(Baothanhhoa.vn) - Sao OCOP là đại lượng thể hiện chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường, cũng như tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa. Sau gần 4 năm triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã có 196 sản phẩm được gắn sao OCOP. Tuy nhiên, tính đến tháng 3-2022, toàn tỉnh chỉ có duy nhất sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi của Công ty TNHH Thảo Ngọc Việt (thị xã Nghi Sơn) được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.

Nhiều “rào cản” khi nâng sao cho sản phẩm OCOP

Sao OCOP là đại lượng thể hiện chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường, cũng như tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa. Sau gần 4 năm triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã có 196 sản phẩm được gắn sao OCOP. Tuy nhiên, tính đến tháng 3-2022, toàn tỉnh chỉ có duy nhất sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi của Công ty TNHH Thảo Ngọc Việt (thị xã Nghi Sơn) được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.

Nhiều “rào cản” khi nâng sao cho sản phẩm OCOP

Lao động tinh chế yến tại Công ty TNHH Yến sào Xứ Thanh (Hậu Lộc).

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, toàn tỉnh đã có 1 sản phẩm 5 sao, 44 sản phẩm 4 sao, 151 sản phẩm 3 sao. Hầu hết các sản phẩm sau khi được cấp sao OCOP đều có sự phát triển cả về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khẳng định được vị thế trên thị trường. Trong đó, có nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường thế giới, như: Các sản phẩm mắm tôm, mắm tép của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; sản phẩm ống hút tre xuất khẩu của Công ty TNHH Vibabo xuất khẩu sang thị trường các nước Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty CP Sản xuất - chế biến cói xuất khẩu Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại 64 siêu thị ở Hoa Kỳ; các sản phẩm thảo dược của cơ sở Đông y Quang Anh đã được bán tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu trung gian... Đồng thời, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, như các làng nghề truyền thống ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn... Một số sản phẩm OCOP đã khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: lá ngâm chân Mộc Việt (Quảng Xương), tinh dầu sả chanh (Thạch Thành), rượu Sâm Báo (Vĩnh Lộc), nếp hạt cau Lộc Thịnh (Vĩnh Lộc), chè xanh sạch Bình Sơn (Triệu Sơn)...

Cùng với đó, sức lan tỏa của chương trình đã làm thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng của Nhân dân. Bà Nguyễn Thị Bé, chủ cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: Sau thời gian tuyên truyền, ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, đồ uống. Tuy nhiên, đa phần khách hàng đều lựa chọn, tìm kiếm những sản phẩm có hạng sao cao (từ 4 sao trở lên), nhờ đó các sản phẩm này có sức tiêu thụ mạnh hơn. Do đó, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận cần nỗ lực giữ vững tiêu chí và chú trọng đến việc nâng sao cho các sản phẩm. Đây được xem là cách làm hữu hiệu để khẳng định uy tín, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm đối với thị trường.

Trong quyết định công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh quy định rõ về thời gian hiệu lực (trong vòng 3 năm) tuy nhiên không có quy định về thời hạn cần nâng sao cho các sản phẩm. Đại diện Tổ quản lý Chương trình OCOP, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, cho biết: Quá trình nâng sao cho sản phẩm OCOP là tất yếu nhưng không phải bắt buộc với các chủ thể. Để thực hiện nâng từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể phải chứng minh được sự mở rộng về quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, mở rộng thị trường tiêu thụ; các tiêu chí về chất lượng sản phẩm phải hoàn thiện theo thang điểm của sản phẩm 4 sao và có hồ sơ đăng ký trình hội đồng thẩm định, xét, công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn, khi mức độ 5 sao là do Hội đồng Trung ương xét, công nhận.

Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính để hạn chế số lượng chủ thể đăng ký, xét nâng sao cho sản phẩm chính là sự khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn đánh giá. Trong đó, để nâng cấp dây chuyền, máy móc sản xuất cần nguồn kinh phí tương đối lớn, trong khi hầu hết chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh đều ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ và các hộ sản xuất cá thể. Nên mặc dù hiểu được lợi ích từ nâng sao OCOP, nhưng nhiều chủ thể chưa đủ điều kiện để mạnh dạn đầu tư. Bà Nguyễn Thị Lan Anh, chủ cơ sở sản xuất Đông y Quang Anh (Quảng Xương), cho biết: Năm 2019, cơ sở có 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa hạng 3 sao. Sau gần 3 năm được công nhận sản phẩm đã phát triển về quy mô sản xuất, sức tiêu thụ và doanh thu. Đồng thời, chú trọng đầu tư về tem truy xuất, tiêu chuẩn ISO, phát triển website... Tuy nhiên, chi phí để nâng cấp dây chuyền, quy mô sản xuất, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn ở khung sản phẩm 4 sao là rất lớn. Do đó, cơ sở chưa đủ điều kiện để đăng ký nâng sao cho các sản phẩm mà chỉ chú trọng giữ vững tiêu chí, chất lượng cho sản phẩm để hội đồng cấp tỉnh xét, đánh giá công nhận lại danh hiệu OCOP khi đến hạn.

