(Baothanhhoa.vn) - Thực tế cho thấy, những tác động mạnh mẽ và kéo dài của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân trên mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Xu hướng du lịch an toàn, dịch vụ không chạm, du lịch nội địa, không gian mở... đang dần chiếm ưu thế. Cùng với đó, du khách còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường tại mỗi điểm đến.

Xu hướng du lịch và sự thay đổi hành vi của du khách hậu COVID-19

Thực tế cho thấy, những tác động mạnh mẽ và kéo dài của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân trên mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Xu hướng du lịch an toàn, dịch vụ không chạm, du lịch nội địa, không gian mở... đang dần chiếm ưu thế. Cùng với đó, du khách còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường tại mỗi điểm đến.

Xu hướng du lịch và sự thay đổi hành vi của du khách hậu COVID-19Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) là một trong những lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến miền Tây xứ Thanh.

Hậu COVID-19, các thuật ngữ “du lịch xanh”, “du lịch thân thiện môi trường”, “du lịch không rác thải nhựa”... không còn xa lạ với du khách và có chiều hướng gia tăng trong việc lựa chọn dịch vụ của du khách. Bởi vậy, cùng với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch (ngày 15-3), ngành du lịch Thanh Hóa đã tích cực, chủ động xây dựng hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Trên cơ sở đó, các địa phương, điểm đến đẩy mạnh việc thiết lập và công bố các “điểm du lịch xanh”, “tuyến du lịch xanh”. Đồng thời, quan tâm đến việc đầu tư, thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch... phát triển “du lịch xanh”. Hơn nữa, trong xu thế hiện nay, khi sự quan tâm của du khách đến môi trường tự nhiên ngày càng tăng thì việc phát triển những sản phẩm du lịch an toàn, có chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn của điểm đến du lịch.

Chia sẻ về xu hướng du lịch thời kỳ hậu COVID-19, đại diện một số đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh cho biết, hiện nay các điểm đến nghỉ dưỡng biển, sinh thái cộng đồng đang dẫn đầu xu hướng. Tại Thanh Hóa, du lịch nội tỉnh chủ yếu tập trung vào hành trình 1 - 2 ngày, với các tour du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch đường sông như: tour Pù Luông 2 ngày 1 đêm; tour Sầm Sơn - Pù Luông 2 ngày 1 đêm; tour ngược xuôi sông Mã 1/2 ngày; nghỉ dưỡng biển 2 ngày 1 đêm... Đối với các hành trình trong nước, các tour được nhiều du khách quan tâm và lựa chọn bao gồm: Côn Đảo 2 ngày 1 đêm; Phú Quốc 4 ngày 3 đêm; Nha Trang 3 ngày 2 đêm; Đà Lạt 3 ngày 2 đêm...

Cùng với xu hướng “du lịch xanh”, du lịch an toàn, có thể nhận thấy, ý thức bảo vệ môi trường của du khách ngày càng được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Theo một chương trình khảo sát “Tương lai của du lịch” do Booking.com mới thực hiện gần đây, với sự tham gia của 500 du khách Việt Nam cho thấy, dịch COVID-19 đã tác động và thay đổi nhận thức du khách: 59% du khách bắt đầu tìm kiếm cách đi du lịch bền vững hơn để giảm tác động lên môi trường và cộng đồng địa phương, 54% tránh đi du lịch mùa cao điểm, 52% cân nhắc giảm lượng rác thải và tái chế nhựa, 81% hy vọng ngành du lịch có thể đưa ra thêm nhiều lựa chọn du lịch bền vững... Đây là gợi ý để các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng chuyển đổi cách làm, tăng cường sử dụng vật liệu tái chế hoặc tự hủy trong hệ thống sản phẩm để vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo nên những trải nghiệm ấn tượng cho du khách.

Ông Lê Minh Trình, Phó Giám đốc khu nghỉ dưỡng Bocbandi Retreat (Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, huyện Bá Thước) cho biết: Nếu như trước đây du khách chủ yếu tập trung vào thời điểm cuối tuần thì nay đã có sự dịch chuyển. Trong 2 tháng (tháng 5, 6), khoảng thời gian từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, công suất phòng tại khu nghỉ dưỡng Bocbandi đạt 60 - 70% và đạt 100% công suất vào cuối tuần. Không chỉ tại các khu nghỉ dưỡng, mà du khách khi đến với Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, khi mà yếu tố an toàn trở thành tiêu chí hàng đầu của du lịch, xu hướng “du lịch không chạm” lên ngôi và trở thành xu hướng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Nắm bắt xu hướng, thị hiếu của khách hàng, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã triển khai ứng dụng đặt dịch vụ du lịch và thanh toán trực tuyến; các ứng dụng đặt phòng, đặt dịch vụ du lịch trực tuyến như: Agoda, VNtrip, Mytour, Traveloka, TripAdvisor... được hầu hết các cơ sở lưu trú 3 - 5 sao trên địa bàn tỉnh kết nối nhằm đón được nhiều hơn dòng khách tự do.

Theo ông Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh: Cùng với việc đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để thu hút du khách, các doanh nghiệp du lịch cần có sự nhạy cảm trong nắm bắt xu hướng, thị hiếu khách hàng để xây dựng những sản phẩm mới. Sức hấp dẫn, độc đáo của sản phẩm mang tính đặc trưng chính là yếu tố then chốt để đưa tới quyết định đi du lịch của du khách. Trong đó, những sản phẩm du lịch mang tính chiến lược và cốt lõi giai đoạn này của du lịch Thanh Hóa có thể kể đến như: du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch khám phá và trải nghiệm; các tour du lịch khép kín; du lịch cắm trại; du lịch sinh thái cộng đồng... Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu để xây dựng những sản phẩm du lịch mới như: du lịch cho người lớn tuổi, du lịch golf, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao... tạo đa dạng sản phẩm phù hợp cho từng phân khúc thị trường.

Bài và ảnh: Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]