(Baothanhhoa.vn) - Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương phân bổ 937 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (vốn phục hồi). Cùng với các yêu cầu về thủ tục pháp lý dự án, sự thay đổi cơ chế, chính sách, thủ tục thanh lý tài sản, giải phóng mặt bằng kéo dài... dẫn tới các dự án đều chỉ mới được tổ chức thi công. Đến hết ngày 7/12, các dự án thuộc chương trình này mới giải ngân được 370 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 39,5% nguồn vốn phân bổ, thấp hơn so với trung bình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Những ngày cuối năm, các chủ đầu tư, nhà thầu đang nỗ lực tăng tốc triển khai thi công để có khối lượng tiếp tục giải ngân vốn, hạn chế thấp nhất việc kéo dài vốn sang năm 2024.

Tăng tốc giải ngân vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế

Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương phân bổ 937 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (vốn phục hồi). Cùng với các yêu cầu về thủ tục pháp lý dự án, sự thay đổi cơ chế, chính sách, thủ tục thanh lý tài sản, giải phóng mặt bằng kéo dài... dẫn tới các dự án đều chỉ mới được tổ chức thi công. Đến hết ngày 7/12, các dự án thuộc chương trình này mới giải ngân được 370 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 39,5% nguồn vốn phân bổ, thấp hơn so với trung bình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Những ngày cuối năm, các chủ đầu tư, nhà thầu đang nỗ lực tăng tốc triển khai thi công để có khối lượng tiếp tục giải ngân vốn, hạn chế thấp nhất việc kéo dài vốn sang năm 2024.

Tăng tốc giải ngân vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tếNhà thầu thi công đang huy động tối đa nhân lực triển khai thi công Dự án Đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa.

Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp được giao 687 tỷ đồng vốn phục hồi trong năm 2023 để thực hiện 4 dự án: Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa; Dự án Đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa; Dự án Đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị cho 5 trung tâm y tế tuyến huyện và Dự án Đầu tư xây dựng mới và mua sắm thiết bị cho 70 trạm y tế tuyến xã. Đến nay, tổng các dự án do ban làm chủ đầu tư giải ngân được 314 tỷ đồng, đạt gần 45,7% kế hoạch vốn được giao. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chủ đầu tư đang quyết liệt giám sát hiện trường, phối hợp, làm việc với các địa phương, đơn vị thi công, tư vấn giám sát để giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh, đẩy nhanh nhất tiến độ thi công các dự án.

Trên công trường thi công Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa, cả 2 nhà thầu thi công công trình dân dụng và hạ tầng đều đang huy động cao nhất máy móc, nhân lực để hoàn thiện những hạng mục cuối cùng, phấn đấu hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình trong năm. Ông Nguyễn Viết Hùng, Chỉ huy trưởng công trình - đại diện cho nhà thầu Công ty CP Phát triển Việt Hùng cho biết: “Công ty đảm nhận gói thầu san lấp hơn 3 ha mặt bằng, 425m đường và hạ tầng công trình điện, nước, phòng cháy chữa cháy của dự án. Quá trình thực hiện gói thầu chỉ 150 ngày lại gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của 2 đợt mưa lớn. Từ trung tuần tháng 11 khi thời tiết thuận lợi, chúng tôi đã huy động 3 ca thi công ngày đêm. Đến nay, dự án đã hoàn thiện 90% các hạng mục hạ tầng và đang tiến hành rải thảm đường nội bộ, lắp dựng cột điện”.

Tăng tốc giải ngân vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tếTrung tâm Y tế huyện Triệu Sơn mới được khởi công ngày 10/10, đến nay nhà thầu thi công đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng hạng mục nhà chính.

Cùng với đó, hạng mục công trình dân dụng như nhà thực hành rộng 3 tầng với diện tích sàn gần 2.600m2; nhà xưởng gần 3.800m2; nhà đa năng là 850m2 cũng đã hoàn thiện tới 95% khối lượng. Ông Nguyễn Ngũ, Giám đốc Quản lý Dự án Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa, cho biết: “Cùng với tiến độ thi công trung bình đạt 90% thì tiến độ giải ngân của dự án này cũng đã đạt 88%. Chúng tôi đang cố gắng đôn đốc các nhà thầu hoàn thành toàn bộ khối lượng của hợp đồng trước 31/12”.

