Hành trình đi tìm con chữ của những đứa trẻ trong sương
Bản Tà Cóm nằm dọc sông Mã, được bao bọc bởi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và lòng hồ thủy điện Trung Sơn, gần như biệt lập với bên ngoài. Thế nhưng, ở đấy có những bước chân vẫn ngày ngày tới trường mang theo nhiều ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi sáng hơn.
Đường đến trường của những đứa trẻ Tà Cóm.
10h30 ngày thứ 7, tiếng trống Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Trung Lý báo hết giờ vang lên, cũng là lúc Phàng Thị Dua, sinh năm 2005, học sinh lớp 9A, nhanh chóng thu dọn trở về nhà ở bản Tà Cóm sau 1 tuần học nội trú. Đây là bản nằm xa trung tâm xã Trung Lý (Mường Lát) nhất, hầu như cả năm không có người tới thăm, trừ cán bộ xã và giáo viên. Từ bản Táo, trung tâm xã Mường Lý, để vào được Tà Cóm có 2 lựa chọn: Một là đi dọc đường mòn trong rừng khoảng hơn 40 km là tới nơi. Tuy nhiên đi đường này rất khó khăn vì dốc và trơn trượt. Hai là đi vòng qua địa bàn xã Mường Lý, rồi tiếp tục dùng đò vượt qua lòng hồ thủy điện Trung Sơn, sau đó đi thêm vài km nữa là đến. Thời gian di chuyển tùy thuộc vào thời tiết mưa hay nắng, đi bộ hay đi xe máy, người đi xe máy tay lái yếu hay chắc...
Thời gian trước, thi thoảng Dua được chị dâu hoặc anh trai đánh xe đến chở về hoặc đưa đi, nhưng chị dâu mới sinh em bé, anh trai xuống thành phố làm việc nên nay Dua phải chủ động. Đi bộ, Dua và các bạn chọn cung đường thứ nhất, tuy dốc nhưng quãng đường ngắn hơn. "Em với Giàng Thị Chìa, lớp 6D và Giàng Thị Sâu, lớp 6B rủ nhau đi cùng để có gì giúp đỡ nhau. Đường xấu, mưa là sạt, sơ sẩy chút là ngã ngay. Ban đầu chúng em cũng sợ lắm, nhưng đi quen rồi thì lại thấy vui", vừa đi Dua vừa giới thiệu về những người bạn đồng hành của mình.
Con đường gồ ghề, đầy rẫy đá dăm, đoạn lại bùn lầy... được bao phủ bởi rừng già, càng đi lại càng thấy giống như một mê cung không lối thoát. Để đủ sức về đến nhà, Dua và các bạn “thủ” sẵn mấy gói mì tôm và chai nước lọc rót từ bình nước nhà trường. Trên đường về nhà, tụi trẻ phải đi qua một con suối. Chúng thích con suối này, vì đây là chỗ để nghỉ ngơi, ăn uống và nô đùa thoải mái trước khi đi tiếp chặng đường dài sắp tới. “Đoạn đường cuối cùng khi về nhà luôn là đoạn mệt nhất. Không ai còn đủ sức chạy nhưng đứa nào cũng cố đi nhanh hơn, vì cuối cùng nhà cũng đã ở rất gần", Dua nói.
Nữ học sinh ở các bản Tà Cóm, Cánh Cộng, Cá Giáng được Ban Giám hiệu Trường PTDT bán trú - THCS Trung Lý tạo điều kiện ở chung phòng.
Về nhà khi trời đã nhập nhoạng, sương phả xuống rét buốt. Mẹ đã về, Dua mời khách vào bên trong. Lúng túng thu vén một hồi, em cũng sắp được đôi chỗ ngồi trên giường. Gia tài của nhà Dua, ngoài chiếc giường, 1 chiếc tủ nhựa đựng quần áo còn có vài bao sắn, bao ngô nơi góc nhà. Thành quả lao động của mẹ Dua, đồng thời cũng là tài sản của cả gia đình. Bản Tà Cóm hình thành từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi những người Mông ở tỉnh Sơn La di cư đến. Từ vài hộ dân ban đầu, đến nay, sau hơn 30 năm, bản Tà Cóm đã có hơn 100 hộ. Không chỉ nhà Dua mà hầu hết cả bản Tà Cóm này đều thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống của họ chủ yếu nhờ vào bắp ngô, củ sắn trên nương, củ mài, đọt măng đắng trong rừng, chỉ có dăm hộ trong bản vỡ được ít ruộng dọc các con suối để trồng lúa nhưng cũng năm được, năm mất.
3h30 sáng ngày hôm sau, Dua dậy chuẩn bị cơm nước ăn sớm để lên đồi thu hoạch sắn với mẹ. Ý thức được hoàn cảnh sống nên những đứa trẻ vùng cao như Dua thường trực suy nghĩ về cái ăn, cái mặc. Dua đi học nhưng trong lòng vẫn lo ở nhà ai lấy cỏ về cho trâu ăn? Ai bế em cho mẹ đi rẫy? Ai đong gạo cho mang tới trường?... Vần bao sắn cuối cùng xuống đường giúp mẹ, Dua vội vã trở về nhà, bỏ bộ quần áo, túi cơm trắng, lọ măng muối ăn dọc đường và 50.000 đồng vào chiếc túi vải rồi đi. "50.000 đồng ấy mẹ bán bao sắn cho em dằn túi khi có chuyện cần", Dua nói rồi í ới gọi những đứa trẻ khác cùng đi. Hơn 10h sáng, Dua quay nhìn nếp nhà tường trình siêu vẹo sau lưng lần cuối, rồi thong thả xuống núi. Khí lạnh từ rừng già phả ra, lạnh ngăn ngắt.
