(Baothanhhoa.vn) - Tôi đang ở tuổi 82. Năm nay 2024, kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam (HSMN) tập kết. Như vậy, khi đặt chân lên đất Bắc, tôi tròn 12 tuổi. Hơn 70 năm, tôi được Đảng, Nhà nước và Nhân dân nuôi dưỡng, trưởng thành. Từ một đứa bé học sinh, tôi trải qua nhiều trường lớp, trường đời, nhiều lĩnh vực công tác. Nói điều này, tôi muốn chứng minh, mình là một trong những thành quả kết tinh công ơn của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân, mở ra trong tôi, bắt đầu từ khi đặt chân lên Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024): Tình sâu, nghĩa nặng với Thanh Hóa

Tôi đang ở tuổi 82. Năm nay 2024, kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam (HSMN) tập kết. Như vậy, khi đặt chân lên đất Bắc, tôi tròn 12 tuổi. Hơn 70 năm, tôi được Đảng, Nhà nước và Nhân dân nuôi dưỡng, trưởng thành. Từ một đứa bé học sinh, tôi trải qua nhiều trường lớp, trường đời, nhiều lĩnh vực công tác. Nói điều này, tôi muốn chứng minh, mình là một trong những thành quả kết tinh công ơn của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân, mở ra trong tôi, bắt đầu từ khi đặt chân lên Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024): Tình sâu, nghĩa nặng với Thanh HóaNhân dân và bộ đội miền Bắc vui mừng đón tiếp bộ đội và cán bộ miền Nam tập kết tại bến Sầm Sơn, Thanh Hóa, năm 1955.

Một thế hệ giữ trọn lời thề...

Điều đáng nói và rất tự hào với các thế hệ HSMN là được sự chăm sóc của Bác Hồ, các ban, ngành của Trung ương Đảng, Chính phủ, lãnh đạo và Nhân dân các địa phương miền Bắc; được sự nuôi dạy tận tình của các thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên các trường, sự nỗ lực học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân, đội ngũ HSMN đã trưởng thành vượt bậc. Cùng với cương vị cao ở các ban, ngành đoàn thể ở các địa phương, từ Đại hội V đến Đại hội XIII của Đảng, đội ngũ gần 23 nghìn HSMN đã có 25 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng... Tiếp nối các lớp đàn anh, thế hệ “vượt Trường Sơn ra Bắc học” cũng làm rạng rỡ truyền thống HSMN với những tên tuổi nổi bật, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Nhìn lại quá trình trưởng thành của các thế hệ, từ những chiến sĩ cầm súng, đến các cương vị đứng đầu ở các ban, ngành Trung ương, địa phương, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, 70 năm qua, HSMN vẫn giữ trọn lời thề với Bác Hồ, với Đảng và Nhân dân: Tuyệt đối trung thành, xả thân vì sự nghiệp cách mạng. Cũng có thể, nơi này nơi khác, có lúc có khi vấp phải sai lầm, khuyết điểm trong công tác, nhưng toàn đội ngũ là một tập thể cán bộ quý, trung kiên của Đảng, Nhà nước, không suy thoái biến chất, không cục bộ, địa phương, cá nhân chủ nghĩa; không tham nhũng, tham ô, xa rời lý tưởng cách mạng, xa rời Nhân dân. Đó là niềm tự hào lớn nhất của HSMN. Đó là một niềm tự hào và bài học quý báu của Đảng ta, Nhà nước và Nhân dân ta về công tác cán bộ: Chủ động tạo nguồn, tạo lực cho cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với dân.

70 năm trôi qua, nhìn lại, tôi nghĩ, sự kiện chuyển quân tập kết sau Hiệp định Giơnevơ và chủ trương sáng suốt của Bác Hồ, Trung ương Đảng cùng việc triển khai của Chính phủ, các ban, ngành Trung ương, địa phương với sự xả thân vì miền Nam ruột thịt của Nhân dân miền Bắc. Đặc biệt, sự trưởng thành của các thế hệ HSMN là một trong những mốc son, thành tựu lớn của cách mạng nước ta, xứng đáng là những trang vàng trong lịch sử Đảng ta.

