Trung Quốc củng cố ảnh hưởng, vị thế tại Trung Đông
Từ ngày 28/5-1/6/2024, Diễn đàn Hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Ả-rập được tổ chức ở Thủ đô Bắc Kinh. Đây là cơ hội để Trung Quốc thúc đẩy hợp tác với các quốc gia Ả-rập, đồng thời củng cố ảnh hưởng, vị thế tại Trung Đông.
Tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cấp bách của khu vực
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước Ả-rập, dựa trên sự tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, sự lựa chọn độc lập của người dân các nước và tính đến thực tế khách quan do lịch sử, nhằm tìm kiếm một giải pháp công bằng cho những vấn đề cấp bách nhất, thúc đẩy hoà bình, ổn định lâu dài cho khu vực. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh và các quốc gia Ả-rập ủng hộ nguyên tắc đa cực bình đẳng và có trật tự, cũng như tạo ra mô hình hợp tác Nam-Nam trong quản trị toàn cầu.
Trước đây, Diễn đàn Hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Ả-rập chủ yếu là nền tảng để tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, năm 2022, khối lượng thương mại giữa Bắc Kinh và các nước Ả-rập đạt 398 tỷ USD, còn đầu tư trực tiếp giữa các bên là hơn 30 tỷ USD. Các nước Trung Đông là đối tác, nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc. Điển hình như Ả-rập Xê-út đã từng là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc vào tháng 4/2023.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza đang diễn biến phức tạp, khó lường, các vấn đề chính trị cũng được các bên ngày càng quan tâm. Tại sự kiện ở Bắc Kinh lần này, Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục thể hiện vai trò trong việc thúc đẩy giải pháp hòa bình xử lý khủng hoảng Israel-Palestine, đồng thời tìm cách chấm dứt xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza.
Phát biểu trước đại diện các nước Ả-rập, lãnh đạo Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh ủng hộ thành lập Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền dựa trên đường biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô; nhấn mạnh Palestine cần được trở thành thành viên đầy đủ tại Liên hợp quốc.
“Khi chiến tranh hoành hành và gây ra nỗi thống khổ, công lý không thể vắng mặt và giải pháp hai nhà nước không thể bị lung lay”, Chủ tịch Trung Quốc phát biểu.
Đáng chú ý, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc muốn thúc đẩy một hội nghị hòa bình quốc tế hiệu quả nhằm chấm dứt xung đột Israel-Hamas. Bắc Kinh cũng cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người Palestine và như tái thiết Dải Gaza hậu xung đột.
Vị thế, ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Trung Đông
Thời gian gần đây, Trung Quốc bắt đầu đóng một vai trò chính trị ngày càng quan trọng ở Trung Đông. Vào cuối năm 2022, Bắc Kinh và Riyadh đã trở thành đối tác chiến lược và tháng 4/2023, dưới vai trò trung gian của Trung Quốc, quan hệ ngoại giao giữa hai đối thủ chính tưởng chừng như không thể hoà giải trong khu vực là Iran và Ả-rập Xê-út đã được khôi phục.
Izvestia dẫn lời nhận định của nhà phương Đông học Andrei Ontikov cho rằng, Mỹ đang đặc biệt quan tâm tới những diễn biến chính trị tại Trung Đông bởi lẽ nguy cơ Mỹ bị Trung Quốc đẩy ra khỏi khu vực này là hoàn toàn có thể xảy ra. Iran và Ả-rập Xê-út đã chọn Trung Quốc làm trung gian hòa giải bởi họ tin rằng họ sẽ được hưởng lợi. Hơn nữa, sự lựa chọn này cũng là dấu hiệu cho thấy các nỗ lực thực hiện chính sách đối ngoại đa chiều của cả Tehran và Riyadh.
Đối với Iran, Tehran hoan nghênh vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông vì giúp làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực cũng như chế độ trừng phạt do Mỹ lãnh đạo đã làm tê liệt nền kinh tế đất nước này. Hơn nữa, Iran hiểu rằng, mối quan hệ tốt hơn với các quốc gia Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) sẽ giúp giảm bớt mối đe dọa cho họ từ Hiệp định Abraham (do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian vào năm 2020), nhất là sau các cuộc đàm phán hạt nhân thất bại gần đây với Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng như tình trạng bất an từ các cuộc biểu tình chính trị trong nước, sự hiện diện ngày càng tăng của Israel ở Azerbaijan và Iraq, hay xu hướng đối đầu nguy hiểm giữa Iran-Israel.