Sải bước trên con đường hôm qua vừa đi, Dua và các bạn tiến về phía trước với nụ cười rạng rỡ, đầy hy vọng, những bước chân chạy thật nhanh để mong sớm đến trường. Con đường đến trường mà Dua đang đi, gần 20 năm trước chính là con đường mà Sùng A Chai, thầy giáo đầu tiên của bản Tà Cóm, đã đi. “Ở đây nếu không học thì sẽ mãi mãi ôm trọn cái đói, cái nghèo. Vì vậy, đừng lấy chồng, lấy vợ sớm, đừng rời xa trường lớp. Dù khó khăn đến mấy cũng phải học!”, Dua nhớ lời thầy dặn nên chăm chỉ học hành, mong một ngày được trở thành cô giáo quay về dạy những đứa trẻ Tà Cóm như thầy.
Gần 10 năm trước, sự học của Chai vất vả hơn Dua bây giờ rất nhiều. Trường học chưa có bán trú, mỗi lần đến trường hành trang theo Chai khi ấy chỉ vỏn vẹn vài lon gạo, vài mớ rau. Chai phải dựng lán ngay phía dưới trường để ăn ở, học tập. Cứ cuối tuần hết gạo, Chai lại băng rừng về nhà, mỗi lần về bố mẹ cho thêm 20.000 đồng mua muối, cá khô làm thức ăn. Học hết lớp 9, Chai tiếp tục theo học tại Trường THPT Mường Lát. Gia đình không đủ điều kiện chu cấp, Chai tận dụng thời gian nghỉ học vào rừng đào dúi bán lấy tiền mua gạo, mua bút, quần áo, sách vở. “Mình xác định chỉ có học mới thay đổi được sự nghèo nên cứ sống chết mà bám víu lấy nó”, Chai nhớ lại.
Thầy giáo Sùng A Chai đã thực hiện được giấc mơ đổi đời của bản thân và trở thành hình mẫu cho nhiều đứa trẻ bản Mông.
Tốt nghiệp THPT, Chai thi đỗ vào Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Hồng Đức. Vừa học vừa làm, năm 2018 Chai tốt nghiệp trở thành người có bằng đại học đầu tiên ở bản Tà Cóm và sau này cũng là thầy giáo đầu tiên của bản nghèo này. Cũng chính từ đây, cuộc sống của Chai và gia đình, vợ con đã thực sự đổi thay, khấm khá. Được biết, ngoài tiền lương giáo viên hơn 8 triệu đồng/tháng, vợ chồng thầy Chai còn nuôi hơn 10 con bò. Thầy Chai chia sẻ: “Nhìn lại những năm tháng đã đi qua, tôi thấy mình may mắn vì đã không bỏ cuộc. Khó khăn rồi cũng sẽ qua, mong rằng sẽ có thêm nhiều hơn nữa những người Mông dám vượt khó học tập, thực hiện ước mơ”.
Cùng thầy giáo Sùng A Chai, đến nay ở Tà Cóm đã có 4 người tốt nghiệp đại học. “Cuộc hành trình gieo chữ trên non của thầy giáo Sùng A Chai đã, đang và sẽ là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò nơi vùng cao biên giới này”, trưởng bản Tà Cóm Thào A Sự nhận định về người con của bản.
Thầy giáo Chai và trưởng bản Sự đều thống nhất rằng, hiện tại, mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều: có điện, có sóng điện thoại (tuy hơi yếu). Di chuyển từ Tà Cóm ra bên ngoài không còn khó khăn như trước, vì đã có đò băng qua lòng sông Mã. Chiếc đò sắt tuy khá thô sơ nhưng có thể chở được đến 10 xe máy (kèm người), vượt lòng sông rộng 200 mét chỉ mất vài phút. Họ luôn tin, bản làng họ một ngày sẽ thay đổi. Dù cái đói, cái nghèo và muôn vàn cái khó bủa vây, lớp người đi trước như trưởng bản Sự, thầy giáo Chai hay thế hệ tương lai như Dua và bạn bè vẫn luôn hướng về phía mặt trời, đón lấy ánh sáng, như nhà thơ Y Phương viết trong bài thơ “Nói với con”: Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung, không chê thung nghèo đói/ Sống như sông như suối/ Lên thác xuống ghềnh/ Không lo cực nhọc...”.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:11:00
IELTS 7.0 cần bao nhiêu từ vựng? Bí quyết học từ vựng hiệu quả
-
2024-11-21 10:01:00
Đầu tư mua sắm trang thiết bị theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp khó
-
2023-12-19 13:28:00
Lớp học thời 4.0
Hậu Lộc với phong trào khuyến học, khuyến tài
Phía sau bục giảng...
Các từ vựng cơ bản trong tiếng Anh
Phương án tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024 tại Thanh Hóa
Ứng phó với tình trạng chậm cấp phát trang thiết bị dạy học chương trình mới
Giảm áp lực học thêm
Tham gia lớp ôn thi chứng chỉ đại lý thuế ở trung tâm nào tốt?
Thanh Hóa cho phép thành lập Trường Trung cấp Công nghệ xanh quốc tế
Đổi mới công tác hướng nghiệp cho học sinh