Đường về... lương tâm (Bài 2): Không phải là dấu chấm hết
Như cố nhà văn Nguyễn Khải đã viết: ...“ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”... Nơi trại giam hẻo lánh, được giáo dục, cảm hóa, không ít đại ca giang hồ khét tiếng một thời đang miệt mài cải tạo để hoàn lương.
Các chính sách hình sự nhân đạo của Đảng, Nhà nước được Trại giam Thanh Cẩm công khai, niêm yết, đảm bảo mọi phạm nhân được biết.
Cuộc hành trình 12 năm “bẻ án”
Ngày đặt chân vào Trại giam Thanh Cẩm, mái tóc của Nguyễn Văn Hòe (tên phạm nhân đã được thay đổi - PV) còn vẫn xanh, da dẻ còn căng mọng hồng hào. Hơn 12 năm “trả án” chung thân vì tội mua bán ma túy, giờ thì mái tóc ấy đã bạc đi thấy rõ trên cái trán nhăn nheo lốm đốm vết đồi mồi.
Nguyễn Văn Hòe, sinh năm 1954, quê gốc tỉnh Nam Định, đến năm 1977 mới vào lập nghiệp, lấy vợ sinh con đẻ cái ở thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân. Cho đến đầu những năm 2000, Hòe đã là một giám đốc công ty xây dựng nổi danh hào phóng, tiền tiêu rủng rỉnh. Tài sản của ông có đến cả vài chục chiếc xe tải và đủ loại máy móc công trình.
Phạm nhân Nguyễn Văn Hòe kể lại, cú tụt dốc không phanh của mình bắt đầu từ khi làm “bê phẩy” nhận khoán lại một phần việc của nhà thầu chính trên Công trình Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt. “Người ta hứa làm xong sẽ thanh toán hết, không phải tạm ứng. Nói thế nên tôi tin. Bao nhiêu vốn liếng tôi dồn hết vào đó, rồi vay thêm vốn ngân hàng, vay bạn bè mua nguyên vật liệu về thi công. Nhưng rồi đến khi công trình xong xuôi, tôi hỏi thì người ta khất lần khất lượt”.
Có lẽ, nếu giữ được bản lĩnh của một doanh nhân, chắc ông đã không bán mình cho quỷ dữ sau lần chậm thanh toán ấy. Từ mối quen biết trong những lần lên huyện miền núi Quan Sơn thi công công trình, ông móc nối tìm người mua ma túy từ Lào về Thọ Xuân bán cho con nghiện. Rồi những đồng tiền dơ bẩn ấy đã khiến ông trả giá đắt bằng mức án chung thân từ một ngày cuối năm 2013 trời lạnh căm căm.
Những ngày đầu ở trại, ông khủng hoảng, chán chường, chẳng hợp tác với cán bộ quản giáo, cũng chẳng muốn lao động cải tạo, cùng lắm chết là hết. Nhưng rồi, được tuyên truyền, phổ biến chính sách hình sự nhân đạo của Đảng, Nhà nước dành cho phạm nhân biết ăn năn, hối cải, được quản giáo động viên, giáo dục, Nguyễn Văn Hòe quyết tâm làm lại.
Nhưng ở tù, cuộc làm lại của những phạm nhân mang án chung thân chẳng dễ dàng gì. Bởi muốn được “xuống khung”, phạm nhân cần phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe vì tội lỗi do mình gây ra. Mà một trong số ấy là hành trình 12 năm liên tục được xếp loại cải tạo khá, tốt. Trong khi sống bên cạnh cũng là những đại ca số má giết người, cướp của..., chỉ cần chút kích động, không làm chủ được mình, thì công sức bao nhiêu năm phấn đấu cũng “tan tác chim muông”, thành con số không tròn trĩnh... Hành trình “bẻ án” sẽ trở lại vạch xuất phát ban đầu.
Trung tá Lê Văn Đăng, Trưởng Phân trại số 1, Trại giam Thanh Cẩm gặp gỡ, động viên phạm nhân Nguyễn Văn Đạt nỗ lực cải tạo.
