(Baothanhhoa.vn) - Giữa thời đại kỷ nguyên số bùng nổ, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối con người mà trở thành những “phiên tòa” công khai, nơi các cá nhân bị "đấu tố" mà không cần bất kỳ quy trình pháp lý nào.

Khi “đấu tố online” thực thi công lý: Giới hạn nào cho những drama độc hại?

Giữa thời đại kỷ nguyên số bùng nổ, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối con người mà trở thành những “phiên tòa” công khai, nơi các cá nhân bị “đấu tố” mà không cần bất kỳ quy trình pháp lý nào.

Khi “đấu tố online” thực thi công lý: Giới hạn nào cho những drama độc hại?

Hàng loạt drama ồn ào và dậy sóng dư luận của những Kols, nghệ sỹ nổi tiếng... người Việt nổ ra trên không gian mạng thời gian qua đã tốn không biết bao “phím lực” của các anh hùng bàn phím.

Giữa thời đại kỷ nguyên số bùng nổ, ranh giới giữa thế giới thực và ảo dần bị xóa nhòa. Mạng xã hội không còn chỉ là nơi kết nối con người mà đã trở thành những “phiên tòa” công khai, nơi các cá nhân bị phán xét, “đấu tố” mà không cần bất kỳ quy trình pháp lý nào. Khi những vụ bóc phốt nổ ra, ai thực sự là người hưởng lợi? Đâu là ranh giới giữa phản biện xã hội và công kích cá nhân?

Những “phiên tòa livestream” nở rộ

“Drama” là từ để chỉ những câu chuyện gây sốc, giật gân, đang có sức hút lớn với dư luận. Đây được coi là “đặc sản” của mạng xã hội đi kèm với những vụ tranh cãi, bóc phốt rầm rộ. Khi được phơi bày trước công chúng, những câu chuyện này đương nhiên không còn vấn đề cá nhân mà sẽ trở thành “miếng mồi” cho những “thẩm phán phím” đổ xô vào phán xét và thậm chí “thêm dầu vào lửa” mà không cần bằng chứng.

Suốt những ngày qua, cư dân mạng chứng kiến cả “bộ sưu tập” drama, khi các sự kiện ồn ào lần lượt “giải cứu” nhau, vụ này chưa qua vụ khác đã tới, kéo theo những hội nhóm tranh luận, chia sẻ hình ảnh, nội dung các vụ việc chóng mặt.

Không khó để thấy sự bùng nổ của những vụ việc gây chấn động trong thời gian gần đây, như vụ: TikToker Phạm Thoại bị tố thiếu minh bạch khi kêu gọi hơn 16 tỷ đồng từ thiện cho bé Bắp, dẫn đến phiên livestream giải trình gần 1 triệu lượt xem nhưng chỉ để lại ấn tượng “giải trí” cho khán giả; lùm xùm quảng cáo sai sự thật về kẹo rau củ Kera do Quang Linh Vlogs, TikToker Hằng Du Mục và Hoa hậu Thùy Tiên giới thiệu với lời quảng cáo “1 viên bằng 1 đĩa rau” bị phanh phui chất xơ thấp.

Khi “đấu tố online” thực thi công lý: Giới hạn nào cho những drama độc hại?

16 tỷ đồng ở đâu thì cư dân mạng vẫn chưa có câu trả lời, nhân vật chính trong chuyện cũng im hơi lặng tiếng kể từ sau ồn ào livestream.

Drama tình ái giữa TikToker Ngọc Kem và ViruSs nổ ra khi Ngọc Kem tố anh lừa dối với danh sách, kéo theo màn đáp trả khiến cộng đồng mạng chia phe tranh cãi. Chu Thanh Huyền (vợ cầu thủ Quang Hải) bị bóc phốt đời tư từ đối tác, làm dậy sóng dư luận với vô số tin đồn.

Những sự kiện này cho thấy, mạng xã hội giờ đây giống như một sàn diễn khổng lồ, nơi mọi drama đều được phát sóng trực tiếp để công chúng mặc sức “cào phím.”

Ai thực sự hưởng lợi từ drama?

Trước đây, drama chỉ là những câu chuyện có sức ảnh hưởng trong phạm vi nhỏ, nhưng cùng với sự bùng nổ của công nghệ chúng đã trở thành một công cụ sinh lời khủng khiếp. Những người trong cuộc, từ người nổi tiếng đến những cá nhân bình thường, đều có thể tận dụng sức nóng của dư luận để tăng tầm ảnh hưởng hoặc thu lợi trực tiếp. Bởi dựa vào lượt mắt xem, thời lượng live, lượng tương tác, những “món quà ảo” cộng đồng mạng tặng trong phiên livestream... tất cả đều được nền tảng quy đổi thành hiện kim cho các Streamer (người phát nội dung trực tiếp).

Điển hình như vụ đối đầu giữa Ngọc Kem và ViruSs, sau hàng loạt buổi livestream “bóc phốt” lẫn nhau, cả hai đều có lượt theo dõi tăng vọt. Dù vấp phải chỉ trích, Ngọc Kem vẫn giữ được sức hút nhờ lượng người xem khổng lồ. Lùm xùm không chỉ giúp họ duy trì sự hiện diện trong mắt công chúng mà còn mở ra cơ hội ký hợp đồng quảng cáo, bán hàng trực tuyến, thậm chí là các dự án mới béo bở.

