Công tác chuyển quân tập kết (1954-1955) - Tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến (1945-1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, giáng một đòn quyết định vào ý chí tiếp tục chiến tranh của thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào việc ký kết Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Tập kết chuyển quân là một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định.
Quang cảnh cuộc đón tiếp quân đội và cán bộ miền Nam tập kết tại bến Sầm Sơn, Thanh Hóa, năm 1954. Ảnh: Tư Liệu
Theo thỏa thuận tại Hội nghị Giơnevơ, Đoàn đại biểu Quân đội Nhân dân Việt Nam do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu Quân đội Liên hiệp Pháp do Đại tá
Len-nuy-ô làm Trưởng đoàn họp Hội nghị quân sự tại Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội. Sau hơn 20 ngày làm việc, đến ngày 7/7/1954, hai bên đã thỏa thuận các vấn đề cụ thể về ngừng bắn, trao trả tù binh, về chuyển quân tập kết, thành lập Ủy ban Liên hiệp đình chiến ở trung ương và các địa phương. Thành phần Ủy ban Liên hiệp đình chiến trung ương về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm đại diện; về phía Pháp, do Thiếu tướng Đen-tây làm đại diện.
Tuân thủ những quy định của Hiệp định Giơnevơ, Đảng Lao động Việt Nam xác định “... ta rút quân từ miền Nam ra Bắc, Pháp rút quân từ miền Bắc vào tạm đóng ở miền Nam. Vì tình hình phức tạp của chiến trường miền Nam nên phải quy định như thế mới thuận lợi cho việc lập lại và củng cố hòa bình”. Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định Vĩ tuyến 17 dọc theo sông Bến Hải - Quảng Trị là giới tuyến quân sự tạm thời, không có giá trị là ranh giới chính trị hay lãnh thổ, cùng với một khu phi quân sự ở phía Bắc và phía Nam giới tuyến để lực lượng hai bên chuyển quân tập kết: Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc khu phi quân sự, Quân đội Liên hiệp Pháp tập kết ở phía Nam, với thời hạn tối đa là 300 ngày kể từ sau khi Hiệp định Giơnevơ có hiệu lực. Như vậy, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời do Pháp kiểm soát. Hiệp định quy định hai miền sẽ tổ chức hiệp thương và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7/1956.
Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, ngoài việc tập kết, chuyển quân các lực lượng vũ trang, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chủ trương đưa một số lượng lớn con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng. Đây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường, mà còn là đợt chuyển quân, tập kết thực hiện chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng - đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.
Địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại ba khu vực: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười và Cà Mau. Theo quy định, tính từ ngày 21/7/1954, sau 35 ngày (đến 26/8/1954), lực lượng chuyển quân tập kết xong tại ba địa điểm nêu trên. Cũng tính từ ngày 21/7/1954, thời gian tập kết tại Hàm Tân - Xuyên Mộc là 80 ngày (đến 11/10/1954); thời gian tập kết tại Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười là 100 ngày (đến 30/10/1954) và thời gian tập kết tại Cà Mau là 200 ngày (đến 10/2/1955).
Trung ương Cục miền Nam được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ lãnh đạo việc chuẩn bị và tiến hành tập kết chuyển quân. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Cục, từ đầu tháng 8/1954, Nhân dân, các cơ quan kháng chiến và lực lượng vũ trang tổ chức hội nghị mừng công, mít-tinh chào mừng thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và học tập nội dung Hiệp định Giơnevơ, quán triệt nhiệm vụ chuyển hướng đấu tranh, nhanh chóng triển khai thực hiện các điều khoản của Hiệp định liên quan đến tập kết như tiến hành lập danh sách, phân loại, cử người tiếp tục ở lại và người ra đi tập kết.
