Hồi ức người trong cuộc
70 năm đã trôi qua, nay người mất người còn. Song, những ký ức của một thời đất nước chia cắt khiến bao gia đình phải ly tán, hàng chục vạn người được tập kết ra Bắc thì vẫn còn hằn nguyên với những người trong cuộc.
Đồng chí Ksor Phước, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội chia sẻ kỷ niệm tại Hội thảo khoa học “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”.
Tròn 70 năm sự kiện đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam rời quê hương bản quán để tập kết ra Bắc, cũng là chừng ấy năm ông Bùi Công Minh, người cán bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) luôn đau đáu một lần trở lại Sầm Sơn - Thanh Hóa. Do học tập ở miền Bắc, rồi trở lại miền Nam công tác, kinh qua nhiều vị trí như Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi Trưởng Ban Tuyên giáo TP Đà Nẵng nên ông chưa có dịp trở lại. Nay ở tuổi bát tuần, những ngày tháng 10 này, vị tiến sĩ đất Quảng đã quyết tâm trở lại nơi mình bước những bước chân đầu tiên lên đất Bắc. Lần này đi theo đoàn về TP Thanh Hóa, nhưng ông đã một mình bắt taxi để xuống tận Cảng Lạch Hới, nơi 7 thập kỷ trước, ông là một học sinh nhỏ tuổi trên chuyến tàu cùng hàng nghìn đồng bào. “Tôi biết dịp này, tỉnh Thanh Hóa vừa xây dựng tượng đài với hình ảnh con tàu tập kết, nên phải đến tận nơi để xem. Xúc động lắm! Ở đó, chính người dân Thanh Hóa đã coi chúng tôi như người nhà, tạo điều kiện ăn ở. Trong ký ức của tôi, hai tiếng “Thanh Hóa”, “Sầm Sơn” vẫn thường vang lên một cách đầm ấm, gần gũi và thân thương như mỗi khi gọi tên chính quê hương mình” - ông Bùi Công Minh trải lòng.
Theo dòng hồi tưởng, ông còn nhớ như in trong một chiều nắng vàng, nhiều đồng bào và học sinh như ông được đưa vào Cảng Quy Nhơn thuộc tỉnh Bình Định để lên tàu ra Bắc. Cảm xúc hỗn mang lắm, nhiều trẻ nhỏ cùng đi, các bạn đều không biết đi đâu, chỉ biết ở nơi ấy có Bác Hồ. Thế rồi, sau những ngày lênh đênh trên biển, tàu cập bến Lạch Hới. Cũng theo ông Minh, đồng bào Thanh Hóa đứng trên bờ vẫy chào, nhiều người xuống tận tàu cá trung chuyển để đón và dẫn đoàn. Cầu cảng bằng tre luồng và ván rất dài, đi qua bãi lầy để lên bờ trong tiếng reo vui của những người lần đầu gặp mặt mà như đã quen từ trước.
“Không ai muốn rời xa gia đình và quê hương mình cả. Nhưng ai cũng biết đi miền Bắc là vì tương lai, vì cách mạng, lúc đó là thực hiện chủ trương của Bác Hồ và Trung ương Đảng. Nhưng nỗi buồn một phần được vơi đi khi được đồng bào Thanh Hóa nói riêng, miền Bắc nói chung che chở, nuôi dưỡng, đi học. Trên thế giới, chiến tranh gây chia cắt cả 2 miền Triều Tiên, Đông Đức và Tây Đức, nhưng theo tôi, không có nước nào mà người dân 2 miền lại sâu nặng như Việt Nam ta. Đó là tình cảm thật, xuất phát từ những kỷ niệm không bao giờ quên” - ông Bùi Công Minh cho biết thêm.
Đầu tháng 10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”. Đây được coi là sự kiện có ý nghĩa tầm quốc gia, được nhiều nhà khoa học trong nước và hàng chục nhân chứng là những người từng trong đoàn tập kết năm xưa tham gia. Một trong những tham luận của những người “bằng xương bằng thịt” ấy là câu chuyện kể của ông Ksor Phước, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội.
Đến bến Sầm Sơn, ông Ksor Phước còn nhỏ nên chưa nhớ được gì, nhưng qua lời kể rồi những ghi chép của cha và những người thân sau này, ông có thể tường tận từng ngày tháng và nhiều diễn biến của chuyến đi lịch sử trong đời. “Sau hiệp định Giơnevơ, ba của tôi khi đó là Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Gia Lai - Kon Tum, được phân công làm phó đoàn của quân đội trong Ban Liên hiệp Quân sự hai bên, đóng tại Quy Nhơn. Chuyến tàu chở đồng bào, chiến sĩ và học sinh tập kết cuối cùng vào tháng 3/1955, cha con tôi lên tàu của Ba Lan, xuất phát từ Cảng Quy Nhơn để ra Bắc” - ông Ksor Phước chia sẻ.
