Trọn nghĩa, vẹn tình Bắc Nam ruột thịt
Cách đây 70 năm, thi hành Hiệp định Giơnevơ, hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ đồng bào từ miền Nam đã tập kết ra miền Bắc. Đây là quyết sách đúng đắn, kịp thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ đối với việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ phục vụ cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, đặc biệt là việc xây dựng lại miền Nam khi nước nhà thống nhất.
Đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại Cửa Hới. Ảnh: tư liệu
Thanh Hóa được Trung ương Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ cùng với các địa phương Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Địa điểm đón tiếp ở Thanh Hóa là Cửa Hới (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn).
Là hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, sau kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tình cảm ruột thịt Bắc Nam, Thanh Hóa đã tổ chức chu đáo công tác đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Lòng dân nghĩa Đảng này lắng đọng mãi, theo chúng tôi suốt cuộc đời
Nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân xúc động khi nhớ lại lần đầu tiên đặt chân lên đất Bắc: “Ấn tượng sâu nặng trong cuộc đời tôi đối với miền Bắc là khi đặt chân lên bãi biển Sầm Sơn... Khi những con thuyền bé nhỏ, thuyền thúng, thuyền nan từ bến ra nơi tàu đỗ đón chào, rất nhiều anh chị, cô bác đầm mình trong sóng biển từ bờ lội ra bồng bế, đỡ đần người già yếu, chúng tôi vừa xúc động, vừa yên tâm như được nằm trong lòng mẹ. Dù bị say sóng, nhưng nhìn hai hàng các bạn thiếu nhi vẫy cờ hoa chào đón, lòng chúng tôi lâng lâng khó tả. Các bạn phần lớn cũng gầy gò, xanh xao, thiếu ấm như chúng tôi...”. Sau khi ra Bắc, ông được bố trí ở lại sinh sống, học tập tại Thanh Hóa. Lớp của ông gần 40 người học tại Trường 9 ở xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương. Được sống trong lòng nhân dân, ông đã chứng kiến người dân Thanh Hóa nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc trong những năm tháng gian khó nhưng đầy nghĩa tình ấy. “Nông dân huyện Quảng Xương, nơi tôi đặt chân đến còn đang đói khổ. Khoai lang vừa bói củ to bằng ngón tay đã phải dỡ lên để ăn. Người già ốm đau, trẻ con được bát cháo hoa là điều hiếm lắm. Vậy mà chúng tôi có tất cả để ăn học nên người. Lòng dân nghĩa Đảng này lắng đọng mãi, theo chúng tôi suốt cuộc đời...”.
Trong ký ức của lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên huyện Quảng Xương, cũng như các tài liệu đang được lưu trữ, những năm tháng ấy thật đong đầy tình cảm ấm áp yêu thương. Từ ngày chuyến tàu đầu tiên cập Cửa Hới (xã Quảng Tiến) cho đến tháng 5/1955 tại Cửa Hới đã đón 45 chuyến tàu đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, với 47.346 chiến sĩ quân đội, 1.775 thương binh, 5.992 cháu thiếu niên, học sinh, 1.443 thân nhân gia đình cán bộ. Theo sự phân bổ của tỉnh, có 2.631 học sinh miền Nam (trong đó có 436 nữ) ở lại Quảng Xương học tập, an dưỡng, trong đó có học sinh Lê Thị Hồng Minh – con gái của đồng chí Lê Hồng Phong, nguyên Tổng Bí thư của Đảng ta và vợ là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Các cháu học sinh được đưa về 9 xã : Quảng Châu, Quảng Giao, Quảng Hải, Quảng Đại, Quảng Lưu, Quảng Đức, Quảng Phong, Quảng Ngọc, Quảng Lộc để chăm sóc, nuôi dưỡng. Tỉnh chỉ đạo xây dựng ở 9 xã 12 trường, mỗi trường có từ 7 đến 14 lớp học. Huyện đã điều động một số đồng chí bí thư chi bộ, chủ tịch ủy ban hành chính và bí thư đoàn thanh niên các xã phối hợp với Ty Giáo dục thành lập một bộ phận phụ trách của huyện trong ban liên hiệp các trường học sinh miền Nam tại Thanh Hóa. Nhiều thầy cô trong huyện được chọn về giảng dạy, phục vụ các trường học sinh miền Nam. Các địa phương nơi các cháu sinh sống đã tạo mọi điều kiện tốt nhất về nơi ăn ở, học tập, vui chơi cho các cháu. Người dân địa phương đã đùm bọc, yêu thương, đón các cháu về ở nhà mình, chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu như cháu con ruột thịt. Nhớ về những ngày tháng ân tình đó, nghệ sĩ Nhân dân Lâm Tới, vào năm 2000 trước khi qua đời còn trăng trối “chưa thực hiện được mong ước một lần trở lại Quảng Lưu”, nơi đó thời niên thiếu ông đã được người dân đùm bọc, yêu thương.
