(Baothanhhoa.vn) - Đồng chí Phạm Hùng là người con của vùng đất Nam bộ giàu truyền thống yêu nước. Truyền thống tốt đẹp ấy đã thấm đẫm trong huyết quản để thôi thúc người chiến sĩ cộng sản dành trọn cuộc đời để tranh đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân. Sự nghiệp cách mạng trải suốt 60 năm của đồng chí là tấm gương đạo đức ngời sáng của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11-6-1912 - 11-6-2022):

Đồng chí Phạm Hùng – tấm gương cao đẹp của người cộng sản chân chính!

Đồng chí Phạm Hùng là người con của vùng đất Nam bộ giàu truyền thống yêu nước. Truyền thống tốt đẹp ấy đã thấm đẫm trong huyết quản để thôi thúc người chiến sĩ cộng sản dành trọn cuộc đời để tranh đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân. Sự nghiệp cách mạng trải suốt 60 năm của đồng chí là tấm gương đạo đức ngời sáng của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất.

Đồng chí Phạm Hùng – tấm gương cao đẹp của người cộng sản chân chính!Đồng chí Phạm Hùng cùng lãnh đạo Bộ Công an đến thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội (Xuân Quý Hợi - 1983). Ảnh: tư liệu

Tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Hùng (tên khai sinh là Phạm Văn Thiện) đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Song, ít ai biết chàng trai trẻ sinh ra từ cái nôi gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước (ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Long Bình, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), đã sớm được hun đúc và nuôi dưỡng một bầu nhiệt huyết yêu nước và tinh thần sục sôi tranh đấu. Để rồi, khi gặp được ánh sáng lý tưởng cách mạng và được kết nạp vào Đảng (năm 1930), đồng chí đã nhanh chóng trở thành hạt nhân lãnh đạo của nhiều tổ chức cơ sở đảng. Năm 1931, khi bị thực dân Pháp bắt, kết án tử hình rồi giảm án xuống khổ sai chung thân và đày ra Côn Đảo (ngày 17-1-1934), đồng chí được bổ sung vào chi ủy nhà tù Côn Đảo, rồi được cử làm Bí thư Đảo ủy.

Gần 15 năm bị tù đày, trong đó 12 năm bị giam giữ tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng đã trở thành một biểu tượng của “tinh thần thép”, bởi khí phách cách mạng cao đẹp, sự kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng. Đồng chí đã cùng chi ủy, chi bộ lãnh đạo tù nhân đấu tranh quyết liệt đòi giảm nhẹ chế độ tù khổ sai, cải thiện chế độ sinh hoạt nhà tù; trực tiếp tham gia tổ chức nhiều lớp học tập văn hóa, học tập lý luận nâng cao trình độ chính trị, củng cố lập trường tư tưởng, giữ vững lý tưởng và niềm tin vào tương lai của cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản, các tù thường phạm và các bạn tù thuộc các đảng phái khác. Qua đó, góp phần biến nhà tù trở thành trường học cộng sản, đào tạo lớp cán bộ cách mạng trưởng thành ngay trong nhà tù. Trong khí thế Cách mạng Tháng Tám, với tư cách Bí thư Đảo ủy, đồng chí đã lãnh đạo tù nhân đứng lên giải phóng nhà tù Côn Đảo lần thứ nhất (1945).

Sau khi từ Côn Đảo trở về đất liền (tháng 9-1945), đồng chí Phạm Hùng hoạt động cách mạng ở Sóc Trăng và trải qua nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng. Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam được ký kết, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam bộ; năm 1955, được cử làm Trưởng phái đoàn đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Kiểm soát quốc tế tại Sài Gòn. Tháng 6-1956, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Tháng 4-1958, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa I, đồng chí được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách về kinh tế. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư; tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa III (tháng 6-1964), đồng chí tiếp tục được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách kinh tế, tài chính, ngân hàng, nội thương, ngoại thương.

Từ năm 1967 đến năm 1975, đồng chí được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp vào chiến trường chỉ đạo cuộc kháng chiến chống để quốc Mỹ xâm lược. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí được giao trọng trách thay mặt Đảng, Chính phủ lãnh đạo, điều hành các công việc của Đảng và Nhà nước ở miền Nam. Nước nhà thống nhất, đồng chí tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (tháng 6-1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng của Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Đồng chí Phạm Hùng được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến quan trọng, góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó nhiều trọng trách quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước. Trong công tác, thời chiến cũng như trong thời bình, đồng chí luôn thể hiện phong cách làm việc khoa học, có chương trình, kế hoạch và nguyên tắc nhưng không máy móc; đồng thời, thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ của một nhà lãnh đạo tài năng. Đặc biệt, tình hình đất nước trong những năm đầu đổi mới gặp vô vàn khó khăn, khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng, các thế lực thù địch thực hiện cấm vận bao vây, phá hoại nhiều mặt, hòng làm đất nước ta kiệt quệ về kinh tế. Bấy giờ, trên cương vị đứng đầu Chính phủ, đồng chí Phạm Hùng đã khẳng định trước Quốc hội: “Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và Nhân dân”. Để rồi, bằng sự quyết tâm, nhiệt huyết và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của đồng chí trong những năm tháng chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn thời kỳ đầu đổi mới đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Đồng thời, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm của một nhà lãnh đạo chủ chốt, cùng với những quyết sách của Đảng và Nhà nước, đã đưa đất nước thoát dần khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu, trì trệ và từng bước phát triển.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với 58 tuổi Đảng, 60 năm hoạt động cách mạng phong phú, đồng chí Phạm Hùng đã trở thành một nhà cách mạng tiền bối mẫu mực, một biểu tượng của tinh thần kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Do đó, kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là dịp để một lần nữa khẳng định những cống hiến lớn lao của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; đồng thời bồi dưỡng truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Qua đó, tiếp tục khơi dậy và nhân lên ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]