Cuộc tổng tuyển cử lớn nhất thế giới ở Ấn Độ: Đường dài hay sức ngựa
Cử tri bỏ phiếu trong giai đoạn 7 của cuộc tổng tuyển cử tại điểm bầu cử ở Jalandhar, Ấn Độ, ngày 1/6/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cuộc tổng tuyển cử lớn nhất thế giới ở Ấn Độ đã kết thúc sau khi trải qua 44 ngày cạnh tranh đầy kịch tính và vào những thời điểm đất nước chứng kiến nhiệt độ ở vùng thủ đô Delhi tăng cao kỷ lục trong hơn 100 năm.
Sức nóng như thiêu như đốt của mùa Hè tại khu vực Nam Á đã không thể làm nhụt ý chí giành chiến thắng của các ứng cử viên. Thời gian kéo dài của cuộc bầu cử lại là “phép thử” đối với sức bền của các chính đảng đơn lẻ cũng như liên minh các chính đảng cầm quyền và đối lập.
Tham gia tranh cử năm nay trên thực tế có hơn 750 chính đảng, trong đó có 6 đảng cấp quốc gia và hơn 70 đảng cấp bang. Mặc dù con số đảng phái là rất lớn, song ngày hội dân chủ lớn nhất thế giới này chủ yếu chứng kiến sự cạnh tranh giữa Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo và Liên minh Toàn diện phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) do đảng Quốc đại dẫn đầu.
Cùng song hành với 7 giai đoạn của cuộc tổng tuyển cử là các cuộc vận động tranh cử dồn dập ở khắp nơi trên Ấn Độ. Các cuộc vận động được tiến hành theo nhiều phương thức từ truyền thống tới hiện đại, từ độc lạ tới thân quen tùy theo “hầu bao” và chiến thuật của mỗi đảng, mỗi ứng cử viên.
Điều mới lạ không chỉ với Ấn Độ mà còn với cả thế giới là các ứng cử viên tranh cử vào Hạ viện năm nay đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Trong chiến dịch vận động tranh cử lần này, BJP đã sử dụng AI để tạo ra và chia sẻ một phiên bản Thủ tướng Modi trên ứng dụng WhatsApp, cho thấy khả năng tiếp cận siêu cá nhân hóa ở quốc gia có gần 1 tỷ cử tri.
Ngoài ra, các ứng cử viên khác cũng sử dụng hình đại diện AI của riêng mình để gửi thông điệp cá nhân tới những cử tri cụ thể. Các tin nhắn và video có thể được tạo tự động bằng bất kỳ ngôn ngữ nào trong số hàng chục ngôn ngữ đang được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ. Cách tiếp cận hiệu quả mà ít chi phí như trên có tiềm năng trở thành một công cụ thiết yếu trong các cuộc bầu cử sau này.
Bên cạnh phương thức vận động hiện đại, mới mẻ nêu trên, các ứng cử viên và các chính đảng ở Ấn Độ vẫn chủ yếu sử dụng các phương thức truyền thống, đó là diễu hành phô trương rầm rộ trên đường phố hoặc tổ chức các cuộc mít tinh quy mô lớn tại các chiến địa quan trọng hay các thành trì lâu đời.
Quả đúng như lời Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Ấn Độ (ECI) Rajiv Kumar khi ông gọi cuộc tổng tuyển cử là ngày hội lớn nhất của nền dân chủ Ấn Độ. Trong 1 tháng rưỡi vừa qua, người dân ở khắp 28 bang và 8 vùng lãnh thổ liên minh đã cùng hòa chung nhịp thở với nhịp trống Talba cổ động của các đoàn vận động tranh cử. Thanh âm trầm ấm mà vang vọng này đã len lỏi vào từng ngõ ngách để thúc giục người dân đi bỏ phiếu.
Trong cuộc tổng tuyển cử 5 năm một lần này, gần 970 triệu cử tri Ấn Độ đăng ký tham gia bỏ phiếu để bầu ra 543 thành viên Hạ viện (Lok Sabha) trong số 8.360 ứng cử viên. Số cử tri kể trên nhiều hơn cả tổng dân số của Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU). Để cuộc tổng tuyển cử diễn ra minh bạch trong suốt 6 tuần qua, ECI đã triển khai các quan sát viên tới giám sát tất cả các điểm bỏ phiếu.
Ngoài nguyên nhân diện tích lãnh thổ rộng lớn trải khắp 3,3 triệu km2 trên mọi loại địa hình, một trong những lý do khiến cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ phải chia làm nhiều giai đoạn là vì ECI không có đủ nhân lực để đồng loạt giám sát và đảm bảo an ninh cho toàn bộ hơn 1,15 triệu điểm bỏ phiếu trên cả nước trong một đợt. Theo đó, việc bỏ phiếu so le cho phép các nhân viên bầu cử, quan sát viên và nhân viên an ninh luân phiên di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác và đảm bảo không có sai phạm.
Cuộc bầu cử diễn ra vào đúng thời điểm nắng nóng nhất ở Ấn Độ đã buộc ECI phải huy động chính quyền địa phương thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm sức khỏe cho cử tri. Lều bạt, quạt điện, máy phun sương, nước uống, thiết bị chống sốc nhiệt... đã được huy động hết công suất tại những khu vực chịu ảnh hưởng nắng nóng cực đoan. Những cử tri cao tuổi và khuyết tật được tạo điều kiện bỏ phiếu tại nhà. Bên cạnh đó, ECI còn triển khai hàng nghìn nhân viên y tế mang theo thuốc và nước bù điện giải túc trực tại các điểm bỏ phiếu.
Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai gần 340.000 nhân viên an ninh thuộc lực lượng vũ trang trung ương phối hợp với cảnh sát địa phương để ngăn chặn bạo lực và tham gia hỗ trợ công tác bầu cử.
Trong một cuộc bầu cử theo từng giai đoạn như cuộc bầu cử hiện nay, ngày đầu tiên hay ngày cuối cùng của cuộc bỏ phiếu cũng trở thành những sự kiện lớn. Nhưng đối với nhiều người ở Ấn Độ, sự kiện được chờ đợi nhất là ngày công bố kết quả kiểm phiếu.
Kết quả cuối cùng của toàn bộ 7 giai đoạn cuộc bầu cử sẽ được công bố ngày 4/6 tới. Đảng riêng lẻ hoặc một liên minh cần ít nhất 272 ghế để giành quyền kiểm soát Hạ viện.
Giới chuyên gia đánh giá rằng sẽ có rất ít thay đổi về mặt chính trị khi đảng BJP của Thủ tướng Modi luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, mặc dù vẫn chưa chắc chắn về việc liệu đảng này có thể mở rộng đa số như ông Modi mong muốn hay không. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này, ông Modi sẽ là người thứ hai sau ông Jawaharlal Nehru giữ cương vị thủ tướng 3 nhiệm kỳ.
Lần này, NDA đặt mục tiêu giành được 400 ghế Hạ viện, trong đó riêng BJP là 370 ghế nhờ vào chính trị, phúc lợi, phát triển và kế hoạch Hindutva (Chủ nghĩa dân tộc Hindu).
Với số phiếu bầu này, BJP và NDA có quyền thay đổi Hiến pháp Ấn Độ. Đảng Quốc đại không đặt mục tiêu số ghế giành được trong Hạ viện lần này, song các cuộc thăm dò dư luận do India TV-CNX tiến hành mới đây cho thấy, đảng chỉ giành được 38 ghế so với 52 ghế của năm 2019 và 44 ghế của năm 2014.
Tuy nhiên, khi dự đoán về kết quả cuộc bầu cử, cả hai nhà phân tích chính trị hàng đầu ở Ấn Độ là Yogendra Yadav và Prashant Kishor đều đồng ý rằng BJP sẽ trở lại nắm quyền, nhưng không đạt được chiến thắng như mục tiêu đề ra mà chỉ nhỉnh hơn chút so với số ghế 303 của năm 2019. Bên cạnh đó hai chiến lược gia chính trị cũng dự đoán về sự hồi sinh của đảng Quốc đại khi cho rằng đảng này sẽ giành gấp đôi số ghế của năm 2019.
Ông Ian Bremmer, người sáng lập công ty tư vấn nghiên cứu và rủi ro Eurasia Group (Mỹ), đã ca ngợi tiến trình bầu cử ở Ấn Độ diễn ra "tự do, công bằng và minh bạch."
Cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu trong giai đoạn 7 của cuộc tổng tuyển cử tại điểm bầu cử ở Varanasi, Ấn Độ, ngày 1/6/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ông cho rằng Thủ tướng Modi "gần như chắc chắn sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba nhờ thành tích kinh tế khá mạnh mẽ và cải cách nhất quán... Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, có thể là vào năm tới và lớn thứ ba có thể là vào năm 2028. Chúng tôi cũng thấy Ấn Độ đang trở nên mạnh mẽ hơn trong việc xác định tình hữu nghị với phần còn lại của thế giới.”
Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan nhận định rằng Ấn Độ có thể sẽ duy trì quỹ đạo chính sách kinh tế hiện nay cho dù Thủ tướng Modi có giành được nhiệm kỳ thứ ba hay không, vì theo ông “có rất nhiều tính liên tục đã được xây dựng trong chính sách của Ấn Độ.”
Cho dù đảng nào giành chiến thắng thì một chính phủ mới sẽ được thành lập ở Ấn Độ để điều hành đất nước từ ngày 16/6 tới. Chính phủ mới này sẽ phải giải quyết những vấn đề về chênh lệch tăng trưởng kinh tế trên thực tế giữa thành phố với vùng nông thôn rộng lớn; lạm phát vượt mục tiêu do ngân hàng trung ương đề ra; nạn thất nghiệp; quan hệ đối ngoại; thuế; nông dân; cải cách đất đai, lao động.../.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-10 17:25:00
Thảm họa cháy rừng tại Los Angeles - hệ lụy của Biến đổi Khí hậu
-
2025-01-10 10:11:00
Khó khăn chồng chất
-
2024-06-01 15:40:00
Trung Quốc củng cố ảnh hưởng, vị thế tại Trung Đông
Thương mại và du lịch là động lực chính thúc đẩy Thái Lan gia nhập BRICS
Mỹ nỗ lực làm suy giảm ảnh hưởng của Nga tại không gian hậu Xô viết
Những chủ đề sẽ làm nóng chương trình nghị sự tại Đối thoại Shangri-La 2024 sắp tới
Pháp và Đức kêu gọi tập trung hỗ trợ tăng trưởng cho EU
Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn: Khi các nước vẫn rất cần nhau
Hội nghị Thượng đỉnh ba bên - “Khởi đầu mới” trong quan hệ Trung-Hàn-Nhật
Cuộc tập trận Armenia - Mỹ: Mối đe dọa với Nga ở Caucasus
Sức ép lớn từ Nga, Mỹ thúc đẩy châu Âu tự chủ chiến lược
Thấy gì từ những cam kết viện trợ quân sự khổng lồ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine?