(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, huyện Thọ Xuân đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Huyện Thọ Xuân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Những năm qua, huyện Thọ Xuân đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Huyện Thọ Xuân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vữngTrang trại chăn nuôi của gia đình anh Trịnh Ngọc Tới, xã Xuân Minh.

Năm 2018, anh Trịnh Ngọc Tới, xã Xuân Minh, thuê 17 ha đất của xã chuyển đổi từ diện tích trồng ngô, lạc kém hiệu quả sang trồng mía. Tuy nhiên, giá thu mua mía giảm, chi phí nhân công tăng cao, nên hiệu quả kinh tế thấp. Không nản lòng, sau thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, cùng sự khích lệ, động viên, giúp đỡ của chính quyền xã Xuân Minh, năm 2019, anh Tới đã mạnh dạn đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, kết hợp trồng cây ăn quả. Trên diện tích trên, anh Tới xây dựng 5 dãy chuồng chăn nuôi gà, với tổng đàn 2 vạn con/lứa; 1 khu chuồng chăn nuôi lợn, với tổng đàn hơn 100 con và 2 ha trồng các loại cây bưởi, mít Thái... Anh Tới chia sẻ: Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tại các khu chuồng, tôi đã đầu tư lắp đặt hệ thống làm mát, quạt gió, hệ thống cho ăn, uống tự động; các khu chăn nuôi gà con, gà thương phẩm được phân chia để thuận lợi trong quá trình chăm sóc. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, anh còn chú trọng đến việc lựa chọn con giống có chất lượng, được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và bảo vệ môi trường chăn nuôi để hạn chế dịch bệnh. Hiện nay, trang trại của anh đang liên kết sản xuất, tiêu thụ gà thương phẩm cho Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, nên đầu ra của sản phẩm ổn định. Mỗi năm, doanh thu của trang trại đạt 2 tỷ đồng trở lên.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 25 trang trại chăn nuôi lợn ngoại ứng dụng công nghệ cao, 45 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng đệm lót sinh học...; trong đó, có 33 trang trại thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, huyện khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô vừa và lớn; ứng dụng công nghệ cao; trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế, như: lợn hướng nạc, gà lông màu... Khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: Ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải... và đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi... Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp và bước đầu đã hình thành liên kết chuỗi chăn nuôi bò sữa của Công ty TNHH Bò sữa Vinamilk; sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sạch theo chuỗi của Công ty CP Nông sản Phú Gia. Đồng thời, các xã, thị trấn cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện, chuyển giao công nghệ phối giống nhân tạo cho người chăn nuôi để tạo ra các giống vật nuôi có năng suất cũng như chất lượng cao, như: bò lai sind, Brahman, bò Úc, trâu Mura... Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn cho người dân xây dựng chuồng trại, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải hoặc làm hầm biogas nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Đi đôi với đó, hướng dẫn cho người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tiêm phòng vắc-xin theo đúng quy định. Hệ thống hạ tầng giao thông đến các khu vực chăn nuôi cũng luôn được huyện quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thức ăn, phương tiện phục vụ chăn nuôi. Các địa phương đã phát động phong trào thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX chăn nuôi để tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi trao đổi kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật và hỗ trợ về đầu ra của sản phẩm.

Thời gian tới, huyện Thọ Xuân phấn đấu tăng số lượng đàn, đưa các loại giống mới, phương thức chăn nuôi tiên tiến vào sản xuất; phấn đấu xây dựng 1 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Theo đó, huyện sẽ tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; trong đó, đối với chăn nuôi lợn, phấn đấu có 90% các trang trại chăn nuôi áp dụng quy trình an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; 90% trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, quy mô chuồng kín hiện đại, nuôi các giống lợn có năng suất cao, chất lượng tốt; ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất phục vụ việc truy xuất nguồn gốc; ứng dụng công nghệ ELISA, PCR... Đối với chăn nuôi gà, phấn đấu có 95% các trang trại chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGAHP, an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; 85% các trang trại ứng dụng khoa học - kỹ thuật để xử lý chất thải trong chăn nuôi; sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm men vi sinh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Duy trì việc thực hiện chương trình nâng cao tầm vóc đàn bò bằng tinh bò Zebu. Đồng thời, thường xuyên nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Phấn đấu 50% tổng đàn gia cầm, 30% tổng đàn lợn, 60% tổng đàn bò thịt chất lượng cao... có hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]