(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây tại một số huyện miền núi Thanh Hóa, có hiện tượng người dân dùng kích điện săn bắt giun đất để bán cho các cơ sở thu mua, chế biến và sấy giun khô với số lượng lớn, tiềm ẩn những hệ lụy đối với môi trường. Trong khi đó, hiện chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi này.

Giải pháp nào xử lý triệt để vấn nạn săn bắt giun đất?

Thời gian gần đây tại một số huyện miền núi Thanh Hóa, có hiện tượng người dân dùng kích điện săn bắt giun đất để bán cho các cơ sở thu mua, chế biến và sấy giun khô với số lượng lớn, tiềm ẩn những hệ lụy đối với môi trường. Trong khi đó, hiện chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi này.

Tận diệt giun đất, nguy cơ mất cân bằng sinh thái

Theo tìm hiểu tại các xã Ái Thượng, Điền Quang (Bá Thước), tình trạng săn bắt giun đất bằng kích điện rộ lên từ đầu năm 2023. Người dân chủ yếu săn bắt giun trong những cánh rừng nguyên sinh, nơi ít người qua lại. Thời gian săn bắt từ 6 giờ sáng đến khoảng 14 giờ, sau đó giun được đưa về nhập cho thương lái.

Giải pháp nào xử lý triệt để vấn nạn săn bắt giun đất?

Bộ kích điện người dân dùng để săn bắt giun đất.

Cách thức để bắt giun rất đơn giản. Chỉ với 2 que sắt nối với máy kích bằng đường dây điện và cắm trực tiếp xuống đất, sau vài tiếng kêu “tít tít” phát ra từ máy xung điện, trong vòng bán kính khoảng 2 m2 các loại giun to nhỏ dần ngoi lên, quằn quại, giãy giụa trên mặt đất. Sau khi thu gom số giun này, người săn di chuyển sang địa điểm khác và lặp lại quy trình cũ. Trung bình mỗi ngày, 1 máy kích có thể bắt được từ 5 đến 10 kg giun tươi, thậm chí nhiều hơn.

Theo người dân thôn Cón, xã Ái Thượng (Bá Thước), nhiều người trong thôn rất bức xúc và lo ngại hành vi tận diệt giun đất như hiện nay. Vì hám lợi, lợi dụng những khu đồi vắng, nhất là sau mỗi trận mưa, một số người trong thôn lén lút săn bắt giun bán cho thương lái. Thời gian đầu, những người kích giun săn bắt ở khu vực ruộng đồng, ven đồi gần, bây giờ khi giun đã trở nên khan hiếm, họ vào tận các khu rừng tự nhiên để săn.

Giải pháp nào xử lý triệt để vấn nạn săn bắt giun đất?

Giun khai thác về được người dân bán cho lò sấy ở xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) chế biến.

Theo khảo sát, giun tươi được các thương lái thu mua với giá 45.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày người đi bắt giun kiếm được cả triệu đồng. Ngoài ra, qua tìm hiểu được biết một số chủ lò sấy giun còn đầu tư máy kích điện, thuê người đi săn giun về cung cấp cho cơ sở của mình với giá 32.000 đồng/kg, thấp hơn giá thị trường khoảng 10.000 đồng/kg.

Tại huyện Thạch Thành, khu vực ven sông Bưởi như các xã Thành Tiến, Thành Kim và thị trấn Kim Tân, người dân cũng dùng kích điện bắt giun đất ở các bãi bồi. Tại đây, hoạt động săn bắt và mua bán giun diễn ra khá sôi động. Nghiêm trọng hơn, một số người còn vào tận các vườn, đồi cây ăn quả của người dân để kích điện bắt giun.

Qua tìm hiểu của phóng viên, tình trạng khai thác giun đang xuất hiện nhiều ở các huyện Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Thường Xuân...

Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) Lê Ngọc Thu cho biết, trên địa bàn xã người dân săn bắt giun đất bằng nhiều hình thức, như sử dụng nước vôi, nước xà phòng, nước rửa bát, đặc biệt là dùng kích điện để bắt giun. Hành vi sử dụng kích điện bắt giun là tận diệt loài giun có ích, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nông nghiệp và môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, việc sử dụng kích điện để bắt giun cũng gây nguy hiểm cho chính người sử dụng và những người xung quanh. Hiện, địa phương đang chỉ đạo để xử lý tình trạng này.

Thâm nhập cơ sở sấy giun trái phép

Huyện Bá Thước là địa phương có nhiều lò sấy giun trái phép đang hoạt động. Trong vai người đi thu mua giun, phóng viên có mặt tại một lò sấy nằm sâu trong lòng núi ở thôn Cón, xã Ái Thượng, tách biệt với các thôn khác của xã.

Giải pháp nào xử lý triệt để vấn nạn săn bắt giun đất?

Lò sấy giun đất trái phép ở xã Ái Thượng (Bá Thước).

Theo quan sát, lò sấy giun được thiết kế khá đơn giản, chỉ rộng khoảng 5 m2/lò, xây bằng gạch, bên trong là các giàn sắt dùng để gác tấm lưới phơi giun. Bên cạnh lò sấy là khu mổ giun tươi cùng với đồ nghề là lưỡi dao rọc, vòi nước dùng để rửa giun. Đi vào khu vực này, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc.