Dự án Đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 312/NQ-HĐND, ngày 27/8/2022 của HĐND tỉnh với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Sau quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý và lựa chọn nhà đầu tư, ngày 9/10, chủ đầu tư đã nhận mặt bằng sạch để bàn giao cho đơn vị thi công. Hiện nay, các hạng mục công trình đều đang triển khai thực hiện, với giá trị khối lượng thực hiện ngoài hiện trường khoảng ước đạt 20% giá trị hợp đồng. Ông Trịnh Đình Minh, Giám đốc Quản lý Dự án chia sẻ: “Để đẩy nhanh tiến độ thi công, chúng tôi đang chỉ đạo triển khai thi công đồng bộ các gói thầu; đồng thời tận dụng thời tiết tốt để thi công 3 ca. Các biện pháp công nghệ cũng đang được nhà thầu áp dụng tối đa với vật liệu phụ gia R7 để rút ngắn thời gian thi công cho các công trình một cách đáng kể. Dự kiến cuối tháng 12, công trình sẽ hoàn thiện xong sàn tầng 5 và hoàn thành phần thô công trình trước Tết Nguyên đán”.

Cùng với 2 công trình riêng lẻ, tiến độ tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cũng đang diễn ra tại các dự án đầu tư xây dựng trung tâm y tế tuyến huyện và 70 trạm y tế tuyến xã. Trung tâm Y tế huyện Triệu Sơn mới được khởi công ngày 10/10, đến nay nhà thầu thi công đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng hạng mục nhà chính, bể nước ngầm, nhà cải tạo và các công trình phụ trợ. Theo ông Nguyễn Kiên Hùng, Giám đốc Quản lý dự án, tiến độ dự án hiện đang vượt so với hợp đồng thi công và dự kiến sẽ hoàn thành 75% khối lượng phần xây lắp trước 31/12.

Hiện nay, 5 Trung tâm Y tế của các huyện: Hà Trung, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Yên Định đã thi công với giá trị khối lượng thực hiện ngoài hiện trường trung bình đạt 45% giá trị hợp đồng. 70 trạm y tế thuộc Dự án Đầu tư xây dựng mới và mua sắm thiết bị cho 70 trạm y tế tuyến xã với tổng mức đầu tư 317 tỷ đồng cũng đã đạt giá trị khối lượng thực hiện ngoài hiện trường hơn 65% giá trị hợp đồng.

Tăng tốc giải ngân vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tếDự án Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đã hoàn thành 90% khối lượng.

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, sở dĩ tỷ lệ giải ngân dự án trong những tháng đầu năm còn thấp do các dự án đang trong giai đoạn tiến hành các thủ tục hồ sơ pháp lý và mới khởi công nên chưa có nhiều khối lượng hoàn thành để giải ngân dự án. Điển hình có những dự án về cuối năm mới hoàn thiện thủ tục thanh lý tài sản, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công như: 70 trạm y tế tuyến xã mới có kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 7/10. Ngày 9/10 mới tổ chức ký hợp đồng thi công và chủ đầu tư nhận mặt bằng sạch để bàn giao cho đơn vị thi công từ ngày 11/10 đến ngày 17/10 (có những trạm từ ngày 11/11 đến ngày 18/11 mới được bàn giao mặt bằng). Dự án 5 trung tâm y tế tuyến huyện mới có kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 7/10, ký hợp đồng thi công ngày 9/10 và chủ đầu tư nhận mặt bằng sạch để bàn giao cho đơn vị thi công từ ngày 10/10 đến ngày 8/11.