Thanh Hóa trong trái tim tôi

Ấn tượng sâu nặng trong cuộc đời tôi đối với miền Bắc là khi đặt chân lên bãi biển Sầm Sơn. Sau mấy ngày đêm lênh đênh trên tàu Liên Xô, được ăn cơm no, bánh mỳ Nga, được lên boong tàu nhìn sóng biển xa gần, đã là niềm hạnh phúc lớn lao của tuổi thơ. Khi những con thuyền bé nhỏ, thuyền thúng, thuyền nan từ bến ra nơi tàu đỗ đón chào; rất nhiều anh chị, cô bác đầm mình trong sóng biển từ bờ lội ra bồng bế, đỡ đần người già yếu, chúng tôi vừa xúc động, vừa yên tâm như được nằm trong lòng mẹ. Dù bị say sóng, nhưng nhìn hai hàng các bạn thiếu nhi vẫy cờ hoa chào đón, lòng chúng tôi lâng lâng khó tả. Các bạn phần lớn cũng gầy gò xanh xao, thiếu ấm như chúng tôi. Dù đã 70 năm trôi qua, giờ đã tuổi ông bà, những ấn tượng ấy, cử chỉ ấy cứ đeo đẳng mãi không nguôi. Mỗi khi nhớ lại, nước mắt lại trào ra.

Những ngày ở Sầm Sơn, đối với chúng tôi, như một cuộc đổi đời, nằm mơ cũng không gặp: Chúng tôi được sinh hoạt tập thể, quen thân bè bạn các miền, liên tục nhiều lần được khám bệnh, chữa bệnh, có thuốc, sữa lúc ốm đau. Không chỉ ăn no, ngày ba bữa, mà còn được cấp phát quần áo, giày dép, chăn màn mới. Các bạn gái khéo tay, nhanh trí, nhận những chiếc áo len rộng thùng thình về tháo ra đan lại dày dặn, đẹp hơn. Bọn con trai đổi đi, thử lại tìm áo len vừa vặn cho mình. Có bạn thích ăn ngọt, liên tục cáo ốm, báo ăn cháo vì có đường cát trắng để dành. Tối nào cũng được xem phim, xem các đoàn văn công biểu diễn... Chúng tôi hiểu chế độ tốt đẹp, miền Bắc xã hội chủ nghĩa giống “dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa” từ ngày ấy, từ tấm lòng người dân, từ bạn bè cùng trang lứa Thanh Hóa.

Lớp tôi, gần 40 người, về Trường 9 ở xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, nơi cận kề núi đẹp Vân Trinh. Từ cảm nhận ban đầu ở Sầm Sơn, về đây được sống với dân và đã đi gần trọn cuộc đời, tôi mới hiểu hết sự hy sinh to lớn của người dân Thanh Hóa với đất nước để có ngày hôm nay. Với chúng tôi, người dân Thanh Hóa đã thật sự nhường cơm sẻ áo, đùm bọc thân thương. Nhà nào chúng tôi đến ở, bà con cũng dành cho những vị trí đẹp, mát mẻ mùa hè, ấm áp mùa đông, nhường cả những ổ rơm ít ỏi để dành cho con trẻ của mình. Trường học chưa kịp xây, thì đình chùa thành lớp học...

Từ ơn nợ nghĩa tình với Thanh Hóa tuổi học trò, sau này được học hành, nghiên cứu, tôi càng hiểu sâu sắc hơn những đóng góp, hy sinh to lớn của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đối với cả nước và đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta. Thanh Hóa không chỉ có lịch sử hào hùng trong dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà còn là một căn cứ địa, một địa bàn chiến lược cách mạng, hậu phương vững chắc của các cuộc chiến tranh giữ nước, giải phóng dân tộc. Đặc biệt, thành tích của quân và dân Thanh Hóa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Nêu những đóng góp to lớn ấy của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa cho Chiến dịch Điện Biên Phủ để nói sự đùm bọc, cưu mang cán bộ, thương bệnh binh, đồng bào và HSMN tập kết năm 1953-1954, là sự tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang, xả thân vì sự nghiệp, xả thân cho miền Nam của Nhân dân nơi đây.

Ngày ấy, không chỉ chăm lo nơi ăn, chốn ở, đời sống hàng ngày, mà Đảng bộ, chính quyền và ngành giáo dục Thanh Hóa còn ưu tiên dành một đội ngũ cán bộ, thầy, cô giáo ưu tú của mình cho HSMN. Suốt cuộc đời học sinh, trong tôi, vẫn in đậm hình bóng các thầy Lê Vạn Phiên, Đàm Lê Cẩn, Lê Ngọc Lập, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Khắc Ân... Ngày mới ra Bắc, chúng tôi gầy nhom, ốm yếu, ghẻ lở đầy người, phải có người chăm sóc từ tắm rửa, giặt giũ đến dỗ dành từng bữa ăn, giấc ngủ. Các cô bảo mẫu Thanh Hóa khi đó còn rất trẻ, phần lớn chưa có người yêu đã phải làm công việc của người mẹ, người chị. Không ít người đã gửi trọn tuổi thanh xuân, hạnh phúc gia đình cho sự nghiệp trưởng thành của HSMN.

