Hương ước, quy ước trong đời sống hiện nay
Hương ước, quy ước ngày càng đi vào đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh như một nét đẹp văn hóa truyền thống. Đặc biệt, trong đời sống hiện nay, hương ước, quy ước còn góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bản hương ước của thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) luôn được đặt ở tủ sách nhà văn hóa thôn để người dân nắm bắt, thực hiện.
Thôn Đạt Tài 2 (làng Đạt Tài), xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) vốn là nơi hội tụ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, trong đó nổi bật nhất là nghề mộc, lễ hội rước kiệu và vật cù vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán hằng năm. Tại điều 5 “Các quy định về lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán” của hương ước thôn Đạt Tài 2, quy định: "Ngày mùng 2 Tết Nguyên đán là ngày thôn tổ chức lễ hội rước kiệu và vật cù, đây là truyền thống văn hóa của thôn, vì vậy cán bộ, Nhân dân trong thôn phải có mặt đông đủ trong ngày trọng đại này. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa tinh thần thể hiện tập quán, truyền thống tốt đẹp của Nhân dân, mọi người trong thôn khi tham gia lễ hội phải thực hành tiết kiệm, không làm ảnh hưởng đến sản xuất, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, không lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan và các hành vi phạm pháp khác".
Theo quan niệm của người dân xã Hoằng Hà, hội vật cù chính là lễ xông đất đầu năm, cầu cho một năm mới đông vui, no đủ đến mọi người, mọi nhà. Bởi vậy, mỗi người dân thôn Đạt Tài 2 nói riêng, xã Hoằng Hà nói chung đều ý thức chấp hành nghiêm túc những quy định đã được đề ra trong hương ước, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện nay.
Trưởng thôn Đạt Tài 2 Vũ Thị Gụ cho biết: “Năm nào cũng vậy, lễ rước kiệu và vật cù ngày mùng 2 Tết Nguyên đán đều thu hút đông đảo người dân. Đến lễ hội người dân ăn mặc rất lịch sự, thăm hỏi ân cần lẫn nhau. Mới đây, sau khi rà soát, điều chỉnh và lấy ý kiến của Nhân dân, bản hương ước của thôn Đạt Tài 2 đã được sửa đổi, gồm 8 chương, 30 điều. Hương ước quy định về chuẩn mực xử sự của các hộ gia đình, cá nhân trong thôn; về phát triển kinh tế - xã hội; nếp sống văn hóa; việc cưới, việc tang và lễ hội; an ninh - trật tự; bảo vệ các công trình công cộng; vệ sinh môi trường. Đồng thời, hương ước cũng nêu rõ chế độ khen thưởng, xử lý vi phạm hương ước. Trên cơ sở đó, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thôn luôn phấn đấu thực hiện tốt, phát huy khối đại đoàn kết, cùng nhau chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh".
Không chỉ thôn Đạt Tài 2, mà cả 4 thôn trên địa bàn xã Hoằng Hà đều có những quy định cụ thể trong xây dựng nếp sống văn hóa. Trong đó, việc “Tổ chức ngày lễ, tết, giỗ, ngày hội, ngày mừng thọ...” trong hương ước của các thôn nêu rõ: “Đây là dịp hội tụ con cháu xa gần, các gia đình, dòng họ cần thông qua dịp này để nhắc nhở, dạy bảo con cháu nhớ về nguồn cội, tình cảm, trách nhiệm với gia đình, quê hương. Đồng thời biểu dương, khuyến khích những việc làm tốt, phê bình những biểu hiện tiêu cực. Việc tổ chức ngày lễ, tết, giỗ... phải gọn nhẹ, không phô trương linh đình, chỉ thực hiện trong ngày và trong nội bộ gia đình, dòng họ”.
Cùng với các địa phương trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, trong những năm qua công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở các khu dân cư trên địa bàn huyện Như Thanh ngày càng đi vào chiều sâu. Hiện nay, 159/159 thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện đã xây dựng được hương ước, quy ước, bám sát với tình hình thực tế của từng địa bàn dân cư. Trong đó tập trung vào một số vấn đề như việc cưới, việc tang; xóa đói giảm nghèo; bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng nếp sống văn hóa; trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc; an ninh - trật tự; vệ sinh môi trường... Ngoài ra, các địa phương còn lồng ghép xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước gắn liền việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), qua đó nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Nói về vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống hiện nay, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Thanh Đinh Xuân Thắng cho biết: “Việc triển khai, thực hiện hương ước, quy ước ở các thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện đã và đang góp phần tạo chuyển biển tích cực trong mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là việc xây dựng nếp sống văn hóa. Điều đó thể hiện rõ ở việc trước đây đồng bào dân tộc Mường, Thái trên địa bàn huyện còn một số hủ tục trong việc cưới, việc tang, song đến nay đã thực hiện theo hướng tiết kiệm, gọn nhẹ. Nhờ đó đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc giám sát thực hiện hương ước, quy ước nhằm kịp thời phát hiện sai phạm trong quá trình thực hiện”.
Để hương ước, quy ước ngày càng đi vào đời sống, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật về xây dựng và triển khai thực hiện Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Cùng với đó, cần đưa việc xây dựng, thực hiện hương ước là một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét gia đình văn hóa, làng văn hóa ở mỗi địa phương.
Bài và ảnh: Hoài An
{name} - {time}
-
2024-12-15 13:34:00
Lịch sử thú vị về lá quốc kỳ có hình dáng “kỳ lạ” nhất trên thế giới
-
2024-12-15 13:30:00
Nhà sáng lập thương hiệu thời trang Mango tử nạn
-
2024-03-21 10:14:00
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống Lễ hội Đình Thi
[Podcast] Tản văn: Tảo tần gánh mẹ
Ý nghĩa tác phẩm Những ngày thơ ấu được phân tích chi tiết tại Vanhoc.net
Đặc sắc lễ hội Xuân Phả năm 2024
Giải mã câu chuyện
Đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Sết Boóc Mạy
Những chuyện mình không nhớ
Để di sản “sống” cùng đời sống thay cho bị “nhốt” trong sự an toàn
Khai mạc triển lãm tranh màu nước lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay
[Podcast] Truyện ngắn: Hoa vàng bến đợi