Tương tự, vụ lùm xùm 16 tỷ đồng từ thiện liên quan đến Phạm Thoại cũng là minh chứng rõ nét. Khi dấy lên nghi vấn về tính minh bạch trong sử dụng số tiền quyên góp, Phạm Thoại hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội. Nhưng thay vì im lặng, nhân vật này liên tục xuất hiện trên livestream, kéo dài sự chú ý của dư luận. Lượt xem tăng chóng mặt, tương tác bùng nổ, và bất chấp tranh cãi Phạm Thoại vẫn duy trì lượng người theo dõi cao. Trong trường hợp này, drama không còn là khủng hoảng mà đã trở thành “cơ hội vàng” để Phạm Thoại đánh bóng tên tuổi.

Không chỉ những người trong cuộc hưởng lợi, drama cũng giúp cho các nền tảng mạng xã hội “cất lưới” đáng kể. Thuật toán của YouTube, TikTok hay Facebook ưu tiên những nội dung gây tranh cãi vì chúng kích thích tương tác, từ lượt xem, bình luận đến chia sẻ.

Khi “đấu tố online” thực thi công lý: Giới hạn nào cho những drama độc hại?

Drama tình ái chấm dứt, người xem vẫn chưa hiểu đang bị dắt đi đâu sau một hồi “hóng biến” các nhân vật chính.

Theo đó, một bài đăng về vụ bê bối của Kim Soo Hyun có thể đạt hàng triệu lượt xem chỉ trong vài giờ, mang lại nguồn doanh thu quảng cáo khổng lồ cho các kênh đăng tải. Trong khi đó, công chúng – những người dõi theo drama vô tình trở thành công cụ tiếp tay, giúp câu chuyện lan rộng mà không nhận ra mình đang góp phần nuôi dưỡng một cỗ máy kiếm tiền khổng lồ.

Tuy nhiên, cái giá phải trả sau những drama là không hề nhỏ. Theo chuyên gia tâm lý, giảng viên trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, những nhân vật bị cuốn vào vòng xoáy đấu tố trực tuyến có thể gánh chịu tổn thương tâm lý nặng nề, từ trầm cảm, rối loạn lo âu, cảm giác cô đơn, đến lo lắng cho sự an toàn của bản thân khi ra ngoài, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất.

“Nhiều người còn phát triển tâm lý tự ti và mất niềm tin vào bản thân,” chuyên gia nhấn mạnh. Còn công chúng, dù hả hê khi chứng kiến một ai đó “sụp đổ,” cũng hiếm khi thấy được ánh sáng công lý thực sự. Bởi lẽ, sự thật thường bị bóp méo, còn dư luận cũng dễ dàng bị thao túng trong cơn bão thông tin hỗn loạn.

Giới hạn nào cho những drama độc hại?

Sau những ồn ào, bát nháo của những drama độc hại, câu hỏi đặt ra là: Đấu tố online có thực sự mang lại công lý? Hay nó chỉ là một phiên bản của “phiên tòa phù thủy” thời trung cổ, nơi đám đông quyết định số phận cho ai đó dựa trên cảm tính và định kiến cá nhân?

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Hạnh phân tích rằng có ba yếu tố chính khiến mọi người bị cuốn vào drama: “Thứ nhất, mạng xã hội có tính ẩn danh, cho phép người dùng giảm cảm giác trách nhiệm cá nhân, dễ dàng phát ngôn mà không lo hậu quả. Thứ hai, nhiều người mong muốn được chú ý, thích nổi tiếng và có tiếng nói. Thứ ba, họ khao khát được kết nối và công nhận từ người khác.”

Tuy nhiên, về lâu dài, điều này có thể dẫn đến gia tăng thái độ tiêu cực và làm giảm khả năng đồng cảm giữa con người với con người – điều dễ thấy trong các vụ việc kể trên.

Khi “đấu tố online” thực thi công lý: Giới hạn nào cho những drama độc hại?

Nhiều độc giả thể hiện quan điểm về kết quả của những lùm xùm trên mạng xã hội.

Theo ý kiến chuyên gia, các kênh sáng tạo nội dung cần đóng vai trò trung gian, cung cấp thông tin chính xác thay vì chạy theo giật gân, câu view. Truyền thông có thể là công cụ để phản biện xã hội, nhưng mặt trái là cũng dễ dàng trở thành phương tiện bới móc đời tư. Vì thế, cần đặt ra ranh giới giữa việc yêu cầu người nổi tiếng sống có trách nhiệm với những phát ngôn trên mạng xã hội với việc công kích, đẩy họ đến bước đường cùng.

Thực tế, không ít nghệ sỹ Hàn Quốc đã lựa chọn cách tiêu cực nhất khi không thể vượt qua áp lực dư luận. Một bình luận ác ý, một tin đồn thất thiệt có thể không là gì đối với người “ném” chúng lên cõi mạng, nhưng lại có thể là giọt nước tràn ly dành cho người bị chỉ trích.

Để bảo vệ sức khỏe tinh thần, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hữu Hạnh gợi ý những người trong tâm bão drama có thể áp dụng một số chiến lược: “Xác định ranh giới trong việc tham gia tranh cãi trên mạng và biết khi nào nên rút lui. Như các vụ nói trên, càng lên tiếng, drama càng lớn. Họ nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè tin cậy hoặc chuyên gia tâm lý để chia sẻ cảm xúc. Quan trọng hơn, cần giới hạn tiếp xúc với mạng xã hội.”

Hành vi sử dụng mạng xã hội để vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng, gây tổn hại nặng nề đến nạn nhân, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng: Tội làm nhục người khác (Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015) hoặc Tội vu khống (Điều 156, Bộ luật Hình sự 2015).

Nguồn: Vietnam+


Nguồn: Vietnam+

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]