(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh đã áp dụng công nghệ số vào quản lý, vận hành và sản xuất, kinh doanh. Những thay đổi ấy đã, đang giảm thiểu chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội và từng bước được nhân rộng.

Hiệu quả từ việc áp dụng công nghệ số trong quản lý trang trại

Thời gian gần đây nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh đã áp dụng công nghệ số vào quản lý, vận hành và sản xuất, kinh doanh. Những thay đổi ấy đã, đang giảm thiểu chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội và từng bước được nhân rộng.

Hiệu quả từ việc áp dụng công nghệ số trong quản lý trang trạiNhờ áp dụng “số hóa” trong sản xuất, trang trại Hoàng Gia, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) đã nâng cao được hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tại thôn Phú Vinh, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân), trang trại Hoàng Gia chuyên sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ đang áp dụng những tiến bộ khoa học trong sản xuất, kinh doanh. Đây là một trong những trang trại đi đầu trong việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất. Những ngày đầu tháng Chạp, chúng tôi đến thăm khi trang trại đang thu hoạch những lứa bưởi cuối cùng. Thay vì lao động phải leo, trèo hái bưởi, thì các xe nâng bánh xích được điều khiển nâng người lên cao thu hái và chuyền quả xuống đất nhanh chóng, tránh bị rơi, dập. Nhờ đó, chỉ với 5 lao động, mỗi ngày có thể thu hái khoảng 12 đến 15 nghìn quả bưởi.

Ông Vũ Văn Chiến, quản lý tại trang trại cho biết: Khởi động từ năm 2016, trang trại đã nhập hơn 2.000 gốc bưởi giống Diễn thuần 3 năm tuổi về trồng và áp dụng “số hóa” vào quá trình sản xuất. Đồng thời, đánh dấu mã số riêng, áp dụng quy trình, kế hoạch chăm sóc cho từng cây. Toàn bộ các thông số về dinh dưỡng, tình trạng sinh trưởng đều được cập nhật theo một phần mềm quản lý, nhờ đó việc chăm sóc cũng hoàn toàn tự động theo một lập trình đã cài đặt sẵn. Ngoài ra, việc kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cũng được tiến hành thông qua nền tảng số. Thực tế quá trình sản xuất cho thấy, việc ứng dụng phần mềm và nền tảng số để chăm sóc, quản lý 8 ha bưởi tại trang trại Hoàng Gia và sổ quản lý điện tử đã góp phần hỗ trợ các đầu mối tiêu thụ dễ dàng tra cứu, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Nhờ việc áp dụng số hóa để minh bạch quá trình sản xuất, tiết kiệm kinh phí nhân công và nâng cao chất lượng sản phẩm, trang trại đã trở thành một trong những địa chỉ tin cậy cung cấp sản phẩm nông sản cho thị trường trong, ngoài tỉnh.

Tại Cuộc thi vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu tỉnh Thanh Hóa năm 2022, ban tổ chức đã ghi nhận hàng chục trang trại sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhờ áp dụng công nghệ số vào sản xuất. Trong đó, trang trại Hương Quê, xã Yên Ninh (Yên Định) đã vượt lên hàng trăm trang trại để giành giải nhất hạng mục trang trại kiểu mẫu. Với diện tích hơn 6 ha, trang trại Hương Quê kết hợp sản xuất khoa học giữa trồng cây ăn quả, chăn nuôi gà, lợn theo hướng “số hóa”. Trên diện tích 10 ha đất sản xuất hiện có, trang trại đã đưa vào trồng hơn 300 gốc bưởi Diễn và bưởi da xanh, hơn 200 gốc nhãn và xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, lợn, chim bồ câu... theo quy trình khép kín và tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, việc phun tưới cho cây trồng và ăn uống, điều chỉnh nhiệt độ trong trang trại chăn nuôi được lắp đặt hệ thống tự động, điều khiển bằng điện thoại thông minh để giảm thiểu công lao động, quá trình chăm sóc đúng quy chuẩn. Ngoài ra, trên diện tích hơn 2 ha mặt nước ao hồ, được đưa vào nuôi thả các loại cá, như cá chép, cá trê lai, rô phi đơn tính, cá trắm, cá trôi... Bình quân mỗi năm trang trại xuất bán ra thị trường hơn 150 tấn gà, lợn thịt.

Ông Trịnh Xuân Nam, chủ trang trại cho biết: Nhờ việc áp dụng nền tảng số, tôi không cần quá nhiều nhân công, chỉ 3 - 4 lao động thường xuyên có thể quán xuyến hết toàn bộ công việc của trang trại một cách thuần thục, hiệu quả. Ngoài ra, việc dán tem truy xuất nguồn gốc QRCode gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu chính là tác động tích cực để việc kết nối tiêu thụ sản phẩm được thực hiện thông qua nền tảng số.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 841 trang trại, trong đó có 88 trang trại trồng trọt, 488 trang trại chăn nuôi, 26 trang trại lâm nghiệp, 76 trang trại nuôi trồng thủy sản, 163 trang trại tổng hợp. Các chủ trang trại đã tận dụng các điều kiện thuận lợi và tranh thủ sự hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh, huyện để phát triển kinh tế theo quy mô hàng hóa, với nhiều sản phẩm nông sản chất lượng. Đồng thời, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm. Nền tảng chuyển đổi số đã và đang được nhiều trang trại sử dụng để xây dựng quy trình sản xuất minh bạch, quản lý đối tượng sản xuất từ khâu nhập giống đến thu hoạch, bán hàng. Nhờ vậy, các trang trại có thể tiêu thụ sản phẩm với mức giá cao hơn và có cơ hội tiếp cận các thị trường tiêu thụ khó tính hơn, hướng tới xuất khẩu.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]