(Baothanhhoa.vn) - Nằm bên tả ngạn sông Chu, An Lạc Châu được biết đến là tên gọi cổ xưa của làng Yên Lược (xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân). Vùng đất cổ trù mật, từng một thuở tấp nập trên bến dưới thuyền. Nơi đây, còn nằm trong “không gian” của kinh đô kháng chiến Yên Trường - Vạn Lại của nhà Lê Trung hưng xưa kia.

Trên đất An Lạc Châu

Nằm bên tả ngạn sông Chu, An Lạc Châu được biết đến là tên gọi cổ xưa của làng Yên Lược (xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân). Vùng đất cổ trù mật, từng một thuở tấp nập trên bến dưới thuyền. Nơi đây, còn nằm trong “không gian” của kinh đô kháng chiến Yên Trường - Vạn Lại của nhà Lê Trung hưng xưa kia.

Trên đất An Lạc ChâuĐình làng Yên Lược là nơi thờ Thành hoàng làng Lương Công Đoán - người có công lập nên vùng đất An Lạc Châu. Ảnh: Khánh Lộc

Nhờ quá trình bồi đắp phù sa của sông Chu đã biến vùng đất An Lạc Châu trở nên màu mỡ. Lần theo những tài liệu còn lưu giữ và thần phả lưu truyền, người Yên Lược hôm nay tin rằng, từ cả nghìn năm về trước, nơi đây đã có con người đến cư ngụ và lập làng. Và thuở xa xưa ấy, làng có tên An Lạc Châu.

Sách Lịch sử xã Thọ Minh (nay xã Thọ Minh sáp nhập với xã Xuân Châu, thành Thuận Minh) dẫn theo một số nguồn tài liệu, đã viết: “An Lạc Châu là tên cổ của làng Yên Lược, nay là xã Thọ Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa... Trong khúc quanh co của lịch sử đã có gần nửa thế kỷ vua Lê, chúa Trịnh rời bỏ Đông Kinh về đây lo việc Trung hưng. Cơ nghiệp nhà Lê được gây dựng lại cũng bắt đầu từ nơi đây. Những ngày ấy, Yên Trường, Vạn Lại là “thủ đô kháng chiến”, hai dinh ở cách nhau vài dặm đường. Muốn đi từ Vạn Lại đến Yên Trường hoặc ngược lại phải qua An Lạc Châu”.

Cũng bởi được bồi đắp phù sa sông, xung quanh lại có núi đồi bao quanh, tạo cho Yên Lược có thổ nhưỡng thật đặc biệt. Có lẽ bởi thế, mà cùng với làng Sánh (Thọ Lập) đã tạo nên “thương hiệu” của giống chè xanh Sánh Lược ngon nức tiếng. Chè xanh Sánh Lược không chỉ được sử dụng tại địa phương mà còn trở thành hàng hóa bày bán tại chợ Lược (Yên Lược) được nhiều khách phương xa tìm mua khi về với vùng đất này. “Chợ Lược họp mỗi ngày vào buổi sáng... các mặt hàng chủ yếu là thóc, gạo, tôm cá, rau quả, chè xanh... Ở đây có giống chè Lược lá nhỏ mà dầy, uống ngọt và thơm được xếp vào loại đặc sản hàng chè xanh trong tỉnh. Nhiều người buôn vặt đã đến chợ Lược mua cất loại chè xanh này để bán lẻ ở các chợ khác rất ăn khách” (sách Địa chí huyện Thọ Xuân).

Là một làng Việt cổ, đến thời Lý nơi đây đã là vùng đất đai trù mật. Thần tích làng Yên Lược kể lại: Vào thời Lý, có gia đình họ Lương ở ngoài Hải Dương hiếm muộn con cái. Sau những mong mỏi, người vợ cuối cùng cũng hoài thai sinh ra một bé trai. Qua thời gian, cậu bé lớn lên mỗi ngày thêm khôi ngô tuấn tú, học hành thông minh sáng láng, khi nằm ngủ thường theo hình thanh gươm, dân làng đều cho rằng đó là quý tướng. Chẳng may không bao lâu sau đó, cha mẹ cậu bé qua đời. Vì căm ghét kẻ phú hào trong làng ức hiếp dân lành, cậu bé họ Lương bỏ quê hương vào đất Ái Châu (Thanh Hóa), theo dòng Lương Giang (sông Chu) đến vùng đất đồi núi xanh thẳm, phong cảnh hữu tình, chim chóc làm tổ hoan ca. Thương cậu bé còn nhỏ mà phải tha hương, có đôi vợ chồng họ Lê tại đây đã nhận làm con nuôi, dựng nhà cho ở, cho ăn học nên người.

