(Baothanhhoa.vn) - Ở làng chài, người dân thường thức dậy rất sớm. Còn với du khách, buổi sáng cũng không thể ngủ nướng được, họ chộn rộn bởi tiếng cười nói, gọi nhau; của mùi cá, tôm...

Một ngày ở làng biển Nghi Sơn...

Ở làng chài, người dân thường thức dậy rất sớm. Còn với du khách, buổi sáng cũng không thể ngủ nướng được, họ chộn rộn bởi tiếng cười nói, gọi nhau; của mùi cá, tôm...

Một ngày ở làng biển Nghi Sơn...Một góc xã đảo Nghi Sơn. Ảnh: C.A

Chúng tôi đến xã đảo Nghi Sơn, còn gọi là cù lao Bãi Biện hay đảo Biện Sơn (thị xã Nghi Sơn) vào những ngày khi không khí xuân đang trôi đến chặng cuối và mùa hè còn đang ngấp nghé phía xa xa. Tiết trời dễ chịu đến không tưởng, những cơn gió man mát như len lỏi vào trong chiếc áo khoác mỏng, nắng mặt trời lấp ló từ phía biển... khung cảnh thật nên thơ.

Chợ cá Nghi Sơn họp từ rất sớm. Chưa đến 5h sáng, bà con đã ra chợ. Lúc này hải sản tươi ngon, giãy đành đạch. Trong khi đàn ông chạy vội với những xe chở hải sản, chở đá để ướp cá, thì phụ nữ lại chầm chậm tìm xem nhà nào có mớ cá, mớ moi tươi nhất, ngon nhất mà giá lại rẻ nhất. Ông Trần Văn Nhanh, thôn Bắc Sơn, xã Nghi Sơn nói với tôi: “Ở đây chỉ cần 5.000 đồng mua moi tươi về xào với khế chua, ăn cùng bánh đa kèm cút rượu nhỏ là ông bà tôi có bữa ăn đủ đạm, đủ vui”.

Xã Nghi Sơn có diện tích khoảng 3,07km2 dân số trên 10.000 người. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Những năm gần đây, Nghi Sơn đang bắt tay vào làm du lịch cộng đồng. So với một số điểm du lịch trong tỉnh, du lịch Biện Sơn hiện đang là điểm đến khá hấp dẫn.

Trước đây, từ đất liền muốn ra đảo, người dân phải dùng thuyền nhưng sau này, do tác động của quá trình kiến tạo địa chất và con người quai đê lấn biển, Biện Sơn được nối với đất liền thành một dải. Việc đi lại chủ yếu là đường núi nhỏ hẹp nhưng dễ dàng và thuận tiện hơn. Hiện nay, xã đảo này đang vươn mình, những con đường từ trung tâm thị xã vào xã ngày càng to hơn. Duy những con ngõ thì vẫn nhỏ, đúng kiểu của cư dân vùng biển.

Đứng từ trên cao nhìn xuống, du khách sẽ nhìn thấy cù lao nổi lên giữa một vùng sóng nước mênh mông nằm trong cửa Bạng. Và được tận mắt ngắm cảnh mênh mang sóng nước với những kiến tạo độc đáo mà thiên nhiên ban tặng, được nghe tiếng sóng, tiếng thuyền bè tấp nập và cả những lao xao chợ cá buổi sớm hôm, được hòa mình vào với nhịp sống mộc mạc, cần lao của những cư dân xóm nhỏ...

Đâu chỉ có vậy, mảnh đất này hấp dẫn du khách còn bởi những dấu tích văn hóa vừa mang đậm giá trị lịch sử lại vừa gắn liền với những huyền thoại đẹp được lưu truyền trong dân gian. Đó là những chuyện về Giếng Ngọc cùng với huyền tích về Mỵ Châu - Trọng Thủy với đền thờ Mỵ Nương công chúa, Vũng Ngọc. Nếu giếng Ngọc chỉ là huyền thích thì trên cái tên Biện Sơn đủ để người ta nhớ đến giai đoạn lịch sử thời Vua Quang Trung với tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Theo tài liệu sử sách ghi lại, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc năm 1788-1789, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn giữ vai trò quan trọng trong các chiến lược đánh quân xâm lược nhà Thanh (Trung Quốc) của đại quân Tây Sơn do Quang Trung thống lĩnh. Di tích đền thờ Vua Quang Trung luôn nhắc mỗi người đặt chân tới mảnh đất này khắc ghi công ơn của người anh hùng áo vải. Đền có vị trí đẹp, phía trước mặt hướng ra biển, nơi có những chiếc tàu cá neo đậu. Vì thế mỗi ngư dân khi đi biển đều có thể dừng chân ở đền thắp một nén nhang hoặc bái vọng cầu mong một chuyến vươn khơi thuận buồm xuôi gió. Hiện trong đền còn lưu giữ bia đá, đôi voi đá cổ, tượng đá và khẩu thần công được xác định có từ lúc khởi dựng đền thờ cách đây hơn 200 năm.

Hàng năm, lễ hội Quang Trung được tổ chức vào ngày mùng 5 - 7 tháng Giêng với các nghi thức truyền thống: rước kiệu, dâng lễ vật, tế lễ, đọc chúc văn để cầu mong thần linh, Vua Quang Trung phù hộ che chở một mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè ra khơi về lộng an toàn. Sau phần lễ là phần hội diễn ra với các làn điệu dân ca, trò diễn mang đậm yếu tố văn nghệ dân gian biển đảo như: hò sông nước, kéo co, bơi thuyền...

