(Baothanhhoa.vn) - Hàng Việt Nam chất lượng cao (VNCLC) là những sản phẩm được người tiêu dùng, cơ quan chuyên môn bình chọn, đánh giá, gắn với nhu cầu của thị trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàng Việt Nam chất lượng cao khó vào chợ truyền thống

Hàng Việt Nam chất lượng cao khó vào chợ truyền thống

Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán tràn lan tại các chợ truyền thống.

Hàng Việt Nam chất lượng cao (VNCLC) là những sản phẩm được người tiêu dùng, cơ quan chuyên môn bình chọn, đánh giá, gắn với nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng đang diễn ra, nhất là ở hệ thống chợ truyền thống. Khảo sát của các cơ quan chuyên môn cho thấy, chợ truyền thống vốn là nơi cung cấp hàng hóa chủ lực cho người tiêu dùng nhưng lại vắng mặt hàng VNCLC. Do đó, để hàng VNCLC “bén duyên” với chợ truyền thống cần sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 378 chợ, 30 siêu thị và 4 trung tâm thương mại, phân bố rộng khắp trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố; hơn 80% lưu lượng hàng hóa được tiêu thụ thông qua hệ thống chợ truyền thống. Thực tế cho thấy, nếu áp dụng hiệu quả việc luân chuyển hàng hóa thông qua chợ truyền thống thì đây chính là kênh phân phối hữu hiệu cho hàng Việt cũng như thực hiện sâu rộng, lan tỏa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ông Hoàng Quốc Toản, đại diện Ban Quản lý chợ Chiều, thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Chợ có 1.600m2 có mái che, kiến trúc hiện đại phục vụ tiểu thương kinh doanh, hướng đến phục vụ cả ngày và đêm khi có nhu cầu và một khu vực giao dịch bán hàng ngoài trời theo hình thức chợ đầu mối để nhập, xuất hàng. Hàng ngày có khoảng 2.000 lượt người vào chợ kinh doanh, buôn bán và mua sắm. Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng chỉ có khoảng 10-35% lượng hàng hóa tiêu thụ ở chợ là hàng Việt Nam, có xuất xứ rõ ràng.

Khảo sát 1 vòng quanh chợ, chúng tôi nhận thấy, rất khó để tìm các sản phẩm hàng VNCLC trong khi các mặt hàng từ các loại quần áo, giày dép, chăn màn, đến bát, đĩa... xuất xứ không rõ ràng thì rất nhiều. Hầu hết tại các ki-ốt trong chợ, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái... chiếm trọn thị phần. Một tiểu thương bán quần áo tại chợ Chiều cho biết: Một bộ quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc, giá chỉ từ 35-70 nghìn đồng mà màu sắc, kiểu dáng đẹp, trong khi hàng Việt Nam thì phải từ 100 nghìn đồng trở lên. Với giá chênh lệch như vậy nên hàng nhái, hàng giả được nhiều người lựa chọn. Còn hàng Việt, nhất là hàng VNCLC thì rất hiếm, trừ khi khách đặt hàng mới nhập về bán.

Các chợ có quy mô lớn, truyền thống tại các huyện, như: chợ Bút Sơn (Hoằng Hóa), chợ Cầu Si (Yên Định), chợ Quảng Cư (TP Sầm Sơn)... hầu như đều thiếu vắng hàng VNCLC. Nhưng lại đang là mảnh đất màu mỡ của hàng giả, hàng nhái. Chị Phùng Thị Hòa, xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa), cho biết: “Dịp đầu năm học mới, tôi muốn tìm mua một đôi dép Bitis, cặp sách, đồ dùng học tập của các hãng sản xuất trong nước cho con đến trường nhưng phải lên TP Thanh Hóa mới mua được vì tìm ở chợ huyện chỉ toàn hàng Trung Quốc hoặc hàng Việt Nam nhưng nhãn mác lạ hoặc không nhãn mác, tôi không yên tâm cho con sử dụng. Thực tế, người dân khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh luôn mong muốn được sử dụng hàng có nguồn gốc xuất xứ, nhất là hàng VNCLC nhưng lại thiếu thông tin về hàng hóa và khó tiếp cận hàng chất lượng cao. Điều này cho thấy hạn chế trong khâu tổ chức phân phối hàng Việt về nông thôn, tạo kẽ hở cho hàng nhái, hàng giả và hàng không nguồn gốc tràn vào thị trường. Trong nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp chưa quan tâm phát triển thị trường nông thôn, ít dành chương trình khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm hay hỗ trợ tiểu thương và người tiêu dùng tại các chợ nông thôn. Ngoài ra, việc đưa hàng Việt về nông thôn của các doanh nghiệp vẫn thụ động, phụ thuộc vào các đợt hội chợ, phiên chợ hàng Việt được tổ chức theo kế hoạch của cơ quan chức năng...

Trao đổi về vấn đề hàng VNCLC khó vào chợ truyền thống, ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Huy Linh, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa), cho biết: Là đơn vị sản xuất hàng may mặc, một trong những mặt hàng có nhu cầu lớn, chúng tôi không muốn đưa hàng vào chợ. Nguyên nhân do chợ truyền thống chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết của một kênh phân phối, như: Cơ sở vật chất, thiếu thẩm mỹ trình bày hàng hóa, không ổn định về giá...

Đại diện Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương, cho biết: Để thúc đẩy tiêu thụ, mở đường cho hàng VNCLC vào chợ truyền thống, thời gian qua, tỉnh ta đã xây dựng được 16 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Ngoài ra, năm 2020, Sở Công Thương tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt tại 2 huyện Cẩm Thủy, Bá Thước. Mỗi phiên chợ, có 20 gian hàng, chủ yếu là doanh nghiệp trong tỉnh tham gia. Hàng hóa bày bán tại các phiên chợ 100% là hàng Việt Nam, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, với chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý... Thông qua các hoạt động, người tiêu dùng đã thay đổi dần thói quen mua sắm, ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt.

Lê Hòa


Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]