(Baothanhhoa.vn) - Nhờ chủ động nguồn nước từ các công trình thủy lợi đã giúp cho người dân ở các huyện miền núi của tỉnh tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh tăng vụ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Hiệu quả đầu tư hệ thống thủy lợi ở miền núi

Nhờ chủ động nguồn nước từ các công trình thủy lợi đã giúp cho người dân ở các huyện miền núi của tỉnh tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh tăng vụ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Hiệu quả đầu tư hệ thống thủy lợi ở miền núiNgười dân xã Thiên Phủ (Quan Hóa) chăm sóc lúa mùa.

Trước đây người dân xã Thiên Phủ (Quan Hóa) canh tác chỉ dựa vào nguồn nước khe, suối tự nhiên và chờ “nước trời”. Những chân ruộng cao, người dân dùng guồng để dẫn nước vào ruộng cấy lúa. Do không chủ động được nguồn nước, nên năng suất, sản lượng lúa thường không cao. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn xã Thiên Phủ được xây dựng đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống, như: Đập dâng suối Cang ở bản Dôi; đập dâng bản Chong và hệ thống kênh mương bản Sài, bản Dôi, bản Chong, bản Hàm...

Có được nguồn nước thủy lợi dồi dào, bà con ở xã Thiên Phủ đã bắt đầu thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ nâng cao năng suất cây trồng. Trong vụ chiêm xuân 2023, các hộ nông dân ở bản Dôi và bản Chong đã tham gia mô hình đưa giống lúa mới KR1 và Hạt Ngọc 9 do Công ty Giống cây trồng Tứ Xuyên Thanh Hóa cung cấp vào sản xuất trên diện tích 2 ha. Nhờ chủ động được nguồn nước, người dân tuân thủ các biện pháp kỹ thuật chăm sóc nên lúa đạt năng suất bình quân 80 tạ/ha.

Ông Nguyễn Văn Thao, Chủ tịch UBND xã Thiên Phủ (Quan Hóa), cho biết: Hiện trên địa bàn xã đã kiên cố được hơn 20km kênh mương và 6 đập dâng trên các dòng suối Cang, suối Thiết. Từ các hệ thống thủy lợi được đầu tư đưa vào sử dụng đã giúp bà con có điều kiện canh tác, phát triển sản xuất nông nghiệp. Cũng nhờ có nguồn nước từ các hệ thống thủy lợi, bà con không những sản xuất được 2 vụ lúa/năm mà còn trồng được nhiều loại hoa màu khác. Hiện xã đang tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi theo quy hoạch và mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ở những vùng chủ động nguồn nước tưới. Đồng thời, xã tiếp tục vận động bà con chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao sản lượng lương thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Trước đây, mỗi khi mùa mưa bão đến, người dân xã Thành Thọ (Thạch Thành) lại canh cánh nỗi lo ngập lụt và mất an toàn từ công trình hồ chứa nước Bai Mạ đang bị xuống cấp. Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án, huyện Thạch Thành đã đầu tư kiên cố công trình hồ chứa nước Bai Mạ với nguồn vốn hơn 12 tỷ đồng. Tháng 4-2021, hồ chứa nước Bai Mạ được hoàn thành và bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng. Nhờ đó, xã Thành Thọ đã chủ động được nguồn nước tưới cho 60 ha đất sản xuất nông nghiệp lâu nay bị khô cằn. Từ đó, người dân đã luân canh tăng từ 1 vụ lúa lên sản xuất 2 vụ lúa/năm cho năng suất cao.

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, tỉnh cũng quan tâm đầu tư nâng cấp, xây mới các công trình thủy lợi trên địa bàn các huyện miền núi phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn các huyện miền núi đã đầu tư xây dựng 79 công trình thủy lợi, gồm các công trình hồ chứa, đập và kênh mương, với tổng kinh phí khoảng hơn 707 tỷ đồng. Các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng đã góp phần đảm bảo tưới tiêu ổn định cho khoảng 77.700 ha đất gieo trồng, chiếm 25,1% diện tích tưới tiêu ổn định trên địa bàn toàn tỉnh.

Do chủ động được nước tưới, nông dân ở các huyện miền núi đều tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Trước đây, trên những chân ruộng thường bị hạn, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, nay đã canh tác được 2 vụ lúa và thêm vụ đông. Qua đó, tổng sản lượng lương thực có hạt ở các huyện miền núi hàng năm đạt bình quân hơn 385.000 tấn. Sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người đạt gần 408kg/người/năm.

Tuy nhiên, hiện trên địa bàn các huyện miền núi còn nhiều công trình thủy lợi có tính cấp thiết phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư xây dựng. Nguyên nhân là các công trình này có mức đầu tư lớn, trong khi đó nguồn vốn đầu tư từ chương trình, dự án còn hạn chế.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]