Đối tượng chuyển quân, tập kết ra miền Bắc gồm các đơn vị quân đội, thương, bệnh binh, cán bộ dân - chính - đảng có thành tích, đảng viên, nhân viên kỹ thuật, thợ giỏi... Trung ương Cục yêu cầu các đơn vị, địa phương báo cáo về Trung ương Cục số lượng cán bộ, bộ đội tập kết để thông báo ra các địa phương ngoài miền Bắc có kế hoạch kịp thời đón tiếp. Các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An được dự kiến sẽ đón tiếp những người ở Quảng Trị, Thừa Thiên và một số địa phương ở miền Nam ra, ước tính khoảng 6 - 7 vạn người; tỉnh Thái Bình và Nam Định sẽ đón tiếp số người ở Nam Bộ ra với số lượng tương tự. Trong vòng một tháng, lực lượng đi tập kết đã hành quân về các khu vực tập kết theo quy định. Tại nơi tập kết, các đơn vị vũ trang cùng cán bộ các ngành dân - chính - đảng và các thành phần khác được sắp xếp lại, tổ chức thành các đơn vị hành quân.
Tại Nam Bộ, số người đi tập kết thuộc Phân liên khu miền Đông (bao gồm cả Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn) có 14.635 người, chia thành 19 tiểu đoàn và 8 đại đội; 2 tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại đông Campuchia; bộ phận Phân liên khu bộ và các cơ quan Phân liên khu, trung đoàn bộ, tỉnh đội bộ; bộ phận Đặc khu bộ và các cơ quan thuộc Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Tại Phân liên khu miền Tây, lực lượng tập kết được tổ chức thành bốn trung đoàn, quân số tổng cộng có 13.327 người, gồm: Trung đoàn 1 (Tiểu đoàn chủ lực 307, bộ đội địa phương và du kích các tỉnh Vĩnh Trà, Bến Tre); Trung đoàn 2 (Tiểu đoàn 410, bộ đội địa phương và du kích các tỉnh Cần Thơ, Long Châu Sa); Trung đoàn 3 (Tiểu đoàn 308, bộ đội địa phương và du kích các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Trà); Trung đoàn 4 (các cơ quan tham mưu, chính trị, cung cấp, các đơn vị binh chủng).
Lực lượng tập kết chuyển quân thuộc các cơ quan dân - chính - đảng được bố trí vào các trung đoàn chuyển quân và chịu sự chỉ huy chung của Ban chỉ huy chuyển quân từng khu vực do Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ chỉ định. Về tổ chức Đảng, Trung ương Cục miền Nam ra nghị quyết về tổ chức Đảng ủy chuyển quân và tổ chức Đảng trong khối dân - chính - đảng. Theo đó, đảng ủy chuyển quân gồm có các trung đoàn ủy và một số đồng chí trong lực lượng dân - chính - đảng tập kết theo các trung đoàn.
Từ ngày 26/8/1954, các con tàu vận tải mang tên Ác-khan-ghen-xcơ, Xta-vrô-pôn (Liên Xô) và Ki-lin-xki (Ba Lan) bắt đầu đưa những đoàn cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân đi tập kết của Nam Bộ ra miền Bắc. Ngày 25/9/1954, đoàn chuyển quân đầu tiên ở khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa). đến cuối tháng 10/1954, toàn bộ lực lượng tập kết ở hai khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc và Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười ra đến miền Bắc an toàn với 11.036 cán bộ, chiến sĩ và 50 tấn trang thiết bị. Ngày 8/2/1955, chuyến tàu cuối cùng chuyển quân ở Nam Bộ rời cửa sông Ông Đốc (Cà Mau) lên đường tập kết ra Bắc. Đến đây, công tác tập kết chuyển quân của lực lượng cách mạng ở Nam Bộ đã hoàn thành. Tính chung cả Nam Bộ, có tổng cộng 53.253 người đi tập kết, bao gồm: Bộ đội 35.059 người; cán bộ dân chính đảng 3.900 người; công nhân viên chức 518 người; công nhân 4.450 người; thương binh 1.921 người; tù binh được trao trả 233 người; cán bộ xã 72 người; học sinh 3.934 người; gia đình (quân đội, cán bộ, người hồi hương) 1.503 người; các thành phần khác (tù nhân, vượt ngục, Hoa kiều, đồng bào dân tộc thiểu số) 1.057 người. Đến ngày 16/5/1955, thời hạn chót của 300 ngày tập kết chuyển quân, toàn bộ lực lượng chuyển quân, tập kết của cách mạng miền Nam đã tập kết ra miền Bắc an toàn. Điểm tập kết đầu tiên ở miền Bắc là ở Quý Cao (Thái Bình) và Sầm Sơn (Thanh Hóa); từ đây lực lượng này được phân bổ về các địa phương trên miền Bắc.
