(Baothanhhoa.vn) - Vì những lợi ích trước mắt mà nhiều người đã không nhìn ra mối nguy hại từ thiên tai. Điều này cần phải thay đổi càng sớm càng tốt để chúng ta xây dựng được những cộng đồng vững vàng trước sự thịnh nộ của thiên nhiên.

Nâng cao sức “đề kháng” trước thiên tai

Vì những lợi ích trước mắt mà nhiều người đã không nhìn ra mối nguy hại từ thiên tai. Điều này cần phải thay đổi càng sớm càng tốt để chúng ta xây dựng được những cộng đồng vững vàng trước sự thịnh nộ của thiên nhiên.

Nâng cao sức “đề kháng” trước thiên tai

Ảnh minh họa.

Để hạn chế thấp nhất có thể thiệt hại do thiên tai gây ra, cùng với sự chủ động của chính quyền và các cơ quan chức năng, thì sự phối hợp có trách nhiệm của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Thế nhưng, tiếc là điều đó lại chưa diễn ra thường xuyên và rộng khắp, chưa trở thành ý thức thường trực trong suy nghĩ, nhất là với nhiều người dân ở những địa phương có nguy cơ cao xảy ra thiên tai.

Thảo luận về công tác phối hợp phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại hội nghị giao ban giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới đây, một số đại biểu đã chia sẻ rằng, trong quá trình tuyên truyền, vận động ngư dân đưa phương tiện vào nơi trú ẩn để tránh ảnh hưởng của bão, một số chủ phương tiện đã cố tình chây ỳ, không tuân theo hướng dẫn. Có những tàu, thuyền còn trốn kiểm định, tắt thiết bị liên lạc, nên khi có bão hoặc thời tiết xấu không nhận được thông báo, hướng dẫn phòng tránh. Đây là thông tin đem lại nhiều lo lắng và nếu như không có biện pháp để thay đổi, ngăn chặn, thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Vì những lợi ích trước mắt mà nhiều người dân đã không nhìn ra hậu họa lâu dài, gồm cả tính mạng của chính mình có thể bị thiên tai cướp đi bất cứ lúc nào. Không chỉ ngư dân trên biển, mà người dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, vùng nuôi trồng thủy sản ven biển cũng thế. Nhiều người vì lo lắng cho tài sản của mình bị bỏ lại trong mưa bão sẽ bị thiên tai “cướp” đi mất nên cố tình ở lại. Nhưng thực tế là họ có ở lại cũng không thể giúp giành giật lại được nguyên vẹn những lồng bè, diện tích nuôi trồng, mà có thể còn mất mạng. Ngư dân và người nuôi trồng thủy sản cố tình ở lại trên biển còn bởi nhiều người tự tin dựa vào thứ được cho là kinh nghiệm sống của mình.

Thiên tai nghiệt ngã, chỉ khi phải hứng chịu sự cuồng nộ của thiên tai, thì người dân mới thấm thía nỗi đau, nhưng khi ấy thì đã quá muộn rồi. Vì thứ gọi là kinh nghiệm và quá tự tin ấy mà nhiều người đã phải trả giá vô cùng đắt bằng mạng sống.

Những ngày gần đây thông tin lũ quét, sạt lở đất đá, mất tích trên biển... liên tục dội vào lòng người sự lo lắng, bất an. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, mọi quy luật về thiên tai đang dần thay đổi, càng gia tăng thêm mức độ rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào. Chỉ có nâng cao ý thức, tăng cường hơn nữa trách nhiệm phối hợp để chủ động phòng, chống thiên tai mới là thứ “kháng sinh” tốt nhất giúp nâng cao sức “đề kháng” của con người trước sự tấn công của thiên tai.

Là địa bàn có nhiều điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, cũng như có lực lượng ngư dân và phương tiện đánh bắt trên biển lớn, diện tích nuôi trồng thủy sản nhiều, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn càng trở nên hết sức quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa. Ngày 1-8-2023 Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có công điện về ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các địa phương, các sở, ngành, cơ quan chức năng trong tỉnh, yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Cùng với đó tiến hành kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra...

Bây giờ mới là nửa đầu mùa mưa bão, trong tháng 8 và 9-2023 dự báo sẽ còn xảy ra những đợt thiên tai trên diện rộng, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, bão đổ bộ vào vùng biển và đất liền Thanh Hóa vẫn treo lơ lửng trên đầu. Cùng với tăng cường các biện pháp ứng phó theo đúng tinh thần chỉ đạo, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân. Chỉ khi có sự chủ động hợp tác của người dân, thì các biện pháp phòng, chống mà chính quyền và cơ quan chức năng triển khai mới đem lại tác dụng cao nhất.

Thái Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]