Dấu hiệu leo thang căng thẳng cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine
Thời gian gần đây, nhiều nước phương Tây “bật đèn xanh” cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga. Đây được cho là động thái sẽ làm phức tạp hơn cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, cũng như xu hướng đối đầu Nga-NATO.
Sự điều chỉnh chiến lược của phương Tây
Danh sách các nước phương Tây cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây viện trợ ngày càng mở rộng. Sau Anh, Pháp và các thành viên NATO khác, chính quyền Mỹ và Đức đã cho phép điều này. Ngày 30/5/2024, Tổng thống Mỹ Biden đã ngầm “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để bảo vệ khu vực Kharkov (giáp với Nga). Ngày 31/5/2024, Ngoại trưởng Mỹ Blinken xác nhận thông tin này. Ông Blinken nói rõ, Mỹ chỉ cho phép Ukraine áp dụng với các mục tiêu của Nga đang phát động tấn công vào thành phố Kharkov.
Sau Mỹ, một ông lớn NATO khác nói về việc cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công Nga. Theo Yahoo News, ngày 31/5/2024, Đức cho biết nước này đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Đức cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga. Steffen Hebestreit, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, theo luật pháp quốc tế, “Kiev có quyền tự vệ” trước các cuộc tấn công đến từ lãnh thổ Nga, gần biên giới với Ukraine.
Ngày 31/5/2024, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lưu ý rằng, một số quốc gia NATO và đặc biệt là Anh chưa bao giờ áp đặt hạn chế sử dụng vũ khí của họ. Ông Stoltenberg xác nhận, London đã cung cấp tên lửa hành trình Storm Shadow cho Kiev “trong một thời gian dài mà không có bất kỳ hạn chế nào”. Theo Tổng Thư ký Stoltenberg, các đồng minh phương Tây cho rằng, Ukraine sẽ sử dụng vũ khí nhận được từ phương Tây để “phòng thủ, bao gồm cả việc tấn công các mục tiêu quân sự bên trong Nga”. Đồng thời, NATO mong muốn Ukraine tuân thủ luật pháp quốc tế và hành động “có trách nhiệm”.
Theo trang Gazeta, những động thái trên cho thấy phương Tây đang tiến dần đến bước leo thang nguy hiểm trong cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine nói riêng, xu hướng đối đầu Nga-NATO nói chung. Thời gian qua, mặc dù Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần xin phép các đồng minh sử dụng vũ khí được viện trợ để tấn công bên trong nước Nga, nhưng đây là “giới hạn đỏ” cực kỳ nguy hiểm mà phương Tây luôn muốn gìn giữ để tránh leo thang xung đột, và xa hơn là tránh làm mất ổn định chiến lược giữa Nga và phương Tây. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao các nước phương Tây điều chỉnh chiến lược trong bối cảnh hiện nay?
Giới phân tích chính trị-quân sự Nga cho rằng, bằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga, các nước phương Tây và Chính quyền Kiev muốn đạt được một số mục tiêu quân sự sau:
Một là, tấn công vào các tuyến phòng thủ ở các khu vực biên giới Nga, như các tỉnh Belgorod, Bryansk và Kursk, nơi mà Moscow được cho là đang tập trung một lực lượng đáng kể nhằm ghìm chân, thu hút lực lượng Kiev vào khu vực và chuẩn bị cho các hoạt động tấn công để đột phá sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine.
Hai là, tấn công các mục tiêu quân sự, hạ tầng cơ sở quan trọng nằm trong lãnh thổ Nga. Theo Mykola Bieleskov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Ukraine, cho biết: “Nga có thể sử dụng cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ của mình để tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine mà không gặp bất kỳ trở ngại nào”.
“Kết quả là có sự bất cân xứng rõ rệt. Thực tế này đã được nói đến từ lâu, nhưng cuộc tấn công của Nga ở khu vực Kharkov đã thể hiện rõ hơn điều này”, chuyên gia Bielieskov nhận định.
Do đó, việc không được phương Tây cho phép khiến Ukraine mắc kẹt trong việc sử dụng tên lửa và máy bay không người lái của chính nước này để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Chuyên gia Bieleskov tin rằng, nếu Ukraine được phép sử dụng tên lửa của phương Tây để tấn công các sân bay của Nga, nơi cách biên giới khoảng 50km, điều đó có thể cản trở đáng kể việc Moscow sử dụng bom đạn trên không.
Ba là, việc Ukraine tấn công vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga sẽ buộc quân đội Nga phải căng mình đối phó trên nhiều mặt trận; một mặt, gây ra những thiệt hại nặng nề cho Nga; mặt khác, tấn công vào các tuyến đường tiếp tế, hậu phương, qua đó cản trở bước tiến của quân đội Nga ở phía Đông Bắc Ukraine. Sau khi giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka vào tháng 2/2024, quân đội Nga đang có những bước tiến vững chắc để tấn công Kharkov.