Tổng kết cuộc chuyển quân tập kết, trong báo cáo trình bày trước Quốc hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “...Với một sự cố gắng rất lớn của quân đội, với sự ủng hộ tích cực và thắm thiết của Nhân dân, với sự giúp đỡ anh em của các nước bạn Liên Xô, Ba Lan trong việc vận chuyển, chúng ta đã thực hiện các việc nói trên đúng thời hạn hoặc sớm hơn thời hạn đã định. Và hiện nay trừ một bộ phận lực lượng của ta còn tạm đóng trong vùng Bình Định, Quảng Ngãi, trên 7 vạn quân ta và một số anh em cán bộ và đồng bào ta ở miền Nam đã an toàn chuyển ra miền Bắc.
Trong hàng ngũ bộ đội Nam Bộ đã ra tập kết, có đủ mặt các đơn vị đã chiến đấu trong suốt 8, 9 năm nay ở miền Đông và Tây, ở Đồng Tháp Mười hoặc dọc sông Cửu Long, có các chiến sĩ du kích đã từng lăn lộn sau lưng địch trong vùng ngoại ô Sài Gòn - Chợ Lớn hay ở ngay trong các đô thị. Trong hàng ngũ bộ đội Liên khu 5 đã ra tập kết, có mặt các đơn vị đã từng chiến thắng ở Kon Tum, An Khê, những đơn vị đã từng giữ vững các vùng độc lập của miền cực Nam trong suốt 8, 9 năm, những đơn vị thuộc trên 10 dân tộc ở Tây Nguyên. Các đơn vị tình nguyện đã từng chiến thắng trên chiến trường Lào và Cao Miên cũng đã về đến nơi. Toàn thể các cán bộ và chiến sĩ đều hăng hái và phấn khởi, họ đã kiên quyết chấp hành lệnh ngừng bắn, tập kết và chuyển quân, đã kiên quyết tạm xa miền Nam yêu quý, để tỏ rõ tinh thần kỷ luật và ý chí yêu chuộng hòa bình của quân và dân ta...”.
Công tác chuyển quân, tập kết các lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân và đấu tranh buộc phía Pháp phải thi hành các điều khoản theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, đã được thực hiện dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương, chặt chẽ, liên tục của Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh, mà trực tiếp là Trung ương Cục, các Liên tỉnh ủy, Khu ủy ở miền Nam và các cấp bộ Đảng, chính quyền địa phương ở miền Bắc, đã hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo công tác chuyển quân, tập kết thể hiện rõ ở những điểm dưới đây:
Một là, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất quán đề ra chủ trương nghiêm chỉnh và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thi hành Hiệp định Giơnevơ để thực hiện ngừng bắn, đình chỉ chiến sự, hướng tới hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định có ba lý do quân và dân ta có thể giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh hòa bình vì mục tiêu chiến lược cuối cùng là thống nhất đất nước. Thứ nhất là, xuất phát từ nguyện vọng mong muốn hòa bình của đại đa số các tầng lớp Nhân dân trong cả nước sau 9 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ với nhiều tổn thất, hy sinh. Thứ hai là, nếu chính quyền địch ở miền Nam chấp nhận hiệp thương giữa hai miền tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước thì kết quả chắc chắn là đa số Nhân dân hai miền sẽ bỏ phiếu cho chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Thứ ba là, xu thế quốc tế lúc này là hòa hoãn. Các nước lớn trong phe xã hội chủ nghĩa viện trợ nhiều cho cuộc kháng chiến của Việt Nam như Liên Xô, Trung Quốc chủ trương thi hành chính sách “Tam hòa” (Chung sống hòa bình, Thi đua hòa bình, Quá độ hòa bình) với Mỹ hoặc “Trường kỳ mai phục”, khuyên Việt Nam chỉ đánh du kích, không nên đánh lớn vì e ngại rằng “một đốm lửa nhỏ sẽ làm bùng lên một đám cháy lớn”. Vì thế, Đảng yêu cầu các lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện chuyển quân, tập kết, buộc đối phương cũng phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định.
