Dự án trọng điểm tạo đà bứt phá cho khu kinh tế
Bước vào thực hiện Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN), các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt chỉ đạo hoạt động sản xuất và triển khai nhiều dự án trọng điểm. Cùng với đó, nhiều đề án lớn, kế hoạch đã được phê duyệt. Nhiều thể chế, cơ chế, các quy định về chính sách được sửa đổi và kịp thời ban hành mới. Đây là những “bước đệm” đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu kinh tế trọng điểm vượt khó qua “bão dịch” và tạo động lực thu hút các dự án mới.
Điều hành sản xuất tại Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Cùng với vận hành ổn định, trung bình đạt tới 114% công suất thiết kế kể từ sau khi bảo dưỡng tổng thể cuối năm 2023, trong năm 2024, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã lần đầu tiên xuất bán thành công dòng sản phẩm Dầu Diesel 10 ppm có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp, chỉ 10 phần triệu (ppm) ra thị trường trong nước. Đây là sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt nhất, giúp cải thiện hiệu suất sử dụng nhiên liệu và giảm thiểu việc bảo trì động cơ, đồng thời góp phần mang lại môi trường sạch và xanh hơn.
Theo đại diện nhà máy, hoạt động sản xuất, kinh doanh, các chỉ tiêu về xuất khẩu của nhà máy đều trên đà tăng trưởng khá. Điển hình như 10 tháng năm nay, nhà máy đã sản xuất 3,061 triệu tấn xăng, tăng 39% so cùng kỳ; gần 5,2 triệu tấn dầu diesel, tăng 49,2% so với cùng kỳ. Các sản phẩm hóa dầu cũng đã được nâng dần tỷ trọng lên khoảng 20% tổng cơ cấu sản phẩm. Nhiều sản phẩm hóa dầu sau một thời gian ngắn xuất hiện trên thị trường đã “lọt” vào danh mục sản phẩm công nghiệp chủ yếu và xuất khẩu thành công như benzen; p-xylen; lưu huỳnh dạng hạt...
Ông Kazutaka, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cho biết: “Công ty đang tập trung nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và tái cấu trúc quản trị nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất. Trong kế hoạch sản xuất năm 2025 đang chờ Bộ Công Thương phê duyệt, chúng tôi đã đề xuất kế hoạch sản xuất, kinh doanh với công suất dự kiến tăng lên từ 115% - 120% so với thiết kế. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh nguồn nhập dầu thô từ Cô-Oét và nhập khẩu thêm sản lượng LPG phục vụ máy phát điện, giúp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và hiệu quả sản xuất của nhà máy”.
Từ năm 2021 đến nay, cũng là thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do đứt gãy nguồn cung, lạm phát kinh tế từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, nhiều nhà máy lớn tại KKTNS vẫn hoạt động hiệu quả. Cùng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, các nhà máy nhiệt điện đã phát huy tối đa công suất, cung ứng nhiều tỷ kWh điện lên lưới quốc gia. Các sản phẩm dầu ăn, xi măng, thép... không ngừng nâng cao chất lượng và “phủ” các thị trường tiêu thụ. Đóng góp của các sản phẩm trọng điểm này đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp - dịch vụ tại KKTNS từ năm 2021 đến nay lên tới 1.132.625 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch 5 năm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cán mốc 14 tỷ USD, bằng 82% kế hoạch. Từ năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp tại KKTNS đã đóng góp ngân sách lên tới con số 119.338 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch 5 năm. Đây cũng là động lực chính đưa Thanh Hóa gia nhập “câu lạc bộ 50.000 tỷ” về thu ngân sách Nhà nước.
Tàu cập Cảng Nghi Sơn bốc xếp hàng hóa.
Ngoài tạo thuận lợi cho các dự án đã vận hành tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, công tác triển khai nhiều dự án lớn trên địa bàn KKTNS được chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, KKTNS đã thu hút thêm 141.095 tỷ đồng dòng vốn đầu tư. Một số dự án đã đi vào vận hành, đóng góp thêm các sản phẩm mới như: Nhà máy xi măng Đại Dương 1, 2; Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2; Nhà máy giấy bao bì Miza Nghi Sơn... Nhiều dự án công nghiệp lớn đang được tăng tốc đầu tư và sẽ đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới tiềm năng, như: Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I; Nhà máy sản xuất vải Billion Union Việt Nam; Dự án Đầu tư hạ tầng KCN Đồng Vàng; Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương; Nhà máy Nghi Sơn Global; Nhà máy cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn. Ban Quản lý KKTNS&CKCN cũng đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn với tổng vốn dự kiến khoảng 58.026 tỷ đồng và đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.
Theo đại diện Ban Quản lý KKTNS&CKCN, đơn vị đang tiếp tục chú trọng công tác lập quy hoạch, xúc tiến đầu tư, lựa chọn những dự án, lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư để tập trung thu hút; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội tại KKTNS. Ban cũng đang đề xuất các ngành quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp. Cùng với công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thực hiện công tác chuyển đổi số của các đơn vị cấp tỉnh, kỳ vọng sẽ đưa KKTNS tiếp tục hấp dẫn nhiều tổ hợp công nghiệp mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, khu vực và cả nước.
Bài và ảnh: Minh Hằng
{name} - {time}
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2024-11-21 15:48:00
Giá xăng, dầu lại đồng loạt giảm
-
2024-11-14 09:29:00
Nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác thi công hotline trung thế
Hiệu quả thi hành Luật Lâm nghiệp
Tiết kiệm hôm nay - Tươi sáng ngày mai
Thông báo về việc tài trợ Dự án Khu dân cư phường Quảng Thành của Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á
Giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần hai tháng
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2025
Bản tin Tài chính 13/11: Giá vàng xuống mức thấp nhất trong gần hai tháng, thị trường chờ đợi 3 dữ liệu quan trọng
Tại sao giá vàng giảm mạnh sau chiến thắng của Trump?
Nga Sơn nâng cao giá trị sản xuất vụ đông
Thêm nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn