Kỳ tích của niềm tin “chiến thắng”
Trong ánh nắng vàng rực rỡ của ngày thu tháng 8, Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) chính thức khánh thành, nhân đôi niềm vui khải hoàn của dân tộc trong ngày vui hướng tới đại lễ Quốc khánh 2/9. Dòng điện mạch 3 từ đây đã thông suốt liên miền, mang theo niềm tin, niềm tự hào của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, cũng là mang theo những khát vọng “vươn cao, bay xa” trong hành trình dựng xây đất nước!
Vì “những dòng điện không bao giờ tắt”!
Hơn 2,5 triệu m3 đất, 705.000 m3 bê tông, 209.000 tấn thép, 503 khoảng kéo với gần 14.000 km dây dẫn các loại... là những con số “khủng” mà Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn công bố tại lễ khánh thành đường dây 500kV mạch 3. Cũng theo ông Tuấn, khối lượng công việc này phải cần tới 3-4 năm mới có thể hoàn thành, vì vậy khi triển khai, mục tiêu 6 tháng đã từng được nhận định là điều “không tưởng”.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đi qua địa bàn huyện Hậu Lộc.
Hơn 210 ngày đêm, trên 5.000 giờ lao động, hàng chục nghìn cán bộ, kỹ sư, người lao động đã miệt mài, hăng say lao động với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, làm việc “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” để đưa dự án về đích đúng hẹn.
Theo Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia, ngoài khó khăn về thời gian eo hẹp, dự án còn gặp vô vàn trở ngại khác, đó là những khó khăn về cơ chế, thủ tục; khó khăn khi cần huy động một khối lượng máy móc, thiết bị thi công đặc thù trên toàn tuyến; khó khăn khi huy động lực lượng có chuyên môn, kỹ thuật cao để thi công dựng cột, kéo dây. Cùng với đó, rất nhiều vị trí phải thi công đồi núi cheo leo, đường lên các vị trí móng cột khó khăn, đặc biệt khi trời mưa đường dốc, trơn trượt, mặt bằng thi công không thuận lợi. Cùng thời điểm đó, điều kiện thi công ở miền Bắc vô cùng bất lợi, khi mưa phùn giá rét, lúc nắng nóng như “chảo lửa”, lúc bão gió, mưa dông. Tiến độ thi công đã từng có những thời điểm tưởng như không thể hoàn thành.
Lực lượng xung kích PC Hậu Giang vượt khó khăn, thi công lắp dựng cột thép 141 tại xã Trung Chính (Nông Cống).
Vượt qua muôn vàn thách thức, với tổng lực sức mạnh, với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “kề vai sát cánh”, đến hôm nay, dự án đã chính thức thông dòng, có khả năng truyền tải tới 34 tỷ kWh điện cho miền Bắc trong những ngày tới.
Là một trong những nhà thầu đảm nhận khối lượng công việc rất lớn của đường dây 500kV mạch 3, có mặt trong “ngày vui” của đất nước nơi điểm cầu Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa và đấu nối, ông Lê Thế Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Phương Hạnh vui mừng chia sẻ: “Lễ khánh thành dự án này, hòa cùng niềm vui chung, với chúng tôi còn là niềm tự hào, hãnh diện vì những nỗ lực đặc biệt cho một dự án đặc biệt. Chúng tôi tham gia 6 gói thầu của 3/4 hợp phần dự án là Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa và Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I- Phố Nối, với 94 vị trí móng cột và 41 khoảng néo. Đây là một khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay mà công ty triển khai. Trong suốt thời gian thi công, chúng tôi đã huy động khoảng 500 kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề cùng tối đa máy móc, trang thiết bị để tổ chức đồng loạt các mũi thi công. Cả 4 gói thầu do chúng tôi thi công đã hoàn thành sớm, trong đó 4 gói hoàn thành từ ngày 29/6 và 2 gói vào ngày 15/8, góp phần lớn để dự án thành công hôm nay”.
Cờ Tổ quốc tung bay trên nóc cột điện hoàn thành trên tuyến đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa.
Đảm nhiệm công việc giám sát và nghiệm thu Dự án thành phần đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa, những kỹ sư của Công ty Truyền tải điện 1 cũng không khỏi xúc động khi chứng kiến giờ khắc công trình chính thức vận hành toàn tuyến. Bởi thành công này minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của tổ đội trong những ngày tháng lăn lộn khắc nghiệt trên công trường. Đội phó đội truyền tải điện Lữ Thanh Hưng, xúc động: “Vất vả thực sự, nhưng cũng hãnh diện không kém. Đây có lẽ là công trình “để đời” trong cuộc đời của những “thợ điện” chúng tôi. Những cống hiến, hi sinh của những ngày đêm không nghỉ, nay đã được hòa chung cùng niềm vui của mọi người, mọi nhà".
Được biết, tổ đội này có 14 kỹ sư, được phân công giám sát, nghiệm thu từ vị trí cột 48 đến 174. "Chúng tôi đã bám tuyến, tổ chức kiểm tra, nghiệm thu từng hạng mục công trình đúng kế hoạch. Qua công tác kiểm tra, chúng tôi đã kịp thời phát hiện những thiếu sót để yêu cầu nhà thầu xử lý, bảo đảm điều kiện chung cho công tác đóng điện”, anh Lữ Thanh Hưng cho biết thêm.
Kỹ sư Công ty Truyền tải điện 1 đi dây nghiệm thu công trình.
Trong lời phát biểu tại lễ khánh thành, ngoài ghi nhận những nỗ lực, công sức của chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị thi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đặc biệt gửi lời tri ân đến Nhân dân, đặc biệt là những người dân đã nhường nhà, nhường nơi “chôn rau cắt rốn”, nhường đất sản xuất cho dự án. Để hoàn thành tuyến đường dây dài tới 519 km, với 1.177 vị trí móng cột đi qua 43 huyện, 211 xã trên địa bàn 9 tỉnh, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã tiến hành thu hồi khoảng 1,83 triệu m2 với hơn 5.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, công tác dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng đã mang về “trái ngọt”, khi toàn dân đồng lòng ủng hộ, tự nguyện di dời, hi sinh lợi ích cá nhân vì hành trình kỳ tích.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cùng các đại biểu tham quan khu vực trưng bày ảnh thi công tại Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa và đấu nối.
Tại Thanh Hóa, công tác giải phóng mặt bằng cũng đã được ghi nhận với những thành công vượt kế hoạch. Sự hi sinh, đồng thuận của Nhân dân chính là những sự ủng hộ lớn lao nhất để chủ đầu tư thi công tuyến đường dây qua Thanh Hóa đạt được tiến độ đáng ghi nhận.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tỉnh, thôn Chính Nghĩa, xã Nga Phú (Nga Sơn) là một trong những hộ dân đã đồng thuận bàn giao sớm mặt bằng để chủ đầu tư triển khai tuyến đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa. Mặt bằng hoàn thành sớm, đã tạo điều kiện cho dự án này đóng điện vào ngày 30/6 - sớm nhất trong toàn tuyến đường dây 500kV mạch 3. Vui mừng khi nhận tin dự án hoàn thành, ông Nguyễn Văn Tỉnh chia sẻ: "Bản thân tôi và nhiều hộ dân trong thôn đã nhất trí, đồng lòng ủng hộ dự án. Hôm nay, tôi rất vui mừng vì niềm vui của đất nước có một phần từ thành quả sự ủng hộ của chính người dân chúng tôi”.
Hiện thực khát vọng “đi trước mở đường”
Chính thức thông tuyến kỹ thuật vào chiều tối 27/8, Dự án đường dây 500kV mạch 3 với công suất mạch kép 2.500 MW sẽ đưa tổng công suất truyền tải điện từ miền Nam ra miền Bắc lên tới 5.000MW; nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, giảm bớt nguy cơ đầy và quá tải cho các đường dây và trạm 500kV hiện hữu.
Thời khắc khánh thành Dự án đường dây 500 kV mạch 3 trong sáng ngày 29/8.
Trạm “siêu cao áp” 500kV Thanh Hóa và đấu nối đóng tại Thiệu Hóa là 1 trong 3 trạm biến áp trung tâm huyết mạch của tuyến đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), cùng với Trạm biến áp 500kV tại Phố Nối (Hưng Yên) và Quỳnh Lưu (Nghệ An). Anh Đặng Ngọc Hải, trạm trưởng trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa cho biết: “Đo đếm trên hệ thống sáng 29/8, hệ thống đang tiếp nhận công suất 274 MW. Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), gần 100 MW được hạ tải xuống 2 Trạm biến áp 220 kV để điều tiết điện cho Thanh Hóa; 152 MW được điều tiết ra miền Bắc khi trung chuyển qua Trạm biến áp 500kV Phố Nối”.
Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa là 1 trong 3 trạm biến áp trung tâm huyết mạch của tuyến đường dây
500kV mạch 3.
