(Baothanhhoa.vn) - Tháng 2-2022, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của nhà thơ Hoàng Cầm. Cùng với việc tái bản "Về Kinh Bắc", cuốn tinh tuyển “Hoàng Cầm 100 bài thơ” là 100 ngọn nến mừng sinh nhật ông, dẫu ông đã về với Kinh Bắc, với những mối tình mộng mơ.

Hoàng Cầm - người sống bằng ký ức mộng mơ

Tháng 2-2022, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của nhà thơ Hoàng Cầm. Cùng với việc tái bản “Về Kinh Bắc”, cuốn tinh tuyển “Hoàng Cầm 100 bài thơ” là 100 ngọn nến mừng sinh nhật ông, dẫu ông đã về với Kinh Bắc, với những mối tình mộng mơ.

Hoàng Cầm - người sống bằng ký ức mộng mơ

Đọc thơ Hoàng Cầm, công chúng như đi lạc vào một vùng kỷ niệm đầy khói sương Kinh Bắc, vừa gặp “Mồ tháng giêng mưa sũng/ đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu” đã thấy “Đàn quạ khoang mang vệt bóng trăng thừa/ Ném xuống cầu em cởi áo chiều xưa” và bâng khuâng “Én bay đi không hướng tìm xuân/ Lá ngọt hết rồi/ Lá đắng lại phân vân/ Muốn nuôi người còn sợ đau dạ người”...

Thơ Hoàng Cầm có những phức cảm kỳ lạ đến dị biệt, đó là trong mối quan hệ cặp đôi: chị - em, em - anh, thậm chí: em - chú, em - bác. Nói như nhà thơ Trần Dần: “Hoàng Cầm là tân cổ điển”. Vì trong thơ tình Hoàng Cầm vừa phảng phất như Phạm Thái, như Hồ Xuân Hương, như Nguyễn Du, nhưng lại có cái mới lạ, lạ hơn Xuân Diệu, Nguyễn Bính và cả Vũ Hoàng Chương.

Chả thế mà ngay chính Hoàng Cầm đã từng thổ lộ: “Ái tình không chỉ là tai nạn cuối, mà là tai nạn đầu đời. Tôi biết ơn tất cả những người con gái đi qua đời tôi, đã gieo gió bão trên cánh đồng thi ca của riêng tôi”. Phải nói nếu không có cái tình ngây thơ trong trẻo đắm đuối với chị Vinh thì hai mươi lăm năm sau, chắc gì Hoàng Cầm đã có Lá diêu bông.

Là một người si tình, từ thuở “Em mười hai tuổi tìm theo chị” đến “Ngày mười bảy tuổi/ Trót chơi đố cỏ Bồng thi”. Đọc thơ Hoàng Cầm có cảm giác người chị ấy vừa gần gũi kề bên vừa như không có thực. Người chị ẩn trong hình ảnh “cây tam cúc”, “lá diêu bông” mà nhà thơ luôn khao khát. Mỗi lúc chị say sưa cầm “cỗ bài tam cúc mép cong cong, chị gọi đôi cây trầu cay má đỏ”, thì em “ghé cây bài tìm hơi tóc ấm” với mong ước cháy bỏng: “Em đừng lớn nữa, chị đừng đi”, “Em đứng nhìn theo em gọi đôi”. Dẫu lá diêu bông là chiếc lá huyền thoại, chiếc lá non ngây thơ về một tình yêu đầy mộng mị thần tiên thời thơ ấu, thì câu chuyện tình chị - em hoàn toàn là có thật.

Có những vết thương không bao giờ liền da. “Em chở nứa sang bờ duyên phận/ Tay đóng bè chân xuôi thác ghềnh/ Tuổi đã rách vá gì cho kịp/ Da mỡ đông tuốt sẹo ngang thân” (Tắm đêm) nhưng đó là thứ tình đẹp, thơ mộng: “Lẽo đẽo em đi vườn mai sau/ Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng” (Quả vườn ổi); “Hết năm phương em nhìn năm hướng/ Là mười phương/ Chị biết còn em” (Nước sông Thương). Từ câu chuyện “Lá diêu bông” năm 1960, đến “Chị em xanh” năm 1980 là sự chắp nối về mặt thời gian và cũng là sự tha thiết đến da diết: “Chị vỡ pha lê. Bùn vấy tay/ Hồn trong em chuốc chị chìm say/ Là em cưới chị xanh thiêm thiếp/ Sinh một đàn con mây trắng bay”. Đó là “Cõi em” của riêng Hoàng Cầm với những giằng xé đấu tranh về sức hấp dẫn của tình yêu.

