(Baothanhhoa.vn) - Con số địa phương trong tỉnh phải nhận gạo cứu trợ đã giảm nhanh trong 3 năm gần đây, được xem là tín hiệu rất đáng mừng.

Tinh thần tự chủ

Con số địa phương trong tỉnh phải nhận gạo cứu trợ đã giảm nhanh trong 3 năm gần đây, được xem là tín hiệu rất đáng mừng.

Tinh thần tự chủ

Ảnh minh họa.

Cách đây ít năm chúng ta chứng kiến huyện miền núi Như Xuân tiên phong “bước” ra khỏi danh sách những huyện đặc biệt khó khăn thuộc diện 30a của cả nước, đã tạo ra động lực, khát vọng vươn lên cho các huyện nghèo trong tỉnh. Và lần này, nhìn vào con số xin hỗ trợ gạo của tỉnh dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa giáp hạt 2024, dù chỉ được xem là một lát cắt, nhưng đang thắp lên những hy vọng về sự tiến bước trong công cuộc thoát nghèo ở khu vực miền núi xứ Thanh.

Hãy nhìn lại con số: Năm 2022 Thanh Hóa có 5 huyện miền núi là Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Bá Thước và Mường Lát xin nhận gạo cứu đói để phát cho Nhân dân trên địa bàn; năm 2023 diện này giảm xuống còn 3 huyện: Thường Xuân, Quan Hóa và Mường Lát; và năm nay, chỉ còn duy nhất huyện Quan Hóa không tự đảm bảo được đời sống Nhân dân trên địa bàn, nên đề nghị tỉnh hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa giáp hạt năm 2024.

Qua những con số cho thấy các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo đầu tư vào khu vực miền núi Thanh Hóa trong những năm gần đây đã cơ bản làm thay đổi diện mạo, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của nhiều huyện. Cùng với đó là sự quan tâm rất lớn của tỉnh thông qua việc ban hành Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025; từ đó cụ thể hóa thành nhiều cơ chế, chính sách, đề án rất thiết thực với đồng bào, đem sinh kế, đời sống mới đến cho đồng bào để từng bước thoát nghèo.

Riêng với huyện miền núi đặc biệt khó khăn là Mường Lát, năm 2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành riêng Nghị quyết số 11-NQ/TU tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, và qua một năm tỉnh quyết liệt chỉ đạo, tết này niềm vui đã đến với vùng đất khó khăn này. Trong đó, biểu hiện sinh động nhất chính là huyện đã tự chủ được nguồn lương thực bảo đảm đời sống Nhân dân trong dịp tết và mùa giáp hạt, chính thức rút tên khỏi danh sách địa phương phải xin tỉnh cứu trợ gạo.

Khẳng định giá trị và tác động từ các chính sách miền núi và dân tộc mà Nhà nước và tỉnh đã dành cho khu vực miền núi xứ Thanh, cũng phải khẳng định tinh thần tự chủ, dám chấp nhận vươn lên của các cấp ủy, chính quyền nơi đây.

Xin cứu trợ và nhận gạo cứu trợ lâu nay đã là một phần không thể thiếu với nhiều gia đình, nhiều địa phương, thậm chí việc “đi xin” cấp trên đã ăn vào nếp nghĩ của một bộ phận cán bộ. Chấp nhận không nhận cứu trợ, dù biết sẽ phải đối mặt với khó khăn, nhưng cũng là môi trường để rèn luyện, từng bước thoát ly, xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại, để dần hướng tới mục tiêu tự lực, tự cường. Mạnh dạn, dũng cảm, cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi chính quyền các địa phương sẽ phải quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo; người dân cũng phải nỗ lực hơn nữa trong sản xuất và đời sống, để tạo ra những sinh kế bền vững...

Chúng ta hoan nghênh tinh thần đó, và cùng cổ vũ.

Thái Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]