Trang tin Izvestia dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga báo cáo về tình hình chiến sự Nga ngày 1/6 cho biết, quân đội Nga đồng loạt đạt được những bước tiến trên nhiều mặt trận. Các đơn vị của nhóm quân miền Bắc đã đánh bại các lữ đoàn thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) tại các khu định cư Neskuchenoye, Zhovtnevoe, Yurchenkovo, Liptsy, Kutuzovka và Shetakovo ở vùng Kharkov. Các đơn vị của Quân khu Tây đã đánh bại đội hình của Lữ đoàn Azov tại các khu định cư Novoegorovka, vùng Kharkov, Serebryanka và Grigorovka (Cộng hoà Nhân dân Donetsk tự xưng-DPR).
Ngoài ra, các đơn vị của Quân khu Nam đã cải thiện tình hình dọc chiến tuyến và đánh bại lực lượng vũ trang Ukraine tại các khu định cực Krivaya Luka, Zaliznyanskoye, Orekhovo-Vasilevka, Kalinino, Andreevka và Seversk (DPR). Còn các đơn vị của Quân khu Trung tâm đã đánh bại quân đội Ukraine trong các khu vực Karlovka, Evgenovka, Rozovka, Vozdzizhenka (DPR)...
Phản ứng của Nga trước động thái mới của NATO
Phản ứng trước những động thái mới của NATO, Tổng thống Nga Putin cảnh báo “sự leo thang liên tục này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev khẳng định, cuộc xung đột hiện tại của Nga với phương Tây đang phát triển theo “kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra” và đe doạ sẽ đáp trả bằng “lực lượng huỷ diệt”.
Những hành động quân sự sắp tới của Nga nhằm đáp trả các động thái mới của NATO sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của Mỹ và các đồng minh, nhất là khi chính quyền Tổng thống Nga Putin nhiều lần cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong trường hợp sự tồn vong của quốc gia bị đe doạ. Chắc chắn, phía Nga sẽ theo dõi sát sao động thái của phương Tây cũng như quân đội Ukraine trong việc sử dụng vũ khí được phương Tây viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga. Hệ thống phòng thủ trên toàn lãnh thổ Nga sẽ được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, và trong trường hợp xấu nhất không loại trừ khả năng Moscow sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng, kể cả là việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Giới chức phương Tây không bất ngờ trước những đe dọa hạt nhân của Tổng thống Putin. Kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát, ông nhiều lần đề cập đến khả năng leo thang hạt nhân như một phần trong nỗ lực đe dọa phương Tây và giảm dòng vũ khí chảy sang Ukraine. Nhiều nước phương Tây thận trọng, áp dụng chính sách quản lý leo thang, cân nhắc nguồn cung vũ khí cho Kiev sau những cảnh báo này. Ngày 21/5, Quân khu miền Nam của Nga đã triển khai giai đoạn đầu của cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật. Giai đoạn đầu này gồm các hoạt động diễn tập liên quan đến tên lửa Iskander và Kinzhal. Theo Nikolai Sokov, cựu quan chức kiểm soát vũ khí của Liên Xô, cho rằng, các cuộc tập trận cho thấy những cảnh báo của chính quyền Tổng thống Putin không phải là tuyên bố suông, và nó như là một tín hiệu nhằm đáp lại các động thái của phương Tây nhằm can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, quân đội Nga cũng có thể ra lệnh tấn công nhiều hơn vào các trung tâm hậu cần và kho chứa vũ khí của phương Tây nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng và làm tăng chi phí mà các nước phương Tây phải trả khi hỗ trợ Ukraine. Trong một tuyên bố ngày 1/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các vũ khí trên không và trên biển có độ chính xác cao của Nga đã được sử dụng để tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraine có liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng, cũng như các kho vũ khí của phương Tây ở Ukraine.
Hùng Anh
{name} - {time}
-
2024-11-24 11:40:00
“Lằn ranh đỏ” mong manh
-
2024-11-24 10:09:00
Tên lửa siêu thanh Oreshnik mà Nga bắn vào Ukraine mạnh cỡ nào?
-
2024-06-01 16:58:00
Cuộc tổng tuyển cử lớn nhất thế giới ở Ấn Độ: Đường dài hay sức ngựa
Trung Quốc củng cố ảnh hưởng, vị thế tại Trung Đông
Thương mại và du lịch là động lực chính thúc đẩy Thái Lan gia nhập BRICS
Mỹ nỗ lực làm suy giảm ảnh hưởng của Nga tại không gian hậu Xô viết
Những chủ đề sẽ làm nóng chương trình nghị sự tại Đối thoại Shangri-La 2024 sắp tới
Pháp và Đức kêu gọi tập trung hỗ trợ tăng trưởng cho EU
Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn: Khi các nước vẫn rất cần nhau
Hội nghị Thượng đỉnh ba bên - “Khởi đầu mới” trong quan hệ Trung-Hàn-Nhật
Cuộc tập trận Armenia - Mỹ: Mối đe dọa với Nga ở Caucasus
Sức ép lớn từ Nga, Mỹ thúc đẩy châu Âu tự chủ chiến lược