Vậy nên, ông hiểu mình chẳng còn cơ hội nào khác ngoài phải gom góp hết vốn liếng bản lĩnh của đời để vượt qua. Bản lĩnh là tuyệt đối giữ mình, không bị kích động, không gây rối trật tự, phải nghe theo lời cán bộ quản giáo, chuyên tâm lao động cải tạo. Rồi tháng ngày đằng đẵng qua đi, phạm nhân Hòe chăm chỉ làm lụng, ngày trồng rau, nuôi cá, bữa làm đồ thủ công mỹ nghệ, kể cả làm vệ sinh buồng giam phòng ở... Tin vui đã đến, trong dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, Nguyễn Văn Hòe được Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định giảm án xuống tù có thời hạn 30 năm.
Tuổi đã 70 bạc tóc, chỉ vì phút sai lầm mà Nguyễn Văn Hòe sẽ còn phải trả nốt 18 năm cuộc đời ở chốn lao tù. Nhưng có chính sách hình sự nhân đạo, ông còn niềm tin phấn đấu để tiếp tục được giảm án, sớm trở về. Ông chân thành: “Nghĩ rằng mình chẳng còn gì, nhưng được cán bộ quản giáo động viên, giáo dục cảm hóa, tôi đã kiên trì làm lại. Mong ước còn lại lớn nhất của tôi là được trở về nhà bế các cháu nội ngoại, được trút hơi thở cuối cùng và được chôn cất trên mảnh đất Thọ Xuân nhà mình”.
Làm lại từ án chồng án
Thế đó, ở tù chẳng phải hoàn toàn cùng đường. Và trong hành trình làm lại của mỗi phạm nhân luôn có bóng dáng của cán bộ quản giáo, ban giám thị trại giam. Câu chuyện của Nguyễn Văn Đạt (tên phạm nhân đã được thay đổi - PV) ở Phân trại số 1, Trại giam Thanh Cẩm cũng là một tấm gương đang được phạm nhân lan truyền.
Phạm nhân Đạt năm nay đã 50 tuổi, quê ở xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, có thâm niên đi “buôn thần chết” từ thuở thanh niên sức vóc. Trước khi bị bắt về “quy án” chung thân từ năm 2004, y đã cùng đồng bọn thực hiện trót lọt nhiều phi vụ mua bán, vận chuyển, đưa lượng lớn ma túy từ Lào về Nghệ An tiêu thụ.
Cán bộ Trại giam Thanh Phong giải quyết thủ tục cho người được hưởng đặc xá trở về. (ảnh Đỗ Đức)
Theo lời các cán bộ quản giáo, những ngày đầu ở Trại giam số 5, cũng với suy nghĩ chung thân là tù vĩnh viễn, chẳng còn cơ hội trở về, Đạt bất cần, sẵn sàng chống đối, nhiều lần văng lời thách thức cán bộ quản giáo, bất tuân nội quy cơ sở giam giữ. Cùng với tính côn đồ, số má, lúc vắng cán bộ quản giáo, y vẫn thường xuyên hành xử với phạm nhân khác theo kiểu “luật rừng”... Rồi khi thuộc rõ đường đi lối lại trong trại, rành rọt ngón nghề, y còn móc nối với các đối tượng bên ngoài, tuồn ma túy vào trại. Hơn 6 năm kể từ ngày “nhập kho”, tháng 8/2010, cán bộ Trại giam số 5 phát hiện, bắt quả tang Đạt cất giấu ma túy trong người sau khi thăm gặp “người thân”. Rồi y bị tuyên thêm 42 tháng tù, cộng với án cũ, tổng hình phạt là chung thân.
Tuy vẫn mức án cũ, nhưng sau lần tái phạm này, vợ con biết tin chẳng còn chút hy vọng nào về y nữa. Đạt biết điều đó qua mỗi cuộc gọi điện về nhà nói chuyện với hai đứa con. Rồi như y nói: “Chắc lẽ không được Trung tá Lê Văn Đăng và nhiều cán bộ quản giáo cảm hóa, giáo dục, khuyên bảo, tôi sẽ chẳng thay đổi được mình. Tôi hứa với Trung tá Đăng, hứa với vợ con sẽ lao động cải tạo tốt để sớm trở về”.
