Doanh nghiệp sau “bão dịch” (Bài 1): “Ốm yếu” trong bối cảnh đặc biệt
Vừa gắng gượng vượt qua đại dịch COVID-19, những “cú sốc” mới của nền kinh tế, bất ổn địa chính trị toàn cầu ập đến. Cùng với đó, những thay đổi về điều kiện kinh doanh, quy định pháp luật mới khiến doanh nghiệp (DN) quy mô lớn hay nhỏ đều đang “bơi” trong dòng xoáy khó khăn.
May mặc là một trong những ngành sản xuất chịu nhiều tác động của “cơn bão” suy giảm tổng cầu. Ảnh: Minh Hằng
Khi “nhà giàu cũng khóc”
Tập đoàn Hoa Lợi là đơn vị lớn thứ 2 trong ngành giày da thế giới, với năng lực sản xuất 220 triệu sản phẩm mỗi năm. Tại Thanh Hóa, sau 10 năm đầu tư, tập đoàn đã có 20 nhà máy đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 120.000 lao động. Vậy nhưng, lạm phát kinh tế cùng với “làn sóng” cắt giảm đơn hàng từ nửa cuối năm 2022 đã kéo dài và nặng nề hơn sang năm 2023 khiến “ông lớn” ngành giày da này không tránh khỏi lao đao. Ông Tseng Jung Huei, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Lợi, cho biết: “Chúng tôi đã bị cắt giảm tới khoảng 40% đơn hàng trong năm nay. Với 10 nhà máy đang được đầu tư tại các huyện Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Thiệu Hóa, Hậu Lộc thì thủ tục đầu tư, xây dựng cũng kéo dài hơn do những quy định mới của pháp luật. Trong hoàn cảnh này, chúng tôi không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ tập trung các phương án điều tiết đơn hàng với phương châm không phải cắt giảm lao động”.
Theo ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, lạm phát kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu vẫn đang bị thắt chặt; trong khi đây chính là thị trường chiếm thị phần lớn của DN may mặc, giày da trong nước, trong tỉnh. Tiếp nối đà suy giảm sức tiêu thụ từ cuối năm 2022, trong năm 2023, nhiều DN đã bị cắt giảm tới 30%, thậm chí 50% đơn hàng ở thị trường châu Âu. Để “cứu vãn” tình thế, các DN “lớn”, “nhỏ” trong ngành đã chấp chận nhiều đơn hàng nhỏ, giá thấp, nhận thêm đơn hàng không phải là lợi thế với trình độ lao động và cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có để có việc làm cho lao động, lợi nhuận gần như bằng không”.
Nhiều chuyên gia kinh tế từng nhận định, thời điểm hiện tại chính là giai đoạn khó khăn nhất đối với DN trong 30 năm qua. Năm 2023, tổng doanh thu của các DN tại KKTNS và các Khu công nghiệp giảm hơn 5%, kim ngạch xuất khẩu giảm 23,4%. Cùng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiến hành bảo dưỡng 48 ngày thì khó khăn về thị trường tiêu thụ và nguyên vật liệu tăng cao khiến các chỉ tiêu về tăng trưởng trong ngành công nghiệp (IIP) của tỉnh chỉ đạt tăng 4,87%, không đạt kế hoạch. Giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh cũng chỉ đạt 92% kế hoạch; trong khi trước đó xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng lũy tiến trong nhiều năm. |
Không đơn thuần như đại đa số DN, hệ sinh thái của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa đa ngành nghề từ xuất khẩu thủy sản, gỗ tới sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch. Theo đại diện DN, các lĩnh vực sản xuất của đơn vị đều có mức độ hội nhập sâu, rộng; do đó, các yếu tố về diễn biến chính trị, kinh tế quốc tế có tác động trực tiếp và tức thì lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thị trường đầu ra của DN chủ yếu là các nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... và đây cũng là những nền kinh tế chịu tác động mạnh mẽ nhất của các “cú sốc” đã và đang diễn ra. Chính vì vậy, thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Ước tính, sản lượng hàng hóa tiêu thụ của DN giảm từ 35 - 40% tùy từng “ngách” thị trường, điển hình như ngao giảm 35%, chả cá surimi giảm 30%. Riêng ngành hàng gỗ, do chính sách điều tra về chống bán phá giá của Mỹ đối với sản phẩm gỗ ván ép nên có thời điểm thị trường gần như bị “bế quan tỏa cảng”.
