(Baothanhhoa.vn) - Bước qua 6 tháng đầu năm, với sự nỗ lực vượt khó và tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Thanh Hóa đã vươn lên đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bức tranh kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh vẫn có được những gam màu tươi mới, giữa bối cảnh phải đối mặt với không ít thách thức khó lường.

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng (Bài 1): Những điểm tựa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Bước qua 6 tháng đầu năm, với sự nỗ lực vượt khó và tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Thanh Hóa đã vươn lên đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bức tranh kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh vẫn có được những gam màu tươi mới, giữa bối cảnh phải đối mặt với không ít thách thức khó lường.

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng (Bài 1): Những điểm tựa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triểnSầm Sơn thu hút đông đảo du khách ngày hè 2023. Ảnh: TÙNG DƯƠNG

Cán đích các mục tiêu tăng trưởng

Tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX (diễn ra ngày 7-12-2022), đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022, thảo luận phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã nhấn mạnh: Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, năm có tính bản lề và có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu đại hội đã đề ra. Theo đó, tỉnh ta đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới, đan xen với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dự báo khó khăn, thách thức sẽ lớn hơn và nhiều hơn năm 2022.

Và, thực tế triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 từ đầu năm đến nay, đã minh chứng rất rõ cho nhận định của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh. Bởi bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Trong khi ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, song vẫn còn nhiều khó khăn do chịu “tác động kép” từ các yếu tố bên ngoài và những bất cập nội tại của nền kinh tế.

Mặc dù đối diện với nhiều thách thức, song 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (GRDP) ước đạt 7%, vươn lên đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng đạt 8,55%. Dịch vụ cũng là một ngành mũi nhọn với tốc độ tăng cao và đạt 8,1%. Nông - lâm - thủy sản vẫn cho thấy khả năng của một ngành trụ cột, với tốc độ tăng trưởng đạt 3,87%.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế đối ngoại diễn ra khá sôi động, gắn với sự hiện diện của nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Thanh Hóa. Cùng với đó, Thanh Hóa đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa quy mô lớn, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè, du khách trong nước, quốc tế...

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 66.090 tỷ đồng, bằng 47,2% kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm, nhờ hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm, toàn tỉnh đã thu hút được 33 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 9 dự án FDI); tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD, lần lượt gấp 2,2 lần và 3,2 lần so với cùng kỳ.

Ngoài ra, các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh (PAPI, PAR INDER, SIPAS) đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân ổn định. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không xảy ra vụ việc phức tạp. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Một số vướng mắc về thể chế thuộc thẩm quyền của tỉnh đã được tháo gỡ, giải quyết, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho KT-XH phát triển...

Đoàn kết, kỷ cương và trách nhiệm

Những kết quả đạt được là sự phản ánh hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền thông qua các cơ chế, chính sách, giải pháp kịp thời, linh hoạt. Đây cũng chính là những điểm tựa thúc đẩy KT-XH phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 7-12-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, đã nhấn mạnh đến các giải pháp chủ yếu, đó là: Nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, chủ động, sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu đề ra. Ngoài ra, quan tâm khắc phục điểm nghẽn về mặt bằng; về hạ tầng, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch, cơ chế, chính sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển...

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết, gắn với phương châm hành động “Đoàn kết - kỷ cương - trách nhiệm - linh hoạt - hiệu quả”. Trong đó, đã xác định 9 nội dung trọng tâm chỉ đạo, điều hành; 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; giao 15 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, địa phương, đơn vị. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển KT-XH được chú trọng. Theo đó, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 21-3-2022 của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển KT-XH tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 24-2-2023 về khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2022; đồng thời, chỉ đạo kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh và bền vững năm 2023...

Bên cạnh các cơ chế, chính sách và các giải pháp có tính bao trùm, đối với từng ngành, từng lĩnh vực cũng có các chính sách riêng, cụ thể. Chẳng hạn trong nông nghiệp, với các chính sách, giải pháp đã và đang được triển khai, như đẩy mạnh xây dựng huyện, xã, thôn, bản nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm; bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp; phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; thực hiện hiệu quả chính sách tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, tỉnh đang tập trung triển khai sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân...

Đối với lĩnh vực công nghiệp, đầu tư, xây dựng và giao thông, thời gian qua UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo nắm chắc tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhất là về vật liệu xây dựng, phòng cháy, chữa cháy... Đồng thời, chủ động phương án sản xuất, vận hành hệ thống điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng. Đặc biệt, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định các quy hoạch xây dựng chi tiết, quy hoạch phân khu chức năng trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và quy hoạch chi tiết xây dựng tại các huyện, thị xã, thành phố...

Hoặc trong lĩnh vực đầu tư, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến giao ban toàn tỉnh về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, giải phóng mặt bằng và thu ngân sách Nhà nước năm 2023. Cùng với đó, thành lập 5 tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, đơn vị; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư; tăng cường quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư...

Đặc biệt, xác định nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành đóng vai trò quyết định đối với việc triển khai thực hiên các nhiệm vụ phát triển KT-XH, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, xây dựng và ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 24-2-2023 về khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2022 để các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện. Đồng thời, ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 29-5-2023 về tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu giải quyết công việc của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...

Có thể khẳng định, những kết quả tích cực đạt trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong 6 tháng đầu năm 2023 là rất đáng trân trọng. Kết quả ấy thể hiện tinh thần quyết tâm, nỗ lực vượt khó của các cấp, các ngành; sự ủng hộ và tham gia đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, như nhấn mạnh của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, đó là sự phản ánh “truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đã đạt được, mà phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả” của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Từ đó, tạo thêm động lực mới, khí thế mới để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại của năm 2023.

Khôi Nguyên

Bài 2: Công nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]