Cũng theo đơn vị này, quá trình thực hiện hồ sơ, thủ tục pháp lý cho các dự án thuộc nguồn vốn phục hồi gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc với nhiều thủ tục kéo dài chính là nguyên nhân cốt yếu dẫn tới các dự án chậm đi vào giai đoạn đầu tư xây dựng. Theo đó, các dự án vốn phục hồi được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2022 và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 12/2022. Trong quá trình triển khai thực hiện phải thực hiện đầy đủ các bước thủ tục pháp lý như: Thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình, đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy,... gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Cùng với đó, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 20/6/2023 đã yêu cầu các khu vực trong phạm vi phát triển đô thị thuộc đối tượng phải lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và triển khai các công việc khác theo quy định của pháp luật liên quan. Một số dự án thuộc nguồn vốn này đang triển khai chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã phải tiến hành bổ sung, dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.

Hiện nay, cùng với việc tổ chức thi công đồng loạt, đơn vị đang yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng chi tiết tiến độ thực hiện dự án và ký cam kết về tiến độ đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và theo dõi tiến độ. Các ban quản lý dự án cũng thường xuyên túc trực chỉ đạo, phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát quản lý chất lượng công trình; hỗ trợ nhà thầu hoàn chỉnh thủ tục thanh quyết toán. 4 dự án vốn phục hồi do đơn vị làm chủ đầu tư dự kiến sẽ giải ngân khoảng 80% kế hoạch vốn được giao năm nay.

Tăng tốc giải ngân vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tếThi công chân kè gói thầu số 10 thuộc Dự án Kè chống sạt lở bờ tả, hữu sông Chu khu vực cầu Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa và đê tả sông Lèn, huyện Hà Trung.

Dự án còn lại của Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế là Kè chống sạt lở bờ tả, hữu sông Chu khu vực cầu Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa và đê tả sông Lèn, huyện Hà Trung, với số vốn gần 250 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Hiện nay, dự án đã hoàn thành xong công tác chuẩn bị đầu tư và lựa chọn xong nhà thầu xây lắp cả 3 gói thầu; trong đó gói thầu số 9 và số 10 đã tổ chức thi công từ ngày 28/11 và đang triển khai các hạng mục thi công chân kè, thả cơ, thi công cấu kiện. Đến nay, dự án mới giải ngân được 56 tỷ đồng, đạt 22,5% kế hoạch vốn giao.

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 7/5/2023, tính đến thời điểm 31/12/2023 chỉ có 7 tháng để hoàn thành. Trong khi đó, việc tổ chức triển khai dự án theo đúng các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các quy định hiện hành thì thời gian từ bước lựa chọn nhà thầu tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công đến khi lựa chọn xong và ký kết hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng công trình tối thiểu đã 160 ngày. Do đó, tháng 11/2023 dự án mới bắt đầu triển khai thi công xây dựng công trình. Mặt khác, đây là dự án lớn, khối lượng công việc nhiều, địa bàn xây dựng trải dài trên 2 huyện Hà Trung và Thiệu Hóa, với thời gian còn lại 2 tháng cuối năm không thể thi công hoàn thành dự án theo thực tế và các quy định của pháp luật về xây dựng hiện hành.

Đại diện đơn vị cho biết: Để giải ngân thêm số vốn tối đa có thể, đơn vị sẽ quyết liệt, sử dụng đồng bộ các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình; trong đó, sẽ chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung tối đa thiết bị và nhân lực, tranh thủ khi điều kiện thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình theo hợp đồng đã ký. Cùng với đó, chủ đầu tư sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương giải tỏa mặt bằng, tuyên truyền và kịp thời giải quyết các kiến nghị của Nhân dân để các hộ dân bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu xây dựng kịp thời. Với dự án này, chủ đầu tư dự kiến đến 31/12 sẽ giải ngân được 90 tỷ đồng nguồn vốn, đạt 36% kế hoạch. Số vốn không giải ngân hết năm 2023 là 160 tỷ đồng, chiếm 64% kế hoạch vốn, đơn vị đề nghị điều chỉnh giảm và chuyển sang năm 2024.

Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]