Hai là, trong tầm nhìn chiến lược dài hạn như vậy, nhưng Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chú ý chỉ đạo các hoạt động cụ thể, lưu ý, nhắc nhở, yêu cầu các cấp bộ Đảng, chính quyền và người dân các địa phương có bộ đội, Nhân dân chuyển quân, tập kết khẩn trương chuẩn bị các công tác về chính trị, tư tưởng, xác định các đối tượng đi tập kết, công tác tổ chức, bảo đảm, công tác bảo mật phòng gian, bố trí lực lượng, cán bộ ở lại, bảo quản vũ khí để giữ gìn an ninh địa bàn. Không những thế, đối với những địa phương có quân Pháp đến tiếp quản (ở miền Nam), cũng như khu vực tập kết của quân Pháp và những người đi theo Pháp (ở miền Bắc), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng giải thích cụ thể mục đích của tập kết, chuyển quân là điều chỉnh khu vực chứ không phải là chia cắt đất nước, việc phân vùng chỉ là tạm thời và làm cho địch rút càng sớm càng tốt; xác định công tác chuyển quân, tập kết là vì lợi ích toàn quốc, lợi ích lâu dài để đi đến hòa bình và tổng tuyển cử thống nhất đất nước; yêu cầu các lực lượng vũ trang và Nhân dân không sử dụng vũ lực, không tổ chức mít tinh, biểu tình phản đối rầm rộ để tránh việc kẻ địch vin vào đó phá hoại Hiệp định, không chịu rút hoặc kéo dài việc rút quân.
Ba là, việc chọn lựa đối tượng tập kết ra miền Bắc nằm trong chủ trương lâu dài của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là đào tạo cán bộ phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp cách mạng lâu dài ở miền Nam nếu kẻ địch tráo trở, phá hoại Hiệp định, âm mưu chia cắt đất nước. Ngoài việc tập kết cán bộ, đảng viên, còn có cả thợ lành nghề, giáo viên, đặc biệt là con em cán bộ còn ở lại miền Nam được đưa ra miền Bắc tổ chức học tập, bồi dưỡng có hệ thống, bài bản để trưởng thành cả về đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ cho công cuộc đấu tranh cách mạng và xây dựng miền Nam sau chiến tranh.
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà
Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh
{name} - {time}
-
2024-10-28 14:51:00
Truyền thống lịch sử là nền tảng để dựng xây quê hương
-
2024-10-28 13:48:00
Sầm Sơn đổi mới
-
2024-10-25 10:09:00
Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024): Quyết định lịch sử
Hiệp định Giơnevơ và những vấn đề về tập kết, chuyển quân giữa các bên sau chiến tranh Đông Dương
[Infographics] - Lễ Kỷ niệm và Khánh thành Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Đóng góp của Đảng bộ, Nhân dân TP Sầm Sơn trong việc đón tiếp, giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Trọn nghĩa, vẹn tình Bắc Nam ruột thịt
Phát huy tinh thần của Nhân dân Thanh Hóa trong việc đón tiếp, giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Bối cảnh đất nước và ý chí, khát vọng thống nhất Tổ quốc sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954
Phụ nữ Thanh Hóa với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc
Lạch Hới - bến cảng lịch sử
Vai trò của Trung ương Cục Miền Nam trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tập kết, chuyển quân từ miền Nam ra miền Bắc, năm 1954-1955