(Baothanhhoa.vn) - Việc đơn hàng từ các nước tăng mạnh trong những tháng cuối năm, đang tạo động lực giúp các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu trên địa bàn huyện Nông Cống tăng tốc trên “đường đua” xuất khẩu.

Doanh nghiệp may mặc xuất khẩu tăng tốc những tháng cuối năm

Việc đơn hàng từ các nước tăng mạnh trong những tháng cuối năm, đang tạo động lực giúp các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu trên địa bàn huyện Nông Cống tăng tốc trên “đường đua” xuất khẩu.

Doanh nghiệp may mặc xuất khẩu tăng tốc những tháng cuối nămCông nhân may tại Công ty TNHH May xuất khẩu Vạn Lợi, xã Thăng Long (Nông Cống).

Công ty TNHH May xuất khẩu Vạn Lợi, xã Thăng Long là doanh nghiệp chuyên gia công may mặc các sản phẩm quần nữ, áo sơ mi, áo khoác nam, nữ, áo vest nữ, áo phông... Từ nhiều tháng qua, hoạt động sản xuất hàng may mặc của doanh nghiệp này diễn ra rất nhộn nhịp, công nhân phải làm tăng ca để kịp các đơn hàng xuất cho đối tác. Ông Du Xiong Yu, Phó Giám đốc công ty cho biết: 95% sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, còn lại xuất sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan. Từ đầu năm 2024 đến nay, công ty đã xuất khẩu được gần 1 triệu sản phẩm. So với cùng kỳ, lượng hàng xuất đi tăng khoảng 30%. Đến thời điểm này, công ty đã ký được nhiều đơn hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động đến hết năm 2025.

Đơn hàng ký được nhiều và kéo dài, ông Du Xiong Yu cho rằng, ngoài luôn đảm bảo chữ tín về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và thời gian giao hàng đúng hạn như hợp đồng đã ký với đối tác, thị trường xuất khẩu hàng may mặc thời gian gần đây đang “ấm trở lại”. Đảm bảo giao hàng cho đối tác đúng hẹn và đảm bảo chất lượng như hợp đồng đã ký, từ nhiều tháng qua, công ty đã thực hiện tăng ca nhưng không tăng quá số giờ theo quy định. Đồng thời, phát động phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, người lao động trong công ty. Hiện nay, công ty đang tạo việc làm cho 700 lao động, với mức thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng.

Thời điểm này, 700 công nhân xưởng may của Công ty TNHH DREAM F Thanh Hóa (xã Minh Khôi) cũng đang khẩn trương làm việc để kịp các đơn hàng xuất cho đối tác. Các mặt hàng mà doanh nghiệp này chuyên may là quần thể thao và quần chơi golf được xuất sang thị trường Hàn Quốc. Ông Chun Ki Kyung, tổng giám đốc công ty cho biết: Hoạt động trong lĩnh vực may xuất khẩu các loại quần thể thao tại địa bàn huyện Nông Cống đến nay đã được 8 năm, công ty đã xây dựng được uy tín đối với khách hàng. Nhờ đó, các đơn hàng từ phía đối tác luôn duy trì ổn định, không bị đứt gãy. Mục tiêu của doanh nghiệp đặt ra trong năm 2024 là xuất đi 800 nghìn sản phẩm, đến hết tháng 9, công ty đã hoàn thành được 90% kế hoạch. So với cùng kỳ năm 2023, lượng hàng xuất khẩu vượt 20%. Hiện tại công ty đã ký được nhiều đơn hàng, đảm bảo việc làm cho 700 lao động đến hết tháng 4/2025, với mức thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người/tháng.

Được biết, huyện Nông Cống hiện có 20 doanh nghiệp may mặc (trong đó có 8 doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu). Để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may, ngoài tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, huyện Nông Cống còn thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ các doanh nghiệp như Nghị định 80/2021/NĐ-CP, ngày 26/8/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Doanh nghiệp; Nghị quyết 214/2022/NQ-HĐND, ngày 13/4/2022 của HĐND tỉnh về việc ban hành hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã kịp thời nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường khi các thị trường đang trên đà phục hồi và có sự khởi sắc. Ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc và một số nước châu Á. Một số doanh nghiệp may đã bắt đầu tái cấu trúc và đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu nhà mua hàng, cải thiện năng lực cạnh tranh; chuyển đổi phương thức gia công sang các phương thức khác nên đơn hàng vẫn được đảm bảo.

Thời điểm này, có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã ký kết được các đơn hàng sang đến quý II năm 2025, thậm chí một số doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến hết năm 2025. Việc ký kết này, không chỉ góp phần đưa tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu 9 tháng/2024 của các doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn huyện đạt 185 triệu USD, bằng 92,5% kế hoạch năm, tăng 52,9% so với cùng kỳ; mà còn giúp các doanh nghiệp dệt may hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 như kế hoạch đặt ra.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]