Giải pháp nào xử lý triệt để vấn nạn săn bắt giun đất?

Giun tươi sau khi chế biến cho lên mành thép chuẩn bị sấy khô tại cơ sở chế biến giun xã Ngọc Phụng (Thường Xuân).

Được biết lò sấy này đã đi vào hoạt động 1 năm nay. Chủ lò là hai vợ chồng quê ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thuê lại căn nhà của ông Bùi Văn Niên ở thôn Cón, xã Ái Thượng (Bá Thước) để hành nghề. Mỗi mẻ giun được sấy bằng củi trong thời gian khoảng 4 giờ. Trung bình khoảng 13 kg giun tươi thì sấy được 1 kg giun khô. Giun sau khi sấy được cho vào bì bóng để bảo quản, đợi thương lái đến thu mua. Mỗi kg giun khô hiện được bán với giá 715.000 đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi thương lái thu mua giun khô làm gì thì chủ lò sấy không biết, chỉ biết họ mua để xuất khẩu, thấy có lợi nhuận thì làm. Cùng với thu mua giun tươi của người dân săn bắt, chủ cơ sở còn cung cấp máy kích điện cho 15 người dân trong vùng với hình thức “cho thuê” để đi khai thác giun làm nguyên liệu chế biến.

Giải pháp nào xử lý triệt để vấn nạn săn bắt giun đất?

Giun được sấy khô cho vào bì bóng tại cơ sở chế biến trái phép ở xã Ái Thượng (Bá Thước).

Tại xã Ngọc Phụng (Thường Xuân), một cơ sở sấy giun cũng hoạt động công khai. Qua tìm hiểu được biết, cơ sở này được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thường Xuân cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 26L.8.003795 ngày 16-6-2023, với ngành nghề kinh doanh: Trồng và mua, bán cây dược liệu, nuôi giun quế, giun đất, sấy và chế biến giun. Theo chủ cơ sở, để có nguồn giun đưa vào chế biến, mỗi ngày cơ sở thu mua khoảng 2 tạ giun tươi từ các thương lái ở các huyện Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc... Mới đây, do xả thải không đúng nơi quy định, cơ sở bị UBND xã Ngọc Phụng đình chỉ hoạt động và yêu cầu khắc phục.

Theo chủ cơ sở này, việc săn bắt giun bằng máy xung điện không làm giun chết và không ảnh hưởng tới cây trồng. Vì vậy, cơ sở đang tập trung khắc phục các vi phạm về môi trường theo quy định để sớm trở lại hoạt động!

Cần chế tài đủ mạnh

Trước thực trạng tận diệt giun đất, Công an huyện Thường Xuân đã tổ chức nắm tình hình, xử lý các trường hợp săn bắt, thu gom, chế biến giun đất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong các khu dân cư. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, thị trấn có tình trạng săn bắt giun, kiểm tra, lập biên bản đối với các trường hợp thương lái thu gom giun đất, xưởng chế biến giun trên địa bàn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Giải pháp nào xử lý triệt để vấn nạn săn bắt giun đất?

Tang vật kích điện dùng để săn bắt giun đất bị lực lượng Công an thị trấn Thường Xuân bắt, giữ.

Ngày 16-7-2023, Công an thị trấn Thường Xuân phát hiện 7 người dân đang săn bắt giun đất trên núi Bù Xèo thuộc địa phận khu phố Chung Chính và khu phố Tiến Sơn 1, thu giữ 7 bộ kích điện. Những người này đã được lực lượng Công an tuyên truyền và ký cam kết không tái phạm.

Thông tin từ Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, giun đất có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, giúp cho đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng. Đặc biệt, giun đất tạo lỗ thông làm cho nước mưa thẩm thấu vào lòng đất, là nguồn dự trữ nước cho cây sinh trưởng, tạo nên nguồn nước ngầm phục vụ nhu cầu khai thác nước sinh hoạt, phát triển kinh tế cho con người.

Theo Trung tá Vi Ngọc Tú, Phó Trưởng Công an thị trấn Thường Xuân, hành vi đánh bắt giun đất bằng kích điện đã vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Tuy nhiên, do chưa có chế tài xử phạt hành vi sử dụng máy kích điện để bắt giun nên mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở không tái phạm. Trong khi đó, vì lợi nhuận trước mắt, một số người vẫn tận diệt giun đất bằng kích điện, khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp nào xử lý triệt để vấn nạn săn bắt giun đất?

Người dân thị trấn Thường Xuân sử dụng kích điện săn bắt giun viết cam kết không không tham gia săn bắt giun.

Trong khi chưa có chế tài đủ sức răn đe, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích của giun đất đối với cây trồng và môi trường; phối hợp cùng các lực lượng chức năng theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hành vi săn bắt giun đất trái phép và hoạt động của các cơ sở thu gom, sấy khô, mua bán giun đất.

Bài và ảnh: PV


Bài và ảnh: PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Ngô Hoàng Bảo Chánh - 20:07 11/08/23

 Trả lời

Nguy cơ sa mạc hóa. Rất nguy hiểm.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]