Quê hương thứ hai
Cùng với một số địa phương khác trong tỉnh, Hoằng Hóa vinh dự được chọn là nơi đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, con em miền Nam ra Bắc tập kết. Công việc gấp gáp, đòi hỏi nguồn nhân lực, vật lực nhiều. Bằng tinh thần quyết tâm cao, trong một thời gian ngắn, toàn huyện đã quyên góp hàng chục tấn hoa quả từ các xã để chuyển tới Sầm Sơn cùng nhân dân cả tỉnh đón đồng bào miền Nam. Đồng thời, Nhân dân các xã đã thi đua khẩn trương may hàng ngàn chiếc màn cá nhân, màn đôi, mền chăn và các cốt áo bông gửi tới đồng bào miền Nam tập kết.
Trong ký ức, câu chuyện kể lại với con cháu, cụ Huỳnh Văn Luông quê ở Bến Tre, tập kết ra Thanh Hóa và sau này sinh sống, công tác tại xã Hoằng Lộc luôn nhắc nhớ: “Hàng đoàn người, kéo dài hàng chục cây số, đứng đợi anh em dọc đường. Tuy mưa gió, rét, ướt át, đồng bào vẫn kiên nhẫn đợi, có chị bế cháu mới 5 tháng tuổi đi đón, nhiều lúc tàu chập chờn vì sóng gió đến chậm, đồng bào vẫn kiên nhẫn chờ đợi, tuy không còn lương ăn... Có ngày ở Sầm Sơn, năm sáu ngàn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam lên bờ, việc tiếp đón vẫn luôn được chu đáo..”.
Tại huyện Hoằng Hóa, được giao nhiệm vụ bố trí 2 trạm y tế ở xã Hoằng Lộc và Hoằng Quang để vừa thăm khám sức khỏe ban đầu, vừa điều dưỡng sức khỏe cho đồng bào miền Nam sau những chuyến hành trình dài ngày trên biển. Tình cảm, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, Nhân dân nơi đây đã để lại ấn tượng sâu sắc cho đồng bào miền Nam. Huyện đã chỉ đạo các xã vận động, bố trí cho các gia đình nhân dân địa phương đón các thương binh về nuôi dưỡng, chăm sóc. Trong đó Hoằng Lộc là xã đón số đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, tập kết với hơn 200 gia đình, ngoài ra còn có các xã Hoằng Thành, Hoằng Giang, Hoằng Quý, Hoằng Trung.... Nhiều chiến sĩ tập kết ra Bắc đã coi Hoằng Hóa là quê hương thứ hai, như bác Hoàng Bá Nghiên, quê ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tham gia đoàn tập kết, bác cùng đơn vị đóng quân tại phà Ghép, làm nhiệm vụ chống di cư tại làng công giáo Ba Làng, trong quá trình làm nhiệm vụ bác bị thương, bác được đưa về an dưỡng, đóng quân ở Hoằng Hóa. Tại đây, bác đã gặp người bạn đời của mình là bà Lê Thị Tụng. Và Hoằng Hóa đã trở thành quê hương của bác, nơi bác gắn bó suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời mình.
Ký ức không bao giờ quên
Được sinh ra tại Hà Nội, trong những ngày ba má tập kết ra Bắc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thường được nghe ba má kể lại những câu chuyện về chuyến tàu tập kết, về những ấm áp nghĩa tình của Nhân dân Sầm Sơn trong những ngày lưu trú tại đây.