Chung niềm tự hào, xả thân nơi tình nghĩa

Thanh Hóa anh hùng, Thanh Hóa nghĩa tình, điều đó ai cũng biết. Lịch sử dân tộc từ ngàn xưa, lịch sử vẻ vang từ ngày có Đảng, cả địa danh và con người Thanh Hóa, sách, báo đã ca ngợi rất nhiều. Nhưng chiều sâu của lịch sử, truyền thống, cái lắng đọng, phát sáng của mảnh đất này, con người của xứ sở này, là những gì mà Nhân dân mọi miền vẫn ghi nhớ? Không nhắc lại những trang sử vàng son, anh hùng hào kiệt, tôi muốn tô đậm hơn những dấu ấn mở đầu ở thời khắc cam go, đầy thử thách mà Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa phải gánh vác, đương đầu, xả thân vì đất nước.

Là địa danh giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là căn cứ địa, hậu phương của các cuộc kháng chiến giữ nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Thanh Hóa sự quan tâm, tin tưởng đặc biệt: Bốn lần về thăm là bốn lần Bác giao trọng trách cho Đảng bộ và Nhân dân: Lần đầu tiên (20/2/1947), bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, Người “mong muốn Thanh Hóa sẽ là tỉnh kiểu mẫu”. Lần thứ hai, (13 - 14/6/1957), tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người nêu cao “vai trò hậu phương lớn” của Thanh Hóa. Lần thứ ba (17 - 19/9/1960), ngay sau Đại hội III của Đảng, với hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền, Người chia sẻ niềm vui đến Thanh Hóa. Người tham gia kéo lưới với bà con Vinh Sơn, Sầm Sơn, ngầm nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải đẫm mình cùng cuộc sống của Nhân dân. Lần thứ tư (10 - 12/12/1961), năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”, Người động viên Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa chung sức, chung lòng, cùng nhau “Kết đoàn”...

Không chỉ tự hào trước sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương cùng sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân thực hiện, làm theo lời Bác, Thanh Hóa còn được đồng bào, chiến sĩ cả nước luôn kề vai sát cánh, chia lửa, kề vai gánh vác khó khăn. Thanh Hóa đã vì cả nước, cả nước cũng sẵn sàng xả thân vì Thanh Hóa. Địa danh này không chỉ là quê hương của người Thanh Hóa, mà còn là quê hương của nhiều người, nhất là chúng tôi, lớp người tập kết 1954-1955, mang nặng công ơn cưu mang, đùm bọc.

Ngày chuyển quân ra Bắc, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Ngọc Lan còn là một chàng trai quá trẻ. Vậy mà mười năm sau, 1965, anh ghi dấu ấn vẻ vang trong một trận không chiến với Hoa Kỳ. Ngày 3/4/1965, các máy bay của hải quân Mỹ tập kích cầu Hàm Rồng, một cây cầu huyết mạch, yết hầu trên tuyến vận tải miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Phi đội của anh đã bắn rơi 2 máy bay địch trên bầu trời Hàm Rồng. Riêng anh, người con của đất Quảng Nam, đã hạ chiếc F8E, trở thành phi công Việt Nam đầu tiên bắn hạ máy bay phản lực của Không lực hoa Kỳ. Ngày 5/4/1965, Bác Hồ gửi thư khen ngợi bộ đội Không quân: “Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện khẩu hiệu “Đã đánh là thắng”. Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta”.

...

Với Thanh Hóa anh hùng, trong tôi, luôn tình sâu, nghĩa nặng. Ơn Bác Hồ, ơn Đảng, ơn dân. Sâu lắng và trăn trở trong tôi, vẫn mong có gì để đền đáp.

Đức Lượng

Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Thị Thu Hà - 12:24 26/10/24

 Trả lời

Bài viết thật xúc động. Tôi cũng là lứa cháu con có mẹ phục vụ tại trường CBDTMN Chi Nê, Lạc Thủy, Hoà Bình. Nên rất thích theo dõi về tin tức HSMN trên đất Bắc. Rồi cái từ HSMN chỉ còn lưu lại trong ký ức của chúng ta thôi, nó luôn đẹp mãi trong lòng người dân Việt Nam❤️🇻🇳❤️🇻🇳❤️🇻🇳

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]