Cùng các khó khăn trên, hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP hiện nay đều hạn chế, thiếu các tiêu chí về liên kết vùng nguyên liệu và các tiêu chí liên quan đến thương mại điện tử. Hoặc, đối với các sản phẩm truyền thống, mang tính đặc thù thì nhu cầu để mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ chưa thực sự cần thiết. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, tổ hợp tác sản xuất bánh nhãn Hồi Xuân (Quan Hóa) cho biết: “Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn về các điều kiện để được đăng ký nâng sao cho sản phẩm, chúng tôi nhận thấy để nâng lên hạng 4 sao, sản phẩm bánh nhãn Hồi Xuân cần đăng ký tem truy xuất, chứng nhận tiêu chuẩn ISO, phát triển website thương mại điện tử... những việc này đòi hỏi kinh phí khá lớn, ước tính hàng trăm triệu đồng/năm”.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, bên cạnh việc phát triển sản phẩm OCOP mới, tỉnh ta cũng huy động sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ các sản phẩm OCOP đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tiếp cận những thị trường mới thông qua công nghệ 4.0... Hỗ trợ các sản phẩm tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để gia tăng cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây chính là trợ lực phù hợp để khuyến khích và kêu gọi sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các chủ thể, góp phần nâng tầm chất lượng của sản phẩm OCOP. Đồng thời, để tạo sự đột phá, khuyến khích các chủ thể tham gia nâng sao cho sản phẩm, các địa phương, đơn vị liên quan cần tích cực tuyên truyền để các chủ thể hiểu rõ sản phẩm OCOP khi đạt 4 hoặc 5 sao chính là sự khẳng định thương hiệu, là tiền đề để đưa sản phẩm phát triển, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng; là điều kiện cần và đủ để vươn xa trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Luôn tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao công nhận ở cấp quốc gia, 196 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 3 cả nước về số lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, số lượng sản phẩm đăng ký và được xét nâng sao còn hạn chế.

Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, chủ thể sản xuất và các địa phương nhận thức đúng, đủ, sâu sắc về Chương trình OCOP nhằm phát triển những sản phẩm OCOP mới, tỉnh ta cũng huy động sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đơn vị và vận dụng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các sản phẩm OCOP đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tiếp cận những thị trường mới thông qua công nghệ 4.0... Đây chính là trợ lực phù hợp để khuyến khích các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm, dây chuyền sản xuất cũng như mẫu mã bao bì, góp phần tích cực vào quá trình nâng sao cho các sản phẩm.

Với vai trò là cơ quan thường trực, tham gia trực tiếp công tác đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh đã phân công cán bộ phụ trách vùng, địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ cho các chủ thể về thủ tục, hồ sơ đăng ký xếp hạng và nâng sao cũng như hướng dẫn sản xuất sản phẩm theo đúng chu trình OCOP. Cùng với đó, văn phòng đã tham mưu, đề xuất hỗ trợ phát triển 14 cửa hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Hằng năm, thực hiện kết nối, hỗ trợ các sản phẩm tham gia trưng bày, triển lãm, xúc tiến thương mại tại các sự kiện trong, ngoài tỉnh góp phần quảng bá, tăng cơ hội, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với các ngành, đơn vị, tổ chức tuyên truyền để các chủ thể hiểu rõ rằng sản phẩm OCOP khi đạt chất lượng 4 hoặc 5 sao không chỉ là danh hiệu mà còn là sự khẳng định thương hiệu, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng; là điều kiện cần và đủ để vươn xa trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế.

Nhiều “rào cản” khi nâng sao cho sản phẩm OCOP

Bùi Công Anh

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh

Quan tâm hỗ trợ chủ thể sản xuất về quy trình, thủ tục đăng ký xét nâng sao cho sản phẩm

Thời gian qua, HTX sản xuất và thương mại Vinaco luôn đồng hành, hỗ trợ các chủ thể quảng bá, trưng bày và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trong đó, HTX có gian hàng trưng bày với hơn 60 sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, HTX cũng làm dịch vụ tư vấn, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho những chủ thể có nhu cầu.