Theo Giám đốc kinh doanh Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa Nguyễn Công Hùng: “Khi tổng cầu thị trường suy giảm, việc giữ được sản lượng, doanh số đặt ra rất nhiều thách thức đối với DN. Tại các thị trường tiêu thụ ngao, chả cá surimi, người tiêu dùng cắt giảm tối đa nhu cầu chi tiêu, khiến cho sức ép phân phối bán lẻ trở nên khốc liệt và các nhà nhập khẩu yêu cầu giảm giá mạnh với hầu hết đơn hàng. Chi phí đầu vào tăng, cuộc đua giảm giá để giành giật đơn hàng mạnh mẽ, điều này đã bào mòn đi hầu hết lợi nhuận của DN khi “cố” bán hàng để giữ thị trường”.
Đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa (Khu Công nghiệp Lễ Môn).
Bên cạnh “bức tranh” ảm đạm của thị trường sản xuất hàng tiêu dùng, các “đại gia” trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng cũng đang “đứng”, “ngồi” không yên khi thị trường nhà đất gần như “đóng băng”. Con số này được minh chứng khi theo con số của Cục Thuế tỉnh cung cấp, tỷ lệ thuế thu từ cấp quyền sử dụng đất trong năm nay giảm tới gần 50%.
Cùng với đầu tư công bị thắt chặt, nhu cầu thị trường suy giảm cả ở nội địa và xuất khẩu kéo theo khó khăn của nhiều ngành hàng sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch ngói, bao bì... Vốn dĩ, thời điểm này chính là giai đoạn “nước rút” của sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng này, tuy nhiên hiện nay, nhiều nhà máy công nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp đều đang trong tình trạng cắt giảm công suất, sản xuất cầm chừng.
Nhà máy Sản xuất bao bì Đại Dương tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) đã đi vào hoạt động ổn định từ năm 2018. Sản phẩm của nhà máy được cung ứng cho Tập đoàn Xi măng The Vissai, các nhà máy xi măng lớn và xuất khẩu khoảng 5%. Khi chuỗi bất động sản - xây dựng bị ảnh hưởng, việc cung ứng sản phẩm bao bì của nhà máy cũng đứt gãy theo với lượng đơn hàng suy giảm đến 30%. Nhà máy đã phải cắt giảm, điều tiết luân phiên đơn hàng của các phân xưởng để ổn định mức thu nhập cho lao động. Anh Nguyễn Bá Phương, Quản đốc phân xưởng 5, cho biết: “Các phân xưởng sản xuất của nhà máy hiện nay đều đang sản xuất cầm chừng. Với phân xưởng 5 của chúng tôi, nhiều thời điểm đã phải chấp nhận hàng lưu kho để lao động có việc làm”. Theo đại diện DN này thì doanh thu năm 2023 giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê của Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp, năm 2023, các DN buộc phải cắt giảm bớt hơn 3.761 lao động. Đặc biệt, một số DN buộc phải tạm dừng hoạt động như Công ty CP Xi măng Công Thanh, Công ty Innov Green tại KKTNS. Nhiều DN phải giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, không tăng ca, điển hình là 12 DN tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn. Khó khăn trong sản xuất, kinh doanh khiến tình trạng nợ đọng bảo hiểm kéo dài với số tiền nợ đọng lớn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, điển hình như Công ty CP Xi măng Công Thanh nợ 5,7 tỷ đồng, Công ty TNHH Beoyin Vina nợ hơn 4 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa, Công ty CP Cơ khí và Xây lắp Sông Chu...
Trên bình diện toàn tỉnh, nhiều ngành sản xuất trọng yếu, truyền thống của tỉnh tiếp tục bị sụt giảm như đường giảm xấp xỉ 50%; tinh bột sắn giảm 21,7%; bia các loại giảm xấp xỉ 20%, gạch xây giảm 12,2%... Không chỉ suy giảm về sản lượng, trong khi các chi phí đầu vào đều tăng cao, giá bán lại thấp khiến DN gần như không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất thấp.
Những con số “biết nói”
Với một bối cảnh thực tại ngổn ngang khó khăn, một điều đáng “ngạc nhiên” là Thanh Hóa vẫn đạt những con số “kỷ lục” về thành lập DN mới. Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phát triển DN tỉnh, tính đến hết 31/12/2023, toàn tỉnh có tới 3.611 DN đăng ký thành lập mới, đứng thứ 6 cả nước và vượt 20,4% kế hoạch xây dựng, đưa lũy kế số DN có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh lên con số hơn 27.000 DN.