Tiếp nhận vận hành Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa, Giám đốc Công ty Truyền tải điện Thanh Hóa Lữ Thanh Hải, chia sẻ: “Lực lượng vận hành trạm “siêu cao áp” này bao gồm 16 người, được chia 3 ca và 5 kíp với quy trình vận hành nghiêm ngặt. Trước khi tổ chức vận hành chính thức, lực lượng kỹ thuật đã được tổ chức đào tạo, bảo đảm chuyên môn kỹ thuật cao để đảm nhiệm vận hành tốt nhất. Đường dây đi vào vận hành, riêng với Thanh Hóa đã được cung ứng và điều tiết nguồn điện đáng kể bổ sung cho nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao”.
Với người dân Thanh Hóa, có thể họ chưa hiểu hết, hiểu đầy đủ ý nghĩa cũng như cách thức vận hành của công trình. Tuy nhiên, một công trình sừng sững hiện diện chỉ sau hơn 6 tháng “thần tốc” và diệu kỳ, không chỉ thể hiện niềm vui, mà còn là sự ngưỡng mộ, tự hào về thành quả của những điều “phi thường”. Ông Trịnh Văn Long, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), chia sẻ: “Theo dõi truyền thông và chúng tôi được biết đây là dự án mang tầm vóc quốc gia. Tuy không hiểu rõ hết ý nghĩa của dự án, nhưng ngắm nhìn những hàng cột sừng sững kéo dài xa tít tắp qua địa bàn, chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ thành quả của ngành điện và các lực lượng thi công. Chúng tôi hi vọng thời gian tới, nguồn điện sẽ dồi dào hơn cho cả sản xuất và tiêu dùng, hạn chế tình trạng sự cố điện xảy ra đột ngột do quá tải như những năm vừa qua”.
Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) chính thức thông tuyến từ ngày 27/8.
Theo tính toán của Tổng Công ty Điện miền Bắc, ở phạm vi toàn miền, để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài và sự phát triển các khu công nghiệp mới, nhu cầu sử dụng cần khoảng 20.000MW và có thể lên tới 23.500 - 24.000MW vào thời điểm nắng nóng. Trong khi đó, hiện công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc chỉ có 17.500 - 17.900MW. Ước tính, mỗi ngày, miền Bắc sẽ thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh khi thời tiết cực đoan.
Tại Thanh Hóa, nhu cầu về nguồn điện được tính toán sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 10% mỗi năm và là tỉnh có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất miền Bắc. Theo đó, công suất phụ tải cực đại có thể đạt khoảng 1.350MW và dự báo đạt 2.150MW vào năm 2025 (do các nhà máy đăng ký thêm 949 MW và 10% do nhu cầu khác...). Các khu vực có phụ tải lớn, tập trung và tốc độ tăng trưởng cao thời gian tới chính là những khu vực kinh tế sôi động như: TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn - Quảng Xương; thị xã Nghi Sơn - Nông Cống - Như Thanh - Như Xuân; thị xã Bỉm Sơn - Hoằng Hóa - Hậu Lộc - Nga Sơn... Khi đường dây 500 kV mạch 3 đi vào vận hành sẽ góp phần “giải tỏa” những khó khăn, cấp bách này, như Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định: “Công trình truyền tải điện có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, góp phần bổ sung công suất từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc”.
Như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại lễ khánh thành, rồi đây, những dự án công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số, nhất là sản xuất chíp bán dẫn chắc chắn sẽ cần thêm những nguồn điện dồi dào và chất lượng cao. Dự án thành công, không chỉ thể hiện khát vọng, sự tự tin, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc mà còn đúc kết nên những bài học quý báu. Đó là bài học về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, về huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, bài học quyết tâm tự lực tự cường và công tác thông tin tuyên truyền tạo sức mạnh nội sinh. Đây sẽ là những bài học sẽ được nhân lên và cần áp dụng trên các công trình trọng điểm quốc gia trong thời gian tới.
Tùng Lâm
{name} - {time}
-
2025-01-12 17:57:00
Khó khăn đến mấy tỉnh Thanh Hóa cũng quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
-
2025-01-12 15:22:00
Nhẹ để “bay cao”
-
2024-08-29 15:55:00
Tín dụng chính sách góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại Thường Xuân, Ngọc Lặc
Tiếp nhận hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở
Thanh Hóa huy động cả hệ thống chính trị thực hiện dự án
Điểm nóng 29/8: Thủ đoạn của “phú bà” Việt Oil chiếm nghìn tỷ đồng tiền thuế
Tổng kết hoạt động Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ tỉnh
Thành phố Thanh Hóa rực rỡ cờ hoa
Khánh thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 29/8/2024
Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác nhân sự
Điểm nóng 29/8: Cưỡng chế công trình vi phạm chùa Phật Quang, nơi ông Thích Chân Quang làm trụ trì