Thơ tình Hoàng Cầm chủ yếu là tiếng nói ẩn ức vọng từ miền ký ức xa xăm mà cụ thể là về Kinh Bắc. Ở đó có tình yêu với những cô gái mộc mạc chân quê, là “những nàng môi cắn chỉ quết trầu”, “Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng”, “Em mặc áo thắm/ Em thắt lụa hồng” (Bên kia sông Đuống). Những cô gái kiêu sa, thân thể ngọc ngà: “Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành/ Đùi cháy búp dài thon nhún vội/ Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh” (Thi đánh đu)...

Thơ Hoàng Cầm có nhiều câu đầy màu sắc tính dục, cái bản thể trong trẻo nhất của tình yêu trai gái. Giới tính, sự hấp dẫn của cơ thể người con gái làm say đắm cả đàn ong, cái kiến dù ẩn trong màu áo nâu sòng: “Gió ra vàng thớ mít/ Ong bay vai áo tiểu thon mình” (Đêm Thủy). Ông cũng không ngần ngại miêu tả cơ thể của người con gái: “Gàu giai ai vớt chị ơi/ Lòa lõa thân trăng” (Đợi mùa). Thậm chí, cái quan hệ giới tính như một thứ bản năng cũng được ông đưa vào thơ rất tự nhiên: “Cô gái nhà ai đến đây cắt cỏ/ Ngửi hơi chồng quanh quất cửa Đông Nam” (Ngựa I). Hơn 70 tuổi, tình yêu vẫn là ẩn ức của nhà thơ: “Em không thắt buộc lưng thon nữa/ Thả búp non... căng... nuột... ấy... ơi (...) Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết/ Những nếp xiêm hờ giả bộ ngây”.

Tâm hồn của nhà thơ Hoàng Cầm thuộc về Kinh Bắc. Ông nhắc đến quê hương là yêu mến và trân trọng. Nơi đó có hình ảnh mẹ: “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng” (Đêm Thổ); có thiên nhiên tươi đẹp: “Sông Cầu xuôi bến Hát/ Rập rềnh Mộ Dạ chiếu tân hôn” (Gió lông ngỗng); có những sinh hoạt dân dã: “Em về đồng chiêm đất rạn chân chim/ Em đi mưa ngâu nước ngập đồi chè” hoặc “Tiếng hát theo em đi vớt bèo/ em vớt được mấy chùm sao sáng/ Vớt đôi con mắt nhìn theo”.

Tự nhận mình “theo dòng mẫu hệ”, đồng nghĩa với yếu tố nữ tính chi phối ông cả trong tâm thức lẫn trong hệ lụy đời sống. Những hình ảnh mẹ - chị - em luôn ám ảnh, trở đi trở lại trong thơ Hoàng Cầm: “Ai bảy mươi tươi giòn/ Nằm mơ đưa võng mẹ/ Ru say dòng mẫu hệ/ Vòng tay quê bế bồng”... Thơ và đời ông nhiều khi ngơ ngác, mộng mơ.

Từ chuỗi mơ màng – ký ức, váy Đình Bảng buông chùng cửa võng để cả đời Hoàng Cầm thắp lên mộng mơ sống khiến ông mải miết đi tìm cả những gì mình không có, những gì chỉ có trong giấc mơ như chiếc lá diêu bông.

“Hoàng Cầm 100 bài thơ” chỉ là một phần nhỏ trong sự nghiệp của Hoàng Cầm, nhưng là quá đủ để người yêu thơ được dịp nhớ thương ông, “một người suốt đời lấy thơ làm cứu cánh, làm mục đích, làm lẽ sống, chứ không bao giờ lấy thơ làm phương tiện để mình đạt tới những gì gì đó mà hồn mình không thể chấp nhận, ví dụ như danh và lợi, sự bon chen, sự cầu cạnh, sự thù hận...” như nhà thơ Hoàng Hưng chia sẻ.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]