Trường lại diễn ra trận đánh giữa quan quân nhà Lê với quân nhà Mạc...
Và vị thế quân sự quan trọng của sông Lạch Trường - núi Linh Trường lại được tiếp nối, khẳng định trong cuộc chiến vệ quốc chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Trong những năm tháng ấy, Lạch Trường đã thực sự “dậy sóng”.
Với âm mưu gây chiến tranh phá hoại miền Bắc để ngăn chặn Nhân dân ta chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, giặc Mỹ đã cho máy bay phản lực, tàu chiến xâm phạm vùng trời, vùng biển thuộc các vị trí quân sự chiến lược của ta ở miền Bắc, trong đó có cửa Lạch Trường. Cùng với Nhân dân cả nước, mỗi ngư dân Hoằng Trường đã trở thành “cột mốc sống” trên biển, vừa đánh bắt mưu sinh, vừa quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần làm nên chiến thắng trận đầu ngày 5/8/1964 của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Trong trận chiến tưởng chừng không cân sức ấy, “Lực lượng dân quân xã phối hợp với lực lượng hải quân, công an Nhân dân đã hợp đồng chiến đấu đánh đuổi khu trục hạm Ma-đốc của hải quân Mỹ ra khỏi vùng biển của Tổ quốc. Bắn rơi tại chỗ 2 máy bay phản lực của Mỹ, đập tan uy thế ban đầu mà đế quốc Mỹ thần tượng hóa cái gọi là “Sức mạnh của hải quân và không lực Hoa Kỳ”, làm nên chiến thắng trận đầu của hải quân Nhân dân Việt Nam. Ngày nay, Đài chiến thắng đã được xây dựng tại cửa sông Lạch Trường là minh chứng hùng hồn về chiến công này” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Trường).
Truyền thống lịch sử hào hùng và lợi thế cảnh quan thiên nhiên hoang sơ mà tươi đẹp, cùng với không gian văn hóa - tín ngưỡng tâm linh vùng biển đậm nét nơi cửa sông - biển với chùa Bụt; Đài chiến thắng trận đầu của hải quân Nhân dân Việt Nam; đền thờ Tô Hiến Thành; phủ Mẫu; núi Hòn Bò; bãi đá Râu Rồng... đã tạo nên sức hút của Lạch Trường.
Từ lợi thế ấy, những năm gần đây Hoằng Trường - Lạch Trường đã trở thành “điểm đến” của các nhà đầu tư và du khách gần xa. Đặc biệt, vào dịp khai mạc Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2024 sắp tới, Khu Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường bên bờ biển Hoằng Trường dự kiến sẽ khai trương với nhiều hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ du khách. Khu Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường được kỳ vọng sẽ tạo nên điểm nhấn hấp dẫn du khách khi về với du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) nói chung và Hoằng Trường nói riêng.
Bà Nguyễn Thị Thủy, công chức văn hóa xã hội xã Hoằng Trường, cho biết: “Với tiềm năng đường bờ biển kéo dài, cửa sông Lạch Trường và núi Linh Trường cùng những giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng tâm linh, thời gian qua lượng khách về Hoằng Trường - quần thể văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường tham quan, chiêm bái, ngắm cảnh khá đông. Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân và những tháng mùa hè. Từ khu vực trung tâm của biển Hải Tiến xuống đến cửa Lạch Trường quãng 6km. Vào dịp khai mạc lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2024 dự kiến sẽ thông tuyến đường ven biển nối từ biển Hải Tiến xuống Hoằng Trường. Không chỉ thuận lợi di chuyển mà du khách còn được thỏa sức khám phá cảnh quan thiên nhiên bên bờ biển. Từ đó tạo sự kết nối tốt hơn giữa các điểm đến trong không gian văn hóa - du lịch biển Hoằng Hóa”.
Đứng bên cửa Lạch Trường, trước sự hùng vĩ mà rất đỗi nên thơ của “bức tranh” thiên nhiên, lặng ngắm từng đợt sóng bạc dội vào vách núi đá Hòn Bò - Linh Trường, lòng người òa lên xúc cảm thán phục bởi sự tài hoa của “bàn tay” tạo hóa. Và hôm nay, con người đang nương theo đó, từng bước đổi thay, biến vùng đất nơi “đầu sóng ngọn gió” Lạch Trường - thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn.
Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-04-21 09:26:00
Phát huy tinh thần đại thắng, Thanh Hóa phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản hùng ca bất diệt
Đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra thành công
Văn hóa ẩm thực: Mỹ tục đặc sắc trên quê hương vua Lê Đại Hành
Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vùng biển xứ Thanh
Những bông hồng nở hoa
Chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh
Du lịch Yên Định những điểm đến hấp dẫn
Khát vọng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Phụ nữ Thanh Hóa: Khẳng định vị thế trong thời đại mới