“Trong hồi ký ba tôi có vài đoạn viết về những ngày mới tập kết ở Thanh Hóa: Tàu Xta-vơ-rô-pôn cập bến Sầm Sơn vào một buổi sáng mùa đông, gió lạnh chạy dài trên biển. Đồng bào đông đảo nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Trống ếch rập rùng, nhưng lòng chúng tôi đau quặn vì thấy bà con ăn bữa cháo, bữa rau, nhưng vẫn dành cho những đứa con miền Nam cơm đầy, thịt đủ...”.
“Lúc ấy má tôi một mình với hai con nhỏ, ở nơi “lạ nước lạ cái” nhưng được bà con Sầm Sơn coi như người nhà, giúp đỡ từ việc nhỏ đến việc lớn. Từ việc đi chợ mua thức ăn - nhiều loại rau, thực phẩm má tôi không biết gọi là gì vì “ngôn ngữ bất đồng” nên nói gì người bán người mua đều không hiểu nhau, vậy là người bán cứ bán người mua cứ mua, không nói thách cũng không trả giá... Về sau mỗi khi thấy “các bác miền Nam” đi chợ là người bán ở chợ lại bảo nhau là các bác ấy hay mua thức ăn gì, rồi tự mang đến đưa cho. Đến việc lo người miền Nam không quen với cái lạnh miền Bắc nên đồng bào mang nhiều rơm đến những gian lán mới xây dựng tạm đón người tập kết để làm thành các ổ rơm cho ấm...”. “Cùng chuyến đi với má tôi có nhiều cô đang mang thai, rồi sinh con trên đất Thanh Hóa. Tôi có vài người bạn là những đứa trẻ như vậy và họ thường nhận đồng hương với “người Thanh Hóa”. Ngoài ra còn có những anh bộ đội, cán bộ trẻ tập kết, trong thời gian ở Thanh Hóa đã kịp lấy vợ. Sau khi thống nhất đất nước lần đầu đưa vợ về quê nhưng được cả gia đình chồng thương yêu vì sự đảm đang và chân tình”.
“Trong điều kiện chiến tranh đất nước tạm thời chia cắt hai miền Nam – Bắc, suốt những năm sống ở Hà Nội, miền Bắc, gia đình tôi thấm thía sự đùm bọc chia sẻ của đồng bào miền Bắc “cho người miền Nam”, xuất phát từ tình cảm thương người xa quê nhà, xa gia đình, cùng với trách nhiệm, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn ...”.
***
70 năm đi qua, cùng với dòng chảy lịch sử, những chuyến tàu tập kết mãi mãi thấm đậm tình người xứ Thanh và Nhân dân miền Bắc dành cho đồng bào miền Nam. Từ những chuyến tàu lịch sử ấy, từ nghĩa tình Nam Bắc thiêng liêng ấy, đã ươm mầm cho những “hạt giống đỏ” ngày càng được tôi luyện, trưởng thành, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc; để lại những bài học vô cùng quý báu cho hôm nay, và cả mai sau về tinh thần đoàn kết dân tộc, về ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta với chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
(Bài viết sử dụng một số tư liệu trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình” do Tỉnh ủy Thanh Hóa thực hiện)
Hà Minh
{name} - {time}
-
2024-10-28 14:51:00
Truyền thống lịch sử là nền tảng để dựng xây quê hương
-
2024-10-28 13:48:00
Sầm Sơn đổi mới
-
2024-10-22 16:42:00
Phát huy tinh thần của Nhân dân Thanh Hóa trong việc đón tiếp, giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Bối cảnh đất nước và ý chí, khát vọng thống nhất Tổ quốc sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954
Phụ nữ Thanh Hóa với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc
Lạch Hới - bến cảng lịch sử
Vai trò của Trung ương Cục Miền Nam trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tập kết, chuyển quân từ miền Nam ra miền Bắc, năm 1954-1955
Những tư liệu, hiện vật quý về đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc
Sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đối với học sinh miền Nam ở hậu phương miền Bắc
Trường học sinh miền Nam trên miền Bắc 1954-1975 là hình ảnh của nước Việt Nam thống nhất
Kỷ niệm của tôi với Đoàn văn công Liên khu V cách đây 70 năm
Công tác chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn cơ bản hoàn thành