Đối với Ả-rập Xê-út, thỏa thuận hòa giải do Bắc Kinh làm trung gian sẽ giúp Riyadh giảm bớt nỗi ám ảnh về khả năng phòng thủ, từ đó giúp họ có thêm thời gian củng cố an ninh và đa dạng hoá các lựa chọn chiến lược. Mục tiêu đầy tham vọng của Ả-rập Xê-út là trở thành một nền kinh tế công nghiệp tiên tiến, trung tâm văn hóa và du lịch vào năm 2030. Để hiện thực hoá tham vọng đó, nước này không thể bỏ qua một đối tác lớn, tiềm năng như Trung Quốc.
Còn theo nhà chính trị học Danila Krylov đánh giá, Trung Quốc coi những mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với khu vực như một phương tiện để mở rộng ảnh hưởng chính trị ở Trung Đông. Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong hai thập niên qua, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Trung Đông tăng gấp 10 lần. Mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc là dầu mỏ khi nhập hơn 1/3 tổng lượng dầu thô từ các nước thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, trong số đó, nhiều nhất là từ Ả-rập Xê-út.
Bên cạnh đó, Trung Quốc luôn coi Trung Đông là khu vực trọng điểm để thúc đẩy chiến lược Vành đai, con đường (BRI). Kể từ khi triển khai BRI, Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 123 tỷ USD vào Trung Đông. Trong 2 năm 2020 và 2021, đầu tư của Trung Quốc vào các nước Ả-rập và Trung Đông đã tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc (360%), trong khi hoạt động xây dựng cũng tăng 116%. Xét về tỷ trọng, các nước châu Phi và Trung Đông đã tiếp nhận tới 38% tổng vốn đầu tư BRI của Trung Quốc trong năm 2021, so với 8% của năm 2020. Nhìn một cách tổng thể, 21 quốc gia Ả-rập đã trở thành một phần của BRI, và các nước này cũng đang dần cảm nhận được lợi ích từ việc tham gia BRI của Trung Quốc khi nhận được những gói đầu tư hậu hĩnh từ Bắc Kinh.
Rõ ràng, Trung Quốc đang ngày càng gây dựng được vai trò, ảnh hưởng tại Trung Đông. Không chỉ là đối tác thương mại - đầu tư hàng đầu tại khu vực, Trung Quốc còn tham gia sâu rộng hơn vào nhiền vấn đề chính trị phức tạp tại khu vực, điển hình là vai trò trung gian hoà giải những bất đồng, xung đột giữa Iran và Ả-rập Xê-út kéo dài hàng thập kỷ. Với Mỹ, đây là kịch bản hoàn toàn bất lợi bởi từ nhiều năm qua Mỹ vẫn được coi là đối tác an ninh chính của các nước Ả-rập vùng Vịnh. Thời gian tới, Trung Đông sẽ là địa bàn chứng kiện sự cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa hai siêu cường Mỹ-Trung.
Hùng Anh
{name} - {time}
-
2025-01-10 17:25:00
Thảm họa cháy rừng tại Los Angeles - hệ lụy của Biến đổi Khí hậu
-
2025-01-10 10:11:00
Khó khăn chồng chất
-
2024-05-30 16:58:00
Thương mại và du lịch là động lực chính thúc đẩy Thái Lan gia nhập BRICS
Mỹ nỗ lực làm suy giảm ảnh hưởng của Nga tại không gian hậu Xô viết
Những chủ đề sẽ làm nóng chương trình nghị sự tại Đối thoại Shangri-La 2024 sắp tới
Pháp và Đức kêu gọi tập trung hỗ trợ tăng trưởng cho EU
Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn: Khi các nước vẫn rất cần nhau
Hội nghị Thượng đỉnh ba bên - “Khởi đầu mới” trong quan hệ Trung-Hàn-Nhật
Cuộc tập trận Armenia - Mỹ: Mối đe dọa với Nga ở Caucasus
Sức ép lớn từ Nga, Mỹ thúc đẩy châu Âu tự chủ chiến lược
Thấy gì từ những cam kết viện trợ quân sự khổng lồ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine?
Nhận định về khả năng NATO đối đầu trực diện với Nga ở Ukraine