Một ngày ở làng biển Nghi Sơn...Cá về bến. Ảnh: C.A

Trên cơ sở phòng tuyến Biện Sơn đã được quân Tây Sơn lập ra trước đó, pháo đài Tĩnh Hải trên đỉnh núi Ngọc đã được xây dựng. “Đại Nam nhất thống chí”, Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: Từ đầu đời Gia Long, triều Nguyễn đã cho xây đảo Biện Sơn tại cửa Bạng “chu vi 58 trượng, 8 thước, 8 tấc; cao 8 thước 2 tấc, có một kỳ đài, một nhà quân, 12 khẩu đại bác, 1 kho thuốc súng”. Đến đời Minh Mạng (năm thứ 9) cho xây “pháo đài Tĩnh Hải ở Biện Sơn, chu vi 11 trượng 8 thước; cao 5 thước, 5 tấc; có một kỳ đài, một nhà quân và 4 khẩu đại bác”. Dấu tích của các công trình quân sự này (đảo Biện Sơn và pháo đài Tĩnh Hải) đến nay vẫn còn tường thành gạch đá xây dựng bao quanh như thuở xưa.

Đến với xã đảo, du khách không nên bỏ qua những con ngõ nhỏ. Xuyên qua các con ngõ, chúng tôi được giới thiệu về 3 giếng cổ. Vẫn là chuyện đoàn quân Tây Sơn tiến ra Bắc đại phá quân Thanh, luôn mang theo người Chăm để đào giếng lấy nước phục vụ đời sống sinh hoạt cho quân sĩ.

Thông thường ở bất kể làng quê Bắc bộ và Trung bộ nào, gắn trong tiềm thức của chúng ta là những chiếc giếng tròn, thì đến đây, chúng ta bắt gặp giếng vuông, dưới nhỏ trên to. Giếng Giận ở xóm Chùa, thôn Nam Sơn; giếng Uống ở xóm Giếng, thôn Nam Sơn và giếng Bà Vải ở xóm Lầu, thôn Trung Sơn từ lâu bà con không dùng nước giếng để sinh hoạt, chỉ thảng hoặc để rửa hoặc tưới cây. Anh Nghiêm Xuân Hùng, thôn Trung Sơn, xã Nghi Sơn, chia sẻ: "Phải công nhận, các cụ ta xưa quá giỏi. Ngoài kỹ thuật tạo dựng giếng, kỹ thuật khai thác mạch nước ngầm tạo nên những dòng nước ngọt và trong. Đã có thời kỳ chính những mạch nước ở các giếng cổ này đã giúp đời sống bà con chúng tôi không bị thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, cứ dịp cuối năm thì bà con lại tổ chức vét giếng, dọn dẹp sạch sẽ. Đây cũng là điều mà ông Trần Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Dù nằm sát biển, nhưng giếng không bị nhiễm mặn. Nước giếng ở đây trong lành, chưa bao giờ cạn. Hiện nay, nhiều người dân trong xã không còn sử dụng nước giếng, nhưng với những giá trị về mặt thời gian, đặc trưng dấu ấn của văn hóa Chămpa với kỹ thuật khai thác mạch nước ngầm, cấu trúc tạo dựng giếng, việc giữ gìn và bảo tồn những giếng cổ này là cần thiết.

Một ngày ở làng biển Nghi Sơn...

Cá về bến. Ảnh: C.A

Dẫu thời tiết này chúng tôi chưa được ngụp lặn dưới những con sóng tung trắng xóa, nhưng cũng không thể không lượn vài vòng bên bờ biển. Vắng người, càng khiến tôi cảm giác mình thật nhỏ bé trước không gian bao la của biển trời. Chúng tôi vào khu Nghi Sơn eco island. Nhân viên đang bắt đầu chỉnh trang lại không gian để chuẩn bị cho mùa du lịch sắp đến gần, và gần nhất là kỳ nghỉ 30-4. Nếu đến đây vào mùa hè chắc chắn bạn sẽ nhìn thấy những chiếc ô xòe rộng trên bãi cát. Bạn sẽ làm đôi con mực câu phơi một nắng, hoặc phơi khô và vài ba chai bia nhâm nhi, quên đi cái nắng nóng khó chịu, để tận hưởng đặc sản gió biển nơi đây.

Đặc biệt theo thông tin mới nhất, từ đầu tháng 4 năm nay sẽ có tour du lịch đảo Mê. Quả thực, nếu được khám phá hòn đảo xinh đẹp, được nhìn nhưng con chồn, sóc nhảy nhót chuyền cành du khách sẽ được thả mình vào khung cảnh nên thơ và mơ mộng. Trời dần về chiều, thả bước chân trên bãi cát dài hít một hơi thật dài cho không khí căng tràn lồng ngực. Về với biển, dù chỉ một ngày cũng đủ để mỗi người được hòa mình vào thiên nhiên, được cảm nhận vẻ đẹp của vùng biển xinh đẹp và hơn hết để thấy rằng cuộc sống đang từng ngày trôi thật bình yên. Xã đảo Nghi Sơn chỉ là nét chấm phá trong bức tranh du lịch của thị xã Nghi Sơn nói riêng, xứ Thanh nói chung, nhưng thực sự là một điểm khám phá mà du khách không thể bỏ qua.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]