(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là địa phương có lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp tương đối lớn; trong đó, sản lượng lúa bình quân khoảng 1,4 triệu tấn/năm, rau, củ, quả khoảng 540.000 tấn/năm, thịt lợn khoảng 240.000 tấn/năm, 33.000 tấn sữa tươi/năm và khoảng 180.000 tấn hải sản/năm...

Bảo quản nông sản sau thu hoạch vẫn còn bỏ ngỏ

Thanh Hóa là địa phương có lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp tương đối lớn; trong đó, sản lượng lúa bình quân khoảng 1,4 triệu tấn/năm, rau, củ, quả khoảng 540.000 tấn/năm, thịt lợn khoảng 240.000 tấn/năm, 33.000 tấn sữa tươi/năm và khoảng 180.000 tấn hải sản/năm...

Bảo quản nông sản sau thu hoạch vẫn còn bỏ ngỏBên cạnh đầu tư máy sấy công suất lớn, nhiều HTX, hộ sản xuất đã đầu tư máy sấy thăng hoa để sơ chế, bảo quản và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: tư liệu

Ngoài tiêu thụ tươi, nhiều doanh nghiệp, HTX, người sản xuất đã và đang ứng dụng những công nghệ hiện đại vào bảo quản nông sản sau thu hoạch, mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh còn nhiều vấn đề cần lưu tâm.

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Thanh Hóa, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tổn thất sau thu hoạch đối với cây có hạt khoảng 10%; đối với rau, củ, quả khoảng 10 - 15%. Song, với lúa và một số nông sản thu hoạch theo thời vụ, có sản lượng lớn, gặp thời tiết bất lợi, mức tổn thất có thể cao hơn khoảng 20%. Bởi, sau khi thu hoạch nếu sản phẩm nông sản không được bảo quản kịp thời và đúng cách sẽ gây ảnh hưởng, hao hụt đến trọng lượng và chất lượng nông sản. Do đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh đã vận dụng nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ các HTX và Nhân dân đầu tư hệ thống sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Theo đó, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với ngành nông nghiệp, rà soát và cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ 5 HTX xây dựng nhà xưởng sơ chế, kho lạnh, tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Cùng với đó, từ nguồn kinh phí từ các chương trình dự án, hàng chục HTX, doanh nghiệp được đối ứng đầu tư lắp đặt máy sấy nông sản ứng dụng công nghệ sấy công nghiệp, sấy lạnh để bảo quản nông sản.

HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Minh, đơn vị dẫn đầu tỉnh trong sản xuất lúa thương phẩm đã liên kết với 2 doanh nghiệp lớn là Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed và Công ty CP Giống cây trồng Việt Nam sản xuất và tiêu thụ hơn 360 ha lúa cho người dân, sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ tiêu thụ khoảng 800 tấn rau, màu cho người dân. Với lượng lúa và rau màu lớn, nhất là khi vào vụ thu hoạch, vấn đề bảo quản sản phẩm bảo đảm chất lượng trở thành gánh nặng đối với ban quản trị HTX. Bà Đỗ Thị Hoa, giám đốc HTX, cho biết: "Hơn 10 năm tham gia sản xuất liên kết quy mô lớn các loại nông sản cho người dân, đã nhiều lần HTX nhận “quả đắng” khi gặp thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng sản phẩm nên bên liên kết không thu mua hoặc thu mua thấp hơn giá hợp đồng. Do đó, sau khi được hỗ trợ từ một số chương trình dự án của tỉnh, năm 2017, HTX đã đầu tư, đối ứng vốn mua 2 máy sấy công suất 80 tấn/lần để bảo quản nông sản sau thu hoạch. Nhờ đó, hằng năm, HTX tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng từ hao hụt sản lượng, thuê nhân công phơi thủ công. Ngoài ra, HTX còn nhận sấy lúa, nông sản cho Nhân dân địa phương và một số xã lân cận để tăng thu nhập, hỗ trợ người dân bảo quản tốt nông sản sau thu hoạch.

Thực tế cho thấy, đa phần nông sản của tỉnh được bán “tươi” ngay sau khi thu hoạch. Do đó, bên cạnh ứng dụng công nghệ sấy, các loại nông sản như rau, củ, quả, sản phẩm thủy sản được các doanh nghiệp, HTX đầu tư bảo quản trong hệ thống kho lạnh. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 16 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có hệ thống kho lạnh bảo quản sản phẩm nông sản với tổng công suất khoảng 3.000 tấn. Ngoài ra, còn hàng chục đơn vị đầu từ kho lạnh nhỏ, công suất khoảng 32m3, diện tích 20m2 để giữ tươi sản phẩm cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, việc bán “tươi” nông sản, nhất là đối với những nông sản có sản lượng lớn, thu hoạch rộ trong một thời gian ngắn, thì số lượng và quy mô các kho bảo quản như trên là chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp và người dân giảm thiểu tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo đó, đối với hoạt động chế biến sản phẩm được hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến sản phẩm từ phế phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản, còn hỗ trợ kho, thiết bị chứa, bảo quản lúa, ngô chỉ áp dụng cho quy mô hộ gia đình. Ngoài ra, đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đóng mới hầm bảo quản cho các tàu cá đánh bắt vùng khơi, với tổng kinh phí 4,5 tỉ đồng cho 18 tàu cá đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định...

Những chính sách mang tính mở đường, hỗ trợ nói trên đã và đang được xem là động lực để các địa phương, đơn vị thúc đẩy công tác sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, từng bước tiến tới nền sản xuất hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường và hướng tới xuất khẩu.

Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]