Thế rồi, bao bản lĩnh của một tên trùm sò số má được Đạt dồn hết vào hành trình “bẻ án”. Người ta đã nhìn thấy ở khuôn mặt y vẻ mặt hiền lành, một dạ hai vâng, răm rắp nghe lời cán bộ quản giáo, chấp hành nội quy cơ sở giam giữ, chuyên tâm lao động cải tạo. Và anh cũng có được thành tích 12 năm liên tục cải tạo mức khá tốt vào năm 2022, được Tòa án Nhân dân tỉnh quyết định giảm án xuống khung 30 năm. Đến năm 2023, anh được giảm thêm 6 tháng vì có thành tích trong chấp hành án phạt tù.
Con đường trở về của Nguyễn Văn Đạt sẽ chẳng còn xa nữa. Trung tá Lê Văn Đăng, Trưởng Phân trại số 1, Trại giam Thanh Cẩm cho biết, tiếp tục cải tạo đạt mức khá, tốt, phạm nhân án chung thân như Nguyễn Văn Đạt, Nguyễn Văn Hòe còn tiếp tục được hưởng chính sách hình sự nhân đạo của Đảng, Nhà nước, như giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hoặc đặc xá.
Nguyễn Văn Đạt bộc bạch: “Khi trở về, việc đầu tiên làm, tôi sẽ ra mộ thắp hương tạ lỗi vợ. Vì tôi, cô ấy đã chịu quá nhiều bất hạnh, khổ đau, thiệt thòi”. Anh lấy tay lau đi những giọt nước mắt muộn màng cứ liên tục tuôn ra khỏi đôi mắt ngầu đỏ.
Vào tù không phải là dấu chấm hết. Chính sách hình sự nhân đạo của Đảng, Nhà nước đã mở ra con đường tươi sáng cho rất nhiều phạm nhân ăn năn hối cải, nỗ lực cải tạo để sớm được trở về, hoàn lương. Đ.T.N (sinh năm 1961) trú tại thị trấn Vân Du (Thạch Thành) đang chấp hành án tại Trại giam Thanh Phong cũng vậy, vừa được giảm từ án chung thân xuống khung 30 năm... Kết quả giảm án không những là sự kiên trì làm lại sau 12 năm dài đằng đẵng của phạm nhân, mà còn là sự quan tâm, giúp đỡ bằng cả lương tâm và trách nhiệm của tập thể cán bộ, chiến sĩ các trại giam.
Thế mới biết, sẽ chẳng bao giờ là muộn màng cho những cố gắng, nỗ lực. Đảng, Nhà nước và xã hội luôn rộng mở cho những lầm lỗi hoàn lương. Ở trong tù, có những “đáp án” thực tế đã khẳng định cho triết lý ấy.
Từ năm 2022 đến nay, Trại giam Thanh Phong đã tổ chức 6 đợt xét, đề nghị và được cấp có thẩm quyền quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 6.832 lượt phạm nhân. Đồng thời tổ chức 5 đợt xét, được quyết định tha tù trước thời hạn cho 63 phạm nhân. Năm 2024, trại có 67 phạm nhân được hưởng đặc xá. Tại Trại giam Thanh Cẩm, trong thời gian từ năm 2022 đến nay đã có 5.069 lượt phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, 42 phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện và 49 phạm nhân được hưởng đặc xá. |
Phóng sự của Đỗ Đức
Bài cuối: Gieo mầm thiện trong những phận đời tội lỗi
{name} - {time}
-
2025-01-10 17:27:00
Chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” năm 2025 tại Hoằng Hóa
-
2025-01-10 16:56:00
Phiên chợ đặc biệt dành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
-
2024-12-07 10:44:00
Kênh giảm nghèo hiệu quả
Sắp xếp dân cư vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi
Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho giáo viên, học sinh các trường chuyên biệt khu vực phía Bắc
Một số thiếu sót trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công tại Bộ Y tế
Đường về... lương tâm (Bài 1): Nợ đời phải trả...
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 trao “Nhà Đại đoàn kết” tại huyện Quan Sơn
Mừng vì “Nhà tạm lánh” vắng “khách”
Hội viên nòng cốt trong phong trào phụ nữ
Tháo dỡ công trình xây trái phép trên đất quốc phòng tại Hà Trung
Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn