(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, nhưng đến ngày 13-5, huyện Nông Cống chính thức công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) xuất hiện tại địa bàn xã Tế Nông. Để khống chế, đẩy lùi BDTLCP có hiệu quả, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện phòng chống dịch theo phương châm: Thôn giữ thôn, xã giữ xã, huyện giữ huyện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Nông Cống tập trung khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

Mặc dù đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, nhưng đến ngày 13-5, huyện Nông Cống chính thức công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) xuất hiện tại địa bàn xã Tế Nông. Để khống chế, đẩy lùi BDTLCP có hiệu quả, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện phòng chống dịch theo phương châm: Thôn giữ thôn, xã giữ xã, huyện giữ huyện.

Huyện Nông Cống tập trung khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

Phun tiêu độc, khử trùng tại điểm chốt kiểm dịch tả lợn châu Phi, xã Tượng Văn.

Có mặt tại chốt kiểm dịch BDTLCP tại xã Tượng Văn vào hơn 9 giờ ngày 22-5, phóng viên ghi nhận sự tích cực của lực lượng được phân công làm nhiệm vụ tại đây trong việc kiểm soát phương tiện chở động vật đi qua địa bàn. Giữa cơn mưa tầm tã, cán bộ làm nhiệm vụ luôn bám vị trí, theo dõi các phương tiện để kiểm tra và phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Anh Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Công an xã Tượng Văn, phụ trách chốt, cho biết: Đây là chốt kiểm dịch giáp với địa bàn huyện Tĩnh Gia, được sự phân công, bản thân tôi cùng với anh em trong tổ trực chốt luôn bám sát vị trí của mình để kiểm soát, kiểm dịch động vật qua địa bàn 24/24 giờ, không kể thứ 7 và chủ nhật. Sau khi lập chốt, các phương tiện đi qua đều được phun hóa chất để bảo đảm dịch không lây lan.

Những ngày này, vôi bột được người dân xã Tế Nông sử dụng thường xuyên để phòng dịch. Đường làng, ngõ xóm, khu công cộng, chuồng trại chăn nuôi hầu hết đều được rắc vôi bột. Nguyên nhân, Tế Nông là xã đầu tiên của huyện công bố BDTLCP. Đàn lợn 8 con, trọng lượng gần 4,57 tạ của gia đình ông Nguyễn Văn Khuê, ở thôn Tế Độ đã phải tiêu hủy ngày 13-5 do mắc bệnh dịch này. Để ngăn dịch bùng phát, xã đã thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật, huy động 24 người trực 24/24 giờ tại các cửa ngõ ra vào địa bàn theo phương châm “Nội bất xuất, ngoại bất nhập lợn”. Xã tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng; đồng thời, phân bổ cho các thôn hơn 10 tấn vôi bột rắc khử trùng toàn bộ các khu vực công cộng như chợ, các điểm nút giao thông, quanh gia đình ông Khuê... Hầu hết hộ chăn nuôi, hộ dân tự giác mua thêm vôi bột rắc tại chuồng trại, lối đi của gia đình. Xã chỉ đạo các thôn theo dõi chặt chẽ số lượng, biểu hiện đàn lợn của từng hộ và báo cáo kịp thời về xã nếu lợn có biểu hiện ốm. Hiện tại, toàn bộ lực lượng cán bộ, các ngành, đoàn thể từ xã đến thôn đều được huy động vào cuộc ngăn chặn, đẩy lùi bệnh dịch.

Ông Đồng Minh Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nông Cống, cho biết: Ngay sau khi BDTLCP xuất hiện trên địa bàn tỉnh, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn lập chốt kiểm dịch, phân công lực lượng canh trực 24/24 giờ và thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn xâm nhập vào địa bàn... Khó khăn nhất đối với phòng chống dịch trên địa bàn huyện là các hộ dân chủ yếu chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, manh mún. Toàn huyện có hơn 28.000 con lợn; trong đó, khoảng 11.000 con được nuôi theo hướng trang trại tập trung. Tất cả số lợn bị nhiễm BDTLCP hiện nay đều ở các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Tính đến 17 giờ ngày 21-5, BDTLCP đã xảy ra tại 15 hộ của 13 thôn, 11 xã, thị trấn, như: Tế Nông, Trường Giang, Thăng Bình, Công Liêm, Tế Thắng, Trường Sơn, Trường Minh, Trường Trung, Tượng Lĩnh, Thăng Thọ, thị trấn và đã tiêu hủy 252 con lợn, với trọng lượng hơn 16,3 tấn.

Để ngăn chặn, đẩy lùi BDTLCP, huyện Nông Cống đang tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Theo đó, huyện đã thành lập 6 chốt kiểm dịch trên địa bàn các xã có vị trí tiếp giáp với các huyện lân cận, gồm: Tế Nông, Trường Giang, Tượng Văn, Tượng Sơn, Tân Thọ, Thăng Thọ, để kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, các chủ trang trại chăn nuôi thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng; thực hiện việc chăm sóc nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; tự giác báo dịch khi xảy ra dịch; thực hiện nghiêm hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan thú y. Huyện chỉ đạo 100% xã, thị trấn tiến hành phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng các khu vực công cộng. Đến nay, huyện đã hỗ trợ các địa phương hơn 6.000 lít hóa chất và hàng chục tấn vôi bột cho các xã có bệnh dịch và vùng bị bệnh dịch uy hiếp. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thôn, nhất là các thôn vào cuộc giám sát chặt chẽ đàn lợn tại địa bàn, theo dõi, báo cáo kịp thời tình hình bệnh dịch phát sinh, di biến động của đàn lợn để huyện chỉ đạo xử lý kịp thời. Đội kiểm tra liên ngành lưu động của huyện thường xuyên kiểm tra đột xuất các cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm thịt lợn; nghiêm cấm mọi trường hợp vận chuyển, kinh doanh, giết mổ lợn không rõ nguồn gốc, không dấu kiểm định của cơ quan thú y. Huyện Nông Cống cũng đã tiến hành rà soát tổng đàn lợn của từng hộ và các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn để tránh tình trạng lợi dụng trục lợi các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến cáo người dân không nên tăng đàn, tái đàn trong thời điểm xảy ra dịch bệnh.

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]