Ngư Lộc phát triển kinh tế biển
Trước những khó khăn do ngư trường khai thác các loại hải sản ngày càng suy giảm, giá xăng, dầu còn ở mức cao... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác, chế biến hải sản. Song, được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương và nỗ lực của chủ phương tiện, sản lượng khai thác thủy sản hằng năm của xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) đạt trên 12 nghìn tấn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã lên 53 triệu đồng/người/năm.
Cơ sở cá thu nướng Quân Thủy, thôn Nam Vượng, cung cấp ra thị trường 2 tạ cá/ngày.
Cơ sở chế biến cá thu nướng Quân Thủy, thôn Nam Vượng chuyên cung ứng các mặt hàng cá nướng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Chị Nguyễn Thị Thủy, chủ cơ sở cá thu nướng Quân Thủy cho biết: "Hơn 20 năm tham gia kinh doanh mặt hàng cá nướng, tôi luôn coi trọng chữ tín làm đầu. Vì vậy, các loại cá như thu, mối, nục... được tôi thu mua từ các tàu vừa đi khai thác về luôn tươi, và trong quá trình sơ chế luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh ATTP. Nhờ đó, sản phẩm cá nướng của cơ sở luôn được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Đặc biệt, tháng 3/2023, sản phẩm cá thu nướng của gia đình được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh càng tạo điều kiện cho việc bán hàng của cơ sở được thuận lợi hơn, với số lượng trên 2 tạ cá/ngày. Ngoài đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với mức thu nhập dao động từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng".
Anh Đinh Văn Tiếp, thôn Bắc Thọ, người có thâm niên hàng chục năm trong lĩnh vực khai thác thủy sản, đồng thời là chủ tàu cá TH 93868-TS cho biết: "Tàu cá của tôi có công suất 800 CV chuyên tham gia đánh bắt ở các ngư trường từ Trung bộ trở vào đến Cà Mau bằng nghề chụp mực, lưới rê, vây. Mỗi chuyến khai thác thường kéo dài từ 10 - 20 ngày. Trước đây, khi giá xăng dầu chưa tăng cao và nguồn lợi thủy sản không khan hiếm như bây giờ, mỗi chuyến ra khơi sau khi trừ chi phí đem lại nguồn thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng. Vào thời điểm này, giá dầu tăng hơn gấp đôi, chuyến nào ra khơi gặp được luồng cá, trừ chi phí thu về được 100 triệu đồng, còn lại đa phần thu được vài chục triệu đồng. Ngoài đem lại nguồn thu cho gia đình trên 1 tỷ đồng/năm, tàu cá của gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động, với mức thu nhập 15 - 20 triệu đồng/người/tháng".
Được biết, Ngư Lộc là xã ven biển duy nhất của huyện Hậu Lộc không có đất nông nghiệp để canh tác. Toàn xã có 2 vạn dân, có tới 85% dân số sống bằng nghề biển. Khai thác và chế biến hải sản là nghề chủ lực của địa phương. Toàn xã hiện có 212 phương tiện khai thác (tàu có chiều dài từ 15m trở lên có 119 phương tiện, từ 12 - 15m có 93 phương tiện và có 6 phương tiện đăng ký khai thác vùng biển xa), với sản lượng khai thác hàng năm đạt 12 nghìn tấn. Nguồn nguyên liệu dồi dào là điều kiện để nghề chế biến, kinh doanh hải sản phát triển với 70 hộ tham gia. Ngoài ra, dịch vụ hậu cần nghề cá và nghề nuôi trồng thủy sản (nuôi ngao) có gần 20 hộ tham gia. Trong đó, nuôi ngao trên địa bàn xã Đa Lộc, Đảo Nẹ... có 9 hộ, với thu nhập bình quân của các hộ là 500 triệu đồng, cá biệt có hộ đạt từ 2 - 3 tỷ đồng/năm.
Ông Vũ Huy Bổ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, phát triển kinh tế biển là nghề mũi nhọn và được địa phương đặc biệt quan tâm. Bởi ngoài thu hút, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, với mức thu nhập dao động từ 5 - 15 triệu đồng/người/tháng còn góp phần phát triển kinh tế hộ. Nhiều hộ làm nghề chế biến, kinh doanh hải sản và hộ tham gia khai thác đều có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, thậm chí có hộ thu nhập tiền tỷ.
Ông Bổ cũng cho biết, nghề khai thác hải sản của địa phương thời gian gần đây đang gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi thủy sản ở các ngư trường ngày càng suy giảm, giá xăng dầu còn ở mức cao... đã ảnh hưởng nhiều đến ngành kinh tế chủ lực của xã. Nếu như, năm 2022 toàn xã có 307 tàu tham gia khai thác ở các ngư trường, đến năm 2023 giảm xuống còn 212 phương tiện. Vì vậy, để đảm bảo giá trị sản xuất năm 2024 đạt 1.030 tỷ đồng (trong đó, thủy sản đạt 402 tỷ đồng), cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân bám biển và thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như hỗ trợ phí thuê bao thiết bị máy giám sát hành trình, tiền xăng dầu..., địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngoài phát triển kinh tế biển, các lĩnh vực kinh tế khác như công nghiệp - xây dựng, kinh doanh - dịch vụ cũng được quan tâm và đạt được kết quả ghi nhận, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất của xã trong những năm qua. Đặc biệt, phong trào xuất khẩu lao động thời gian gần đây đang được người dân quan tâm, lựa chọn. Năm 2023, xã có 94 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với các thị trường chủ yếu như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Qua đó, góp phần đưa mức thu nhập của người dân hiện nay đạt 53 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,8%.
Bài và ảnh: Minh Lý
{name} - {time}
-
2024-11-28 15:28:00
Ngân hàng bị phạt tới 500 triệu đồng nếu ép khách mua bảo hiểm
-
2024-11-28 15:20:00
Nhiều đường bay đã ‘cháy’ vé trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
-
2024-03-26 09:57:00
Bản tin tài chính 26/3/2024: SJC tăng trở lại, tái chiếm mốc 80 triệu đồng
VNDirect bị tấn công mạng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra cảnh báo khẩn
Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà nông
Đồng hành, bảo vệ khách hàng vay vốn Agribank
Thúc đẩy ngoại giao kinh tế
Bản tin tài chính 25/3/2024: Vàng thế giới ít biến động, trong nước quanh 80 triệu đồng/lượng
Công ty Điện lực Thanh Hóa phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024
Khẩn trương thực hiện quy trình, thủ tục để đấu giá quyền sử dụng đất các dự án
Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Sớm cấp phép khai thác mỏ cát xây dựng trên địa bàn Mường Lát