Vốn thông minh trời phú, chàng trai học đâu hiểu đó, văn võ toàn tài, được người dân trong vùng yêu mến. Khi chàng trai vừa tròn 18 tuổi, phía Nam đất nước có giặc Ai Lao quấy phá, vua Lý xuống chiếu tuyển chọn người tài giúp nước, giúp vua. Chàng trai họ Lương dẫn theo trai tráng trong vùng theo vua Lý đi dẹp giặc. Thắng trận trở về, vua Lý phong ông làm Đô hộ phủ Đại tướng quân và hứa gả công chúa. Tuy nhiên, không tham lam quyền quý, ông chỉ xin vua Lý được trở về với gia đình họ Lê ở cạnh Lương Giang, tiếp tục khai hoang lập ấp và được vua Lý ban cho tên gọi An Lạc Châu.

Về sau, khi có giặc Chiêm Thanh quấy phá, chàng trai họ Lương lại theo quân vua Lý đi đánh giặc. Nhưng cũng như trước đó, sau khi thắng trận, ông lại trở về đất An Lạc Châu sống cuộc đời bình thản. Tuy nhiên, vào một ngày trời bỗng đổ mưa lớn, vị tướng họ Lương ở đất An Lạc Châu không bệnh mà qua đời. Tin truyền đến tai vua Lý, thương xót vị tướng tài, nhà vua liền cho dựng đền thờ và giao cho dân làng thờ phụng. Và vị tướng anh dũng khi xưa chính là Lương Công Đoán - người có công lập làng, đặt nền móng cho sự phát triển của đất An Lạc Châu về sau. Vì thế, cùng với lập dựng đền thờ, tướng quân Lương Công Đoán được dân làng suy tôn Thành hoàng, thờ ở đình làng Yên Lược.

Ngày nay, tại đình làng Yên Lược hiện vẫn còn các đạo sắc phong thời Lê, Nguyễn và cuốn thần phả chữ Hán, cùng hai câu đối cổ được lưu truyền. Trong đó, nội dung hai câu đối ngợi ca vùng đất An Lạc Châu “địa linh nhân kiệt”, cảnh sắc diễm tình: “Địa linh nhân kiệt An Lạc xứ/ Thiên tích lưu danh vọng sử xanh” và “Hồ thủy tiền triều An Lạc cảnh/ Tiên cung hậu miếu tối linh thần”.

Ông Lữ Văn Chưởng, công chức văn hóa - xã hội xã Thuận Minh, cho biết: “Đình làng Yên Lược mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn, không cầu kỳ bởi các mảng chạm khắc mà thiên về sự khỏe khoắn, chắc chắn, gồm 5 gian và hậu cung phía sau. Từng có một thời gian dài, đình làng Yên Lược được sử dụng làm lớp học, kho của HTX... vì thế mà không tránh khỏi sự xuống cấp, hư hỏng. Năm 2017, được sự chung tay xã hội hóa đóng góp của dân làng và con em xa quê, trên nền móng cũ và hệ thống chân tảng đá, đình làng Yên Lược được tôn tạo khang trang”.

Ghé thăm đình làng Yên Lược, gặp bà Nguyễn Thị Mơ, người dân địa phương trông coi đình làng, bà chia sẻ: “Mẹ tôi suốt nhiều năm trông coi, quét dọn đình làng, sau khi bà mất, tôi tiếp tục thay mẹ làm công việc này. Mỗi năm hai lần vào tháng 2 và tháng 10 (âm lịch), tại đình làng Yên Lược lại rộn ràng lễ hội truyền thống”.

“Làng Yên Lược có đủ yếu tố của một làng cổ... có đình, có chùa, có đền, có cây đa, giếng nước, sân đình, có cây lộc vừng cổ thụ... Khi nhà Lý đắp đê dọc các triền sông Chu thì An Lạc Châu là một ấp trù phú trên bến dưới thuyền, là đầu mối giao thông thủy bộ nối liền giữa đồng bằng và miền núi. Đất đai màu mỡ... đất lành chim đậu, người từ nơi khác kéo về lập nghiệp ngày một đông” (sách Lịch sử xã Thọ Minh).

Đi qua thời gian, từ An Lạc Châu cổ xưa đến Yên Lược hôm nay đã trải qua nhiều biến thiên, thay đổi. Dẫu vậy, về thăm vùng đất cổ, trong “khe khẽ” nước sông Chu thổi vào, trong thì thầm chuyện kể về vị Thành hoàng làng và trong sự phát triển của làng quê nông thôn, ta vẫn cảm nhận được mạch nguồn của vùng đất cổ vẫn đang âm thầm chảy bao đời.

Khánh Lộc

(Bài viết sử dụng một số tư liệu trong sách Lịch sử xã Thọ Minh và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]