Câu chuyện của ông Phước nhiều lần bị gián đoạn bởi khi nhắc đến tuổi thơ được đồng bào Thanh Hóa nhường cơm sẻ áo, rồi đồng bào miền Bắc nuôi dưỡng nên người làm ông trào dâng cảm xúc nghẹn ngào. Một thời chia cắt đất nước, cũng chính là biến cố đau thương của gia đình ông khiến người nghe không khỏi xúc động. Theo người con gốc tỉnh Bình Định, ông sinh tháng 2/1954 khi chiến tranh còn ác liệt, mới được 1 tháng 6 ngày thì mẹ mất. Ba ông vẫn phải hoạt động cách mạng theo tổ chức giao nên nhờ những bà mẹ địa phương chăm sóc. Thiếu sữa nên ông bị suy dinh dưỡng, tay chân còi cọc tưởng không qua khỏi. Trước khi lên tàu ra Bắc, ba ông nhờ được người chăm sóc, cho bú lâu dài, cũng trong đoàn tập kết. “Trong chuyến đi biển ra Bắc, trên tàu nhiều người ốm, có cả trẻ em bị chết khi đang lênh đênh dở chuyến đi khiến sự đau buồn bao trùm. Tôi tuy ốm yếu nhưng lại không sao, nhiều người trên tàu nói là có phước, nên sau đó ra Bắc, cha mới đặt tên tôi là Ksor Phước là vậy” - nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, chia sẻ.
Người cán bộ từng nhiều năm công tác ở Quốc hội không khỏi rơm rớm trong khóe mắt khi nhắc đến việc đồng bào Thanh Hóa, đồng bào Sầm Sơn cưu mang, nuôi nấng như người thân. Có những câu chuyện kể chính đồng bào phải ăn cháo rau, ăn thiếu thốn để dành cơm cho học sinh, chiến sĩ, đồng bào miền Nam được no bụng. Có những sự hy sinh, che chở khó nói thành lời. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Sau sự đón tiếp và chăm sóc, sẻ chia tận tình của đồng bào miền Bắc, những học sinh miền Nam như ông Phước còn được cử đi học ở các trường đào tạo ở nhiều nơi trên đất Bắc. Ông hồi tưởng và kể từng câu chuyện, từng người thầy, rồi nhiều kỷ niệm của một thời những con người sống trong gian khó vẫn nhường cơm sẻ áo để nuôi họ nên người. Dưới mái trường XHCN miền Bắc, những “hạt giống đỏ” là học sinh miền Nam sau này trở thành lực lượng cán bộ không thể thiếu cho cách mạng. Đa phần họ trở về miền Nam hoạt động, chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong những người con miền Nam ấy, có những người sau thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước, là Ủy viên Bộ Chính trị như Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân...
Trước đó, từ năm 2009, chúng tôi đã tìm về xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến) để tìm gặp những nhân chứng trong đợt đón tiếp đồng bào miền Nam. Đến nay, 2 nhân chứng còn lại là ông Trần Trí Hợi và Trần Trí Trác hiện không còn nhớ nhiều do tuổi cao, song khi ấy đã nhớ tường tận từng sự kiện. Với vai trò nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến lúc bấy giờ, ông Hợi chính là người được cấp trên giao đứng ra triển khai những nhiệm vụ đón tiếp đồng bào miền Nam tại bến Lạch Hới. Từ tháng 10/1954 đến đầu năm 1955, Lạch Hới đã đón nhiều chuyến tàu chở đồng bào tập kết. Do tàu của Liên Xô và Ba Lan hỗ trợ vận chuyển rất lớn không thể cập cảng được, phải đậu ở ngoài biển cả km nên địa phương phải huy động hàng chục tàu cá để trung chuyển người và hàng hóa đồ đạc vào bờ. Các lán trại cho đồng bào ở được xây dựng ngay trên bờ thuộc các rừng phi lao cách đó không xa.
Ngày nay, tấm bia tại Cảng Lạch Hới vẫn sừng sững, là chứng tích cho sự kiện lịch sử của đất nước 70 năm về trước. Trên bia đá, dòng chữ: “Nơi đây, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sầm Sơn từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955 đã đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở miền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam” như khắc vào lòng người, vào lịch sử dân tộc. Tại Thanh Hóa, các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương cũng tổ chức đón các đoàn tập kết. Nhân dân các huyện từ đồng bằng đến vùng cao đều góp gỗ, luồng, nguyên vật liệu làm lán trại, góp lương thực thực phẩm và hàng chục nghìn ngày công lao động để đón tiếp và nuôi dưỡng đồng bào. “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” - câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được minh chứng sinh động nhất trong sự kiện chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa nói riêng, miền Bắc nói chung đón tiếp, chở che và nuôi dưỡng đồng bào, học sinh và chiến sĩ miền Nam những năm 1954-1955.
Bài và ảnh: Lê Đồng
{name} - {time}
-
2024-10-28 14:51:00
Truyền thống lịch sử là nền tảng để dựng xây quê hương
-
2024-10-28 13:48:00
Sầm Sơn đổi mới
-
2024-10-25 16:26:00
70 năm sâu nặng nghĩa tình...
Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024): Tình sâu, nghĩa nặng với Thanh Hóa
Thanh Hóa với đồng bào miền Nam tập kết: 70 năm từ sự kiện lịch sử ấy...
Những năm tháng không thể nào quên
Công tác chuyển quân tập kết (1954-1955) - Tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024): Quyết định lịch sử
Hiệp định Giơnevơ và những vấn đề về tập kết, chuyển quân giữa các bên sau chiến tranh Đông Dương
[Infographics] - Lễ Kỷ niệm và Khánh thành Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Đóng góp của Đảng bộ, Nhân dân TP Sầm Sơn trong việc đón tiếp, giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Trọn nghĩa, vẹn tình Bắc Nam ruột thịt