"Bên cạnh nguyên nhân khách quan do suy thoái kinh tế thế giới, DN “rơi” vào tình cảnh khó khăn này còn có nguyên nhân từ những bất cập trong nội tại của nền kinh tế. Trước hết, đó là thể chế, chính sách còn chưa hoàn thiện, nếu không muốn nói là mâu thuẫn. Ranh giới “đúng” hay “sai” rất mong manh, khiến DN đang hoạt động trong tâm thế âu lo. Cùng với đó, xu thế cải cách chững lại khiến môi trường kinh doanh chưa đạt kỳ vọng, điều kiện kinh doanh đang có nhiều rào cản khó vượt hơn trước" - Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình. |
Vậy nhưng, đằng sau “con số đẹp” này, năm 2023, toàn tỉnh cũng ghi nhận tới 1.245 DN tạm ngừng hoạt động, bằng 34,5% số DN thành lập mới. Cùng với đó, có tới 631 DN giải thể, tăng 66,5% so với cùng kỳ. Số DN quay trở lại hoạt động cũng giảm 29,5% so với cùng kỳ.
Hơn nữa, nếu nhìn nhận trên bình diện số DN gia nhập thị trường để đánh giá sự sôi động của môi trường kinh doanh dường như không chính xác, bởi “sức sống” của DN cần được đánh giá bằng những thông số liên quan đến hoạt động, bao gồm các chỉ tiêu phát sinh doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước. Thực tế, tỷ lệ các DN phát sinh các chỉ số này rất thấp so với số DN có đăng ký kinh doanh.
Huyện miền núi Cẩm Thủy có 189 DN đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, con số DN có phát sinh doanh thu chỉ có 107 DN. Trong đó, số DN có phát sinh thuế chỉ có 89 DN. Ông Tào Ngọc Cảnh, Chi cục phó Chi cục Thuế Cẩm Thủy cho biết. Năm 2023, doanh thu phát sinh của các DN trên địa bàn chỉ bằng hơn 78% so với năm 2022. Tổng số DN hoạt động trong khu vực DN chỉ còn hơn 1.000, bằng 45,5% so với năm ngoái, thậm chí còn thấp hơn năm 2019 (trước thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra). Nguyên nhân là do các DN may mặc trên địa bàn không có đơn hàng, dẫn tới công nhân phải nghỉ việc nhiều. Riêng Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Ngọc Ninh đã ngừng hoạt động, dẫn tới 1.200 công nhân phải nghỉ việc.
Nhà máy Sản xuất bao bì Đại Dương (KKTNS) tồn kho khối lượng hàng hóa lớn vào thời điểm dịp cuối năm.
Là địa bàn có hoạt động kinh tế, giao thương sôi động, năm 2023, khu vực TP Thanh Hóa - Đông Sơn thành lập mới 1.662 DN, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao; nhưng trong năm, cũng có tới 532 DN giải thể và 619 DN tạm ngừng kinh doanh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Cao Tiến Đoan: “DN đang đối mặt với bối cảnh đầy khắc nghiệt, từng ngày gồng mình với thách thức. Một thực tế rất đáng buồn đang diễn ra khi số lượng DN phải đóng cửa, rút lui khỏi thị trường ngày càng gia tăng. Trên địa bàn Thanh Hóa, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, đang vào lộ trình hồi phục thì hàng loạt DN phải đóng cửa do những vướng mắc trong quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Tiếp đó, tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, giá cả thị trường tăng vọt, đơn hàng sụt giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy yếu; tín dụng bị thắt chặt khiến dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ đang là những yếu tố tác động “kép” lên sức khỏe DN vốn đang ốm yếu”.
Minh Hằng
Bài 2: “Miếng bánh” chính sách khó cầm.
{name} - {time}
-
2024-12-28 18:42:00
Chính thức khai trương Đại lý Skoda Thanh Hóa
-
2024-12-28 16:45:00
Nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông
-
2024-01-28 16:47:00
Agribank Bắc Thanh Hóa: Dấu ấn 5 năm "Kiến tạo nền móng - Hướng tới tương lai”
Xã Ái Thượng: Phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân
Một nền tảng quan trọng của nền kinh tế
Đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo và khảo nghiệm giống cây trồng
Làm giàu từ nuôi gà đẻ trứng
Đi chợ 4.0
Đa dạng sản phẩm OCOP phục vụ Nhân dân mua sắm Tết
Còn lỏng lẻo trong liên kết sản xuất nông nghiệp
Khi làng nghề bắt nhịp kinh tế thị trường
Thu hút các doanh nghiệp chế biến lâm sản