Đề nghị điều tra vi phạm của Giám đốc Trung tâm Giám định y khoa Thanh Hóa
Ngày 30/10, thông tin từ Sở Y tế Thanh Hoá cho biết, đã chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm của ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa (GĐYK) tỉnh đến Công an tỉnh để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm.
Giám đốc Trung tâm tự sửa 29 kết quả giám định
Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa vừa ban hành kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Trung tâm GĐYK tỉnh Thanh Hóa, qua đó phát hiện nhiều tồn tại, vi phạm tại đây.
Theo kết luận thanh tra, qua kiểm tra trực tiếp 883 hồ sơ GĐYK lưu trữ tại Trung tâm GĐYK năm 2022, 2023; đồng thời tiến hành thu thập kết quả giám định của 2.424 đối tượng đang được hưởng các chế độ, chính sách quy định đối với người khuyết tật, tai nạn lao động, thương binh, người bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin và quyền lợi của người tham gia BHXH bắt buộc, tham gia các loại hình bảo hiểm thương mại (bảo hiểm nhân thọ...) do cơ quan BHXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 22/27 UBND các huyện, thị xã, thành phố và 6 công ty kinh doanh bảo hiểm cung cấp; đồng thời rà soát, đối chiếu với hồ sơ giám định gốc, sổ họp hội chẩn chuyên môn, sổ họp Hội đồng và sổ trả kết quả giám định hiện đang lưu trữ tại Trung tâm GĐYK, phát hiện thấy trong biên bản GĐYK đã gửi trả cho đối tượng có kết luận về mức độ khuyết tật hoặc mức độ tổn thương cơ thể khác với kết luận trong biên bản giám định y khoa đang lưu trong hồ sơ giám định của Trung tâm GĐYK.
Tại thời điểm thanh tra đã phát hiện thấy có 29 trường hợp được thay đổi kết quả giám định so với hồ sơ giám định gốc. Trong đó, năm 2022 có 9 trường hợp, năm 2023 có 20 trường hợp, gồm: 24 trường hợp giám định về khuyết tật; 3 trường hợp giám định về tai nạn lao động và 2 trường hợp giám định theo yêu cầu.
Làm việc với đoàn thanh tra, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Trung tâm GĐYK Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng GĐYK, thừa nhận cá nhân ông đã tự chỉnh sửa, làm thay đổi nội dung khám và kết quả giám định trong các biên bản GĐYK gửi đi cho 29 đối tượng, so với biên bản GĐYK đang lưu trong hồ sơ giám định.
Cụ thể, đối với biên bản giám định khuyết tật gửi cho đối tượng đã chỉnh sửa, thay đổi kết quả giám định mức độ khuyết tật từ nhẹ thành nặng, hoặc từ nặng thành đặc biệt nặng. Đối với các trường hợp giám định có kết luận về tỷ lệ tổn thương cơ thể thì chỉnh sửa nâng tỷ lệ tổn thương cơ thể cao hơn so với kết quả đang lưu trong hồ sơ giám định của đơn vị.
Giải trình với Thanh tra Sở Y tế, ông Tài thừa nhận mục đích của việc chỉnh sửa, làm sai lệch tỷ lệ khuyết tật, tổn thương cơ thể cho người được giám định là để giúp cho các đối tượng giám định được hưởng lợi từ các chế độ của Nhà nước; số tiền các đối tượng đã hưởng lợi từ việc sửa kết quả giám định tính đến thời điểm thanh tra ước tính khoảng 459 triệu đồng.
Thanh tra Sở Y tế đã kiến nghị Giám đốc Sở Y tế xử lý thu hồi các biên bản giám định đã gửi cho 29 đối tượng, đồng thời có thông báo gửi các địa phương, đơn vị của 29 trường hợp trên được biết để thực hiện việc thu hồi biên bản kết quả GĐYK và 29 đối tượng nộp lại số lợi bất hợp pháp đã có được từ việc thay đổi kết quả GĐYK.
Tồn tại nhiều sai phạm tại trung tâm
Kết luận thanh tra cũng cho thấy, không chỉ sai phạm trong GĐYK, Trung tâm GĐYK tỉnh Thanh Hóa còn tồn tại nhiều sai phạm. Cụ thể, từ ngày 21/4/2023, PKĐK của Trung tâm mới được công bố là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe, thế nhưng năm 2022 đơn vị đã 2 lần ký hợp đồng khám sức khỏe với Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa. Mỗi lần tổ chức khám, đơn vị phải thuê nhân lực và thuê làm các xét nghiệm, chụp X-quang. Kiểm tra hồ sơ công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe của trung tâm và thực tế cho thấy, đơn vị chứa bố trí đủ các phòng khám lâm sàng, cận lâm sàng theo quy định, (thiếu các chuyên khoa ngoại, sản, da liễu, mắt, phòng chụp X-quang...).
Ngày 23/9/2024, Sở Y tế đã thông báo thu hồi khỏi danh sách cập nhật cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe đối với PKĐK thuộc Trung tâm GĐYK tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, đơn vị còn nhiều tồn tại về công tác quản lý, sử dụng thiết bị vật tư y tế; xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm còn căn cứ vào văn bản đã hết hiệu lực thi hành; quy định một số nội dung trong quy chế chưa hợp lý; kiểm soát một số chứng từ chi chưa chặt chẽ, còn thiếu các thủ tục hành chính; trích lập nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn thiếu và chưa đúng tỷ lệ quy định số tiền hơn 259 triệu đồng; việc hạch toán và lập các chứng từ chi thanh toán còn có một số tồn tại, thiếu sót...
Được biết, mỗi năm Trung tâm GĐYK tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận và thực hiện GĐYK cho hàng ngàn trường hợp để xác định tỷ lệ khuyết tật, tổn thương cơ thể làm căn cứ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước và hưởng hỗ trợ từ các đơn vị bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể, năm 2022, Trung tâm GĐYK tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận 1.730 hồ sơ, đã giải quyết trả kết quả 1.508 hồ sơ; năm 2023 tiếp nhận 2.228 hồ sơ, đã giải quyết trả kết quả 2.036 hồ sơ.
Tô Hà
- 2024-10-31 16:15:00
Điểm nóng ngày 31/10: Tạm giữ hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm lượng vàng trong vụ Phúc Sơn, Thuận An, Xuyên Việt Oil
- 2024-10-31 14:50:00
Nâng cao kiến thức pháp luật về quyền dân sự, chính trị
- 2024-10-30 15:59:00
Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại!
Nông Cống chú trọng giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo
Kiềm chế tai nạn giao thông dịp cuối năm
Công an huyện Thạch Thành triệt xóa 13 điểm, bắt giữ 29 đối tượng liên quan đến ma túy
Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng buôn lậu 17 tấn dược liệu qua biên giới
Đại hội đại biểu Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029
Phạt nguội để nâng cao ý thức chấp hành giao thông cho người dân
Huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ bảo đảm ANTT Lễ Kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Được giảm 50% lệ phí khi thực hiện cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến
Bản án thích đáng cho đối tượng ngược đãi cha mẹ