Trong quá trình hỗ trợ các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP, tôi nhận thấy việc liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhất là việc đưa vào hệ thống kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, các cửa hàng bán lẻ lớn trong và ngoài tỉnh còn nhiều hạn chế. Hiện nay, tại các siêu thị hoặc ở chợ truyền thống, sản phẩm OCOP được bày bán khá khiêm tốn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia chương trình nên chưa quan tâm nhiều đến việc tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm nên chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao, không đồng đều; mẫu mã bao bì, kiểu dáng thiếu tính thương mại; số lượng sản phẩm đăng ký tham gia nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, bảo hộ nhãn hiệu còn ít. Vì vậy, để việc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, thu hút sự quan tâm, sử dụng của thị trường, những sản phẩm OCOP đã được công nhận cần chú trọng nâng cao về chất lượng, mẫu mã... và chú trọng đến việc nâng sao cho sản phẩm.

Đây là hoạt động không bắt buộc song lại rất cần thiết để chủ thể sản xuất và sản phẩm khẳng định được vị thế, sức cạnh tranh và uy tín chất lượng trên thị trường. Bên cạnh đó, các sở, ngành có liên quan và địa phương cần đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử.

Nhiều “rào cản” khi nâng sao cho sản phẩm OCOP

Nguyễn Thị Vân

Giám đốc HTX sản xuất và thương mại Vinaco (TP Thanh Hóa)

Cung cấp, hỗ trợ thông tin về tiêu chuẩn thị trường để chủ thể nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm

Huyện Thường Xuân hiện có 4 sản phẩm được “gắn sao OCOP” cấp tỉnh; trong đó, có sản phẩm ống hút tre của Công ty TNHH Vibabo, xã Tân Thành được công nhận là sản phẩm 4 sao và 3 sản phẩm là: tinh dầu quế, quế Thanh và mật ong hoa rừng Yên Nhân được công nhận 3 sao.

Với việc triển khai thực hiện phù hợp, Chương trình OCOP đã đi vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chương trình tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đăng ký ý tưởng, phát triển và hoàn thiện sản phẩm để nâng cao giá trị. Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Thường Xuân đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển thêm các sản phẩm OCOP mới và duy trì hỗ trợ, khuyến khích nâng cao chất lượng, quy mô của sản phẩm đã được công nhận, bảo đảm các tiêu chí cho đợt rà soát đánh giá lại chất lượng cho các sản phẩm đủ thời gian 3 năm vào cuối năm 2022. Đồng thời, giao cho các tổ chức, đoàn thể cập nhật, cung cấp thông tin về thị hiếu của thị trường tiêu thụ, các tiêu chuẩn, chất lượng hiện hành và phổ biến những khoa học, công nghệ tiên tiến để các chủ thể có thêm thông tin, tiếp cận công nghệ nhằm đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, huyện sẽ vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn hỗ trợ để khuyến khích, hướng dẫn các chủ thể chủ động hoàn thiện quy trình, đánh giá triển vọng hướng tới nâng sao cho sản phẩm tiềm năng.

Nhiều “rào cản” khi nâng sao cho sản phẩm OCOP

Lê Hoàng Cường

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thường Xuân

Cần sự chủ động của các chủ thể để thực hiện thành công quá trình nâng sao

Để tham gia hiệu quả, thành công Chương trình OCOP cần sự chủ động, tự tin, sáng tạo của các chủ thể và các sản phẩm OCOP khi đạt chất lượng 4 sao sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại xếp hạng 3 sao trên thị trường. Vì vậy, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH Thảo Ngọc Việt đã nỗ lực xây dựng và phát triển sản phẩm đông trùng hạ thảo Thảo Ngọc Việt là sản phẩm OCOP hạng 3 sao năm 2020. Đồng thời, chú trọng đầu tư và phát triển sản phẩm để đủ điều kiện nâng sao trong thời gian sớm nhất.

Do đó, đầu năm 2021 khi xác định sản phẩm có đủ tiêu chuẩn, chất lượng và quy mô sản xuất bảo đảm các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn xét, công nhận sản phẩm 4 sao, công ty đã tham khảo cơ quan chuyên môn và chủ động thực hiện các giải pháp, như: thay thế, cải thiện mẫu bao bì của sản phẩm để bảo đảm tiêu chí thân thiện với môi trường, tăng tính thẩm mỹ; bố trí lại khu vực sản xuất, quy trình sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích các mối nguy và điểm kiểm soát trọng yếu trong quy trình chế biến thực phẩm)... Đồng thời, tìm kiếm, thúc đẩy thương mại để xây dựng những chuỗi liên kết mới nâng cao giá trị sản xuất. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện các quy trình nâng sao cho sản phẩm, đến đầu năm 2021, về quy trình sản xuất, chất lượng và khả năng mở rộng thị trường của sản phẩm tương đối tốt, đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định để nâng hạng sao nên công ty đã trình hồ sơ lên Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và được “nâng” chất lượng sản phẩm lên 4 sao tháng 6-2021.

Nhiều “rào cản” khi nâng sao cho sản phẩm OCOP

Trịnh Đức Trọng

Giám đốc Công ty TNHH Thảo Ngọc Việt (Thị xã Nghi Sơn)


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]