Hà Lan: "Người khổng lồ" trong các dự án lấn biển trị thủy và phát triển kinh tế
Không phải ngẫu nhiên Hà Lan lại có tên gọi là “Netherlands” hay “vùng đất thấp”. Hàng trăm năm qua, quốc gia nằm thấp nhất so với mực nước biển đã không ngừng “viết lại sách giáo khoa” toàn cầu về lấn biển, trị thủy với những dự án quy mô để nỗ lực giành đất từ biển phát triển kinh tế.
Vẽ lại bản đồ quốc gia bằng dự án lấn biển
Hà Lan từng có diện tích chỉ bằng 1/4 tiểu bang New York (Mỹ), nhưng lại có đến 1/3 lãnh thổ thấp hơn mực nước biển. Gần 7.000km2 đất nông nghiệp tươi tốt hiện tại của Hà Lan là phần chìm dưới biển vào năm 1200.
Ngay từ thế kỷ 14, những cuộc “cách mạng lấn biển” đã được khởi xướng để sinh tồn, tạo ra đất đai phục vụ sinh sống, trồng trọt và phát triển kinh tế. Đặc biệt, sau trận lụt lịch sử năm 1953, khiến 72.000 người phải sơ tán và phá hủy hàng trăm km2 đất lấn biển tạo dựng được sau nhiều thế kỷ, chính phủ Hà Lan đã bắt tay thực hiện loạt biện pháp trị thủy và mở rộng diện tích một cách bền vững hơn.
Delta Works được xem là công trình kỹ thuật lớn bậc nhất thế giới, giúp Hà Lan bảo vệ đất đai và phát triển kinh tế xã hội.
Động thái đầu tiên là việc thành lập 27 hội đồng cùng khoảng 2.700 ban kiểm soát độc lập chuyên lo trị thủy. Năm 1958, Quốc hội Hà Lan cũng thông qua đạo luật đồng bằng (Delta Act) để khởi động siêu dự án Delta trị giá 9 tỷ USD. Theo kế hoạch này, Hà Lan xây hệ thống đê chắn sóng khổng lồ, kết hợp cùng hạ tầng đập, cống, rào cản sóng... để rút ngắn đường bờ biển và tạo ra hệ thống đê điều được đánh giá là hoàn hảo bậc nhất thế giới. Bên cạnh đó, Hà Lan cũng thúc đẩy, tạo cơ chế thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích kinh tế cho các dự án lấn biển.
Thành phố cảng Rotterdam chính là hình mẫu thành công của công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu và mở rộng diện tích về phía biển. Từng có thời điểm, trung bình mỗi tuần, có đến 2 triệu m3 cát được bơm ra biển để gia tăng diện tích đất. Ngoài ra, để ứng phó với biến đổi khí hậu, Rotterdam còn áp dụng chặt chẽ ba giải pháp: xây dựng hạ tầng, quản lý nước và ứng dụng công nghệ thông minh. Thành phố đã xây dựng các khu chứa nước đô thị, “thành phố nổi” ven biển với các khu nhà nổi bên trong đê được gắn thiết bị cảm ứng giám sát đê đập.
Một “kỳ tích” trị thủy khác của Hà Lan là thị trấn bên bờ biển Bắc - Volendam với những tuyến đê biển, các công trình lịch sử, văn hóa hàng trăm năm tuổi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Điều tạo nên sức hút đặc biệt của Volendam chính là tuyến đê bao quanh thị trấn ngăn không cho nước biển từ trên cao đổ xuống. Đứng trên mặt đê, du khách sẽ cảm nhận rất rõ “độ chênh” 5m của mặt biển ở ngoài đê so với nền đất ở trong đê.
Những tuyến đê lấn biển giúp Volendam (Hà Lan) phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Hà Lan đã triển khai một dự án 70 triệu USD từ năm 2011 để bơm 21,5 triệu m3 cát vào 128ha bờ biển Ter Heijde, tạo ra vịnh cát, bờ biển tự nhiên cũng như hệ sinh thái mới rộng 35ha, cao 5m so với mực nước biển, phục vụ công tác bảo tồn và phát triển các quần thể giải trí. Song song, một chương trình “phục hồi bờ biển” cũng được thực hiện để khôi phục vành đai sinh thái ven biển trước khi xây dựng các dự án lấn biển nhằm đảm bảo phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên.
Nâng tầm vị thế quốc gia từ đại dương
Người Hà Lan tin rằng, một đất nước bền vững, thông minh phải có tầm nhìn toàn diện, vượt ra ngoài những khuôn khổ định sẵn, biến yếu điểm về địa hình thành điểm mạnh về kinh tế.
Những năm qua, công cuộc trị thủy, lấn biển của Hà Lan không chỉ góp phần khắc phục địa thế trũng thấp, thích ứng với tự nhiên mà còn đem lại hiệu quả kinh tế đáng ngạc nhiên. Theo thống kê, khoảng 21% dân số Hà Lan hiện sống tại những vùng đất từng là biển và gần 17% diện tích, khoảng 3.500 công trình, thành phố lấn biển đã được xây dựng dọc các con kênh.
Hà Lan là hình mẫu thành công trên thế giới về mở rộng diện tích đất nhờ lấn biển, trị thủy và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với hệ thống cảng biển và mạng lưới giao thông thủy, bộ hiện đại, Hà Lan là cường quốc logistics hàng đầu châu Âu với giá trị ngành này đạt hơn 50 tỷ USD. Hàng năm, các cảng biển ở Hà Lan tiếp nhận khoảng 550 triệu tấn hàng. Chỉ riêng cảng Rotterdam đã thu về hơn 45 triệu euro từ các hoạt động kinh tế trực tiếp và gián tiếp.
Cùng với đó, các khu vực lấn biển còn tạo ra các vùng dự trữ nước ngọt dồi dào quanh năm, giúp giải bài toán cấp nước đô thị, đặc biệt nước tiêu, tưới phục vụ ngành nông nghiệp trị giá 124 tỷ euro của Hà Lan.
Bên cạnh đó, các trung tâm du lịch mới như Neeltje Jans đặt trên đảo nhân tạo Oosterschelde, nơi có Delta Park - công viên giải trí, lịch sử, khu triển lãm và trung tâm thương mại, cũng đón đến 300.000 lượt khách mỗi năm, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc. Đặc biệt, Hà Lan còn thu về một khoản lên tới 5,5 tỷ USD mỗi năm nhờ xuất khẩu công nghệ quản trị nước. Con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng khi ứng phó với biến đổi khí hậu, mở rộng không gian phát triển ra biển đang là xu thế của không ít quốc gia.
Bài học kinh nghiệm của Hà Lan đã trở thành hình mẫu kinh điển của các quốc gia trên thế giới, “sách giáo khoa” về mở rộng diện tích đất nhờ lấn biển, trị thủy và nỗ lực chung sống với biến đổi khí hậu. Đặc biệt với quốc gia có đường bờ biển dài và chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu như Việt Nam.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để thực sự khai thác được “mỏ vàng” từ tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển bền vững, hiệu quả thì cần chính sách, cơ chế đặc biệt để “lấn biển, cải tạo biển thành xu thế, là câu chuyện sống còn, tăng cường sức mạnh quốc gia”. Song song đó, cần “bỏ tư duy khai thác biển theo lối “đánh bắt ven bờ”, không dám vươn ra biển khơi, mà phải mang tư tưởng tìm kiếm và chinh phục đại dương”.
Để tiệm cận những mô hình trị thủy và “chung sống” với đại dương như Hà Lan, Việt Nam cần rất nhiều “bàn đạp” từ chính sách, cơ chế và cả các “đầu tàu” là những tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm lực mạnh cùng sự đầu tư bài bản để tạo ra những hệ sinh thái xanh, bền vững.
Với nền tảng pháp lý hiện có là Luật Đất đai 2024, Nghị định hướng dẫn thi hành và Quyết định số 1117/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam hoàn toàn có thể tiến ra biển lớn, đạt mục tiêu đến 2030, kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước và đến 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.
Tùng Dương
- 2024-11-09 15:13:00
Nghi Sơn xây dựng hướng đi bền vững cho ngành chế biến thủy sản
- 2024-10-26 14:14:00
Chuyển biến trong chống khai thác IUU
- 2024-08-29 14:25:00
Ghi nhận tích cực từ thích ứng và hội nhập kinh tế quốc tế
Vượt rào cản phi thuế quan khi tham gia FTAs
Tiếp tục tháo gỡ khuyến nghị về chống khai thác bất hợp pháp IUU
Hỗ trợ sản phẩm công nghiệp nông thôn vươn xa trên thương trường
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam dự báo tiếp tục lập đỉnh mới trong năm 2024
Chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại trong FTA
Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế
Nắm bắt cơ hội để xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường khó tính
Mở hướng xuất khẩu để nâng tầm sản phẩm OCOP
Úc có phải thiên đường cho người nhập cư?